Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY - Hoàng Thanh Tâm
“Trả Lại Thoáng Mây Bay” cũng là một trong những nhạc phẩm được khán thính giả yêu thích nhất trong số những sáng tác của tôi. Nhạc phẩm này đã được rất nhiều ca sĩ thâu âm và trình bày trong những CD khác nhau trong 3 thập niên qua, nhưng theo nhận xét chủ quan của tôi thì version của Khánh Hà, Lệ Thu và Quỳnh Lan là được yêu thích nhiều hơn cả ….
(Lời tác giả)
Đây là sáng tác đầu tay của ông trong 3 năm ở Bruxelles, BỈ. Hoàng Thanh Tâm đã viết rất nhiều ca khúc về những nỗi nhớ thương quê nhà, cho những cuộc tình dang dở của ông, và nỗi cô đơn buồn tủi trên xứ người .
Nước mắt nào nhỏ xuống lấp môi khô
Những đêm khuya khi tình về réo gọi
Những chiều thu mưa bay từng hạt nhỏ
Giọt mưa sầu rơi rụng vào tim anh
Trả Lại Thoáng Mây Bay - Lệ Thu https://www.youtube.com/watch?v=6PuANyc8aIA


TƯỞNG NHỚ:
NS Hoàng Nguyên (1932-1973)
Là một nhạc sĩ tên tuổi, tác giả các ca khúc nổi danh như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ.
Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh 3 tháng 1 1932 tại Quảng Trị. Lúc nhỏ theo học trường Quốc học Huế. Đầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên có tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố.
Lên ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu số 4 Đà Lạt, do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm Hiệu trưởng. Thầy giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp đệ lục. Trong ở đó, ông là thầy giáo dạy nhạc cho Nguyễn Ánh 9, người sau này trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời là nhạc công chơi đàn dương cầm.
Năm 1956, trong một đợt lùng bắt ở Đà Lạt, do trong nhà có cả bản Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, Hoàng Nguyên bị bắt và đày ra Côn Đảo khoảng năm 1957.
"... Ở Côn Sơn, thiên tình sử của người nghệ sĩ Hoàng Nguyên mở đầu với cảnh tình éo le và tan tác. Là một tài hoa đa dạng, người tù Hoàng Nguyên được vị Chỉ Huy Trưởng đảo Côn Sơn mến chuộng nên đã đưa chàng ta về tư thất dạy Nhạc và Việt văn cho ái nữ ông, tên H. năm đó khoảng 19 tuổi... Mối tình hai người nhóm lên vũ bảo. Trăng ngàn sóng biển đã là môi trường cho tình yêu ngang trái nầy nẩy nở.
Chợt khi người con gái của Chúa Đảo mang thai. Mối tình hai nhịp so le bị phát giác. Để giữ thể thống cho gia đình. Vị Chúa Đảo giữ kín chuyện nầy và chỉ bảo riêng với người gây ra tai họa là nhạc sĩ Hoàng Nguyên: ông ta đòi hỏi Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện lứa đôi của hai người với điều kiện vận động cho người nhạc sĩ được trả tự do..." (Lâm Tường Dũ - Tình Sử Nhạc Khúc).
Hoàng Nguyên được trả tự do, trở về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian theo học đại học, Hoàng Nguyên có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi. Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn. Trước đó Hoàng Nguyên có ý định quay lại với cô gái ở Côn Sơn, nhưng cô đã đi lấy chồng. Ca khúc Thuở ấy yêu nhau ra đời trong khoảng thời gian đó.
Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau đó chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng và được giao quản lý ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt. Hương Thời Gian xuất hiện trên truyền thanh và truyền hình Sài Gòn đã thu hút khá đông khán thính giả.
Ngày 21 tháng 8 năm 1973 ở Vũng Tàu, Hoàng Nguyên mất do một tai nạn xe hơi.
Tác phẩm tiêu biểu: Ai lên xứ hoa đào, Tà áo tím, Cho người tình lỡ, Bài thơ hoa đào, Bài tango cho riêng em, Tôi sẽ về thăm em, Đường nào lên thiên thai, Lá rụng ven sông, Em chờ anh trở lại

CHO NGƯỜI TÌNH LỠ - nhạc HOÀNG NGUYÊN - ca sĩ LỆ THU 
https://www.youtube.com/watch?v=ByRxed9NaPU

KHÚC THỤY DU - DU TỬ LÊ

Về Bài Thơ Khúc Thụy Du,
Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn cũng khởi đầu.
Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải toả khu Ngã tư Bảy Hiền.
Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục TLC ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS.
Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.
Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải toả khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….
Trên đường về, cái khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…
Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký toà soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.
Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Saigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại - - Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.
Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng.
Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…
Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi.
Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!
Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 nửa bài thơ.
Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)
Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thở của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ - bày quả rỉa xác người - (của tươi đời nhượng lại) - bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân…
Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?
Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai hoạ, một tuyệt lộ.
Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).
Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 973.
Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…
Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (toạ lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thuỵ Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh:
“Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”
Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.
Khi ca khúc “Khúc Thuỵ Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.
Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du”…
Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông…
Du Tử Lê
(30-01-2010.)
Khúc Thụy Du - nhạc Anh Bằng - trình bày Tuấn
Hãy nói về cuộc đời Khi tôi không còn nữa Sẽ lấy được những gì Về bên kia thế giới Ngoài trống vắng mà thôi Thụy ơi, và tình ơi ! Như loài chim bói cá Trên c...