Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Phạm Duy và tình yêu quê hương, đất nước

Huỳnh Duy Lộc




Nhạc sĩ Phạm Duy đã chia sẻ về tâm tình của ông và bối cảnh trong đó ông đã viết “Tình hoài hương” và “Tình ca”, 2 ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước nổi tiếng nhất của ông: “Gần hai năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ tại Sàigòn, rồi đi hát chỗ gần chỗ xa… Khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài “Tình hoài hương” (1952). Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lià. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam 2 năm sau đó. Rồi khi một triệu người khác, trong một thời gian khác, nghĩa là sau ngày lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, phải vượt trời, vượt biển ra khỏi bán đảo chữ S thì bài “Tình hoài hương” của 20 năm trước lại trở thành một bài hát rất hợp tình, hợp cảnh… Bài hát nói tới sự nhớ thương con sông đào xinh xắn, nhớ phiên chợ chiều xa tắp, nhớ vòm tre non và làn khói ấm hương thôn nơi đó, trong mảnh đời thơ ngây của tôi, có con trâu lành nằm mộng bên đàn em bé, có mẹ già yêu dấu ngồi nghe tiếng sáo chơi vơi... Chao ôi là nhớ nhung!
Từ ngày vào Nam cho tới nay, tôi chỉ có Lê Thương là bạn thân thiết. Bây giờ ngoài nhạc sĩ họ Lê, tôi có thêm Nguyễn Đức Quỳnh. Suốt trong hai năm 1953-1954, tôi và anh Quỳnh gặp nhau hàng ngày. Là nhà văn, nhà báo, cùng với Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Đức Quỳnh được mời viết báo Đời Mới của Trần Văn Ân. Đó là tờ báo nổi tiếng nhất của miền Nam thời đó. Là người bạn mới của tờ Đời Mới, được anh em trong tòa soạn phỏng vấn, tôi tuyên bố: sau khi nói lên vinh quang và nhọc nhằn của dân tộc qua những bài ca kháng chiến, bây giờ tôi đi vào tình tự quê hương. Bàn thảo với Nguyễn Đức Quỳnh có loạt bài “Người Việt đáng yêu”, “:Đất Việt đáng yêu”, “Tiếng Việt đáng yêu” đăng trên báo Đời Mới và sau khi cho ra mắt “Tình hoài hương”, tôi có ngay bài “Tình ca” xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam đăng trong số Tết 1953 của báo này. Mùa xuân năm đó, trong gian phòng 4 m2 ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con là Phạm Duy Minh mới ra đời, vừa hát:
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời...”
Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản “Tình ca” này. Định mệnh khiến cho tôi, một ca nhân tầm thường, qua một bản tình ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng, kháng chiến… Bài “Tình ca” được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương, đất nước nhưng cũng nói tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc… “ (Hồi ký Phạm Duy, tập 3)


.                                                                            Tình Hoài Hương - Thái Thanh                                                      

Lời của ca khúc “Tình hoài hương”:

“Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê.
Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!
Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười ơ ơ ớ!
Ai về mua lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ ờ!
Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi
Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi.
Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc màu!
Tình hoài hương
Khói lam vương tâm hồn chìm xuống
Chiều say hương
Sống vui trong mối tình muôn đường.
Tình ngàn phương
Biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương! Yêu quê hương ...”


.                                                                                        Tình Ca - Thái Thanh
Lời của ca khúc “Tình ca”:
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời.
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi.
Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai.
Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói thật thà có duyên.
Tôi yêu đất nước tôi nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành.
Đất nước tôi! Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi.
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong.
Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau.
Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai màu.
Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi
Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai.
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày xuân tôi hát nên bài tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đóa hoa...”
Huỳnh Duy Lộc 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét