Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Mai Anh Việt "KHI EM THOÁNG QUA ĐỜI TÔI"


Mai Anh Việt là cựu học sinh trường Mạc Đĩnh Chi, năm lớp 8 (1968) anh học nhạc với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Năm 1970, khi đang học lớp 10, anh bắt đầu viết nhạc và học thêm nhạc lý với thầy Phó Quốc Thăng. Sau khi Nguyễn Chánh Tín đậu tú tài 2 và rời trường, thầy Tổng giám thị Phạm Ngọc Đỉnh rất thích giọng hát của Việt nên thuyết phục anh vào ca đoàn của trường thay thế Nguyễn Chánh Tín.
Năm 1974, anh được học bổng đi du học Đài Loan. Năm 1976, anh qua Mỹ, học nhạc tại St. Cloud University Minnesota (1976-1978) và tại Đại học Portland ở Oregon (1978-1981). Anh lập gia đình năm 1979, có hai trai, hai gái, hiện định cư tại Aloha, Oregon.
Vào đầu thập niên 1990, Mai Anh Việt còn khá xa lạ với thính giả trong nước nhưng đã được biết đến khá nhiều ở hải ngoại qua album nhạc “Vầng tóc rối” do Duy Cường hòa âm với những giọng hát của Thái Hiền, Thái Thảo, Thiên Phượng, Tuấn Ngọc và tác giả Mai Anh Việt. Sự thành công của album “Vầng tóc rối” đã giúp cho Mai Anh Việt trở thành một nhạc sĩ sáng giá được nhiều trung tâm ca nhạc ở hải ngoại săn đón để mời cộng tác và nhiều ca sĩ đã chọn những ca khúc của anh để trình bày trong album nhạc của mình.
Nhạc của Mai Anh Việt là nhạc tình có nhịp (tempo) chậm, từng câu hát giống như một lời tự tình khơi gợi những cảm xúc hay những kỷ niệm như anh đã có lần chia sẻ: “Sau 20 năm, đời người có rất nhiều kỷ niệm, nhất là kỷ niệm tình yêu. Đời tôi sau khoảng thời gian dài ấy cũng có dăm ba tình yêu trở thành kỷ niệm được gìn giữ qua những tình khúc. Âm nhạc chỉ là một trong những phương cách để diễn tả tình yêu, nhưng vô cùng sâu sắc. Vì âm nhạc có khả năng kéo lại cái mốc thời gian, làm cho ta ôm ấp hoài một vài kỷ niệm tình yêu đáng nhớ hay cần phải quên đã xảy ra một lần nào đó trong đời. Vì thế, sẽ có yêu thương, đau buồn lẫn lộn. Có những cơn say và có khi tỉnh thức, có những dòng sông đổi nguồn, những lá vàng rụng rơi. Có khi chờ đợi, có lúc đón đưa. Có nhiều lắm. Vì đó là tình yêu…”


"Khi em thoáng qua đời tôi"
Trong album nhạc “Chút tình xa vắng” ra mắt năm 1997, nữ ca sĩ Thùy Dương đã trình bày “Khi em thoáng qua đời tôi”, một trong những tình khúc hay nhất của Mai Anh Việt. Đó là ca khúc duy nhất của Mai Anh Việt cô đã chọn để thể hiện dù nhạc mục của cô trong gần 7 năm đi hát (từ năm 1993 tới năm 2000, năm cô hoàn toàn vắng bóng trong sinh hoạt âm nhạc ở hải ngoại) rất phong phú, có nhiều ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng trước và sau năm 1975.
Em chỉ đi ngang qua đời tôi một thời gian thật ngắn ngủi nhưng những ngày có hình bóng của em đã là những ngày hồn tôi quay quắt trong bão giông khốc liệt:
“Khi em thoáng qua đời tôi
Là bao lần trời giông bão về…”
Không gian yên tĩnh thường ngày bị đảo lộn và mọi thứ đều tan tác như những chiếc lá vàng rơi rụng tơi bời trước gió mùa thu:
“Khi em thoáng qua đời tôi
Làm tơi bời nghìn thu lá vàng…”
Hồn tôi đã rung động với những khúc tình ca buồn rã rời khi em đến để rồi khi em lìa xa, những âm điệu buồn lại dâng cao như nỗi sầu chất ngất trong hồn tôi:
“Khi em khắc sâu hồn tôi
Dòng nhạc tình nhiều khi rã rời
Khi em đã xa lòng tôi
Từng cung sầu tràn dâng chơi vơi…”
Em đi qua đời tôi trong thoáng chốc, để lại một nỗi đau khôn nguôi và ánh sáng của những ngày đẹp tươi ngắn ngủi chỉ còn là những tia nắng đã tắt lịm trong đêm dài cô quạnh:
“Khi em thoáng qua đời tôi
Để lại nỗi đau vội
Khi em đã quên cuộc vui
Còn sợi nắng u hoài
Héo trong tôi tiếng than dài…”
Tất cả những gì còn lại của một thuở yêu thương thắm thiết chỉ là những cánh hoa khô ép giữa những trang sách còn thoảng một chút hương của ngày cũ:
“Thời yêu thương cũ anh còn giữ
Trong lòng sách đôi cành lá khô vàng úa
Còn mình em chút thương cùng nhớ
Đến ngày cuối trao mùi hương dĩ vãng…”
Nhưng chút hương của ngày cũ ấy không đủ để mang tôi và em trở lại với tình cảm thắm thiết thuở nào nên tôi đành phải buông xuôi theo ngày tháng, cố quên đi một cuộc tình không may đầy nghiệt ngã:
“ Thì đành buông mãi theo ngày tháng
Cho từng vết thương tìm đến không bờ bến
Vì lần em thoáng qua đời tôi
Như một giấc đầy vơi
Bao nghiệt ngã khi người xa”.
Lời của ca khúc “Khi em thoáng qua đời tôi”:
"Khi em thoáng qua đời tôi
Là bao lần trời giông bão về
Khi em thoáng qua đời tôi
Làm tơi bời nghìn thu lá vàng
Khi em khắc sâu hồn tôi
Dòng nhạc tình nhiều khi rã rời
Khi em đã xa lòng tôi
Từng cung sầu tràn dâng chơi vơi
Khi em thoáng qua đời tôi
Để lại nỗi đau vội
Khi em đã quên cuộc vui
Còn sợi nắng u hoài
Héo trong tôi tiếng than dài
Thời yêu thương cũ anh còn giữ
Trong lòng sách đôi cành lá khô vàng úa
Còn mình em chút thương cùng nhớ
Đến ngày cuối trao mùi hương dĩ vãng
Thì đành buông mãi theo ngày tháng
Cho từng vết thương tìm đến không bờ bến
Vì lần em thoáng qua đời tôi
Như một giấc đầy vơi
Bao nghiệt ngã khi người xa”.
Ca khúc “Khi em thoáng qua đời tôi” với giọng ca Thùy Dương:
http://m.mp3.zing.vn/…/Khi-Em-Thoang-Qua-Doi-…/IWZACIBO.html
Ảnh: Nhạc sĩ Mai Anh Việt và ca sĩ Thùy Dương

Huỳnh Duy Lộc.

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo – Bài 2: Dấu chấm hỏi về ‘vòng tròn khép kín’ ở Tam Đảo II

Lời tòa soạn: Một lần nữa, vòng tròn… ma giáo do kẻ biến thái đội lốt nhà sư liên kết với Sun Group dựng lên, chọn… ngọn cờ tâm linh làm tâm điểm để ma mị người khác. Đường đến chùa Địa Ngục còn khó hơn đường về địa ngục, bởi ma quỷ núp bóng người ngăn chặn. Càng khó, càng bí hiểm, vượt được vào đó có khi phải trả giá bằng sinh mệnh.
Nhưng, qua được cánh cửa tử thì sự thật phơi bày: một ngôi chùa giả xây trái phép rồi được tung tin là chùa cổ với người trụ trì phẩm hạnh, tâm đức không trong sáng, chắc chắn không phải cho chánh pháp… Giả chồng lên giả.
Sau bài báo đầu tiên về sư thầy Thích Thanh Toàn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang vào cuộc xác minh. Chân tu hay tà sư, rồi sẽ rõ. Nhưng câu chuyện của Tam Đảo II với những nhát chém vào vùng lõi vườn quốc gia để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp lung linh như ma thuật chỉ dành cho người giàu vẫn đang tiếp diễn, mọi ngả đường cần và phải được biết về hệ lụy môi trường của nó đều bị bịt kín…
Điều tra độc quyền:
Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo
Bài liên quan:
Chúng tôi quyết định, bằng mọi giá, phải leo lên Địa Ngục Tự, nơi sau này chính là tâm điểm thu hút khách du lịch của dự án Tam Đảo II của Sun Group.
Khi tôi đang mải mê chụp ảnh, quay phim những cây gỗ có đường kính hàng mét nằm ngổn ngang trên đường đi thì Giang – người địa phương được thuê dẫn đường – vội dang tay ra ngăn cản.
Mặt Giang bỗng đổi sắc, tái nhợt, miệng lắp bắp: “Chị cất ngay máy đi, không được quay phim, chụp ảnh ở đây đâu. Họ mà biết, họ bắt giữ, đập máy và đánh đấy”. Tôi hỏi họ là ai, Giang trả lời: “Em không biết đâu. Nhưng mà chị cất máy ngay đi, không được đâu. Mấy tháng trước, có một nhóm đi phượt vào đây, bị hàng chục người đánh, trói suốt nhiều giờ trong rừng, bị tra tấn, bắt khai mật khẩu điện thoại để họ xóa hết dữ liệu đi đấy. Đã báo đến công an mà có làm được gì đâu”.
Một vụ cướp lạ lùng
Ngày 6/4, nhóm bốn bạn trẻ gồm hai nam, hai nữ thuê một người địa phương tên Chín dẫn đi khám phá cung đường lên chùa Địa Ngục. Họ đã bị một nhóm gần chục người bắt lại, trói vào cây, thu giữ toàn bộ điện thoại và máy ảnh. Riêng người dẫn đường bị trói tách ra hàng trăm mét.
Theo lời kể của Hưng – trưởng nhóm phượt – mấy bạn kia chỉ bị đánh cho có lệ vì sợ quá, ngoan ngoãn đọc mật khẩu điện thoại cho nhóm “cướp”, còn Hưng kiên quyết không đọc mật khẩu nên nhóm cướp ra sức tra tấn, dọa giết, ném xác xuống vực, dọa nhét ma túy vào người rồi báo công an bắt. Khi không lấy được mật khẩu của Hưng, nhóm “cướp” thả côn trùng độc, kiến và bọ vào người.
Hưng kể: “Lúc ấy, tôi hét lên vì mệt mỏi, sợ hãi và đau đớn, đám “cướp” có vẻ cũng chùn tay. Chúng thay nhau tra lại những mật khẩu mà tôi cố tình đọc sai lúc trước, thế là chiếc iPhone X của tôi bị khóa hẳn vì nhập sai mật khẩu nhiều lần”.
Khi ngồi kể lại câu chuyện bị cướp với chúng tôi, Hưng bảo: “Bọn này không phải là người ở đây. Trông chắc chắn là người thành phố, có tên còn bảnh bao, béo tốt lắm. Tôi cứ nghĩ mãi, chẳng biết chúng định làm gì. Cướp thì không phải rồi, bởi chỉ có mỗi mình tôi bị chúng lấy hơn 1 triệu đồng trong ví cho có lệ thôi, mấy bạn kia ví còn nguyên tiền. Chúng chỉ quan tâm duy nhất đến những dữ liệu đã quay, chụp khu rừng trong máy ảnh và điện thoại của bọn tôi mà thôi. Khi biết chắc chiếc iPhone X đã bị khóa hẳn, chúng mới chán, chả thèm tra tấn tôi nữa. Chúng vơ vội mấy cái máy của bọn tôi, bắt hai bạn nữ đi theo chúng xuống chân núi. Đến nơi, chúng còn đưa một chiếc đèn pin để hai bạn nữ tự quay lên núi cởi trói, cứu bọn tôi”.
Toàn bộ câu chuyện trên đã được nhiều tờ báo đưa tin và theo dõi. Công an H.Tam Đảo cũng đã điều tra về vụ “cướp” hết sức kỳ lạ này, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chìm trong im lặng.
Sun Group, Dia Nguc Tu va ma tran chiem linh rung quoc gia Tam Dao - Bai 2: Dau cham hoi ve 'vong tron khep kin' o Tam Dao II
Cổng vào chùa Địa Ngục từ Tam Đảo 1 đã bị cấm, chỉ công nhân được ra vào
Ma trận trong ma trận
Để đi vào đại dự án của Sun Group với tên gọi Tam Đảo II, chỉ có hai con đường. Con đường thứ nhất – chính là “đường chuông” mà chúng tôi đã nói ở bài trước – dài khoảng 10km, nối thị trấn Tam Đảo I (cũ) vắt qua các đỉnh núi đến trung tâm dự án. Con đường thứ hai đi từ chân núi phía sau chùa Tây Thiên, tuy ngắn hơn nhưng cực kỳ hiểm trở, bởi nó đi qua ngọn núi cao nhất trong ba ngọn núi ở Tam Đảo.
Khi tìm đường vào chùa Địa Ngục, chúng tôi đã định đi theo con đường thứ nhất, bởi nó dễ đi hơn. Nhưng nếu đi con đường này, chúng tôi chắc chắn không thể vượt qua được những “hàng rào người”, những chốt gác lớp lang của nhân viên bảo vệ Tập đoàn Sun Group. Vậy là chỉ còn con đường thứ hai. Đây chính là con đường mà nhóm phượt chuyên nghiệp đã bị “cướp”.
Trong chuyến đi này, khi đang chụp ảnh, quay phim, chúng tôi đã sững sờ trước sự hoảng hốt của người dẫn đường. Giang đã nói về những thế lực có thể bắt, đánh, tra tấn, đập phá máy ảnh, máy quay phim của chúng tôi. Tôi cảm nhận rằng, Giang đang lo lắng cho chúng tôi thực lòng. Đám “cướp” kia là ai? Mục đích thật là gì? Thế lực nào đứng sau những chuyện tày trời tưởng như chỉ có trong phim hình sự?
Chúng tôi cứ đau đáu một câu hỏi lớn: Thực chất, trong dự án Tam Đảo II có bí mật gì? Chắc chắn nó không phải là bí mật nhà nước, hay bí mật quân sự, bởi chủ đầu tư của nó là Sun Group – một tập đoàn tư nhân.
Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cơ quan hữu quan, từ trung ương đến địa phương, bằng nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều từ chối cung cấp những văn bản chính thống về dự án mà theo luật định, phải công khai toàn bộ trước báo chí và người dân. Cho đến bây giờ, trả lời những câu hỏi đau đáu của chúng tôi vẫn là sự im lặng, như những cánh cửa vô hình đóng chặt.
Khi ngồi xem lại tư liệu của chuyến vượt rừng vào Địa Ngục Tự – tâm điểm của dự án Tam Đảo II – tôi thấy những công nhân của Sun Group vẫn đang bẫy thú trên rừng. Những chiếc bẫy nằm rải rác trên đường đi. Những con dúi, con chồn và những con thú lớn nhỏ khác hằng ngày bị họ ăn thịt hoặc bán.
Theo lời kể của một chủ quán ăn dưới chân núi Tây Thiên, cách đây không lâu, họ mang xuống bán một con lợn rừng bẫy được trên núi, nặng cả trăm ki-lô-gam. Bà chủ quán còn trầm trồ: “Mỡ nó dày lắm, nhưng ăn thì cực thơm”.
Vì sao gỗ bị đốn hạ để làm đường không được chở đi ngay mà cứ đắp lại ở hai bên đường? Một bảo vệ của Sun Group mà chúng tôi tiếp cận được đã giải thích: “Chuyển đi làm sao được, Sun Group cẩn thận lắm. Mặc dù họ chả sợ ai, dự án đóng dấu đầy đủ rồi mà, nhưng họ vẫn giữ cây ở đây cho đỡ ồn ào. Họ sợ dân tình nói họ phá rừng lấy gỗ. Khu này “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cấm chụp ảnh, quay phim”.
Chùa giả xây trái phép thành… chùa cổ
Trong “ma trận” thông tin về dự án Tam Đảo II, chúng tôi nhận ra sự liên kết chặt chẽ giữa những mối quan hệ đặc biệt, ràng buộc lẫn nhau: nhà sư – chùa giả – doanh nghiệp và những nhân vật VIP.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung – Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng – nói với chúng tôi: “Theo luật định, những dự án được triển khai trên đất rừng có diện tích trên 50ha đều phải thông qua Quốc hội. Nhưng với dự án Tam Đảo II, Sun Group đã lách luật cực kỳ nghệ thuật. Họ thuê 385,5ha đất rừng quốc gia Tam Đảo, nhưng họ chỉ sử dụng dưới 50ha để không phải thông qua Quốc hội”.
Còn dưới góc độ thực tiễn triển khai dự án, họ cũng có “nghệ thuật” giúp các dự án của mình vượt qua được góc nhìn phản biện của nhân dân, thậm chí còn lấy được lòng dân bằng cách “dựng lên một lá cờ tâm linh xuyên suốt”.
Chính Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Sun Group đã chia sẻ với chúng tôi: “Một trong những lý do mà Sun Group quyết tâm làm dự án cáp treo Fansipan chính là xuất phát từ mong muốn của nhà sư Huyền Diệu. Mục đích chính của dự án là để trấn yểm những long mạch quốc gia. Cáp treo cũng chính là để các phật tử có thể thuận lợi hơn cho việc hành hương. Và chính nhà sư Huyền Diệu là người giơ nhát cuốc đầu tiên động thổ dự án cáp treo Fansipan”.
Trở lại Tam Đảo II. Ông Sơn – Phó chủ tịch Sun Group – nói với chúng tôi: “Bọn anh có số may mắn mới gặp được thầy Toàn”. Ông Sơn khẳng định, sẽ đầu tư xây chùa Địa Ngục và khu tâm linh xung quanh đó một cách bài bản.
Quả đúng như lời tiết lộ của ông Toàn, rằng ông Sơn sẽ “cúng dường” 300 tỷ đồng để xây chùa Địa Ngục. Trong những bức ảnh chụp buổi lễ quan trọng ở chùa Địa Ngục mà ông Sơn khoe với chúng tôi, có rất nhiều gương mặt với thân thế “khủng”, tiếng nói của họ có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Những VIP này, tôi đã gặp nhiều lần ở chùa Nga Hoàng do sư Toàn trụ trì dưới chân núi Tam Đảo. Ông Sơn còn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chùa Địa Ngục có lịch sử mấy trăm năm rồi. Cái giếng cổ vừa rồi khai quật lên, có rất nhiều di tích”.
Thông tin về ngôi chùa cổ mấy trăm năm với nhiều di tích giếng cổ, mộ cổ, nền móng cổ… từ lâu đã được đăng trên trang báo chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những người dân ở chân núi Tây Thiên – Tam Đảo cũng nói say sưa về di tích cổ được nhà sư Thích Thanh Toàn tìm được trong lõi rừng qua một giấc mơ. Trên mạng xã hội, từ lâu cũng đã xuất hiện rất nhiều thông tin, hình ảnh, clip… thể hiện sự linh thiêng, huyền bí của một ngôi chùa cổ mới được phát hiện trong rừng.
Xâu chuỗi tất cả thông tin trên lại với nhau, chúng tôi đến Ban quản lý di tích, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc để xác minh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Không có bất cứ cơ sở nào để xác định chùa Địa Ngục là di tích cổ”. Điều này đã được báo cáo lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ khi sư Toàn bắt đầu xây dựng chùa trái phép vào năm 2009.
Còn thực tế, chính những người đồng hành với sư Toàn từ ngày đầu dựng chùa đã khẳng định, “chẳng có gì cổ hết”. Vậy tại sao một ngôi chùa giả lại được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng với tần suất dày đặc, âm thầm và bền bỉ, rằng đó là ngôi chùa cổ?
Sun Group, Dia Nguc Tu va ma tran chiem linh rung quoc gia Tam Dao - Bai 2: Dau cham hoi ve 'vong tron khep kin' o Tam Dao II
Con đường vào rừng đang được thi công mở rộng
Vòng tròn khép kín
Nhìn lại tổng thể của dự án Tam Đảo II, khi Sun Group triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, ngẫu nhiên có một sư thầy phát hiện ra ngôi chùa cổ (giả) nằm trong lòng dự án. Tác giả của ngôi chùa giả này chính là sư thầy Thích Thanh Toàn.
Nhưng việc xây dựng một ngôi chùa trong lõi rừng quốc gia, trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét, không đơn giản. Sư Toàn từng bị UBND tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Vườn Quốc gia Tam Đảo… phản đối kịch liệt và đòi trục xuất.
Lạ thay, cũng từ thời điểm đó, sư Toàn luôn được Sun Group sát cánh, đồng lòng yểm trợ. Ông Sơn nói với chúng tôi: “Hồi ấy, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ muốn trục xuất thầy Toàn. Họ ghét thầy lắm. Anh Vọng lãnh đạo tỉnh muốn anh Hải (Giám đốc vườn quốc gia) và công an đuổi thầy ra khỏi đó. Chính tôi phải gặp anh Vọng và thuyết phục tỉnh nên để thầy Toàn ở lại chùa Địa Ngục”.
Sau đó, trong quá trình xây dựng chùa, trong tất cả dấu mốc thời gian từ nhỏ đến lớn, Sun Group luôn xuất hiện. Chính ông Sơn kể với tôi về những ngày đầu chuyển nguyên vật liệu lên xây dựng chùa khó khăn như thế nào; gần đây nhất, khi tổ chức kéo điện lưới cho chùa, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thu những cuộn dây điện và chính ông Sơn phải ra tay.
Vẫn mạch kể say sưa đó, ông Sơn tiếp: “Hồi đưa quả chuông lên chùa là nan giải nhất. Chuông thì nặng hàng tấn, đường dốc đá cheo leo, anh định đưa trực thăng kéo quả chuông lên cho nhanh, nhưng làm như thế thì ầm ĩ quá. Cuối cùng, anh phải thuê sức người thủ công. Đoàn người chuyển chuông đi tới đâu, làm đường tới đó, cũng phải mất hai tháng mới xong”. Và cũng lạ thay, trong suốt quá trình phát triển của ngôi chùa giả ấy, xuất hiện rất nhiều nhân vật VIP…
Ngày 22/9, ông Niệm – chủ cơ sở đúc chuông ở Huế – kể: “Tôi đã đúc hàng chục tỷ đồng tiền tượng đồng, chuông… cho sư thầy Thích Thanh Toàn”. Còn sư Toàn thì nói với chúng tôi: “Nếu con quyết định mua đất ở Tam Đảo II, thầy sẽ giúp lấy lại suất ngoại giao của những nhân vật VIP. Nhưng con phải thật bí mật nhé”.
Trong một lần nói chuyện, tôi giật mình khi nghe sư Toàn nói: “Chùa Địa Ngục có địa thế cực đẹp. Nó là long mạch quốc gia mà thầy trấn yểm đấy”. Long mạch quốc gia? Chính giám đốc truyền thông của Sun Group cũng khẳng định đấy là một trong những lý do quan trọng nhất để Sun Group đầu tư dự án cáp treo Fansipan.
Dường như một vòng tròn khép kín đã xuất hiện ở dự án của Sun Group.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện ra Tam Đảo II là một nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng. Nhưng họ đã chọn xây dựng ở Tam Đảo I hiện tại, giữ nguyên Tam Đảo II để bảo vệ rừng nguyên sinh. Năm 2008, một doanh nghiệp của Mỹ cùng với Bitexco xin làm dự án khai thác du lịch nghỉ dưỡng tại Tam Đảo II nhưng sau đó, dự án không triển khai được do gặp phải sự phản ứng dữ dội của các nhà khoa học.
Đến nay, Sun Group đang bắt đầu triển khai dự án này, nhưng câu hỏi lớn về dự án vẫn chưa có lời giải chính thức. Bởi lẽ, chỉ riêng việc chúng tôi và nhiều cơ quan báo chí trước đó muốn tiếp cận với bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án từ các cơ quan chức năng mà không thể tiếp cận được.
Phó chủ tịch Sun Group Trần Minh Sơn nói: “Tâm điểm của Tam Đảo II có 70ha bằng phẳng và đẹp vô cùng. Không khí ở đó còn hay hơn Đà Lạt. Sun sẽ làm một dự án mà nói ra sẽ sợ bị ném đá, nhưng sự thật thì nơi ấy chỉ dành cho người giàu. Người có thật nhiều tiền sẽ lên đó nghỉ dưỡng, ở đó hàng tuần để hưởng không khí trong lành”.
Vậy còn người bình thường thì sao? Liệu có nên đánh đổi sự hưởng thụ của một nhóm rất nhỏ người giàu có để phá hơn 300ha rừng nguyên sinh – lá phổi của toàn miền Bắc – và chuốc lấy những nguy cơ rủi ro về môi trường? Nếu điều đó xảy ra, chỉ có những người bình thường là gánh chịu hậu quả.
Hàng ngàn người yêu cầu công khai, thông tin dự án vẫn “kín như bưng”
Tháng 6/2018, một nhóm bạn trẻ với niềm đam mê leo núi đã lên kế hoạch chinh phục ba đỉnh của Tam Đảo và chùa Địa Ngục. Tuy nhiên, khi đến con đường vào rừng, khu vực đặt barie ở trạm kiểm lâm thuộc thị trấn Tam Đảo, nhóm bạn trẻ này bị chặn lại và không cho vào rừng. Khi đó, chưa có lệnh cấm hay bất cứ thông tin gì về việc đóng cửa rừng.
Một tuần sau đó, nhóm này đã quyết định quay lại, vào rừng bằng đường mòn dọc theo con suối thuộc thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, H.Tam Đảo. Sau 4 giờ đi bộ trên chặng đường chừng 6km với độ cao từ 100-900m, cả nhóm đến được con đường ngang nhỏ mà dân phượt trước đó vẫn thường đi vào rừng. Sau khi chinh phục xong đỉnh thứ nhất, trời cũng quá trưa nên nhóm bạn đi xuống để có đủ thời gian vào thăm chùa Địa Ngục.
Tới đây, khi được thấy dấu hiệu của sự đo đạc, đánh dấu và các hố đã được đào lên, nhóm này đã trao đổi với những người quản chùa, mới biết rằng đang có một dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng quy mô lớn ở đây. Những hố đào sẵn được biết là hố trụ để tời nguyên vật liệu và cũng là tuyến cáp treo sau này.
Sau khi tìm hiểu, biết được khu vực này thuộc dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II”, khởi công ngày 27/12/2016, nhóm bạn nung nấu ý định bảo vệ rừng quốc gia Tam Đảo nên đã thu thập nhiều hình ảnh, thông tin về dự án.
Tháng 12/2018, nhóm bạn trẻ nói trên đã thành lập trang (fanpage) Save Tam Đảo, hoạt động trên mạng xã hội Facebook, nhằm cung cấp thông tin và hình ảnh về những gì đang diễn ra trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo, đồng thời muốn đưa lên tiếng nói bảo vệ vườn quốc gia này của cộng đồng yêu thiên nhiên, yêu cầu công khai hóa dự án Tam Đảo II để người dân giám sát, để các nhà khoa học có điều kiện phân tích tác hại của dự án đến môi trường rừng.
Ngày 30/5/2019, đại diện nhóm Save Tam Đảo đã đến trực tiếp Phòng Tiếp dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường để gửi đơn kèm hơn 4.200 chữ ký đã thu thập trước đó để đề nghị giải đáp các câu hỏi về dự án Tam Đảo II. Nhóm này cũng đặt câu hỏi về sự minh bạch trong thông tin của dự án, liệu báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này có vấn đề gì hay không? Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng của Sun Group có thực sự an toàn cho rừng quốc gia Tam Đảo?
Nhân viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận đơn và cho biết, sẽ có câu trả lời đơn thư sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Thế nhưng, cho đến nay, nhóm Save Tam Đảo không nhận được thông tin gì về nội dung đã yêu cầu.
————— 

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Sun Group , Địa Ngục Tự ...

"Khi được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu thông tin về dự án của Tập đoàn Sun Group tại rừng quốc gia Tam Đảo - Tam Đảo II, có giá trị 25.000 tỷ đồng, chúng tôi đã lạc vào 'rừng thông tin' chính thống và không chính thống.
Sun group - 'ông trời' không từ trên cao
Lời tòa soạn: Từ Vườn Quốc gia Tam Đảo đến núi Bà Nà, núi rừng tan nát, chim muông cây cỏ bị thiêu rụi bởi mặt trời, nhưng mặt trời không phải từ trên cao, mà từ Sun Group (Tập đoàn Mặt trời).
Họ phá núi, đốn rừng, mở đường để dựng bê tông, xây khu vui chơi, đặt trạm kiểm soát, thu tiền. Sun Group xứng đáng được gọi là "trời", bởi được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Và vẫn “bổn cũ soạn lại”, một mớ hư hư thực thực: trấn yểm long mạch, khởi phát tâm linh… đẻ ra từ liên kết giữa thầy chùa biến thái với doanh nghiệp hòng lùa người ta vào ma trận với đích duy nhất: kiếm tiền…
Đã từ lâu những tiếng nói phản biện, kêu cứu, uất ức về những dự án tàn phá tự nhiên của Sun Group vang lên, nhưng tất cả đều như một trò đùa. Không chặn bàn tay lông lá này lại thì long mạch đúng nghĩa sẽ bị chặt yểm, tà khí sẽ lộng hành, lòng người sẽ nát tan, non nước sẽ tả tơi.
Công bố loạt điều tra độc quyền về sự việc coi trời bằng vung của Tập đoàn Mặt trời, ngoài những con số đớn đau, những tâm sự nát lòng của giới nghiên cứu, chúng tôi cũng có lời xin lỗi bạn đọc về một số chi tiết hơi phản cảm trong bài, nhưng không còn cách nào khác, bởi sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất.
BÀI 1: Sư trụ trì gạ tình phóng viên
“Con đi theo qua đây, sau này thầy sẽ giúp con. Giờ con phải nghe lời thầy! Cho thầy quan hệ tình dục đi. Cái này không đơn thuần là quan hệ tình dục, mà là khi thầy gọi vong ra khỏi người em con, vong linh siêu thoát thông qua con đường đó” - sư Toàn nói. Dưới bức tượng Quan Âm Bồ Tát của chùa Nga Hoàng, tôi quỳ gối van xin sư Toàn để thoát ra ngoài.
Một lần khác, khi đi xem đất trong đêm, sư Toàn bất ngờ nhảy lên ô tô của tôi. Sư Toàn lao vào tôi, đòi cởi quần áo tôi để “quan hệ”. Trong lúc tôi đang ở trạng thái tột cùng của sự ghê tởm và sợ hãi, xung quanh là khu đô thị hoang vắng, tôi không còn cách nào khác ngoài sự van xin và tránh né. Tôi mong mình có thể thoát hiểm được như lần trước ở chùa. Tai tôi ù đặc trước những tiếng hổn hển của sư thầy: “Cho thầy đi, chỉ một tí là xong ấy mà”. Tôi co rúm lại, toàn thân căng ra chống đỡ, dường như không thể tấn công được nữa, sư thầy quay ra kéo quần, tự thỏa mãn mình trên ô tô của tôi. Đêm hôm ấy, khi đã trở về nhà, dù đã là lần thứ hai thoát hiểm an toàn, nhưng gương mặt ấy, hành vi ấy, sắc danh ấy đã ám ảnh tôi nặng nề đến tận khi viết những dòng này..."
Ma trận thông tin
Khi được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu thông tin về dự án của Tập đoàn Sun Group tại rừng quốc gia Tam Đảo (Tam Đảo II), có giá trị 25.000 tỷ đồng, tôi đã lạc vào “rừng thông tin” chính thống và không chính thống. Những dấu mốc của việc triển khai dự án đang dần dần hoàn thiện, qua những lễ khởi công từng hạng mục. Những thông tin phản biện đầy thuyết phục như: “Nếu làm dự án này, toàn bộ lá phổi của miền Bắc sẽ chết”. Trong mớ hỗn độn đó, bỗng nảy ra một cái tên “chùa Địa Ngục”.
Có ý kiến nói rằng, đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, được phát hiện thông qua “huyền tích” là một giấc mơ của đại đức Thích Thanh Toàn. Đốm sáng trong rừng và giấc mơ ấy đã dẫn đường để đại đức Thích Thanh Toàn vượt núi cao, rừng rậm, lên đỉnh Tam Đảo và tìm ra Địa Ngục Tự. Có ý kiến lại cho rằng, Sun Group đang có một âm mưu “thôn tính” Địa Ngục Tự vì ngôi chùa này nằm trong dự án. Thậm chí, có cả một cuộc kêu gọi trên mạng để bảo vệ chùa, trước sự “xâm lăng” của dự án.
Chùa Địa Ngục chính là hướng tiếp cận đầu tiên của nhóm phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM.
Chúng tôi đã tiếp cận với đại đức Thích Thanh Toàn - ở chùa Nga Hoàng, thuộc xã Hợp Châu, H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Sư Toàn được Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm làm trụ trì ngôi chùa này từ năm 2008 đến nay. Khi tiếp cận, chúng tôi rất bất ngờ bởi một ngôi chùa nhỏ, không hề nổi tiếng, nằm ở chân dãy núi Tam Đảo lại có quá nhiều “con nhang đệ tử” đứng sau sư thầy để “tiền hô hậu ủng”, đóng góp mua hàng chục héc-ta ruộng lúa xung quanh để xây dựng và mở rộng chùa.
Có rất nhiều nhân vật VIP thường xuyên tới lui nơi này trong những buổi lễ quan trọng. Tại lễ Vu lan (rằm tháng Bảy) năm nay, chúng tôi tận mắt chứng kiến một nữ Ủy viên chuyên trách của Quốc hội đã tham gia từ đầu đến cuối buổi lễ. Bà ở lại ăn cơm chay và bàn bạc với sư thầy những việc quan trọng.
Chính vì có những VIP như thế, sư thầy Thích Thanh Toàn và chùa Nga Hoàng ngày càng khuếch trương thanh thế, càng có sức hút để nó từ một ngôi chùa bé tẹo như bị bỏ quên, qua dăm năm, đã ngổn ngang các công trình xây dựng trên đất ruộng. Đằng sau nó là bao lời bàn tán về những “ông to bà lớn” đã yểm trợ cho chùa.
Với thân phận là một nữ đại gia ở nước ngoài mới về, muốn đầu tư bất động sản ở Tam Đảo và chữa bệnh cho cậu em họ, tôi được thầy Toàn tiếp đón vô cùng chu đáo. Sư Toàn trực tiếp gọi vong, trục vong và giải hạn cho cậu em tôi. Sau đó, tôi được sư Toàn kể cho những câu chuyện về đầu tư đất lãi như thế nào.
Trong một lần nói chuyện, nghe tôi bày tỏ ý muốn được đầu tư bất động sản tại Tam Đảo, cái tên Tam Đảo II đã được nhắc đến. Sư Toàn nói: “Con nên đầu tư vào dự án Tam Đảo II, chùa Địa Ngục của thầy nằm trong lòng dự án này. Đây sẽ là một dự án lớn nhất, sang nhất, đắt nhất và lãi nhất”.
Sau đó, sư Toàn nhiều lần thuyết phục tôi đầu tư vào dự án này, bởi khả năng lãi “khủng” của nó và mối quan hệ đặc biệt của sư Toàn với ông Sơn - Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group. Sư Toàn nửa kín nửa hở, căn dặn tôi không được để lộ chuyện mua dự án này vì “pháp luật không cho phép”, nhưng sẽ được hợp thức hóa bằng một cách nào đó.
Tôi hỏi: “Con đọc trên mạng, thấy có thông tin Sun Group liên danh với Sông Hồng Thủ Đô?”. Sư Toàn xua tay: “Dự án này đầu tiên do Sông Hồng Thủ Đô đứng ra xin, sau đó Sun nhảy vào. Liên danh chỉ là cái cớ thôi, của chú Sơn bên Sun Group hết. Chú ấy còn đang bảo đưa thầy 300 tỷ để xây chùa Địa Ngục”.
Sự bẩn thỉu khoác áo tu hành
Viết ra hay không viết ra? Câu hỏi này cứ đau đáu trong tôi suốt quá trình tác nghiệp đề tài này. Đã có lúc, tôi không hề muốn viết ra những chuyện này vì nó quá ghê tởm. Mặc dù cắn răng chịu trận để tác nghiệp, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác cay đắng, bẽ bàng.
Nhưng những ngày dài tiếp cận, tôi thấy xung quanh sư Toàn và chùa Nga Hoàng có bóng dáng những phụ nữ các lứa tuổi, ánh mắt của họ nhìn sư Toàn như một đấng toàn năng. Có thể lắm, sẽ có rất nhiều nạn nhân giống như tôi. Và cuối cùng, tôi đã quyết định kể ra những sự thật trần trụi.
Lần đầu tiên, sự bẩn thỉu của một nhà sư hiện ra là sau cuộc áp vong, chữa bệnh cho em tôi (một phóng viên). Sư Toàn tranh thủ lúc nghỉ lễ, vắng vẻ, cứ lấy tay vuốt vào ngực tôi, mồm thì liên tục nói: “Vừa cúng xong mệt quá! Cho thầy xin tí khí”. Sững người, tôi không thể tin là có chuyện như vậy; phải một lúc sau, tôi mới kịp nghiêng người tránh né.
Nhưng không chỉ có vậy. Liên tục sau đó, sư Toàn có một loạt hành vi, lời nói, cử chỉ… biểu hiện sự bệnh hoạn mà nếu chỉ là một người đàn ông bình thường với một người phụ nữ mới quen, đã là điều không thể chấp nhận được, huống hồ là một người khoác áo tu hành với sắc danh đại đức.
Sư Toàn liên tục “gạ” tôi chat sex, đòi tôi gửi hình ảnh hở hang. Có lần, đang cúng cho khách, thầy còn gọi cho tôi, nói: “Cái ấy” của thầy cứng quá, không xuống được, con gửi ảnh hở ngực để thầy xem…”.
Trong một ngày lễ trang trọng, hàng trăm phật tử đội sớ lên đầu rước lễ Vu lan báo hiếu, sư Toàn đọc kinh dẫn đầu đoàn rước lễ, mà sau đó còn dám nói với tôi rằng: “Vừa nhìn thấy con đeo kính đen đi ngược lại là cái ấy của thầy nó lại cứng lên”. Thật không có gì kinh tởm hơn được nữa.
Tận cùng của sự khốn nạn là lần tranh thủ hẹn tôi đi xem đất vào buổi tối ở một khu đô thị hoang vắng, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sư Toàn đã nhảy vào xe của tôi. Sau một hồi vật lộn, không làm gì được trước sự chống đỡ của tôi, sư Toàn đã vạch quần ra, tự thỏa mãn.
Tôm hùm và chiếc túi Dior giá 75 triệu đồng
Tạm dừng chuyện chùa Địa Ngục và sư Toàn, chúng tôi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, xin cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II.
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, kể cả bằng đường công văn chính thống của báo, xin tài liệu không thuộc diện bí mật nhà nước, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được đầy đủ văn bản theo luật định, trong khi báo cáo đánh giá tác động môi trường là văn bản cực kỳ quan trọng, có vai trò quyết định sự sống còn của dự án Tam Đảo II.
Trên đường tìm văn bản mang tính pháp lý và khoa học này, chúng tôi còn nhận được sự bất hợp tác của nhiều bên liên quan như Vườn Quốc gia Tam Đảo, Vụ Thẩm định giám sát đầu tư của Bộ kế hoạch và Đầu tư… Các cơ quan hữu quan này có rất nhiều lý do khác nhau do khách quan, chủ quan, nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn không thể có nổi văn bản đó.
Nhóm phóng viên chúng tôi đang loay hoay tìm cách liên hệ để làm việc với Sun Group, nghe thông tin chính thống về dự án Tam Đảo II thì bất ngờ, trong một cuộc đàm thoại căng thẳng với lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, Thi đua và Khen thưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đòi quyền đương nhiên được tiếp cận văn bản đánh giá tác động môi trường của dự án nói trên, chúng tôi yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện đúng luật báo chí… và thế là, chỉ ít phút sau, tôi nhận được điện thoại từ... người đại diện truyền thông của Tập đoàn Sun Group.
Ở lần gặp đầu tiên, nữ giám đốc truyền thông Tập đoàn Sun Group tên là Ánh nói rất nhiều về công lao, nhiệt huyết và ý tưởng tốt đẹp với môi trường của Việt Nam nói chung và môi trường của các dự án do Sun Group thực hiện. Ở lần gặp này, cô Ánh nêu mong muốn không có bất cứ bài viết nào về Sun Group và các dự án của họ.
Cho đến lần gặp thứ hai, khi biết chắc chắn chúng tôi vẫn thực hiện loạt bài này, Ánh bày tỏ mong muốn chỉ nên có một bài chung chung, không ảnh hưởng đến tập đoàn, vì đây là khoảng thời gian nhạy cảm, chỉ một bài báo thôi cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn cho tập đoàn. Cuối cùng, Ánh xin tôi sắp xếp cho một cuộc hẹn với một lãnh đạo cao cấp của Sun Group.
Trưa 12/9, tôi đã đến chỗ hẹn để gặp lãnh đạo Tập đoàn Sun Group. Đón tôi là bữa trưa với thực đơn là tôm hùm và nhiều món ăn sang trọng. Ngoài giám đốc truyền thông, còn có ông Trần Minh Sơn - Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group và là người trực tiếp quản lý dự án Tam Đảo II. Trong suốt bữa ăn, ông Sơn say mê nói về vẻ đẹp vô giá của rừng Tam Đảo, nói về ước mong sẽ thực hiện được một dự án nghỉ dưỡng 5 sao chỉ dành cho người có tiền.
Tình cờ, ông Sơn nhắc đến chùa Địa Ngục và sư thầy Thích Thanh Toàn bằng sự kính trọng, nể phục đại đức. Ông Sơn cho tôi xem ảnh chụp chung với sư Toàn ở chùa Địa Ngục, trong ảnh có rất nhiều nhân vật VIP. Ông Sơn chỉ vào ảnh và nói đến từng người với những chức danh và thân phận “khủng” của họ. Tôi nhận ra một số người mình đã gặp trong quá trình tác nghiệp tại chùa Nga Hoàng.
Bất chợt, tôi nhớ đến một cán bộ đã hơn 20 năm công tác ở Vườn Quốc gia Tam Đảo. Khi bị hỏi “tại sao chùa Địa Ngục được xây dựng trái phép mà đơn vị quản lý là vườn quốc gia lại để nó tồn tại bao nhiêu năm nay như vậy”, ông đã trả lời: “Chúng tôi không làm gì được. Chúng tôi chỉ biết lập biên bản và báo cáo lên trên”. Tôi hỏi: “Có thế lực nào che đỡ cho chùa?”. Ông cười, bảo: “Công an tỉnh còn chả làm gì được nữa là”.
Quay lại bữa trưa với ông Sơn, tôi vẫn nghe giọng ông đều đều và nhiệt huyết: “Ngày xưa, tỉnh Vĩnh Phúc định trục xuất thầy Toàn, chính anh là người nói đỡ để thầy ở lại. Còn chùa Địa Ngục, chắc chắn tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng bài bản… Bọn anh làm du lịch nên rất trân trọng điểm đến, đặc biệt là điểm đến tâm linh”.
Tôi chợt nghĩ đến chuyện người dân kể, sư Toàn tổ chức đưa quả chuông nặng hàng tấn lên đỉnh núi, giống y như kéo pháo lên Điện Biên Phủ; đi đến đâu, chặt cây, mở đường đến đấy. Và kỳ lạ thay, cái vết của “con đường chuông” ấy, nay Sun Group đang trùm lên đó một con đường cho hai xe điện tránh nhau để đi vào dự án Tam Đảo II.
Tại sao chùa Địa Ngục lại ra đời? Tại sao nó nằm trong lòng dự án Tam Đảo II? Tại sao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc luôn khẳng định rằng, ngôi chùa này không có điển tích? Ngay cả những người đã đồng hành cùng sư Toàn đi tìm đốm sáng trong rừng ấy đã khẳng định chắc chắn rằng: “Chẳng có cái gì cả. Từ mộ cổ đến giếng cổ đều do sư Toàn dựng lên hết. Tại sao những chuyện hài hước như vậy lại có đất tồn tại suốt những năm qua? Đứng sau sư Toàn là ai mà có thể huy động được rất nhiều tiền của, tâm sức để dựng cốt chùa, đúc chuông, chuyển chuông?…
Và có rất nhiều gương mặt VIP luôn đồng hành cùng sư Toàn từ những ngày đầu xây chùa Địa Ngục. Chính sư đã nói với tôi, những VIP này đều có phần đất trong dự án. Ông muốn giúp tôi bằng cách mua lại “suất ngoại giao VIP” này và cam kết lời “khủng”.
Tôi đang chìm vào ma trận thông tin hỗn loạn, lúc rời rạc, khi liền mạch thì tín hiệu của buổi ăn trưa kết thúc. Cô Ánh tiếp tục đề nghị tôi không báo cáo đề tài này sâu hơn với ban biên tập, đồng thời mong muốn tôi thiết lập một cuộc gặp gỡ Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM. Cô Ánh nói: “Bên em không muốn dùng đến áp lực từ một cấp cao nào xuống Báo Phụ Nữ”.
Tiếp sau đó, một gói quà được đưa đến trước tôi. Vì đã báo cáo cuộc tiếp xúc này với lãnh đạo báo, nên tôi chỉ nhắc: “Nếu trong gói quà có tiền, chị sẽ trả lại”. Tôi nhận gói quà để cuộc tiếp xúc được êm xuôi, để tạm thời không có một áp lực bất ngờ từ đâu đó giáng xuống báo mình khi bài viết này còn chưa kịp ra đời.
Về đến tòa soạn, tôi đã lập biên bản và nộp lại gói quà trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ, phóng viên của báo. Một chiếc túi Dior được bán tại cửa hiệu chính hãng với giá 2.500 euro. Sau khi kiểm tra kỹ, tôi được biết, chiếc túi được mua trước cuộc hẹn ăn trưa khoảng 2 giờ. Cửa hàng đồ hiệu chính hãng này từ chối nêu tên người mua. 2.500 euro là tròm trèm 75 triệu đồng tiền Việt…
Nhóm phóng viên báo Phụ Nữ tpHCM

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì ? Phùng Gia Lộc

Cái đêm hôm ấy... đêm gì?
Cuối năm 1983, tôi được ở nhà chờ quyết định về nghỉ chế độ. Chiều chủ nhật, thằng Học con tôi rủ rỉ nói:
- Con bắt được bác Quang ăn bánh cuốn ở hàng anh Minh. Bác đi thồ sắn ở chợ Phúc Địa về. Bác cho mấy bó nhưng con không lấy. Bác dặn con về đừng nói với bố mẹ là đã gặp bác. Nói, hôm nào sang bác đánh chết.
- Hừ! Lại thế nữa...
Tôi buột miệng bảo với con thế, rồi thừ ra. Bạn bè anh em cùng một phòng với nhau mà đi qua không vào. Có điều gì nhỉ?
Sáng thứ hai tôi sang cơ quan ứng mấy cân gạo và định bụng sẽ gặp, trút sấm sét lên đầu anh ấy. Nghe tôi trách, Lê Trung Quang, trưởng phòng tổ chức Ủy ban huyện Thọ Xuân, cười hà hà làm lành thật đôn hậu, dễ yêu:
- Giá có một mình thì tôi vào. Đằng này những bốn binh, khao được, anh cũng liệt. Vả lại, bốn cái xe nặng è, sợ tối.
Là trưởng phòng tổ chức ủy ban huyện, anh cũng để gia đình vợ con đói thiếu. Ra anh còn kém cỏi hơn cả tôi, một kẻ chân chim trần trụi, một tay sắp trở thành "phó thường dân". "Nhà mình cũng bí. Nộp sản đi rồi, lúa đã cạn. Khó mà ăn thấu tết được". Quang lắc đầu bảo thế.
Anh gạn tôi:
- Ông ở đây với tôi đêm nay cho vui. Tôi buồn quá.
Tôi chỉ vào mấy cân gạo đã bó buộc sau xe, bảo anh Quang:
- Phải mang "hàng chiến lược" này về chứ.
Nếu nghe lời Lê Quang Trung nằm lại với anh một đêm, thì tôi đã không thể nào hình dung nổi ở Phú Yên xã tôi Cái đêm hôm ấy là đêm gì...
Có cái "các" quá giang của Lê Trung Quang cho mượn, tôi không phải mất ba đồng tiền đò. Qua sông Chu gió vù vù bên tai, tôi phải kéo vành mũ len, trùm thấp cho đỡ run. Tôi về đến nhà, trời đã sẩm tối, con mực xông ra í a í ẳng vờn chân lên hông. Vợ tôi bế thằng Văn ngủ khì trong lòng, ngồi bên bếp than vỏ cao su um khói. Bên cạnh, thằng cu Thức bốn tuổi đang liến láu. Còn Học - thằng con nhớn đang học bài ở nhà trên.
Thấy tôi về thằng Thức reo lên:
- A bố! Bố về là bố về! Có chi không bố?
- Có cái rét cóng đây này!
Tôi nói rồi dắt xe vào nhà, mở túi gạo, vác xuống bếp khoe:
- Ứng được năm cân gạo.
Bà cụ thân sinh ra tôi mệt đã lâu, thấy tôi về, cũng gượng chống gậy xuống bếp sưởi. Cụ bảo:
- Mẹ Học đi nấu cơm cho bố va ăn!
Tôi hỏi:
- Nhà ăn rồi hả mẹ?
Cái thằng Thức đến là hở miệng, cấm có giấu nó được tí gì. Nó nói:
- Chỉ nấu cơm cho bà với em thôi! Mẹ với anh Học, với con ăn cháo rau má rồi. Bữa nay mẹ luộc rõ nhiều rau cải.
Tôi thấy cay sè trong mắt.
- Thế thì nấu thêm vào. Hết thì tao đi bới đất, nhặt cỏ, van ông vái bà. Làm con người mà miếng cơm chín vào bụng vẫn không đủ thì sống thế nào?
Vợ tôi định cãi câu gì đó, nhưng lại thôi, vội trao thằng Văn cho bà rồi lại mở túi gạo đi vo. Bà cụ nói:
- Rau cải ế nhăn! Đói, chả mấy người mua. Hôm nay mẹ va không đong được gạo. May lấy được đấy, không thì mai gác con lên...
Ngoài cửa gió ào ào, tiếng chó sủa ổng oảng ở đầu ngõ. Có tiếng ai hỏi mua rau cải nhà tôi. Cô Hoa vợ chú Được. Hoa cũng người họ Phùng, gọi tôi bằng bác. Chồng cô ấy là đội trưởng đội sản xuất cũ, nay vừa được rút lên làm trưởng ban định mức, rồi phó chủ nhiệm. Cô vào bếp vừa nói, vừa run:
- Sao năm nay rét sớm thế này? Bác bán cho cháu mấy bó rau cải xào.
Vợ tôi bắc nồi cơm lên bếp, mấy bà cháu phải dồn chỗ cho hai người đàn bà tê cóng này ngồi cạnh bếp hơ tay, ngó chẳng khác những viên đạn bị nén trong cái băng lò xo tròn. Tuy gần bằng tuổi vợ tôi, nhưng là hàng cháu họ, nên Hoa vẫn bác bác, cháu cháu ngon ơ.
- Bác có ngan, gà gì để cho cháu vài cân. Giá mấy cũng được, cháu không quản.
- Còn có vài ba con, phải để hôm sau bà...
Tôi lừ mắt chặn lại câu nói hớ, khiến vợ tôi im bặt. Chả là vì mẹ đẻ ra tôi yếu lắm rồi. Cụ đã bảy mươi lăm tuổi, lại phù nề mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng. Ai cũng bảo khó qua cái đầu mùa Đông này. Vì vậy gia đình tôi đã lo chuẩn bị ngầm, phòng sau khi cụ về cõi. Cái gì vợ tôi cũng bảo dành để hôm sau bà... thành quen miệng. Cau cũng phơi kỹ bỏ be để hôm sau, thậm chí bọt bẹt được đồng rau nào cũng dồn mua ván đóng sẵn áo quan để hôm sau... Ấy nhưng nói đến cái chết, cụ lại giận và làm nau: Bay trông tao chết à? Tao phải sống để nhìn con cháu được đến lúc sung sướng chứ. Khổ mãi rồi.
Tôi hỏi Hoa để lấp láp câu hớ rồi cho bà cụ khỏi giận:
- Mua đồ nhậu làm gì tối thế này?
- À... mua cho mấy thằng về đội ta thu sản, khuya các hắn đớp. Đội và quản trị thuê khoán cháu nấu.
Vì có chồng ở ban quản trị, cô ấy cũng là loại biết nhiều chuyện "bí mật nội bộ". Hoa thì thò cho vợ tôi biết đêm nay là đêm "đồng khởi" thu sản, tổng vét cả xã. Họ sẽ đổi chéo, công an và dân quân đội này về đội kia, vét bằng hết. Vì đội 12 này là nặng gánh nhất, nên họ sẽ điều về đây những tay cứng cựa. Hoa khuyên:
- Bác có thiếu sản, thì liệu mà xoay đi
- Thế thì tao đét bán rau cho mi nữa.
Vợ tôi toan từ chối, nhưng Hoa nài mãi và có tôi nói vào nên chị chàng mới chịu nghe. Hoa cầm đèn ra vườn soi cho vợ tôi hái. Cô ấy cầm rau, rồi còn đi các nhà bên cạnh hỏi mua gà. Cơm cạn, tôi vần cạnh bếp. Vì không phải ghế độn khoai độn sắn gì nên chín rất mau. Thấy chỉ nấu mình cơm tôi, lòng tôi lại buồn nổi gai. Vợ tôi bế thằng út vào lót cho nó ngủ trong buồng, rồi lấy cho tôi cái bát, đôi đũa. Cuộc chào mời đùn đẩy, nhường nhịn nhau rõ bực.
Tôi lùa hai bát cơm với nước dưa chua, rồi bỏ đấy. Bà cụ nài, rồi tôi dỗ thằng Thức cũng lắc đầu không dám ăn chỗ cơm còn lại. Hắn sợ mẹ. Nhà này, mẹ chúng nó có quyền uy tối thượng. Biết vậy, nhưng tôi cũng sắp trở thành kẻ sống nhờ...
Ngồi ở bếp, tôi hỏi vợ:
- Nhà mình còn thiếu của hợp tác xã bao nhiêu thóc nữa em?
Cô ấy không trả lời tôi mà nói rất vô lễ:
- Có biết thế này, đái tòe tòe vào, chứ tội gì lôi về. Cha đời! Bữa trước thì tuyên bố vớt được nấy ăn nấy, người ta mới hụp lặn xuống nước lụt mà khở (gở) từng bông lúa. Nay lại giở trò giảm tỷ lệ!
Tôi vỗ về:
- Thôi! Lụt thì lụt cả làng, em ạ! Em nói xem, so với tổng sản phải nộp, nhà ta thiếu bao nhiêu?
- Một tạ mười hai cân, em đã trình bày với anh Nhà đội trưởng rồi. Thực tế mò được hạt nào đã ăn hết hạt nấy. Mấy lâu nay bán được đồng rau nào mua ăn, không bán được thì nhịn. Đã nói khất rồi. Không cho khất, thì nhà đấy có dỡ được, đến mà dỡ.
- Phải mềm mỏng, em ạ! Khéo bán khéo mua thua người khéo nói! Gia đình mình, con cái mình còn ăn đời ở kiếp nơi đây.
Vợ tôi rền rĩ như sắp khóc:
- Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời...
Ngồi sưởi ở bếp rất lâu, vỏ cao su cháy tàn, đã vạc hai ba đống than, mà chẳng ai muốn nói với ai câu nào nữa. Bà cụ ngồi lâu, mỏi và chán chuyện bỏ đi nằm. Thằng Học làm toán xong, lấy cho bà nồi than, rồi cũng rúc xuống bếp. Hắn đi bốc rơm lót ổ ngay cạnh bếp, lấy ván chắn rồi trải chiếu, ôm chăn ra nằm.
- Ngủ đây mà ấm, bố ạ!
Trong giường thằng Út Văn khóc í óe. Hắn lại đái lạnh đít rồi. Mẹ nó vào quả không sai. Nó được ôm ra bếp sưởi, nằm gọn trong lòng mẹ. Gần một tuổi mà nó còn bắt nhá cơm bón và bú thì hơn con bê non. Lại nhai tòm tọp thế đó! Tôi đùa với con để nó cười sằng sặc cho dịu cơn lo buồn.
Gần mười hai giờ khuya, cả nhà đi nằm. Tôi ngủ với hai thằng oắt trong ổ rơm dưới bếp.
Có điều gì đó bồn chồn và nơm nớp...
Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp xã: từ đội 1 đến đội 15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ đọc bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy về công tác lương thực.
Hoàng Văn Nhân, đội trưởng đội 12, đọc trên loa danh sách những nhà thiếu thóc chưa giao nộp cho hợp tác xã. Đèn đóm soi rừng rực ở các ngã đường. Chó sủa ơi là chó sủa. Cũng cái loa phóng thanh ấy, có tiếng ông chủ tịch xã gọi cán bộ về đội 12 hội ý.
Ông trưởng công an xã Nguyễn Đình Định gào rát cổ trên loa, giọng giật giội gọi lực lượng dân quân, công an tăng cường về chi viện cho đội 12, tạo đà cho đội hoàn thành chỉ tiêu huy động. Tôi rùng mình nghĩ đội tôi là đội trọng điểm, nên cán bộ xã, hợp tác xã, vón cục cả về đây. Họ sẽ gõ cho ra chục tấn thóc còn tồn sổ.
Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc. Tiếng chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹch như bị chọc tiết ở các nhà gần quanh, làm thằng Út Văn khóc thét lên, ôm riết lấy mẹ. Thằng Thức cũng im thin thít, nằm co trong lòng tôi không dám cựa. Bên nhà ông Ái, láng giềng cách vườn nhà tôi một hàng rào, công an và dân quân đang lùng sục. Tiếng ông bà Ái kêu xin và tiếng quát lác, tôi nghe rõ mồn một.
- Cứ bắt lấy cái xe đạp! Phích, xô, bắt ráo!
Ở cổng nhà tôi đã có bước chân rình rịch, con chó mực đang có chửa bị quất, kêu ử ử.
Cạch cạch cạch.
- Chị cò Lộc, mở cửa ra!
Tiếng thằng bé trong buồng khóc thét. Thằng Thức đang ôm tôi, nghe em khóc cũng òa khóc toáng lên. Thằng Học mười hai tuổi đã học lớp tám rồi, mà cũng níu lưng tôi run bắn. Nghe tiếng quát lần thứ hai, từ nhà bếp, tôi chạy lên. Một luồng đèn pin soi giữa mặt làm tôi lóa mắt, phải lấy tay che.
- Có chuyện gì đấy, các bạn trẻ ơi?
- Thu thóc, thu thóc chứ còn gì, ông đừng hỏi vờ.
Vợ tôi đã mở toang cửa, tay ôm thằng bé ngất lịm. Một anh, hai anh... bốn anh bạn trẻ ùa vào nhà. Anh đi đầu cao to, tóc cắt tăng gô, mặc áo bông thùng thình, soi đèn pin rồi đánh diêm châm cái đèn hoa kỳ ở bàn thờ. Có lẽ Tâm "hộ pháp" là người này. Phải, tôi đã thấy anh ta đứng chân hộ vệ giữa, trong một cuộc đá bóng với xã khác. Tay anh cầm cái choòng sắt cỡ ngón tay cái. Vợ tôi mời họ ngồi ghế. Bà cụ đang ốm ở giường bên cũng cố ngóc dậy, run rẩy chào.
Theo danh sách đội báo, chị còn thiếu hơn tạ thóc. Yêu cầu chị đem nộp ngay!
Bà cụ tôi đáp thay con dâu:
- Các bác các anh ơi! Có còn cái gì mà nộp. Các anh và các bác không thấy đàn con hắn đói xanh đói trong đi à? Các bác không thấy tôi cũng phát phù phát nề, vàng cây úa lá đây à?
- Chúng tôi không hỏi mụ nghe chưa?
Cả bốn người cùng soi đèn pin khắp nhà trong, nhà ngoài, dưới bếp, bên chái. Hai người tuông soi cả trong vườn rau. Vợ tôi mếu máo:
- Làm gì có lúa để ngoài ấy. Các anh xéo nát cả rau.
Tôi chạy ra trụ sở đội, định tìm cán bộ trình bày. Chủ tịch Phê, bạn dạy học với tôi ngày trước, đi bộ đội về giải nghệ, vào cấp ủy, đang đứng đấy. Thấy thế tôi mừng quýnh. Lại thấy cả Phùng Gia Miện anh họ tôi, làm bí thư đảng ủy cũng có mặt, tôi càng yên trí. Nhưng thấy tôi họ quay đi lảng tránh.
Anh Miện bảo nhỏ tôi:
- Chú về động viên gia đình thanh toán bằng đủ, nhà mình là cán bộ. Không có thóc thì nộp bằng tiền. Lãnh đạo đã nhất trí cho nộp cả bằng tiền rồi đó.
Tôi đang định nói: "Đã không có thóc thì làm cóc gì có tiền", nhưng anh họ tôi đã dịu giọng:
- Ở đội trên, hắn bắt cả anh Thiện, anh ruột tôi, mà tôi cũng phải điếc đi... "Mất mùa màng, lợi ích thứ ba của người lao động phải hy sinh cho lợi ích của nhà nước". Đồng chí bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị thế, chú biết rồi đó.
Lúc ấy ở trụ sở, công an, dân quân đã khuân về nào xe đạp, bàn ghế, tủ, chum vại, thùng tôn, lợn gà... để ngổn ngang ra tận ngõ. Tên chủ nhà thiếu thóc đề chữ bằng phấn trắng vào các đồ vật: Ông Ất, ông Do Khả, ông Hưng, ông Hồng, ông Khính (mẹ đẻ cô Hoa, mẹ vợ chú Được phó chủ nhiệm)... Mấy con bò bị bắt cột gần đó sợ đèn, sợ đám đông cứ lồng lên, chực bút mũi. Chúng xoay vòng quanh, mgửa lên mặt kêu "hấp bồ", "hấp bồ"...


Tôi loạng choạng đi về nhà, thấy người ta đang còn soi đèn tìm rất kỹ. Tôi nói:
- Các người anh em soi tìm gì cho mất công. Nhà tôi xin khất đến mai, tìm cái bán chác, nộp tiền bằng đủ.
Anh đầu tốp nháy nháy mắt ra hiệu.
- Đêm nay là đêm nay! Mai chúng tôi mất thưởng ai chịu cho?
- Bắt cái xe đạp ni, bay!
Hai ba anh chạy lại. Tôi từ tốn ngăn họ:
- Các đàn anh ơi! Tôi không làm ruộng sản mà. Đây là xe đạp nhà nước cấp cho tôi để tôi đi công tác. Các vị bắt cái này không được đâu.
- Nếu chúng tôi cứ bắt thì sao?
Tôi loáng nghĩ được một mẹo. Rút cái "thẻ hội viên Hội văn nghệ tỉnh" ra, tôi nói:
- Tôi phản đối! Tôi là "nhà báo"! Tôi sẽ kiện lên tận ông Đồng.
Nước cờ của tôi không ngờ lại có hiệu quả. Họ im lặng. Hẳn họ đã biết tên tôi dưới những bài đăng nào chăng.
Chợt vị "hộ pháp" nhìn chằm chằm vào cỗ quan tài để dưới gầm bàn thờ, rồi đi lại, vừa gõ vừa hỏi:
- Cái gì trong này, chị Lộc?
Im lặng...
- Cái gì trong này, chị nói mau?
Vợ tôi ấp úng. Tôi muốn tắc thở.
- Có cái gì đâu...
Mấy vị hăm hở lại, đạp lật nghiêng một cái. Nắp văn thiên bung ra, lúa chảy rào rào. Cả toán reo lên như một hiệp đào vàng trúng vỉa:
- A! Lúa! A lúa! Lúa! Anh em ơi. Ghê thật! Thế mà giả nghèo giả khổ.
Mẹ tôi chống gậy vái dài:
- Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh! Lúa của tôi. Đó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt.
Thực ra là của hai bà chị trong đó mỗi người có mười cân thôi. Ba mươi chín cân tiêu chuẩn hai tháng vừa qua tôi lấy về, còn lại là hơn bốn mươi cân, vợ tôi đong để dành "hôm sau" cho bà.
Bà cụ nói như rên rẩm:
- Đã bảo xay phứa đi cho con nó ăn không nghe. Cứ bóp mồm bóp miệng, để dành làm chi. Sống chả thấy đâu nữa là!
Một tay râu tóc lồm xồm hỏi:
- Chị có gánh đi hay không thì bảo?
Một tay khác tôi hơi quen mặt, đến trước vợ tôi lạy lia lịa:
- Thôi em xin bà chị. Em đi làm ở đây thế này, nhưng lại có bọn khác đến chỗ em làm ác y hệt. Nhà em cũng thiếu mà. Chị không gánh, để cánh này bê cả hòm ra, chị phải chịu hai chục công là ít, chưa nói phạt tiền.
Họ xúm vào khiêng bàn thờ ra, để lôi hòm lúa. Bất đồ hai thằng Học và Thức từ bếp tuôn lên, ôm lấy tay chân chư vị, van rối rít.
- Cháu van các chú! Các chú đừng lấy lúa này đi. Lâu nay các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!
- Buông ra đi! Ô hay, đồ con nít!
Bà cụ loạng choạng đi lại, giơ gậy cản:
- Các ông không thương trẻ, thì các ông thương lấy thân già, để lấy phúc đức cho con cháu.
Vì họ đá vấp gậy, lại yếu như con căng cắc lột, bà cụ ngã chỏng queo như chiếc ghế đổ.
- Ối Đảng ôi là Đảng ôi! Chính phủ ôi... Trông xuống mà coi...
Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:
- Mẹ! Mẹ không được la như thế! Đây không phải Đảng! Đảng ta không làm thế. Đảng không chủ trương thế này!
Tôi nói vậy và ngoặp hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra. Hai vợ chồng xúc hết lúa ra thúng bì. Dặn thằng Học trông em, ngó bà, tôi cùng vợ hì hục gánh thóc ra trụ sở nộp...
Đoạn cuối này tôi dành cho anh Quang.
Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng thấy cứ phải nói ra.
Chuyện thật của nhà anh đây: lúa vay ăn còn nợ bảy tạ, con Lâm, thằng Sơn phải đi mò hến từng bữa, chị ấy nấu bánh đúc đi các làng đổi lúa. Anh mà nói ra, người ta cho là anh bêu riếu. Việc thật ở nhà tôi đêm 26 tháng 11 năm 1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?".
PHÙNG GIA LỘC - Cuối năm 1987