Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Franz Schubert và Ave Maria


Franz Peter Schubert sinh vào tháng giêng năm 1797 tại thành phố Himmelpfortgrund của Áo, là con trai thứ tư của một thầy giáo, từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc, biết chơi đàn piano, violon, organ và còn có giọng hát hay. Cha anh và anh trai lớn của anh đã dạy nhạc cho từ thời niên thiếu và sau đó anh được nhận vào học ở trường Stadtkonvikt chuyên đào tạo những thiếu niên hát trong các dàn hợp xướng của nhà nguyện của Hoàng gia Áo. Trong số các thầy dạy nhạc của anh ở trường Stadtkonvikt, có Wenzel Ruzicka, nhạc sĩ đàn organ trong cung đình, và nhà soạn nhạc Antonio Salieri, người sau này sẽ không tiếc lời ca ngợi anh như một thiên tài âm nhạc. Schubert đàn violon trong dàn nhạc của sinh viên trường Stadtkonvikt và thường thay nhạc sĩ Ruzicka điều khiển dàn nhạc mỗi khi ông vắng mặt. Thế nhưng năm 1812, anh bị vỡ giọng nên phải ra khỏi dàn hợp xướng và phải ngưng học ở trường Stadtkonvikt. Anh học thêm về nhạc với nhạc sĩ Antonio Salieri trong 3 năm nữa rồi nghe theo lời cha mẹ, vào học một trường sư phạm ở Vienne rồi làm trợ giáo cho cha anh. Suốt 4 năm sau đó, anh làm thầy giáo, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác nhạc. Từ năm 1813 tới năm 1815, anh sáng tác khá nhiều bản nhạc, từ những bản nhạc cho đàn piano, những bản nhạc cho tứ tấu đến một bản giao hưởng và một vở nhạc kịch 3 màn. Năm 1815, anh đã sáng tác thêm 2 bản giao hưởng và 2 bản Lied đầu tiên mang tên "Gretchen am Spinnrade" và "Erlkönig”. Anh say mê thơ của những nhà thơ lớn của thời đại như Johann Wolfgang von Goethe và dành nhiều thời gian để phổ nhạc những bài thơ.

(Wikimedia Commons image)
Năm 1818, anh bỏ dạy học để dành hết thời gian cho âm nhạc và động lực thôi thúc anh dũng cảm từ bỏ công việc ổn định ở trường học là sự thành công của bản nhạc "Italian Overture âm Do trưởng" của anh ra mắt công chúng vào ngày 1 tháng 3 năm 1818 ở Vienne. Thời gian rời bỏ trường học cũng là thời kỳ rất sung sức trong hoạt động sáng tác của anh: mùa hè năm 1818 ấy, anh viết những bản nhạc cho song tấu đàn piano như “Biến tấu trên một bài hát của Pháp cung Mi thứ” và “Sonate cung La giáng trưởng”. Anh trở lại Vienne, viết vở nhạc kịch ngắn "Die Zwillingsbrüder” (Anh em song sinh) rất thành công khi được trình diễn vào tháng 6 năm 1820. Tháng 6 năm 1820, anh lại thành công khi soạn nhạc cho vở nhạc kịch "Die Zauberharfe" (Cây đàn harp thần kỳ). Các vở diễn thành công này và những bản nhạc khác của anh được tán thưởng nhiệt liệt đã làm cho mọi người biết đến tên tuổi của anh. Tuy nhiên thành công trong hoạt động âm nhạc không giúp cho anh thoát ra khỏi cảnh nghèo khó.
Năm 1820, hai nhà hát Karthnerthof Theatre và Theatre-an-der-Wein thuê anh viết 2 vở nhạc kịch, nhưng không có vở nào thành công về doanh thu. Các nhà xuất bản âm nhạc cũng ngại đầu tư vào một nhạc sĩ còn quá trẻ - chỉ mới 23 tuổi -và lại có những sáng tác âm nhạc không theo lối truyền thống như anh.
Cuộc đời anh thay đổi hoàn toàn từ năm 1821 khi anh sáng tác nhạc theo đơn đặt hàng. Tiền bạc vào tay anh càng lúc càng nhiều khi những ca khúc và những bản valse do anh sáng tác càng lúc càng được mọi người yêu chuộng ở thành Vienne. Các gia đình quyền quý ở Vienne đều mời nhạc sĩ Schubert tuổi trẻ tài cao đến dự những buổi tiệc, nhưng chỉ một năm sau, anh lại rơi vào tình trạng túng thiếu và bị bạn bè xa lánh. Giai đoạn này càng đen tối hơn khi anh bắt đầu lâm bệnh – căn bệnh mà các nhà nghiên cứu cho là bệnh giang mai. Thế nhưng những khó khăn trong cuộc sống không cản trở năng lực sáng tạo của anh: anh viết nhiều bản nhạc có giá trị như "Wanderer Fantasy" (Ngẫu hứng của kẻ lang thang) cho đàn piano, “Bản giao hưởng số 8” và những ca khúc trong chùm ca khúc "Die Schöne Müllerin", "Die Verschworenen" và vở nhạc kịch "Fierrabras”. Điều không may là những sáng tác âm nhạc có giá trị này lại không giúp anh thoát ra khỏi tình trạng túng thiếu và có một thời gian, anh phải trở lại với công việc dạy học. Anh vẫn tiếp tục sáng tác những bản nhạc mới như "Piano Sonata âm Do trưởng" và "Divertissmement theo kiểu Hungary”. Năm 1826, anh xin làm hiệu phó trường Stadtkonvikt và ai cũng ngỡ với tài năng như thế, anh sẽ được bổ nhiệm làm hiệu phó, nhưng rốt cuộc anh không được chọn. Vận may đã đến với anh một lần cuối cùng: các bản nhạc của anh lại được công chúng ở Vienne yêu thích và 4 nhà xuất bản âm nhạc ký hợp đồng để xuất bản những tác phẩm âm nhạc của anh. Anh viết thêm những bản nhạc như “Tứ tấu cho đàn dây âm Sol trưởng" và ”bản sonate cho đàn piano âm Sol trưởng” và sau cái chết của nhạc sĩ Ludwig Van Beethoven, anh viết 12 ca khúc "Winterreise” và “Bản sonate cho đàn piano âm Sol trưởng”. Năm 1828, năm cuối cùng của đời anh, cũng là một năm sung sức trong hoạt động sáng tác: anh viết bản song tấu cho piano xuất sắc nhất của anh là "Fantasy cung Fa thứ” , “Bản giao hưởng hoành tráng”, bản cantata "Mirjam's Siegesgesang" và 3 bản sonate cho đàn piano cuối cùng.
Chương trình biểu diễn lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của anh diễn ra vào ngày 26 tháng 3 năm 1828 rất thành công, giúp cho anh có đủ tiền để sắm cho mình một cây đàn piano. Nhưng cuộc sống lao lực và căng thẳng trong những năm nghèo khó đã làm cho anh bị kiệt sức và sau khi chuyển về sống với một người em trai, anh từ trần ngày 19 tháng 11 năm 1828 ở Vienne.


Schubert đã sáng tác hơn 600 ca khúc nên người đương thời thường nói rằng "anh chạm vào cái gì là cái ấy biến thành ca khúc". Năm 1825, trong một chuyến nghỉ mát ở vùng Thượng Áo (Upper Austria), Schubert đã phổ nhạc bản dịch ra tiếng Đức một đoạn thơ trích từ bài thơ “The Lady of the Lake” của nhà văn Anh Walter Scott. Ca khúc phổ thơ của anh, đặt tên là “Ellens dritter Gesang” (Khúc hát thứ ba của Ellen), là một lời nguyện cầu dâng lên Đức Mẹ của một cô gái đang cùng cha lánh nạn:
Ave Maria, Thánh nữ dịu hiền
Bà hãy lắng nghe lời khẩn cầu của một trinh nữ
Từ tảng đá im lìm và hoang dã này
Lời khẩn cầu của con vang đến tai bà
Chúng con sẽ ngủ yên đến sáng mai
Dù có những người đàn ông thật tàn ác
Hỡi Thánh nữ, xin hãy nhìn nỗi muộn phiền của một trinh nữ
Xin Mẹ hãy nghe lời khẩn cầu thiết tha của một đứa trẻ
Ave Maria Vô nhiễm
Khi chúng con ngồi xuống trên tảng đá này
Đến khi chợp mắt, sự che chở của Bà sẽ bao trùm
Tảng đá cứng rắn sẽ trở thành nơi nghỉ ngơi êm ái
Bà mỉm cười, những đóa hồng nổi lên
Từ hốc đá tối tăm này
Xin Mẹ hãy lắng nghe lời cầu khẩn của một đứa trẻ
Hỡi Thánh nữ, hãy lắng nghe tiếng kêu của một cô gái trẻ
Ave Maria, Thánh nữ Đồng trinh
Quỷ dữ của mặt đất và không trung
Bị xua đuổi bởi ánh mắt của Bà
Chúng không thể ở cạnh chúng con
Chúng con có thể yên lòng vâng mệnh
Nơi có sự an ủi thiêng liêng của Bà
Nàng trinh nữ là con muốn kính cẩn tôn vinh Bà
Đứa con muốn cầu xin cho cha
Ave Maria.
Trong một bức thư gởi cho cha và mẹ kế, Schubert đã khoe: “Những ca khúc mới của con phổ từ bài thơ ‘The Lady of the Lake’ của Walter Scott rất thành công và ai cũng ngạc nhiên trước lòng sùng tín của con được thể hiện qua lời ngợi ca Đức Mẹ, một lời ngợi ca chạm vào mọi tâm hồn và khơi dậy lòng sùng tín”.
Lời cầu khẩn và ngợi ca Đức Mẹ của cô gái trẻ trong ca khúc "Khúc hát thứ ba của Ellen" của Schubert đã mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe nên về sau người Công giáo đã đặt thêm lời tiếng La tinh (lời kinh Kính Mừng) để hát trong các thánh đường và gọi ca khúc này bằng cái tên mới là “Ave Maria”.
Lời ngợi ca Đức Mẹ trong ca khúc "Ave Maria" đã "chạm vào mọi tâm hồn" như lời Schubert vì đó là lời ngợi ca của những kẻ tội lỗi và những người đã chịu nhiều đau khổ ở trần gian luôn ngưỡng vọng Đức Mẹ hiền từ và thiêng liêng có thể xóa sạch mọi tội lỗi và chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn. Từ chốn trần gian tối tăm, lời ngợi ca Đức Mẹ thiêng liêng cất lên:
Kính mừng Mẹ Maria
Đầy ơn phúc
Mẹ Maria đầy ơn phúc
Thiên Chúa ở cùng Bà
Thiên Chúa ban ơn phúc cho Bà giữa muôn ngàn phụ nữ
Ban ơn phúc cho người con sinh ra từ Bà
Là Chúa Giêsu
Kính mừng Mẹ Maria
Xin hãy cầu nguyện cho chúng con, những kẻ tội lỗi
Xin hãy cầu nguyện cho chúng con
Giờ đây và trong giờ phút lâm tử
Trong giờ phút lâm tử
Kính mừng Mẹ Maria.


Ca khúc "Ave Maria" với giọng ca José Carreras:

Ca khúc "Ave Maria" với giọng ca Sissel: 

Ave Maria lời Việt Nguyễn Văn Đông do cô Thái Thanh trình bày 

Huỳnh Duy Lộc