Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Ca sĩ Tâm Vấn

CA SĨ TÂM VẤN - GIỌNG NHƯ TƠ... LÒNG NHƯ LỤA
Trần Thị Vĩnh Tường

Từ đôi mắt dài đắm đuối Hà-Nội ngọt ngào, Saigon ai lẽo đẽo tìm Hà Nội thanh lịch, Saigon nhí nhảnh sẽ vớt được chút hương đầu mày cuối mắt lớn lên vào một thuở thanh-bình hiếm hoi của đất-nước ngày còn "nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mưa sa..."

Hiệp-định Genève 20/7/1954, bày chim lìa Hà-Nội di-cư vào Nam mang theo tiếng hót trăm năm trước không có, trăm năm sau cũng không có nốt.
Sáng sớm mở mắt ra là nghe hót líu lo qua chiếc radio đầu giường bà nội, còn nhỏ không hiểu tại sao từ cái máy im lặng ấy lại gửi ra những vần ảo diệu khiến "Tôi yêu tiếng nước tôi" từ rất sớm.
Những năm đầu 1960 ở Saigon chưa có truyền-hình, xôi bắp, báo Tự-Do đồng hạng 2 đồng, vé ciné rạp Thanh-Vân 5 đồng, bản nhạc nhà xuất-bản Tinh-Hoa 7 đồng,... Hai chị ít tiền mà mê hát lúc nào cũng sẵn sàng tập vở bút chì, khi Tâm-Vấn, Thái-Thanh, Mộc-Lan, Châu-Hà, Kim- Tước, Anh-Ngọc, Văn-Phụng, Hoài-Bắc, Hoài-Trung cất tiếng là mắm môi chép rồi chuyền nhau tập đến nỗi hai nhóc tì trong nhà cũng bập bẹ đôi chút. Lúc ấy cứ tưởng thi-sĩ ở trên mây, văn-sĩ xa mãi tận vầng trăng, ca-sĩ ăn hoa uống lá... Từ cuối đêm khuya đến đầu sương sớm họ chẳng làm gì ngoài việc gửi đến đời thuần những điều tươi đẹp dày mãi trong tập vở mực tím nắn nót chép tay.
Chỉ ca sĩ - nghệ sĩ mới biết soi bóng trên giòng sông nhạc- sĩ vẽ ra. Nghệ- sĩ Tâm-Vấn quên mình mà hát cho người vắng mặt. Hiếm ca-sĩ đời nay biết đến "nghệ-thuật quên mình" ấy nên chỉ hét hơn là hát.
Bà nội bảo "Nghe cô hát nhớ Hà-Nội quá", mẹ nói "Bà ơi cô ấy hát như lụa nhỉ", ba hay tán tỉnh ăn uống đồng ý ngay "Hay là nấu tí miến gà bầy tí giò lụa kha khá cà cuống ". Anh Hai cho là giọng cô đầy khao khát thanh xuân, chị Ba chị Tư đang bị bà mắng tội ăn quà thấy đỡ oan vì giọng Tâm-Vấn chợt reo lên như dỗ dành em gái. Con gái 17 không ăn quà thì ăn gì?
Ấy thế mà một hôm theo chị lên Catinat được gặp hai chị em Tâm-Vấn Thịnh-Thái ở tiệm vải Tường số 110 đường Tự Do giữa hai tiệm vải Hàng Phong và Tân Cương xế nhà tranh Thành Lễ, cách nhà hàng Caravelle vài bước. Hóa ra Tâm Vấn không sống bằng hoa lá, cô là... người thật, nõn nà lụa chảy tan thành suối ôm ngón tay mảnh dẻ. Từ đôi môi son tròn xinh kể chuyện líu lo giọng Hà-Nội đầy nhạc tính, hòa nhã mà từ tốn nhẹ nhàng mà khiêm nhường âu yếm mà dìu dặt thế-hệ Hà-Nội về sau không sao có được. Ba bảo gặp Tâm Vấn ở Hà Nội "Người gì mà đẹp duyên dáng lại hát hay nhìn xa như cả vườn hoa nhìn gần thắm như nụ hoa chớm nở..." Gớm thay cái giống đa tình dù không quá chén.
..."Các cô mình may áo gì nào? Áo dài đi học đi làm thì xuống tiệm vải nội hóa Hồng Hoa đường Phan-Bội-Châu cho rẻ mà cũng đẹp nõn em ạ. Chúc mừng cô dâu cậu nào may mắn thế! Áo cưới có lụa Thái-Lan thời bà Ngô-Đình-Nhu cũng chưa có, màu vàng hoàng hậu sang không cần đeo vòng đeo xuyến. Chị có nhẫn kim cương mới về nhưng 5 ly 6 ly to tiền lắm vợ chồng son dành tiền mà nuôi con. Em ra Chợ Cũ tiệm vàng Ấn Độ nhẫn sapphire hồng đẹp lắm, mình phải thay đổi em ạ cứ cái gì đẹp thì yêu...Nếu lấy màu turquoise này thì lên lầu Hai thương xá Tax tiệm Bảo-Ngọc nhờ cô Nguyễn Gia-Liên chọn giây chuyền bạc đeo giống người Nam mình... Em không hỏi cô cũng chỉ bảo đến nơi đến chốn. Cô Liên người Hà-Nội mỏng người hay hạt nhẹ nhàng cứ như tiên các em không sợ mua nhầm. Nói chị gửi các em qua là cô Liên bớt ngay đeo chán chê mang lên vòi vĩnh đổi cũng được ...Nói thật không phải người Hà Nội nào cũng xởi lởi thế đâu. Em gọi cô tên con gái là Hậu Anh thế nào cô cũng bớt thêm nữa"
..."Ơ thế em bé này học Trưng-Vương? Cô út Tâm Đạt nhà chị ra trường rồi... Các cô Trưng Vương cô nào cô nấy điệu rơi điệu rụng điệu rớt cả linh hồn ra ngoài. Cô nào học Trưng-Vương cũng là em của chị, Hồng-Thủy, Hồng-Hảo, Mộng -Thúy, Từ- Bình Thanh-Hà đến đây cả... A bé con này chưa biết điệu. Nỡm ở đâu ấy! Thói mặc áo dài là phải có áo lót mình ngọc khoe ra ngà dấu lại. Chị thêm cho cô em ba tấc phin nõn trắng ông nhỡ bà nhàng sót lại vừa vặn may áo lót."
..."Vớ vẩn ở đâu ấy! Trẻ con không mặc lụa Ý lụa Hongkong chạy nhảy rách cả áo. Thịnh Thái đo cho em nó một mét rưỡi hàng demi-nylon hồng các cô Marie Curie may váy lót nhưng ai cấm mình may áo blouse? Mẹ cho em học thêu bà Cát Tường à? Thái xem trong ngăn kéo còn sót 2 cuốn chỉ màu vàng màu tím DMC của Pháp cho em thêu hoa Pensée thì đúng điệu... Cổ lá sen tay bồng như búp bê xinh chán. Vài tuổi nữa đi bal famille lên đây chị cho vải khúc vụn ráp lại thành áo đầm không tốn lắm mà vẫn diện em ạ"
...."Có vải vụn may áo búp bê Bella không ấy à... Giời ạ, con bé cốt Saigon hồn Hà-Nội được voi đòi cả tiên ông tiên bà ... vải của chị mấy lạng vàng một áo, nho Bangkok 700 hồng Nhật 1200 một kg...làm gì có dư cho cái con đầm con ấy, em đến tiệm Thu Hương may áo dài nói tên chị là cô cho em nhé".
(...)

... "Tiểu thơ Hà Nội ngày đó kín cổng cao tường mơ làm "cô hàng" hàng sách hàng hoa hàng lụa mới được bay nhảy ra ngoài còn không đi đâu phải có phép có tắc nhặt rau muống cũng có phép nữa mà. Ô mà cái phép Hà Nội lúc nào cũng bị mắng em ạ, đứng cũng mắng ngồi cũng mắng đi cũng mắng. Con gái bảy nghề ngồi lê là một dựa cột là hai ăn quà là ba theo trai là bốn... chẳng bù với con gái trong Nam mình muốn theo ai thì theo sướng thật..."
... "A món rau muống Hà-Nội thế nào ấy à? Rau Sơn-Tây cọng trắng chẻ mới mỏng như thuốc lá, luộc phải rau Giải cọng nhỏ ít lá chấm nước mắm sấu dầm, rau xào chỉ ngắn bằng gang tay bóp nhè nhẹ cho dập xào tỏi dọn lên thiếu lá kinh giới là ông mắng cho... Các bà hàng rau răng đen rưng rức đon đả "Thưa cô hôm nay mời các cụ thời gì" là gói ghém đủ cả còn bảo "Cô ơi còn phúc mới được các cụ mắng đấy". Gớm mang tiếng bán hàng chợ Đồng Xuân chứ nhời ăn tiếng nói cứ như liền anh liền chị Quan Họ em ạ. Ừ, nhiều người Bắc Ninh ra Hà-Nội buôn rau bán quả dìu dặt như hát không mua không được không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng... Người Kinh Bắc mà lại...Nhiều khi chị nhớ héo cả ruột gan. Các em bây giờ không có phúc gặp người Kinh Bắc nữa nhưng có cô Nam Kỳ cam quít vú sữa một chục mười tư mười sáu còn vô vườn tha hồ "muốn ăn nhiêu ăn" không giống ngoài Bắc mình rạch ròi nước sông nước giếng cây chuối đổ hàng rào cũng cãi nhau mất mặn mất ngọt nhưng cái nết người Bắc cãi bừa có chịu kém ai"
..."Mầu trứng sáo là màu gì? Giời ạ nó còn bé quá chẳng hiểu chuyện Hà-Nội. Đây màu trứng sáo xám nhạt mẹ chị không cho u già đụng vào mẹ tự đốt bàn là than nóng lót khăn ẩm lụa bóng mượt bước đi hai chân óng ả như bướm ấy cơ. Bây giờ các cô có bàn là điện bán trong thương-xá Tax ngay bên cạnh tha hồ là ủi lúc nào chẳng được."
..."Ừ đang kể đến đâu, à người Hà-Nội mua hoa ấy mà... Thái nhỉ, cô hàng hoa khau kháu là hôm nào cũng đến đầu nhà gọi "Bà ơi, hôm nay cháu có hoa đẹp hôm kia bà lấy Glaieul hôm nay hoa Hồng nhé có cả hoa Ngâu cúng Phật u cháu dặn nhớ để riêng cho nhà ta một bó không được tính tiền phải tội...A Di Ðà Phật... bà kêu cầu cho cháu với nhớ... thằng bé hôm nay nóng sốt trăm sự nhờ Phật độ"
..."Cô mặc áo dài nâu non gánh hai cái mẹt đơm bốn thứ hoa như lồng-bàn kheo khéo là. Cô uốn lá chuối như cái hộp thoăn thoắt buộc lạt chuối thành bó xinh xỉnh xình xinh sên lên công chúa không múa cũng mua năm hào một bó... Đấy cũng người Hà-Nội các em ạ, củ mỉ cù mì thủ thỉ thầm thì tủm tỉm mà cứ lịm như say thuốc lào cơ đấy...Ấy thế mà khi vào Nam mẹ dúi vào tay hai cái áo dài làm kỷ-niệm cô cứ ràn rụa "Nhà ta đi bỏ cháu lại với ai". Vào Nam chị có ý tìm cô ấy mà không thấy Thái ạ..."
... "Chọn vải xong vào rửa tay ra đây chị cho ăn Dứa, trong Nam mình gọi là Thơm. Tại sao gọi là Thơm nhỉ em? Mẹ con chị Tư Tiếc ngày nào cũng ghé mời chị trái cây lòng dạ chân chất chẳng biết mời chào nghĩ gì nói nấy mình cứ mủi lòng mua hết món này món khác, xoài dầm cóc xanh chùm ruột ngâm nước cam thảo... biết chị đi hát nên luộc giá chị uống trong giọng ... Tên là Tuyết cơ đấy trong Nam đọc là Tiếc nghe đến là hay... Hà Nội ít Dứa chị không biết gọt Tư Tiếc bảo "xây" tức xoay trái thơm trên cuống thì đúng mắt không dập không chảy nước xây xong trông như cái hoa ấy em ạ... Nhớ đấy cái gì cũng phải học mới nên người... A, mở gói tiền này ra đếm cho chị, hôm rồi Tư Tiếc hốt hụi mua xe đạp cho hai em nhỏ đi học thiếu chút đỉnh mượn chị... Chị bảo ăn trái cây trừ dần thế mà không chịu "Má con nói vay thì trả, hổng được cấn qua cấn lại vô vụ trái cây" Người Nam là thế đấy trời sinh cái tính vừa lương vừa thiện"
..."Ơ chị phải đi đến Ðài Phát Thanh, chị hát bài Mơ Hoa nhớ cô bán hoa nhà mình Thái nhé ...không khéo lại hát thành Mơ Thơm thì hỏng kiểu.
"Lòng trông theo cô hái hoa,
Bước đi bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ
Bóng mờ mờ xa
Tan giấc mơ hoa..."
..."Thái với các em đón nghe nhé, hát thẳng không thâu tới thâu lui chị hát thế nào nghe thế ấy. Thái có nhớ hai chị em mình song ca Mơ Hoa trên Đài Phát Thanh Pháp Á không nào...Bố mẹ phóng khoáng cho chị đi hát kéo em theo có chị có em. Mà nào có ai làm gì mình đâu Thái nhỉ. Hà Nội một lời khe khẽ cũng chẳng dám buông. Gớm lúc đó Thái là cô đầu tiên cắt tóc ngắn à la garçonne con trai Hà Nội đứng ngó xa xa "
..." Ôi cái cô bé xíu này cũng thuộc Mơ Hoa à, nhưng em ạ còn bé đừng hát mà vận vào người
"Bóng người khuất xa
đôi đường từ đây
Ai bước đi không hẹn ngày
Người tuy xa cách... "
.                                                    .Clip ca sĩ Tâm vấn và hình ảnh

Ấy thế mà thoáng nửa thế-kỷ, chẳng hề nghĩ có ngày gặp lại "Người tuy xa cách" ấy ở Orange County, California. Vậy mà năm 2010, 2016 gặp cô ở California "giọng hát không có tuổi" vẫn nhí nhảnh xuân thì đôi mắt vẫn lẳng bước đi vẫn thanh dáng vẫn sang nhưng cạnh cái oai thầm của bậc phu-nhân là trăn trở lặng lẽ gánh định-mệnh lênh đênh từ Hà-Nội đến Saigon mang theo ca khúc rút ruột rút gan từ thôn ổ bên kia cầu Hiền-Lương xa lắc.
Trên sân khấu Tâm-Vấn thanh thoát yêu kiều bao nhiêu thì ngoài đời bấy nhiêu ân cần gửi đến chồng con gia đình chị em bè bạn. Hai ca sĩ Tâm-Đan và Tâm-Vấn của Đài Phát Thanh Saigon những năm 1960 giờ đây bảy mươi tám mươi trẻ hoài vì tâm hồn nghệ sĩ không phủ bóng tối nên lòng xuân cứ lơ đãng mãi?
Tâm Vấn không sửa giọng mà hát mộc tự nhiên. Bài Chiến-Sĩ Của Lòng Em điệu Fox ít người dám hát vì cô say đắm hát rồi. Chiến-sĩ và nhạc-sĩ Trịnh-Văn-Ngân ở lại với nhân-gian qua giọng ca rực rỡ dồn dập ấy.
Nghe Tâm-Vấn tình tứ hát Nỗi Lòng nhạc-sĩ Nguyễn Văn Khánh hẳn yên tâm, tình mà không lẳng lẳng mà không gợi gợi mà không đục... Ai mang trên vai năm bảy mối chia-ly mới thấm "Yêu ai yêu cả một đời", dù không gặp.
Nghe Tâm-Vấn hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa lướt thướt "Em đến chơi quên niềm cay đắng ... và quên đường về", cùng nhạc-sĩ Tô-Vũ mừng cho đôi lứa gặp không tìm.
Nghe Tâm-Vấn hát Ngày Về "Nhắp chén men say còn vương bóng quê-hương Dừng bước tha hương lòng đau" của nhạc-sĩ Hoàng Giác, bỗng ngưng tìm kiếm vì không bao giờ gặp được
Hôm nay nghe tin Tâm-Vấn vĩnh viễn ra đi ở tuổi 85 ở Saigon cũng vào một ngày tháng bảy chia ly, con trai Hoàng-Trọng-Thụy làm đàn ở chùa Bát-Nhã Orange County tiễn mẹ. Xin đến không chỉ tiễn Tâm-Vấn dung-nhan mà tiễn thế-hệ "Bắc-Kỳ Di-Cư 54" đã làm xong bổn-phận liều bước tử sinh quẩy trên vai khúc hát tư-hương vào miền Nam nhân hậu. Chỉ trong 21 năm, từ 1954 đến 1975, miền Nam mưa nắng hai mùa bảo bọc những mảnh đời phiêu bạt cùng nhau gắng hết sức mình chu toàn gia-đình và đất-nước.
Ơi! Những người đàn bà quê-hương muôn thuở!
Sắc không lộng lẫy mà lòng thuần thục.
Chịu bao oan khổ tình đời mà lòng không tê tái

.
Chị ra đi êm đềm, Tâm-Vấn nhé. Thế hệ Bắc-Kỳ Di-Cư 54 nhờ tiếng hát chị mà tụ rồi sẽ tan nhưng cũng gặp nhau trên cõi vô cùng ấy.
"Có những người đi không về
Xa xôi rồi quên ước thề"
Tâm Vấn, chị với em chẳng thề bồi chi cả nhưng kỷ niệm ngày thơ vẫn nhớ nên ghi chút tình thơ tiễn người Hà Nội.
Cảm ơn Miền Nam bảo bọc Tâm-Vấn lần cuối.

Trần Thị Vĩnh-Tường 
3/7/2018- California

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Rồi Một Hôm - Thanh Tịnh

Rồi Một Hôm

Tác giả: Thanh Tịnh
Rồi một hôm nếu về cha hỏi
Mẹ ở đâu ? con biết nói sao ? 
- Con hãy bảo : Trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau .

Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao ?
- Con lặng chỉ bình hương khói tẻ
Và bên giường chỉ dĩa dầu hao .

Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng ?
- Con hãy chỉ một cây đào nhỏ 
Bên cây tùng rồi đứng lặng yên .

Còn mồ mẹ nếu cha muốn biết 
Phải phương nào con nói cùng cha ?
- Con hãy chỉ bầu trời xanh biếc 
Và bên trời có nội cỏ xanh .


Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Đặc Khu Chợ Lớn Xưa Kia !

CHÍNH QUYỀN TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM NGĂN CHẶN TỪ XA VÀ TẬN GỐC NGUY CƠ "ĐẶC KHU CHỢ LỚN TỰ TRỊ" RA SAO?
Thập niên 1950, sau khi Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa chiếm xong toàn bộ đại lục Trung Hoa, Chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) ngầm ngầm lẫn công khai có chủ trương tác động, gây ảnh hưởng đến các cộng đồng người Hoa khu vực Đông Nam Á.
Cũng trong những năm này, Singapore là thuộc địa Anh, nơi cộng đồng người Hoa chiếm đa số nổi lên phong trào đòi tự trị. Trong tổng tuyển cử đầu tiên năm 1955, lãnh đạo ủng hộ độc lập của Mặt trận Lao động là David Marshall giành chiến thắng; dẫn đầu một phái đoàn đến Luân Đôn để yêu cầu tự trị hoàn toàn, song người Anh bác bỏ. David Marshall từ chức và Lâm Hữu Phúc trở thành người thay thế, tiếp tục tiến hành các chính sách nhằm thuyết phục người Anh trao cho Singapore quyền tự trị nội bộ hoàn toàn đối với toàn bộ các vấn đề, trừ quốc phòng và đối ngoại.
Thực tế 4 năm sau, 1959, qua bầu cử tháng 5-1959, Đảng Hành động Nhân dân giành chiến thắng và Singapore trở thành một nhà nước tự trị nội bộ bên trong khối Thịnh vượng chung.
Và sau những biến động lịch sử, từ một thành viên của Liên bang Malaysia cùng với Malaya, Sabah và Sarawak (1962), Singapore là bang tự trị vào tháng 9-1963. Cuối cùng, Singapore độc lập ngày 9-8-1965.
Đó là một ví dụ cụ thể gần đây của cái gọi là chiến thuật "tằm ăn lá" của các triều đại, chế độ Trung Hoa xưa nay không thay đổi: bắt đầu là đưa dân tới làm ăn ở một vùng đất nào đó, tạo thành khối, lực lượng chặt chẽ; sau đó là.. chống lại chính quyền nơi đó, đòi tự trị rồi tách ra...
Chiến thuật này ông cha ta "rành sáu câu"!
Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:
Đời vua Trần Anh Tông (1293-1314), đức Trần Hưng Đạo lui về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Vua Anh Tông thấy ngài bệnh nặng sắp mất liền ngự giá đến thăm. Nhà vua đã cẩn thận xin ý kiến của Hưng Đạo Vương về cách thế đối phó với giặc phương bắc, mới hỏi rằng: “Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?”
Hưng Đạo Vương tâu rằng: “(...) Khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị...".
Cũng trong thập niên 1950, cảnh giác nguy cơ "tằm ăn lá" và lấy ngay tấm gương tự trị Singapore sát cạnh, Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành một loạt biện pháp cụ thể phòng chống nguy cơ tỉnh Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn - nơi có đa số cư dân là người Hoa - đòi tự trị.
Tỉnh Chợ Lớn (khác thành phố Chợ Lớn) vốn được chính quyền Pháp thành lập ngày 20-12-1899 với nhiều quận huyện. Dân số tỉnh Chợ Lớn ở thập niên 1950 khoảng gần 1.000.000 dân, xấp xỉ Singapore lúc ấy.



Còn thành phố Chợ Lớn (khu vực quận 5, 6 hiện nay) vốn được thành lập sớm hơn, đồng thời với thành phố Sài Gòn 1865.
Đến 1956, dưới thời Chính quyền Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, hầu hết người Hoa ở tỉnh Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn vẫn mang quốc tịch Trung Hoa (hoặc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Trung Hoa đại lục, hoặc Trung Hoa Dân quốc - Đài Loan). Và cộng đồng này vốn có quan hệ rất chặt chẽ về gia đình, buôn bán với cộng đồng người Hoa ở Singapore - từ hàng trăm năm...
Tấm gương Singapore + tác động ngấm ngầm của của Chính quyền Trung Quốc lúc ấy, Chính quyền Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm đã ra tay: hàng loạt biện pháp phòng chống nguy cơ "diễn biến hòa bình" được thực hiện ngay những ngày đầu tiên của nền Đệ nhất Cộng hòa.



Nổi bật là hai biện pháp chính:
1. Công bố hàng loạt ngành nghề kinh doanh chỉ dành cho người Việt Nam; người nước ngoài không được hành nghề. Người Hoa vốn mê buôn bán, làm ăn. Thế là ngay lập tức, 99% người Hoa ở tỉnh, thành phố Chợ Lớn cũng như toàn miền Nam xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Quốc tịch Việt Nam rồi thì còn đòi tự trị gì nổi! Không lẽ người Việt đòi tự trị với người Việt - bất hợp lý với công pháp thế giới.
2. Và biện pháp địa giới hành chính ngăn chặn tận gốc cụ thể cũng được ban hành: Ngày 22-10-1956, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN "Thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Theo đó, địa phận VNCH gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Tân An hợp nhất phần lớn đất đai tỉnh Chợ Lớn để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh Long An. Một số khu vực còn lại của tỉnh Chợ Lớn nhập vô tỉnh Gia Định.
Cũng theo Sắc lệnh này, Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn đổi tên thành Đô thành Sài Gòn. Như vậy tên gọi "Chợ Lớn" không còn được dùng chính thức trong các tên gọi hành chính cấp tỉnh nữa. Kể từ đây, địa danh "Chợ Lớn" chỉ còn được dùng để chỉ khu vực quận 5, quận 6, quận 11 và một phần quận 8, quận 10 của Đô thành Sài Gòn.
Tỉnh Chợ Lớn có đa số cư dân là người Hoa tồn tại 57 năm đến đó là hết!
Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn vốn là đơn vị hành chính do Tổng thống Pháp ký thành lập năm 1931 (Région Saigon - Cholon hoặc Région de Saigon - Cholon). Ngày 30-6-1951, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam ký sắc lệnh số 311-cab/SG đổi tên Khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn (Préfecture Saigon - Cholon hoặc Préfecture de Saigon - Cholon hoặc Ville-capitale de Saigon - Cholon).
Với Sắc lệnh 143/VN, Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ còn Đô thành Sài Gòn. Chợ Lớn trở thành quận 5, 6... của Sài Gòn.
Chấm hết vĩnh viễn hai địa danh, khu dân cư nhiều người Hoa có nguy cơ tự trị ở miền Nam! Chấm hết âm mưu "tằm ăn lá" muôn đời nay của các nhà cầm quyền Trung Hoa ở miền Nam.
(Stt đi vào cách nhìn nhận và xử lý nguy cơ ngoại bang, không đi vào ý thức hệ chính trị. Mong các bạn comments chia sẻ điều này. Xin cảm ơn)
Tác giả: Cù Mai Công 

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

MÙA MUỒM MUỖM - TUỔI THƠ NGÀY SƠ TÁN

Dạo 1966 -1968, như bao cô cậu bé Hà nội, tôi sơ tán về Hà Bắc ở với bác chủ nhà rất tốt bụng tận tình chỉ bảo, do vậy tôi hòa nhập rất nhanh với đời sống nông thôn.
Mỗi khi vào mùa lúa chín rộ, ấy là lúc bắt đầu mùa muồm muỗm. Những chú muồm muỗm to, béo, cánh xanh mướt luôn là đối tượng tìm kiếm của lũ trẻ (trong làng cùng anh em chúng tôi) ngày ấy . Thoạt trông, chúng có vẻ giống con cào cào, nhưng nhìn kỹ thấy mình nó thon, cánh nhỏ gọn hơn nhiều. Người ta bảo muồm muỗm thường ăn các loại trứng sâu, muỗi… trong các ruộng lúa nên được xếp là một loại “thiên địch”, là bạn của người nông dân. Vào buổi chiều, khi nắng đã xế tà, những con muồm muỗm thường đậu trên đỉnh ngọn lúa, chúc đầu xuống, hai càng giơ thẳng lên, hai bên cánh xòe ra, đập tới tấp, tạo thành tiếng kêu “ri ri” trong gió. Bác chủ tôi bảo đấy là chúng đang gọi nhau. Nhiều khi cả đàn muồm muỗm tập trung về cùng hòa thành âm thanh nghe rất vui tai.


Để bắt được nhiều muồm muỗm cũng không phải đơn giản. Chỉ trừ những chú muỗm muỗm hạ cánh ở tầm thấp, hoặc ngay dưới đường, còn lại, những con đậu trên cao (cành cây, mái nhà, cột điện...), người ta phải dùng đến những dụng cụ tự chế đặc biệt. Đó là một chiếc sào dài, đầu trên được buộc hoặc gắn thêm một cái chai nhựa (hoặc can nhựa loại nhỏ) đã được cắt bỏ phần đáy để làm thành một cái phễu tầm xa; ngoài ra còn phải có đèn pin để soi những con muồm muỗm khôn ngoan nấp mình sau những cây xà ngang...
Khi "tóm" muồm muỗm ra khỏi phễu cũng phải biết cách, nếu không muốn bị hai chiếc răng vừa to vừa cứng, vừa nhọn hoắt lại đen xì của chúng cắn vào tay. Theo kinh nghiệm của người dân, bắt muồm muỗm phải cầm thật chắc vào phần gáy để tránh chúng có thể… quay ngược đầu về phía sau.
Bắt muồm muỗm, chúng tôi phải cùng những người lớn tuổi thường đi thành từng tốp, từng nhóm vài người một. Mỗi người đều “thủ” sẵn một cái chai nhựa trong tay, người cầm gậy dài, người cầm đèn pin. Vào những ngày muồm muỗm xuất hiện nhiều, có nhà giăng đèn bẫy cả đêm có thể thu được từ 5-10 kg trở lên.
Thoạt đầu bắt muỗm về là để chơi. Cho muỗm xanh muỗm nâu cắn nhau rồi thử ngón tay vào hai cái nghiến ngàm của muỗm. Muỗm cắn đau cực đến nỗi tôi phải kêu lên đau đau là rồi rụt vội tay ra xuýt xoa
Chúng tôi nuôi muỗm cho vào cái hộp hay cái lọ miệng rộng. Bóc những hạt lúa non mới cấn sữa nhét vào mồm muỗm. Chúng nhai ngấu nghiến ngấu nghiến rồi đùn ra ngoài. Không biết có nuốt được chút nào vào bụng không
Muồm muỗm mới bắt về con nào con ý béo múp đầu bụng no căng tràn mướt mắt.
Chơi chán nếu có vài con thì nhờ các anh nhớn hơn đặt vào bếp tro nóng vùi nướng. Muỗm nướng chín ăn thơm ngậy và ngon hơn cào cào ( châu chấu , tôm bay ) rất nhiều. Vì thế mà mùa gặt muỗm hiếm hơn cào cào.
Khâu sơ chế muồm muỗm cũng không đơn giản. “Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột” là 4 khâu cơ bản để tạo nên hình hài một chú muồm muỗm trên bàn nhậu. Trải qua 4 khâu, muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo.


Thông thường người dân hay nướng muồm muỗm để ăn.Nếu ít thì lấy một cái que xiên qua mình con muồm muỗm rồi đem nướng trên bếp lửa. Mới chỉ nghe tiếng mỡ của nó chảy xèo xèo xuống than hồng thôi đã thấy sự thèm. Chừng vài phút sau, khi cánh và chân muồm muỗm cháy hết chỉ còn trơ lại mỗi cái thân tròn, căng, vàng óng, thơm phức, cái mùi thơm cuốn hút đặc biệt này làm náo nức cả lũ trẻ, cả người lớn và cả những người chưa từng ăn muồm muỗm nướng bao giờ.
Bắt được nhiều về cấu đầu rút ruột vặt cánh chan rửa sạch cho vào chảo rang lên cho thêm chút mỡ lợn rang khô bóng vàng rắc thêm chút gia vị và lá chanh thái chỉ thơm ngon cực.
Hoặc đem muồm muỗm om với nước măng chua trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ vào, đảo đều tay trên bếp to lửa. Khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn. Nêm nếm gia vị vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được.
Ðã biết bao lần tôi nhẩn nha nhấm nháp để tận hưởng vị bùi bùi, béo ngậy mà không thấy ngấy ấy. Biết tôi thích ăn muồm muỗm nướng, chiều em, nên buổi chiều nào, sau khi học xong, anh tôi cũng ra đồng bắt muồm muỗm xâu lại thành một chuỗi mang về.
Còn bạn, nếu được thưởng thức món muồm muỗm mà dân sơ tán chúng tôi đặt tên là món “tôm bay”, dù chỉ một lần bạn sẽ “ghiền chết mê” với vị ngọt, bùi bùi, béo ngậy mà không thấy ngấy ấy.
Muồm muỗm nướng, rang từ lâu đã là món ăn phổ biến nhất trong mâm cơm ngày mùa, là món khoái khẩu của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ vùng quê nơi tôi sơ tán. Hương vị đậm đà của những món ăn này gắn với ngày mùa, đồng ruộng, khiến cho những ai nhất là những bạn đã sống và lớn lên nơi đó nay thoát ly, khi nghĩ về món ăn này cũng nhớ quê, nơi mình sơ tán đến nao lòng.

(Fb Tuấn Mai)

Vì Tôi Là Linh Mục

VÌ TÔI LÀ LINH MỤC...
Ở Sài gòn thời thập niên 60, truyện "Tóc Mây" đã trở thành như một cái "mốt" cho nhiều người tìm đọc. Tác giả Lệ Hằng khai thác đúng lúc cái đề tài rất ư ăn khách mà trước đó chưa ai đụng tới. Nó gợi tò mò. Ông cha mà cũng biết yêu thương cơ à! Đọc một tí để khám phá cái thế giới huyền bí đàng sau vẻ trang trọng của một linh mục, lại chẳng phải là chuyện hấp dẫn sao!?
Tóc Mây: Là tiểu thuyết của Nữ Văn sĩ Lệ Hằng, nói về cuộc tình giữa Tố Kim, một cô sinh viên Đà lạt, với Hà vĩnh Duy, một Linh mục nhạc sĩ. Tác phẩm này đã tạo nên một cơn lốc, mà trước 1975, người ta gọi là “Hiện tượng Tóc mây”.
Hình như trước hay sau đó ít lâu, nhạc phẩm “Vì tôi là Linh mục” cũng được ra lò và trình làng. Bài hát này đã gây được một âm vang khá lớn, thậm chí những lúc buồn tình, các cô gái ngây thơ cũng thích nghêu ngao:
Vì tôi là Linh mục,
Không mặc chiếc áo dòng,
Nên chi đời đau khổ,
Nên trót đời lang thang…
Hẳn đây là tâm sự buồn của một Linh mục lỡ dại trót yêu một tín đồ duy nhất, nên đã cởi bỏ chiếc áo chùng thâm, mà nhập thế?
Sau 1975, cũng có nhiều sách viết về Linh mục, như "Bão biển" của Chu văn "Người mục tử trong sương mù"... Cũng giống như những Tiểu thuyết thấm nhuần Tư tưởng Phật Giáo, như "Hồn Bướm Mơ Tiên" của Khái Hưng (trong nhóm Tự lực Văn đoàn), "Tắt Lửa Lòng" của Nguyễn Công Hoan, rồi dựng thành phim, kịch... như "Chuyện Tình Lan Và Điệp"...
Bài thơ "Vì tôi là Linh Mục" của Nguyễn Tất Nhiên, đã len lỏi vào khắp mọi ngóc ngách, làm rung lên những sợi tơ trời. Tôi nhớ lõm bõm được mấy câu lúc đầu nghe thật ngộ nghĩnh:
vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian
nên không có Thánh Kinh
nên không có bổn đạo
nên không có giáo đường
(một tín đồ duy nhất
vừa thiêu hủy lầu chuông!)
vì tôi là linh mục
phổ lời tình nhân gian
thành câu thơ buồn bã
nên hạnh phúc đâu còn...
vì tôi là linh mục
không biết rửa tội người
nên âm thầm lúc chết
tội mình còn thâm vai.


Đấy là truyện ở bên ta. Còn bên tây thì sao? Chắc chúng ta ai cũng biết đến tác phẩm Thornbird, hư cấu từ khung cảnh bên Úc, đã được đóng thành phim chiếu đi chiếu lại dài dài, chuyên chở nhiều cơn phấn đấu dai dẳng với đủ mùi đắng ngọt của cả một đời người. Thornbird là một loại chim thật lạ, cành cây thơ mộng bên hồ không thèm đậu, lại thích lao mình vào cây gai trên rừng cho chảy máu mà hót lên cung điệu bài "thú đau thương!"
Thorn Birds: The Thorn Birds, tạm dịch: Tiếng chim hót trong bụi mận gai, có thể được xem là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nữ Văn sĩ người Úc Colleen McCulough, được xuất bản năm 1977.
Tiểu thuyết The Thorn Birds, của nữ văn sĩ Colleen McCullough (sinh ở Bang New South Wales), ngay khi vừa xuất bản (1977) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được xếp ngang hàng với tác phẩm văn học kinh điển "Cuốn theo chiều gió". Nhưng ít ai biết được rằng, thời điểm tác phẩm ra đời, viết văn chỉ là nghề tay trái của Colleen McCollough, Bà thật sự hành nghề nhân viên y tế.
"Tiếng chim hót trong bụi mận gai" được thai nghén trong ngót 4 năm, là quyển Tiểu thuyết đầu tay, rồi đầu mùa hè năm 1975, bà bắt tay vào viết một mạch trong 10 tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày Chúa nhật.
Đến năm 1988, Phim đã được chiếu rạp ở Việt Nam, với nhan đề "Những con chim ẩn mình chờ chết".


Câu chuyện về Thorn Bird kể chuyện tình cay đắng nhưng thật tuyệt vời và vượt qua mọi định kiến Xã hội, của Mecghi và Linh Mục Ranfo. Để có được sự tuyệt vời đó họ đã phải trả giá cả cuộc đời. Như lời đề tựa đã viết:
"...Theo truyền thuyết có một loài chim chỉ hót lên một lần trong cả cuộc đời nó, tiếng hót đó ngọt ngào hơn bất cứ sinh vật nào trên trái đất này. Ngay khi vừa rời tổ loài chim ấy đi tìm ngay một thứ cây có những cành gai nhọn và tiếp tục bay mãi không chịu ngơi nghỉ, cho đến khi tìm được mới thôi. Sau đó nó cất tiếng hót giữa những cành cây hoang dại rồi lao vào một cây gai dài và nhọn nhất, cây gai xuyên thủng qua ngực. Giữa cơn hấp hối một tiếng hót vút cao, thánh thót hơn cả tiếng hót của sơn ca hay họa mi. Tiếng hót tuyệt vời đánh đổi bằng cả cuộc sống.
Trời đất dừng lại để lắng nghe còn thượng đế ở trên cao thì mỉm cười. Bởi vì sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận ấy. Con chim mang chiếc gai nhọn xuyên qua ngực vẫn tuân theo một quy luật bất biến, không hiểu điều gì đã thúc đẩy nó tự đâm suốt vào tim và lịm dần trong tiếng hót. Vào lúc gai nhọn xuyên qua nó không ý thức được cái chết đang chực chờ. Nó chỉ mãi mê hót và hót cho đến khi không còn hơi thở để cất thêm một nốt nhạc nào nữa."
Chữ Tình là cái chi chi vậy...
Tại Việt Nam, khi trình chiếu bộ phim này, có nhiều người tự hỏi: Tại sao ở Việt Nam chế độ không ưa gì Công giáo mà lại cho chiếu phim đó hoài vậy?
Có người cho rằng: "Có thể người ta muốn rêu rao cho thấy bề trái của hàng linh mục: quá nhiều bê bối thấy chưa, phải đáng hồ nghi là vừa!"
Nhưng một nhà văn không phải Công Giáo lại trả lời cách rất khác. Ông ta nói rằng: Tôi chưa bao giờ nghĩ ra điều đó. Ngược lại, với cá nhân tôi là một người không Công giáo, khi đọc truyện Thornbird, tôi hiểu và thương mến các linh mục nhiều hơn, vì nhận ra chất người nơi họ, rất gần gũi và rất nhân bản. Dĩ nhiên đã là người thì cũng có thể vấp ngã, đó là con số nhỏ. Họ cũng là người như tôi, thế mà họ lại có thể phấn đấu với chính mình để ra đi cứu nhân độ thế. Biết bao nhiêu người như thế. Tôi phục quá chứ!
Nhận xét của ông nhà văn này làm tôi suy nghĩ và thấy ông nói đúng. Có một số người chỉ thích nhìn hình ảnh người tình trong phim là một cô gái. Nhưng đang khi đó tác giả lại muốn trình bày về những phấn đấu tất nhiên của con người để bước tới mà cũng có thể quị ngã vì những hướng chiều từ trong mạch máu, vẫn gọi là tham sân si, trong đó khuynh hướng tham vọng mê quyền năng mới là người tình ác quỉ đứng hàng đầu trong bảy người tình là những mối tội đầu mai phục trường kỳ bên dưới những tế bào. Bên Mỹ cũng có truyện Cardinal Sins của Andrew Greeley khá nổi tiếng. Đề sách là một kiểu chơi chữ vừa có nghĩa là Những Mối Tội Đầu là những "tội gốc chưa tan", mà vừa có nghĩa là Hồng Y Phạm Tội! Đứng đầu bảy mối tội gốc của mọi thứ tội là kiêu ngạo, là yêu người tình danh vọng thường phá hủy lầu chuông, đúng như lời thơ Nguyễn Tất Nhiên :
tín đồ là người tình
người tình là ác quỉ
ác quỉ là quyền năng
quyền năng là tín đồ
tín đồ là người tình
thiêu hủy lầu chuông tôi.


Lần đầu tiên một số người phát giác ra rằng ”ông cha” cũng có một con tim bằng thịt biết lúc lắc bồi hồi chứ đâu phải gỗ đá. Trước kia cứ tưởng linh mục là một loại thụ tạo thiêng liêng sáng láng từ trên trời rơi xuống. Liên hệ giữa giáo dân và linh mục luôn có một ngăn cách kiểu ”kính nhi viễn chi.” Bây giờ người ta có dịp nhận ra linh mục vẫn còn là một người nguyên vẹn hình hài, biết khóc biết cười, biết đói biết no, biết đau khổ, biết đối diện với những lúc đen tối, biết vui mừng, biết hy vọng, biết lo âu, biết sợ hãi. Và cũng có khuynh hướng con người cho những đam mê tham sân si với đầy đủ lễ bộ hỉ nộ ái ố khác như bất cứ ai.
Chúa Jesu khi làm người, Ngài cũng đã chấp nhận thân phận như vậy. Satan biết thế nên trong sa mạc đã gạ gẫm Ngài bằng những màn hấp dẫn vật chất quyền hành danh vọng. Đấy chỉ là cơn cám dỗ điển hình. Kinh Thánh nói rõ: ”Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỉ rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4:13).
Điều đó chứng tỏ rằng cả cuộc đời của Chúa Jesu luôn là một phấn đấu chọn lựa bước tới hoặc bước lui, như một con người, như một tư tế, như một linh mục đã chọn sống độc thân để có thể phục vụ trọn vẹn, trong khi vẫn có thể chọn khác như bất cứ ai.
Chúa Jesu khi làm người, Ngài cũng đã chấp nhận thân phận như vậy. Satan biết thế nên trong sa mạc đã gạ gẫm Ngài bằng những màn hấp dẫn vật chất quyền hành danh vọng. Đấy chỉ là cơn cám dỗ điển hình. Kinh Thánh nói rõ : ”Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỉ rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4:13).
Cuộc đời linh mục cũng luôn là một phấn đấu chọn lựa giữa việc dừng chân ở một đối tượng ”tóc mây,” ở những kiếm tìm xây dựng lâu đài thành công chói sáng, và sự dấn thân bước tới lý tưởng. Nhìn một cách tích cực qua truyện Tóc Mây hay Thornbird, thì đây là dịp để người ta có thể nhìn rõ được những phấn đấu không ngừng của linh mục, như lời Thánh Kinh trong thư gửi giáo đoàn Do Thái. Và từ đó sẽ cùng với cả nhiệm thể Chúa Kitô là Hội Thánh hỗ trợ, cảm thông và chia sẻ trách nhiệm gầy dựng thân thương.
“Linh mục là người được chọn giữa người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người mà giao tiếp với Thiên Chúa để dâng lễ vật và lễ tế đền tội. Linh mục có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên linh mục phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy." (Do Thái 5:1-3)
Linh Mục
(Thơ: Nguyễn Tất Nhiên - 1970)
1.
dĩ vãng là địa ngục
giam hãm đời muôn năm
tôi - người yêu dĩ vãng
nên sống gần Satan
ngày kia nghe lời quỉ
giáng thế thêm một lần
trong kiếp người linh mục
xao gầy cơn điên trăng!
2.
vì tôi là linh mục
không mặc áo nhà giòng
nên suốt đời hiu quạnh
nên suốt đời lang thang!
vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian
nên không có thánh kinh
nên không có bổn đạo
nên không có giáo đường
(một tín đồ duy nhất
vừa thiêu huỷ lầu chuông!)
vì tôi là linh mục
phổ lời tình nhân gian
thành câu thơ buồn bã
nên hạnh phúc đâu còn
nên người tình duy nhất
vừa thiêu huỷ lầu chuông
vì tôi là linh mục
không biết mặt thánh thần
nên tín đồ duy nhất
cũng là đấng quyền năng!
3.
tín đồ là người tình
người tình là ác quỉ
ác quỉ là quyền năng
quyền năng là tín đồ
tín đồ là người tình
(vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian!)
4.
vì tôi là linh mục
không biết rửa tội người
nên âm thầm lúc chết
tội mình còn thâm vai...
Vì Tôi Là Linh Mục
(Nhạc: Nguyễn Đức Quang, thơ: Nguyễn Tất Nhiên)
Vì tôi là linh mục
Không mặc chiếc áo dòng
Nên suốt đời hiu quạnh
Nên suốt đời lang thang
Vì tôi là linh mục
Có được một tín đồ
Nhưng không là thánh thần
Nên tín đồ đi hoang
Vì tôi là linh mục
Giảng lời tình nhân gian
Nên không còn tiếng khóc
Nên không còn tiếng trách
Nên không biết kêu than
Nên tôi rất bơ vơ
Nên tôi rất dại khờ
Vì tôi là linh mục
Không mặc chiếc dòng
Nên suốt đời hiu quạnh
Nên suốt đời lang thang
Vì tôi là linh mục
Có được một tín đồ
Nhưng không là thánh thần
Nên tín đồ đi hoang
Vì tôi là linh mục
Tưởng đời là hạnh phúc
Nên tin lời thiếu nữ
Như tin vào Đức Chúa
Câu kinh sớm chưa yêu
Câu kinh tối chưa mê
Vẫn mất mát ê chề
Mất vì tin tín đồ là người tình
Có ngờ đâu người tình là ác quỷ
Ác quỷ đầy quyền năng
Giam tôi trong tín đồ
Tín đồ là người tình
Người tình bỏ tôi đi
Thiêu hủy lòng tin si
Người tình bỏ tôi đi
Thiêu hủy lời kinh xưa
Người tình bỏ tôi đi
Giáo đường buồn lê thê
Lời chia xa ...
Vì tôi là linh mục
Chưa rửa tội bao giờ
Nên âm thầm qua đời
Tội ác còn trong tôi
Vì tôi là linh mục
Chưa rửa tội bao giờ
Nên âm thầm qua đời
Tội ác còn trong tôi
Vì tôi là linh mục
Vì tôi là linh mục
Người ơi một linh mục
Rất dại khờ
- Tiếng hát Nguyễn Đức Quang
https://youtu.be/L4cFUznF1Ew
- Tiếng hát Lệ Thu
https://youtu.be/cpi5aAo1014
- Tiếng hát Khánh Ly
ttps://youtu.be/PUKrndwYVYE
- Tiếng hát Ngọc Lan
https://youtu.be/6-bTBa7zXDE
- Tiếng hát Hoàng Thanh Tâm
https://youtu.be/PlfpKJhcmfs
- Tiếng hát Don Hồ
https://youtu.be/xhf_GQrLapc

(Nguồn: Fb Nguyễn Nhất Thống)



Lai Pham Van Vấn dề gây ẩn ức, tranh luận ở đây là việc nhạc sĩ Nguyễn dức Quang sáng tác, dề tựa bài hát VÌ TÔI LÀ LINH MỤC và trình làng chính danh : THƠ NGUYỄN TẤT NHIÊN , dược hiểu là bài thơ LINH MỤC năm 1970 của Nt.Nhiên . Nghĩa là Nđ.Quang lấy bài thơ Linh Mục thêm 3 chữ VÌ TÔI LÀ [ linh mục] thay dổi thành tên bài hát , thêm vào và sửa dổi # 50% câu, chữ so với nguyên tác của Nt.Nhiên , không thấy có bài viết nào về sự thỏa thuận của Nhạc sĩ và thi sĩ ! Chính vì 3 chữ : vì tôi là .... gây cho cả thế hệ .... Phe Ta , trong # 50 năm , xuyên 2 thế kỷ, hiểu là : Vị Linh Mục trong thơ Nt.Nhiên YÊU MỘT CÔ GÁI , nhưng vì là Linh mục , nên bỏ mối tình dang dở ..... Có người còn 8 thêm : linh mục í đã bỏ áo dòng theo người yêu, lấy cô gái đó ! Có nhiều bài viết về đề tài linh mục độc thân , Linh mục có yêu không ? Và dẫn chứng dủ nguồn cội .... Đâu biết rằng nhân vật trong thơ Nt.Nhiên đâu phải vậy . Mong nhận được ý kiến, bổ sung , chỉ dẫn của các bạn yêu nhạc của Đại Ca Trưởng Thượng Nguyễn đức Quang [ K1 CTKD ] và Nhà thơ Nt.Nhiên , đồng hương Biên Hòa với Pvl. 

Lai Pham Van Tu Nguyen 1-3-2018 : Tôi đồng ý với nhận định của Lai Pham Van rằng nhân vật "Tôi" trong bài thơ "Linh mục" của Nguyễn tất Nhiên (NTN) khác với "Tôi" trong nhạc phẩm "Vì tôi là Linh mục" của Nguyễn Đức Quang (NĐQ) phổ bài thơ nói trên. Đó cũng là một trường hợp sáng tạo điển hình trong thi ca.Tôi của NĐQ là một Linh mục và đồng thời cũng là một Con người với gánh nặng thân xác, bị giằng xé đau khổ giữa lý tưởng và thực tại.Trong khi đó, Tôi của NTN là một Con người bình thường nhưng đắm chìm trong ảo vọng tình si, thậm chí tự gán cho mình những giá trị "siêu việt" tưởng tượng để có thể chấp nhận được nỗi buồn bởi tình yêu đơn phương...Dường như có thể giải thích "tâm tư" này nhờ Tâm lý học Freud 

Pv.Lai. 1-3-2018 : Như vậy có 2 nhân vật linh mục khác nhau . Đáng lẽ Nhạc sĩ Nđ.Quang khi trình làng nhạc phẩm : Vì tôi là Linh Mục , phải ghi chuẩn xác : " LỜI, phóng tác bài thơ LINH MỤC của NGUYỄN TẤT NHIÊN " thì đã tránh được lầm lẫn, ẩn ức cho tới nay ! Thực tế thính giả nghe nhạc , nhất là các bạn nữ , thích thú , tò mò với ..... ca từ PHÓNG TÁC về nhân vật linh mục đời người của Nđ.Quang . Trong khi trăm dâu dổ đầu tằm .... Nt.Nhiên ! Nhất là phản ứng trong giới tu hành Công giáo. Gần nửa thế kỷ rồi, phải " GIẢI OAN " cho chàng Thi Sĩ bí ẩn mượn danh linh mục xuống trần dể làm THƠ [ phổ lời tình nhân gian thành câu thơ buồn bã ] , vị linh mục giả danh này KHÔNG YÊU MỘT NÀNG NÀO CẢ ! 



Lai Pham Van Tuần báo Tuổi Ngọc số 141 phát hành ngày 5 tháng 8 năm 1974 có đăng bài phỏng vấn Nguyễn Tất Nhiên:--------------------------------------------------
0+-T.N: Những bài thơ đã phổ nhạc có phải là những bài thơ bạn ưng ý?
- N.T.N: Thưa, không. Như đã nói, tôi chỉ yêu một bài thơ cũ, Linh Mục. Thuở ấy, tôi thiệt thà đôn hậu lắm. Thuở ấy nhà tu sáng chói trong tôi. Thuở ấy…--------------------------------------------------------------------------------
1+-T.N: Nguyễn Tất Nhiên có in một tập thơ?
-N.T.N: Vâng, tập Thiên Tai, năm 1970, ngồi lớp 12B. Tôi nhớ rằng mình đã bỏ học gần trọn năm với tập thơ này, chỉ vì Duyên. Tập thơ vừa in xong thì bão lụt miền Trung ầm ầm, quả là Thiên Tai! Nhân đây, tôi muốn nhắc đến hai người ơn. Anh Đinh Cường đã đem tên Đinh Cường của mình ký hẳn hoi lên bìa “chùa” vẽ cho thằng con nít tôi, hồi đó. Cha Lê Hoàng Yến, giám đốc trường Trung học Khiết Tâm, Biên Hoà- đã tận tình giúp đỡ, thương mến tôi, trong khi, chính những thầy tôi lại lơ là, khi dể.
2+-T.N: Tại sao tập thơ tình lại có nhan Thiên Tai?
- N.T.N: Người tình là Thiên Tai. Ngày xưa tôi nghĩ vậy!--------------------- 3+-T.N: Bạn cho bạn ngọc biết qua về đời sống riêng của bạn một chút nếu tiện, chẳng hạn như sinh hoạt chính hàng ngày?
- N.T.N: Học Luật. Cô đơn. Túng thiếu. Lang thang. Khổ tâm. Sinh hoạt chính hàng ngày: buồn bã và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của mình. Lúc gần đây, có thêm một đam mê mới: Kịch nghệ. Anh Lê Cung Bắc là người khuyến khích và hướng dẫn tôi trên địa hạt này ----- --------- --4+-T.N: Cuối cùng. Nguyễn Tất Nhiên, bạn còn muốn nói thêm gì chăng?
- N.T.N: Có lẽ, nên thôi. Bởi tôi sắp sửa đề cập tới nàng con gái khác, trong bài “Hai Năm Tình Lận Đận”. Nàng con gái khác nữa trong bài “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ”… Trong khi, tôi muốn lúc nào tôi cũng một tên Duyên!--------------+++++++++++++++++ Như vậy có 2 cô Bắc Kỳ & cô Duyên -Pvl. sẽ lộ mí mí danh tánh sự nghiệp, hình ảnh xưa & nay của 3 nàng .

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

HÚT THUỐC LÁ: LỜI GIẢI THÍCH HAY NGỤY BIỆN ?

Smoking advert
Hút thuốc chắc chắn là có hại cho sức khỏe phải không? Mọi người thường bị tấn công dồn dập bởi những lời cảnh báo về tác động tiêu cực của việc hút thuốc và lời thuyết phục bỏ thuốc lá từ các cơ quan y tế. Thậm chí đến mức hiện nay nhiều người bị từ chối dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu họ hút thuốc, và lý do cho điều này là 'hút thuốc sẽ làm chậm quá trình bình phục và có thể làm trầm trọng thêm bệnh tình đã có từ trước'. 

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới:
"nạn dịch hút thuốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe cộng đồng mà thế giới từng phải đối mặt, giết hại khoảng 6 triệu người mỗi năm. Hơn 5 triệu trong số những cái chết đó là kết quả của việc trực tiếp sử dụng thuốc lá trong khi hơn 600.000 là kết quả của những người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc lá."
Nhưng giống như với bất cứ tuyên bố nào khác được đưa ra bởi các cơ quan y tế chính thống, điều khôn ngoan là đặt câu hỏi liệu có chút sự thật nào trong đó hay không. Hãy nhớ rằng, chính những cơ quan y tế này đã khuyến nghị một chế độ ăn ít chất béo, nhiều tinh bột (và chúng ta đã thấy nó có tác hại đến thế nào đối với sức khỏe của cộng đồng). Cũng chính những người này khuyến nghị điều trị các căn bệnh mãn tính bằng các dược phẩm tổng hợp, hay khuyến nghị cắt bỏ toàn bộ một số bộ phận của cơ thể (một lần nữa, rõ ràng không phải là cách điều trị hiệu quả). Bất cứ ai lưu ý một chút sẽ thấy rằng các cơ quan y tế chính thống rõ ràng không quan tâm đến sức khỏe người dân bởi họ quan tâm hơn đến tỷ lệ lợi nhuận. Vậy nên, trong bối cảnh này, một yêu cầu hợp tình hợp lý là chúng ta nên tìm hiểu kỹ xem liệu thuốc lá có thực sự tồi tệ như vậy không. 

Một cách nhìn khác 

Tôi sẽ không phân tích từng nghiên cứu đã được công bố về mối liên hệ giữa thuốc lá và ung thư phổi. Có nhiều thông tin về chủ đề này đến nỗi tôi sẽ phải viết cả một cuốn sách để đề cập đến mọi chi tiết. May thay, nhiều cuốn sách đã phân tích chủ đề này một cách sâu rộng. Vậy nên với những ai muốn tiến hành nghiên cứu sâu hơn về các bằng chứng, mời các bạn xem Smoke Screens: The Truth About Tobacco (Bức màn khói: Sự thật về thuốc lá) bởi Richard White, In Defense of Smokers (Để bảo vệ những người hút thuốc) bởi Lauren A. Colby, và The Smoking Scare De-bunked (Vạch trần trò dọa dẫm về thút thuốc) bởi Tiến sĩ William T. Whitby. 

Thay vào đó, tôi sẽ nói một cách ngắn gọn về một số vấn đề chính xung quanh lý thuyết "hút thuốc lá gây ung thư phổi", và sau đó chuyển sang xem xét một cách chi tiết và khách quan hơn về những tác động thực sự của thuốc lá lên cơ thể con người. 

Vậy hãy bắt đầu bằng câu hỏi: có phải thuốc lá thực sự gây ra ung thư không, hay nó chỉ đơn giản là có liên hệ với ung thư? Những người vận động chống hút thuốc muốn bạn tin rằng hút thuốc lá gây ra ung thư, và rằng niềm tin này được chấp nhận rộng rãi trong tất cả các ngành khoa học. Điều thú vị là không phải vậy. Thực ra nhiều tên tuổi nổi tiếng trong khoa học đã công khai đặt dấu hỏi và chống đối lý thuyết này. 

Dưới đây là một số trích dẫn từ cuốn Vạch trần trò dọa dẫm về hút thuốc1 của Whitby:
"Không một thành phần nào trong khói thuốc lá từng được chứng tỏ là gây ra ung thư ở người. Chưa có ai từng tạo ra được ung thư trong động vật thí nghiệm bằng khói thuốc lá." - Giáo sư Schrauzer, Chủ tịch Hội các nhà Hóa học Sinh - Hóa Vô cơ

"Đấy chỉ là sự ngoại suy đầy ảo tưởng - không phải dữ liệu thực tế. Cái cách thiếu khoa học mà nghiên cứu được tiến hành là điều làm chúng tôi bận tâm nhất. Ủy ban trước tiên đồng ý rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi, và sau đó họ tìm cách chứng minh điều đó bằng được thông qua thống kê." (Tài liệu điều trần quốc hội Mỹ) - Giáo sư M.B. Rosenblatt, Trường Đại học Y New York

"Niềm tin rằng hút thuốc lá là nguyên nhân của ung thư phổi không còn được chấp nhận rộng rãi bởi các nhà khoa học. Hút thuốc lá không còn bị nhìn nhận là nguyên nhân của bệnh tim, ngoại trừ bởi một số phần tử cuồng tín." - Giáo sư Sheldon Sommers, Viện Y học và Khoa học New York

"Dữ liệu tự nhiên (trỏ đến sự gia tăng trong ung thư phổi ở những người không có điều kiện hút thuốc lá) chứng tỏ một cách chắc chắn rằng giả thuyết ấy cần phải bị loại bỏ."- Tiến sĩ B. Dijkstra, Đại học Pretoria

"Với tư cách một nhà khoa học, tôi không tìm thấy một bằng chứng thuyết phục nào rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi." - Tiến sĩ Ronald Okun, Giám đốc Phòng Xét nghiệm Lâm sàng, Los Angeles

"Sau hàng năm trời nghiên cứu chuyên sâu, không một hợp chất nào trong khói thuốc lá từng được chứng tỏ là có hại cho sức khỏe." - Giáo sư Charles H. Hine, Đại học California
Hai nghiên cứu chính làm nền tảng cho câu chuyện cổ tích về mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư là nghiên cứu "Doll và Hill" (năm 1956, còn được gọi là Nghiên cứu của Các Bác sĩ Anh) và nghiên cứu "Whitehall" (năm 1967, một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong trong số các nhân viên hành chính nam giới trong chính phủ Anh). Tóm tắt các kết luận của họ là như sau: Doll và Hill phát hiện nguy cơ bị ung thư phổi hơi cao hơn một chút trong số những người hút thuốc lá so với những người không hút thuốc. Kết quả của nghiên cứu này được công bố rộng rãi và là một trong những động lực chính đằng sau toàn bộ chiến dịch chống hút thuốc diễn ra không lâu sau đó. Tuy nhiên, điều mà Doll Hill không công khai nhắc đến là ở chỗ kết quả của họ trên thực tế cho thấy những người hút thuốc nuốt khói vào phổi có nguy cơ bị ung thư phổi giảm hơn nhiều so với những người hút thuốc nhưng không làm vậy.2 Có vẻ như chi tiết này bị bỏ ra ngoài vì nó không hỗ trợ lý thuyết mà họ đang cố gắng chứng minh. Tiếp đó, kết quả của nghiên cứu Whitehall là như sau: những người bỏ hút thuốc không thấy có cải thiện nào về tuổi thọ; đồng thời cũng không có thay đổi nào trong tỷ lệ tử vong gây ra bởi bệnh tim mạch, ung thư phổi và các nguyên nhân khác. Ngoại lệ duy nhất là một số loại ung thư phổ biến hơn gấp hai lần trong số những người từ bỏ hút thuốc. Tuy vậy, những thực tế khó chịu này bị che giấu dưới hàng đống thuật ngữ chuyên môn với mục đích làm bản báo cáo khó đọc hơn. Có vẻ như ngay từ hồi đó đã có chủ trương bôi xấu việc hút thuốc nên các dữ liệu được diễn giải theo cách khiến việc hút thuốc lá được hiểu là nguyên nhân của mọi điều xấu. 

Nhiều nghiên cứu khác đã xác định mối tương quan giữa hút thuốc lá và ung thư phổi. Vấn đề là ở chỗ sự thiên vị của các nhà nghiên cứu đóng một vai trò lớn. Về cơ bản là một khi các nhà nghiên cứu cố tìm cách xác nhận một giả thuyết có sẵn, họ có nhiều khả năng sẽ diễn giải các dữ liệu sai lầm, mặc dù có thể là không chủ đích. Do nguồn vốn tài trợ đóng vai trò lớn trong nghiên cứu, có thể có sức ép "từ bên trên" khiến họ đưa ra một kết luận cụ thể nào đó cho công chúng, ngay cả khi kết quả nghiên cứu là khác hẳn. Trong nghiên cứu về thuốc lá, điều này có vẻ như thường xảy ra. Kết luận của tác giả đề tài nghiên cứu thường không giống các kết quả thực tế họ tìm ra chút nào. 

Thay vì báo cáo trọn vẹn lại dữ liệu cho công chúng dưới dạng thô, các bài viết có thể bị thao tác và bóp méo để ngụ ý cho người đọc hiểu đó là quan hệ nhân quả. Cần phải hiểu có sự khác biệt lớn giữa (1) xác định được mối tương quan giữa hai yếu tố, và (2) xác định được nguyên nhân của một điều gì đó. Xác định những mối tương quan hay liên hệ là việc khá đơn giản. Ví dụ, có mối tương quan đáng kể giữa các cầu thủ chơi bóng rổ và những người cao. Liệu điều này có nghĩa rằng việc chơi bóng rổ khiến một người trở nên cao hơn không? Rõ ràng là không. Lượng chanh nhập khẩu từ Mexico cũng có mối tương quan nghịch với số người chết vì tai nạn trên đường cao tốc ở Hoa Kỳ. Liệu điều này có nghĩa rằng nhập khẩu chanh làm giảm số người chết trên đường cao tốc không? Không, dĩ nhiên là không. Sẽ là lố bịch nếu gợi ý như vậy. Đó là lý do tại sao sự tương quan không bao giờ đồng nghĩa với quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, điều không may là khi nói về thuốc lá, nguyên tắc này có vẻ như không được áp dụng. Sự thật là chưa có một nghiên cứu nào từng chứng minh được một cách thuyết phục rằng hút thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư phổi, bệnh tim, bệnh khí thũng, hay bất cứ căn bệnh nào khác mà nó thường xuyên bị gắn với. 

Đã nhiều năm nay, các nhà khoa học thiên vị với những chủ đích cá nhân cùng các lợi ích nhóm khác đã hoạt động trong lĩnh vực này để đạt tới một số kết quả nhất định, đó là chứng minh hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra ung thư và các bệnh mãn tính khác. Cũng có rất nhiều bằng chứng gợi ý rằng chính những cá nhân đó đã cố tình diễn giải sai dữ liệu để đạt được các nguyện vọng và mục đích cá nhân của họ. Những diễn giải dữ liệu bị bóp méo này đã được quảng bá rộng rãi bởi giới truyền thông và các tổ chức y tế cộng đồng từ đó tới nay. Vậy nên bất chấp số lượng ngày càng nhiều những nghiên cứu gợi ý điều ngược lại, niềm tin phổ biến rằng hút thuốc gây ra ung thư phổi đã ăn sâu triệu để vào tâm trí của hầu như tất cả mọi người. Do đó có nhiều khả năng phần lớn cộng đồng khoa học cũng hoạt động theo giả định sai lầm này, và hệ quả là chất lượng của nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này đã và sẽ chắc chắn là bị sai lệch. 

Mặc dù vậy, vẫn có một số nghiên cứu tuyệt vời xuất bản trong 30 năm qua về thuốc lá và việc hút thuốc. Điều không đáng ngạc nhiên là những dữ liệu ấy không được công bố rộng rãi và hầu hết mọi người hoàn toàn không biết gì về những phát hiện đó. Vậy nên tôi sẽ tóm tắt một số nghiên cứu thích hợp ở dưới đây. 

Đầu tiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy những người có chế độ ăn với nhiều thực phẩm có chỉ số GI (chỉ số đường huyết) cao (ví dụ như bánh mì, mì ống và cơm) dễ phát triển ung thư cao hơn 50% so với người không ăn như vậy. Cùng trong kết quả này, những người không hút thuốc lá bị phát hiện có khả năng phát triển ung thư cao gấp đôi so với người hút thuốc. Chỉ riêng phát hiện này thôi thì có thể được giải thích là do một yếu tố bất thường nào đó, nhưng như chúng ta sẽ điểm qua các bằng chứng dưới đây, bạn có thể thấy nó khớp với bức tranh toàn cảnh thế nào. Từ nghiên cứu cho thấy có vẻ như việc hút thuốc lại đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài

Có một nghiên cứu khácđo tác dụng gây ung thư của radon sau khi bụi quặng uranium phóng xạ được hít vào bởi chó thí nghiệm. Điều nghịch lý là, không giống như tỷ lệ tử vong thông thường được quan sát thấy trong các thí nghiệm tương tự, không một con chó nào tiếp xúc với khói thuốc lá bị nhiễm ung thư. Tác giả nghiên cứu tuyên bố rằng "việc tiếp xúc với khói thuốc lá được phát hiện là có tác dụng giảm nhẹ đối với những khối u gây ra bởi radon". Tương tự, một thí nghiệm khác4 trên các con chuột bị chiếu xạ cho thấy những con tiếp xúc với khói thuốc lá và bị chiếu xạ có mức độ sưng tấy ở phổi ít hơn nhiều so với những con không được tiếp xúc với thuốc lá. Trên nhiều khía cạnh, nhóm tiếp xúc với khói thuốc lá và bị chiếu xạ có biểu hiện tương tự như nhóm không bị chiếu xạ dùng để đối chiếu. Theo tác giả, "thí nghiệm nghiên cứu này tiếp tục hỗ trợ tác dụng ức chế của khói thuốc lên khối u ở phổi gây ra bởi chiếu xạ." 

Trong nghiên cứu trên con người, một phân tích5 cho thấy nguy cơ phát triển ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng "gia tăng đáng kể ở người không hút thuốc lá trong sáu nghiên cứu được xem xét". Một nghiên cứu khác6 gợi ý rằng nguy cơ phát triển ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng ở người không hút thuốc là cao hơn khoảng ba lần so với người hút thuốc. Sau khi điều trị ung thư vú bằng chiếu xạ, những người hút thuốc cũng được quan sát thấy7 có "phản ứng sưng tấy thấp hơn đáng kể, nghĩa là số lượng các dưỡng bào và tế bào lympho thấp hơn, so với cả các bệnh nhân và người bình thường không hút thuốc dùng để đối chiếu". Có phải những kết quả này chỉ là ngẫu nhiên, hay là việc hút thuốc lá thực sự dựng lên một hàng rào bảo vệ chống lại tổn thương do phóng xạ và amiăng? 

Nghiên cứu cũng gợi ý rằng hút thuốc lá có thể bảo vệ chống lại những loại ô nhiễm môi trường khác, ví dụ như khí thải từ động cơ. Một nghiên cứu mới đây8 trên những người thợ mỏ cho thấy mối liên hệ mạnh mẽ giữa khí thải từ động cơ diesel và ung thư phổi. Các kết quả cho thấy những người thợ mỏ tiếp xúc nhiều với khí thải có nguy cơ tử vong do ung thư phổi cao hơn gấp ba lần so với những người thợ mỏ ít tiếp xúc. Nếu họ không hút thuốc thì nguy cơ cao hơn gấp bảy lần. 

Vạch trần câu chuyện cổ tích về ung thư phổi 

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới9, "Việc dùng thuốc lá là yếu tố quan trọng nhất làm tăng nguy cơ ung thư, gây ra... khoảng 70% con số tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu." Tuy nhiên, khi xem xét kỹ số liệu thống kê, một bức tranh hơi khác một chút hiện ra, và nó trở nên rõ ràng rằng tuyên bố đó hoàn toàn không đúng. 

top smoking nations

Mười quốc gia hút thuốc hàng đầu: Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Indonesia, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Việt Nam.
Ở trên là số liệu thống kê cung cấp bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới với dữ liệu chỉ ra những quốc gia có số lượng thuốc lá tiêu thụ trên đầu người cao nhất. Nếu hút thuốc là nguyên nhân của 70% tất cả các trường hợp ung thư phổi trên toàn thế giới, thì số liệu thống kê về ung thư phổi phải khớp với kết quả trong bảng ở trên. Ví dụ, về lý thuyết, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Indonesia và Nhật Bản phải có tỷ lệ ung thư phổi cao nhất do họ có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất. Duy chỉ có điều thực tế không phải vậy.
lung cancer statistics

Mười quốc gia có tỷ lệ ung thư phổi cao nhất (trên 100.000 người): Hungary, Cộng hòa Séc, CHDC Triều Tiên, Macedonia, New Caledonia, Montenegro, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Ba Lan, Canada.
Black lung lie
© Smoking Science
Những lá phổi đen không phải có nguyên nhân từ khói thuốc lá
Điều thú vị là số liệu thống kê về ung thư phổi ở trên lấy từ Quỹ Nghiên cứu Ung thư Quốc tế chỉ có mặt một quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao, và đó là Hoa Kỳ. Nếu hút thuốc lá là nguyên nhân chính của ung thư phổi, nó phải xuất hiện trong những cộng đồng dân cư có tỷ lệ hút thuốc cao nhất. Do nó không phải vậy, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng hút thuốc lá không thể là nguyên nhân chính của ung thư phổi. 

Lời dối trá về phổi bị đen 

Một quan niệm sai lầm phổ biến nữa về hút thuốc lá là bản thân khói thuốc lá có thể biến các mô ở phổi thành màu đen. Tuy nhiên, điều này là không thể xảy ra. Các mô ở phổi chỉ có thể chuyển thành màu đen khi nó bị ung thư hoặc hoại tử, hoặc là khi có lượng đáng kể nguyên tố carbon được hít vào trong thời gian dài 

Bạn có thể tìm nguyên tố carbon ở đâu? Ở trong các mỏ than, chứ không phải trong thuốc lá. Và bạn biết không? Các bác sĩ phẫu thuật không thể phân biệt sự khác nhau giữa phổi của người hút thuốc và người không hút thuốc

Đây là một số tuyên bố của những người trực tiếp cầm dao mổ hoặc tiếp xúc với mô phổi:10
"Hút thuốc lá không làm đổi màu phổi." - Tiến sĩ Duane Carr, Giáo sư Phẫu thuật tại Khoa Y, trường Đại Học Tennessee

"Tôi đã xem xét hàng ngàn mẫu phổi cả bằng mắt thường và dưới kính hiển vi. Tôi không thể chỉ bằng cách xem xét lá phổi mà nói được chủ nhân trước kia của nó có hút thuốc lá hay không." - Bác sĩ Victor Buhler, nhà nghiên cứu bệnh học tại Bệnh viện St. Joseph, thành phố Kansas

"...không thể bằng mắt thường, hay kính hiển vi, hay bằng bất cứ cách nào khác mà tôi biết, để phân biệt giữa phổi của một người hút thuốc và một người không hút thuốc. Phổi bị đen là từ các hạt than, và hút thuốc lá không đưa hạt than vào phổi." - Bác sĩ Sheldon Sommers, nhà nghiên cứu bệnh học và giám đốc phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Lenox Hill, New York
Cuối cùng, đây là trích dẫn từ cuốn Bức màn khói của Richard White:11
"Cái ý tưởng rằng hút thuốc lá có thể làm phổi chuyển màu đen có thể được dò lại đến năm 1948. Ernst Wynder, khi đó là sinh viên y năm thứ nhất tại St Louis, được chứng kiến cuộc khám nghiệm tử thi một người đàn ông chết vì ung thư phổi, và anh ta lưu ý rằng hai lá phổi bị đen. Cảnh tượng này gợi lên trí tò mò và anh ta tìm hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân. Khi phát hiện ra rằng không có sự tiếp xúc rõ ràng nào với ô nhiễm không khí, nhưng người bệnh quá cố đã hút hai bao thuốc lá mỗi ngày trong 30 năm, anh ta liền gắn hai sự việc với nhau. Wynder sau đó dành cả sự nghiệp để "chứng minh" rằng thuốc lá gây ra ung thư, mặc dù ông ta buộc phải thừa nhận rằng các dữ liệu ông ta thu thập không chính xác (Wynder sau này xuất bản nhiều cuốn sách có chứa ảnh những lá phổi bị ung thư màu đen, khiến người ta hiểu rằng hút thuốc đã gây ra điều đó. Sau đó nữa, ông ta thừa nhận rằng ông ta đã sai."
Xem thêm video (phụ đề tiếng Việt) dưới đây về hút thuốc lá: 


Những lợi ích sức khỏe của thuốc lá 
Nicotine molecule
© Dreamstime
Phân tử nicotine
Nicotine là một trong những thành phần chính của thuốc lá và bộc lộ một loạt các tính chất chữa bệnh. Đó là lý do tại sao nó là chủ đề của một số nghiên cứu khoa học mới rất hấp dẫn. Tuy nhiên, để thực sự đánh giá được những lợi ích của nicotine, trước hết chúng ta phải xem xét các cơ chế hoạt động chính của nó. 

Nicotine là chất chủ vận ban đầu của các thụ thể acetylcholine loại nicotinic. Về cơ bản, điều này có nghĩa là nicotine tương thích với các thụ thể acetylcholine trong cơ thể và có khả năng gắn kết với chúng. Sự gắn kết này kích hoạt một loạt phản ứng hóa học, trong đó hiệu ứng chính của nó là kích thích giải phóng nhiều chất truyền dẫn thần kinh, bao gồm cả dopamine, serotonin, noradrenaline và, chủ yếu là acetylcholine. Theo Bác sĩ Gabriela Segura12, "Acetylcholine là chất truyền dẫn thần kinh điều hành việc học hành và trí nhớ. Nó cũng có tác dụng êm dịu, làm thư giãn và là một yếu tố chính kiểm soát hệ thống miễn dịch. Acetylcholine còn hoạt động như một bộ phanh hãm đối với quá trình sưng tấy trong cơ thể, mà sưng tấy có liên quan đến tất cả mọi căn bệnh từng được biết." Khi nicotine gắn kết với α7 nAChR (thụ thể acetylcholine liên quan đến hệ thống miễn dịch), nó kích hoạt một hệ thống được biết đến dưới cái tên "cholinergic anti-inflammatory pathway" (đường chống sưng tấy cholinergic), hệ thống chịu trách nhiệm làm giảm sự sưng tấy trong cơ thể. Do vậy, nicotine thật ra là một chất làm giảm sưng tấy. 

Bài viết13 "Nicotine, một phân tử chống sưng tấy" thảo luận rất nhiều về chủ đề này. Nó giải thích rằng "sự kích thích từ nicotine đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sản sinh các cytokine gây sưng tấy, có thể làm suy giảm và làm chậm một cách đáng kể các phản ứng sưng tấy và tự miễn trong hệ thần kinh trung ương, và thêm vào đó có thể trực tiếp làm giảm sưng tấy trong hệ thần kinh. Những con chuột thí nghiệm được tiêm nicotine trước khi bị tiêm liều cao virus cúm A cũng thể hiện tỷ lệ sống sót cao hơn khi so sánh với nhóm đối chiếu." Tác giả cuối cùng tuyên bố:
"Những kết quả thí nghiệm trong ống nghiệm và trong cơ thể sống này càng khẳng định tác dụng chống sưng tấy của nicotine. Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra bằng chứng đầu tiên rằng tác dụng chống sưng tấy của nicotine trong khói thuốc lá có thể là một yếu tố đóng góp quan trọng trong việc hạn chế mức độ nghiêm trọng trong lây nhiễm của cả hai virus cúm A pdmH1N1 và H9N2, và tác dụng chống sưng tấy đó được thực hiện qua đường tín hiệu α7 nAChR."
Xuất phát từ những tác động có lợi đã biết của acetylcholine lên bộ não và hệ thần kinh, chúng ta hãy cùng xem việc hút thuốc lá ảnh hưởng đến hoạt động não bộ ra sao. 

Một thực tế được nhiều người trong số các nhà tâm lý học nhận thức và các nhà khoa học thần kinh biết đến là nicotine làm gia tăng đáng kể hoạt động nhận thức. Chính phủ Hoa Kỳ công bố một nghiên cứu phân tích14 vào năm 2010 (tiến hành bởi Viện Nghiên cứu Quốc gia về Lạm dụng Ma túy) trong đó các tác giả phân tích tất cả các nghiên cứu từng có về tác dụng của nicotine lên não bộ. Trong tổng số 256 nghiên cứu, 48 trắc nghiệm tiêu chuẩn sử dụng máy tính có chất lượng cao nhất được lựa chọn để đánh giá kỹ hơn. Trong những trắc nghiệm này, một nửa số người tham gia được nhận nicotine và nửa còn lại được cho dùng giả dược. Kết quả cho thấy những người được nhận nicotine làm tốt hơn ở gần như mọi trắc nghiệm, cho dù họ có phải là người hút thuốc lá hay không. Kết quả này đặc biệt rõ trong lĩnh vực trí nhớ, tốc độ, độ chính xác, mức độ tập trung. Nghiên cứu cũng cho thấy những người được nhận nicotine làm tốt hơn một cách đáng kể trong những lĩnh vực khác như trí nhớ dài hạn, trí nhớ về ngữ nghĩa, các tính toán phức tạp, và kỹ năng về chân tay. 

Rõ ràng là nicotine rất có lợi cho chức năng nhận thức, nhưng khi so sánh với việc thực sự hút thuốc lá, chúng ta có thể thấy rằng tách riêng nicotine không có hiệu quả bằng. Một nghiên cứu15 tiến hành bởi Warburton và cộng sự phát hiện rằng:
"Nicotine [không qua hút thuốc] dẫn đến tiến bộ trong hoạt động thần kinh với tính chất tương tự như những tiến bộ tạo ra do hút thuốc. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi về sự cẩn trọng và khả năng xử lý thông tin nhanh cho thấy sự tiến bộ do nicotine nhỏ hơn về lượng so với tiến bộ có được từ hút thuốc lá."
Một nghiên cứu khác16 xuất bản vào năm 2014 cho thấy sự gia tăng của các thụ cảm nicotine (tạo ra từ việc hút thuốc) có liên hệ với mức độ giao tiếp xã hội và khả năng nhận thức tốt hơn. Trên thực tế, có rất nhiều thông tin khoa học về tác động có lợi của nicotine về mặt sinh lý. Thế nhưng không một chút nào trong những thông tin này thấm ra được đến công chúng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với những ai hiểu việc truyền thông chính thống và các tập đoàn dược phẩm thường xuyên bóp méo và hạn chế những thông tin không có lợi cho luồng thông tin chính thức mà họ muốn quảng bá. 

Cuối cùng, nhà nghiên cứu David. M. Warburton từ Khoa Tâm lý học trường Đại học Reading, kết luận rằng:17
1. Nicotine cải thiện sự tập trung trong nhiều trắc nghiệm ở những người tình nguyện khỏe mạnh.

2. Nicotine cải thiện trí nhớ ngắn hạn và dài hạn ở những người tình nguyện khỏe mạnh.

3. Nicotine cải thiện sự tập trung ở những bệnh nhân có nhiều khả năng bị bệnh Alzheimer.

4. Trong khi một số tác động về trí nhớ của nicotine có thể là do sự tập trung tốt hơn, phần còn lại có vẻ như là kết quả của hoạt động thần kinh hợp nhất được cải thiện.
Bây giờ hãy cùng xem xét một số tác dụng chữa bệnh và có lợi khác của cây thuốc lá... 

Kiềm chế Mono Amine Oxidase 

Monoamine oxidase (MAO) là những enzyme trong cơ thể với nhiệm vụ phân hủy các chất truyền dẫn thần kinh do cơ thể tạo ra như Noradrenaline (Norepinephrine), Serotonin và Dopamine. Những chất kiềm chế mono amine oxidase (MAOI) là những hóa chất có tác dụng kiềm chế hoạt động của các enzyme này nhằm làm tăng cường số lượng phân tử của các chất truyền dẫn thần kinh trên. Vì lý do này, nhiều dược phẩm chứa MAOI được phát triển bởi các công ty dược từ cuối những năm 1950 và bán làm thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, điều thú vị là khói thuốc lá đã được chứng tỏ là chứa các MAOI một cách tự nhiên. Điều này được phản ánh trong nhiều nghiên cứu18 cho thấy những người hút thuốc có nồng độ cả hai loại MAO (A và B) thấp hơn bình thường một cách đáng kể. Điều này về cơ bản có nghĩa rằng việc hút thuốc lá có tác dụng như một loại thuốc chống trầm cảm tự nhiên, không có bất cứ tác dụng phụ kinh khủng nào thường thấy ở nhiều loại dược phẩm tổng hợp. Một thực tế thú vị khác là dược chất "Deprenyl", một chất MAOI, cũng đã được chứng tỏ trong nhiều trường hợp19,20, là có tác dụng làm tăng đáng kể tuổi thọ của nhiều loài động vật có vú trong môi trường phòng thí nghiệm. Đây là mẩu thông tin nên giữ trong đầu bởi vì chóng ta sẽ quay trở lại với nó ở dưới đây. 

Glutathione: "Chất chống ôxy hóa bậc thầy" 

Là một chất chống ôxy hóa, chức năng của glutathione là bảo vệ hầu như mọi tế bào trong cơ thể khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do, kim loại nặng, và peroxide / lipid-peroxide. Nó là thành phần chính của hệ thống tự vệ tự nhiên của cơ thể và sự có mặt của nó là cần thiết để hoàn thành một loạt quá trình sinh lý của tế bào, bao gồm cả sự phân chia, sinh sản của tế bào. Điều khiến glutathione đặc biệt là ở chỗ, không giống các chất chống ôxy hóa khác, nó thâm nhập vào bên trong tế bào và có khả năng duy trì các chất chống ôxy hóa khác ở trạng thái sẵn sàng để tối đa hóa hoạt động chống ôxy hóa. Nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các quá trình khử độc. Đây là lý do tại sao phần lớn dự trữ glutathione của cơ thể nằm ở gan. Nó cũng có ảnh hưởng đáng kể đến chức năng miễn dịch. Sự suy kiệt glutathione cũng có liên hệ với ung thư, các bệnh của tuổi già, bệnh xơ nang, tim mạch, sưng tấy, các bệnh trao đổi chất và thoái hóa thần kinh.21 Cộng đồng y tế không chính thống thừa nhận phân tử này là "mẹ của tất cả các chất chống ôxy hóa", và nó xứng đáng như vậy. Thú vị thay, người ta thấy phổi của người hút thuốc lá chứa lượng glutathione nhiều hơn 80% so với phổi người không hút thuốc.22 

Nồng độ cao của glutathione trong phổi làm gia tăng sự bảo vệ chống lại các chất ngoại lai và vi sinh vật gây bệnh. Điều mà kết quả nghiên cứu này gợi ý là việc hút thuốc lá thực ra có thể có tác dụng bảo vệ các mô ở phổi thông qua việc làm tăng cường nồng độ glutathione. Tuy nhiên, cơ chế của sự gia tăng này không được giải thích trong nghiên cứu đó. Một thí nghiệm khác23 tìm cách đo trực tiếp tác động của khói thuốc lá lên nồng độ glutathione và dưới đây là những gì họ phát hiện ra:
"Sự phơi nhiễm khói thuốc lá ban đầu làm giảm nồng độ GSH [glutathione] 50% nhưng chỉ trong 2 giờ, nồng độ GSH tăng bật trở lại khoảng 3 lần mức cơ bản và đạt đỉnh sau 16 giờ với sự gia tăng gấp 6 lần mức cơ bản. Phơi nhiễm lặp lại cho phép nồng độ GSH được duy trì ở mức 3 lần mức cơ bản trong thời gian đến 2 tháng.

Phơi nhiễm khói thuốc lá kích hoạt một phản ứng thích nghi về GSH mạnh mẽ và rộng khắp. [...] Các yếu tố phá vỡ phản ứng thích nghi GSH có thể góp phần vào trạng thái sinh lý bệnh của COPD."
Vậy là trước tiên, họ đưa ra giả thuyết rằng hút thuốc kích hoạt "phản ứng thích nghi về glutathione" và đây là cơ chế làm tăng mạnh hệ thống glutathione đến vậy. Điều này cũng gợi ý rằng thuốc lá có tác dụng bảo vệ đối với phổi. Thứ hai, họ tuyên bố rằng các yếu tố phá vỡ cơ chế này có thể góp phần vào Rối loạn Tắc nghẽn Phổi Mãn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disorder - COPD). Tuyên bố này mâu thuẫn với các nguồn y tế chính thống, bởi vì theo những nguồn này, hút thuốc là nguyên nhân chính của COPD. Nhưng nếu hút thuốc rõ ràng làm tăng mạnh "phản ứng thích nghi về glutathione", và COPD bị gây ra bởi "phản ứng thích nghi về glutathione" hoạt động yếu, thì làm sao chỉ riêng hút thuốc có thể là nguyên nhân chính gây ra COPD? Trên thực tế, sẽ là hợp lý hơn nếu kết luận rằng hút thuốc thực ra giúp ngăn ngừaCOPD thông qua cơ chế thích nghi GSH

Catalase và Superoxide Dismutase 

Catalase là một enzyme chống ôxy hóa có chức năng bảo vệ các tế bào khỏi tác động có hại của hydro peroxide bằng cách xúc tác chuyển hóa nó thành ôxy và nước. Do vậy, nó là một thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch và giải độc của cơ thể. Superoxide dismutase (SOD) cũng là một enzyme chống ôxy hóa quan trọng có tác dụng trung hòa superoxide, một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa ôxy. Cùng nhau, đây là hai chất chống ôxy hóa đáng chú ý nhất của cơ thể, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào chống lại tác động có hại của sự ôxy hóa / peroxid hóa và có mối tương quan chặt chẽ với tuổi thọ. Cũng giống như glutathione, catalase và SOD có vẻ như được điều khiển bởi một loại "phản ứng thích nghi" chống ôxy hóa nào đó. Một nghiên cứu gần đây24 phát hiện rằng "Nồng độ enzyme superoxide dismutase trong máu và nước bọt ở những người hút thuốc lá cao hơn nồng độ của những người không hút thuốc một cách đáng kể". Hơn nữa, người ta cũng phát hiện - trong một thí nghiệm khác25 - rằng những con chuột phơi nhiễm khói thuốc lá có lượng Catalase và Superoxide Dismutase cao gấp đôi so với những con chuột không tiếp xúc với khói thuốc lá. 

Sự gia tăng về glutathione, catalase và superoxide dismutase có thể giải thích một phần lý do tại sao hút thuốc lá giúp tránh ung thư phổi ở những người hít phải bụi phóng xạ, khói thải từ xe cộ và amiăng. Sự gia tăng trong hoạt động chống ôxy hóa này có thể là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ các mô phổi và giải phóng khỏi cơ thể bất cứ chất độc hại nào hít vào qua đường hô hấp. 

Tác dụng kích thích sự thích nghi ở liều nhỏ (hormesis) 

Một lời chỉ trích thường thấy ở những người chống hút thuốc lá là khói thuốc lá có chứa Carbon Monoxide (CO), thứ được cho là độc, vậy nên hút thuốc là không tốt. Tuy nhiên, quan điểm này dựa trên giả định sai lầm rằng bất cứ liều lượng carbon monoxide nào cũng có hại. Điều không ai nghi ngờ là một liều cao của carbon monoxide có thể gây chết người. Nhưng điều mà những người chống hút thuốc này có lẽ không nhận ra là Carbon Monoxide thực ra có tác dụng kích thích sự thích nghi ở liều nhỏ. Cơ chế kích thích sự thích nghi ở liều nhỏ (hormesis) được đặc trưng bởi việc đưa một chất độc ở liều nhỏ vào cơ thể để kích thích cơ thể phản ứng theo cách có lợi. Ngược lại, ở liều cao, cũng chất độc đó sẽ gây tác động có hại. Hormesis là một trong những cách hiệu quả nhất của cơ thể để tạo ra các thay đổi thích nghi ở cấp độ tế bào nhằm chống lại những tác động có hại từ bên ngoài bằng cách tăng cường các hệ thống giải độc. Nó cũng là một cách hiệu quả chống lại bệnh tật. Những tác nhân kích thích sự thích nghi ở liều nhỏ khác bao gồm curcumin (chất trong củ nghệ) và hợp chất polyphenol trong trà xanh. Thậm chí ngay cả tập thể dục cũng hoạt động theo cơ chế đó! 

May mắn thay cho những người hút thuốc, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ tác dụng kích thích sự thích nghi ở liều nhỏ của carbon monoxide và các lợi ích có thể của nó. Những nhà nghiên cứu tại khoa Nghiên cứu về Tiêu hóa và Gan cấp Phân tử (Molecular Gastroenterology and Hepatology) của trường Đại học Kyoto, Nhật Bản, nói:26
Bằng chứng tích lũy gần đây gợi ý rằng carbon monoxide (CO) có thể hoạt động như một phân tử khí phòng thủ nội sinh để làm giảm sự sưng tấy và tổn thương mô ở nhiều loại chấn thương nội tạng khác nhau, bao gồm cả sưng tấy đường ruột.

...Những tác dụng chữa bệnh hiệu quả của CO đã được chứng tỏ trong mô hình thí nghiệm trong nhiều điều kiện, bao gồm cả chấn thương phổi, tim, gan và thận, cũng như sưng tấy, bao gồm cả viêm khớp. Nó hỗ trợ cho lý thuyết mới rằng CO ở nồng độ thấp hoạt động như một phân tử truyền tin có tác dụng bảo vệ tế bào và chống sưng tấy đáng kể.
Bây giờ xem xét đến thực tế rằng cơ thể con người liên tục trải qua quá trình sản xuất và tái chế CO, và ngộ độc CO chỉ có thể xảy ra khi cơ thể bị quá tải bởi một lượng cực lớn. Khói thuốc lá chứa lượng CO nhỏ đến mức không thể hút đủ nhiều để gây ra ngộ độc. Hiểu biết được điều này, có thể yên tâm mà cho rằng chừng nào một người không ghé mặt vào ống xả xe hơi, khả năng anh ta bị ngộ độc carbon monoxide do hút thuốc lá là rất nhỏ. Ngược lại, lượng carbon monoxide hít vào từ khói thuốc lá có thể có tác dụng kích thích có lợi. 

Thuốc lá có tác dụng bảo vệ? 

Theo giáo lý y tế thông thường, thuốc lá là kẻ thù tồi tệ nhất của loài người. Tuy nhiên, như bằng chứng cho thấy, khói thuốc lá có một loạt các dược tính có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ con người. Thêm vào đó, đã có nhiều nghiên cứu chứng tỏ tác dụng bảo vệ của thuốc lá chống lại nhiều tác nhân gây bệnh và các loại bệnh mãn tính. 

Trước tiên, một nghiên cứu27 về sức khỏe hệ thống hô hấp của công nhân sản xuất nhôm cho thấy "những người hút thuốc lá trong nhóm có tỷ lệ triệu chứng bệnh đường hô hấp thấp hơn những người chưa từng hút thuốc hoặc đã cai thuốc." Xét những gì chúng ta đã liệt kê ở trên, kết quả này không đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, hút thuốc còn có vẻ có tác dụng bảo vệ chống lại nhiều vấn đề sức khỏe có vẻ không liên quan khác. 

Ví dụ, nó đã được ghi nhận nhiều lần rằng hút thuốc lá làm giảm nguy cơ bị viêm khớp rất nhiều28. Số liệu chứng tỏ những người hút thuốc được bảo vệ ở bốn vị trí thường thấy ở bệnh nhân bị viêm khớp (đầu gối, đốt sống, tay và chân)29. Hút thuốc cũng có mối tương quan tỷ lệ nghịch với bệnh viêm khớp ở các khớp lớn và đã được chứng tỏ làm giảm nguy cơ viêm khớp ở những người béo phì.30 Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng đây có thể là vì nicotine có tác động có lợi cho quá trình bảo trì, phát triển và sửa chữa xương. Hơn nữa, theo Bác sĩ L. Gullahorn, "trong số hơn 400 chất tìm thấy trong khói thuốc lá, nicotine là một trong những thành phần có hoạt động sinh lý tích cực nhất. Một nghiên cứu trong ống nghiệm được công bố gần đây chứng tỏ rằng nicotine là một tác nhân kích thích mạnh đối với hoạt động tổng hợp tế bào xương."31 

Thứ hai, nhiều người trong giới khoa học biết rằng những bệnh về thần kinh như bệnh Alzheimer và Parkinson có tỷ lệ thấp hơn nhiều ở những người hút thuốc; thấp hơn nhiều đến nỗi các biện pháp chữa trị dùng nicotine (và các sản phẩm phụ của nó) hiện đang được phát triển tích cực bởi các công ty dược phẩm để cho những liệu pháp trị liệu thần kinh mới. 

Thacker và các cộng sự32 phân tích dữ liệu từ lịch sử hút thuốc lá của 79.977 phụ nữ và 63.348 nam giới và phát hiện rằng, khi so sánh với người không hút thuốc, những người từng hút thuốc trong quá khứ có nguy cơ bị bệnh Parkinson thấp hơn 22%, trong khi những người đang hút thuốc có tỷ lệ thấp hơn đáng kinh ngạc là 73%.Gorel và các cộng sự33 cũng tường thuật mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa những người hút thuốc và bệnh Parkinson. Nhưng điều thú vị về nghiên cứu này là mối tương quan tỷ lệ nghịch này tăng mạnh ở những người hút thuốc lá nhiều. Những kết quả này gợi ý rằng người nào càng hút thuốc lá nhiều thì càng ít có khả năng bị mắc căn bệnh này. Các tác giả kết luận:
"Quan hệ tỷ lệ nghịch giữa liều lượng hút thuốc và phản ứng của bệnh Parkinson ít có khả năng là do sự thiên vị hay nhiễu số liệu, như đã được thảo luận. Nó cung cấp bằng chứng gián tiếp rằng hút thuốc có tác dụng bảo vệ về mặt sinh học."
Lại một nghiên cứu nữa34 cũng kết luận: "Chúng tôi báo cáo ở đây rằng nicotine có tác dụng bảo vệ thần kinh đối với các nơ-ron dopamine." 

Những kết quả tương tự cũng được phát hiện trong các nghiên cứu về bệnh Alzheimer. Một mối tương quan tỷ lệ nghịch mạnh mẽ giữa những người hút thuốc lá và các cá nhân bị bệnh Alzheimer đã được chứng tỏ,35 và theo tác giả:
"Nguy cơ bị bệnh Alzheimer giảm đi theo số điếu thuốc lá hút hàng ngày trước khi triệu chứng bệnh bắt đầu."
Với những kết quả này, có vẻ như hút thuốc lá là một biện pháp phòng tránh có hiệu quả. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn hiệu ứng bảo vệ và chữa bệnh này xảy ra như thế nào, mặc dù hầu hết tin tưởng rằng nó có liên quan đến nicotine. Nicotine cũng đã được dùng để chữa trị có hiệu quả những cá nhân bị Rối loạn Tăng động Giảm Chú ý (ADHD) và Hội chứng Tourette. Thêm vào đó, cotinine là chất hiện đang được nghiên cứu cho các tác dụng chữa bệnh có thể của nó. Đó là một chất chuyển hóa từ nicotine và đã được chứng tỏ có tác dụng cải thiện sự học tập và trí nhớ, và cũng có khả năng bảo vệ các tế bào não khỏi nguy cơ của cả hai căn bệnh trên. 

Một thực tế được ghi nhận nhiều lần khác là tỷ lệ hút thuốc trong số những người bị tâm thần phân liệt thường cao hơn nhiều so với cộng đồng dân số nói chúng, với một số nghiên cứu36 cho thấy xấp xỉ 90% trong số họ là người hút thuốc. Mặc dù vậy, điều đáng chú ý là những người bị tâm thần phân liệt ít bị ung thư phổi và các loại ung thư khác hơn bình thường từ 30-60%. Vậy những con số này gợi ý điều gì về lý thuyết hút thuốc là nguyên nhân chính của ung thư? Tôi sẽ để cho bạn quyết định. 

Người ta từng đặt giả thuyết rằng tỷ lệ hút thuốc cao ở những người bị tâm thần phân liệt có thể là do tác dụng kích thích nhận thức của nicotine. Điều này có thể giúp họ lọc bỏ các thông tin không liên quan từ bên ngoài. Một nghiên cứu38 tại Đại học Yale University phát hiện rằng:
"...khi những đối tượng nghiên cứu bị tâm thần phân liệt ngừng hút thuốc, khả năng tập trung và trí nhớ ngắn hạn của họ bị suy giảm, nhưng khi họ bắt đầu hút thuốc trở lại, chức năng nhận thức của họ được cải thiện."
Bằng chứng từ Thụy Điển cũng cho thấy39 càng hút nhiều thuốc lá khi còn trẻ thì khả năng bị bệnh tâm thần phân liệt về sau càng giảm. Họ kết luận rằng hút thuốc có tác dụng như một biện pháp phòng tránh bảo vệ thần kinh chống lại bệnh tâm thần phân liệt. 

Y học phương Tây nổi tiếng là bơm bệnh nhân với đầy các loại thuốc nguy hại và không hiệu quả để mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn dược phẩm. Hệ thống này không chỉ thiếu sự hỗ trợ đầy đủ cho những người có vấn đề về tâm thần; điều thậm chí còn kinh khủng hơn là nhiều tổ chức điều trị đã tước đoạt của các bệnh nhân nội trú quyền được hút thuốc, bất chấp thực tế rằng nó là một trong những biện pháp tự điều trị hiệu quả nhất. 

Bên cạnh những bệnh về thần kinh, người ta phát hiện hút thuốc lá luôn làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Viêm loét Đại tràng. Theo Lashner và các cộng sự40"những người không hút thuốc có khả năng phát triển bệnh Viêm loét Đại tràng cao gấp ba lần so với người hút thuốc." Một nghiên cứu đánh giá41 gợi ý rằng những người đang hút thuốc có nguy cơ giảm đi khoảng 42%; tuy nhiên, những người từng hút thuốc nhưng đã bỏ có nguy cơ gia tăng so với người chưa bao giờ hút thuốc. Bằng chứng này một lần nữa cho thấy hút thuốc lá có vẻ có tác dụng bảo vệ, và rằng những người bỏ hút thuốc thực ra tự đặt họ vào nguy cơ cao hơn. Thêm vào đó, những người hút thuốc và bị viêm loét đại tràng cũng được phát hiện thường có triệu chứng nhẹ hơn so với những người không hút thuốc.41 

Điều thú vị là hút thuốc lá có vẻ không mang lại lợi ích cho nhiều người bị chẩn đoán mắc bệnh Crohn, một loại bệnh viêm loét đường ruột khác. Theo thống kê, cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ phát triển bệnh Crohn cao hơn nhiều nếu họ hút thuốc, và một nghiên cứu42 thậm chí còn gợi ý nguy cơ gia tăng gấp ba lần ở phụ nữ hút thuốc. Điều có vẻ như bất thường này không hợp lý chút nào khi chúng ta chỉ nhìn vào nó một cách biệt lập. Tuy nhiên, có những bằng chứng ngày càng nhiều trỏ đến khả năng căn bệnh này có nguồn gốc di truyền. Tương tự, có bằng chứng gợi ý rằng yếu tố di truyền có thể đóng vai trò nhất định trong việc hút thuốc / tiêu thụ nicotine. Nhiều người có thể bị thúc đẩy hút thuốc, hoặc không hút, do gen của họ theo nghĩa đen. Các hình mẫu gen tương tự nhau đã được tìm thấy giữa những người hút thuốc khi so sánh với những người không hút thuốc. Một số gen cũng được thấy43 hoạt động mạnh hơn ở những người hút thuốc, trong khi một số khác hoạt động yếu hơn, khi so sánh với những người không hút thuốc. Các nhà nghiên cứu44 đưa ra giả thuyết rằng các gen chịu trách nhiệm cho việc sản xuất các chất truyền dẫn thần kinh, chuyển hóa chất kiểm soát các thụ cảm tế bào và chuyển hóa nicotine có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định một người có khả năng hút thuốc nhiều hay ít. 

Điều đáng chú ý nhất đối với tôi ở đây là những bằng chứng này trỏ đến việc có sự khác biệt về sinh học giữa những người hút thuốc và những người không hút thuốc. Có lẽ điều này giúp giải thích tại sao một số người đến với hút thuốc lá một cách tự nhiên từ khi họ còn ở tuổi thiếu niên, trong khi những người khác sống cả đời mà không thèm hút thuốc một chút nào. Nó cũng có thể giải thích tại sao một số người hút thuốc có thể sống rất thọ và không bị ung thư phổi, trong khi một người khác hút thuốc vài năm nhưng không được hưởng lợi gì từ đặc tính bảo vệ của nó. Xem xét đến tính di truyền, nghịch lý về bệnh Crohn / Viêm loét Đại tràng không còn có vẻ kỳ lạ đến vậy nữa. Có lẽ bộ gen hợp với việc hút thuốc của ai đó cũng hoạt động như một yếu tố có tác dụng bảo vệ chống lại những yếu tố gây bệnh khác? Khoa học vẫn chưa trả lời được những câu hỏi này. 


Hút thuốc lá và chức năng ty lạp thể 

Mitochondria
© Wikipedia
Ty lạp thể
Để hiểu hút thuốc lá ảnh hưởng đến chức năng ty lạp thể thế nào, hãy cùng xem xét ty lạp thể hoạt động ra sao. 

Các ty lạp thể nằm bên trong tế bào và được biết đến như là "nhà máy điện" có trách nhiệm sản sinh năng lượng phục vụ cho nhu cầu trao đổi chất của cơ thể. Chức năng của ty lạp thể là lấy các electron từ môi trường và dùng chúng để tổng hợp Adenosine Triphosphate (ATP), thứ được cho là 'nguồn năng lượng' của cơ thể (Gilbert Ling không đồng ý với điều này). Thông qua một quá trình gọi là hô hấp tế bào, các electron được lấy từ thức ăn đã được tiêu hóa và chuyển qua màng ty lạp thể với sự giúp đỡ của một số phân tử nhất định để ty lạp thể có thể tạo ra ATP. Lý thuyết phổ biến về ATP là nó được dùng làm năng lượng cho phần lớn các quá trình trong cơ thể. Một lần nữa, lý thuyết này vẫn còn tranh cãi. Tuy nhiên, điều được thừa nhận là ATP là thứ không thể thiếu cho sự sống của con người. Nghiên cứu gần đây bởi các nhà nghiên cứu như Doug Wallace và những người khác chỉ ra rằng rối loạn ty lạp thể có thể là nguồn gốc của hầu hết các căn bệnh thời hiện đại. Điều này có nghĩa là giữ cho ty lạp thể hoạt động tốt là điều quan trọng sống còn. 

Một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất ATP là phân tử ôxy hóa khử Nicotinamide adenine dinucleotide (NAD). NAD có mặt trong tất cả các tế bào sống và tồn tại dưới hai dạng: NADH và NAD+. Cả hai dạng đều tối cần thiết cho sự chuyển hóa năng lượng của tế bào, và nếu liều lượng không đầy đủ của chúng có thể dẫn đến rối loạn ty lạp thể. Chức năng của NADH là mang electron vào trong ty lạp thể để hỗ trợ sự tổng hợp ATP. Một khi NADH đã cho đi những electron này, nó trở thành NAD+. NAD+ đã được phát hiện45 có tác dụng tăng cường quá trình sửa chữa DNA, tăng khả năng chịu đựng stress, và kiểm soát quá trình chết rụng tế bào. Hơn nữa, NAD+ cũng khôi phục sự toàn vẹn của các mô, duy trì sự cân bằng trong tế bào, và làm tăng tuổi thọ tế bào46. Tế bào cảm nhận nồng độ NAD+ thông qua mức độ sản xuất năng lượng của ty lạp thể và tốc độ chuyển hóa chất. Vì lý do này, lượng NAD+ được tạo ra đóng vai trò đáng kể trong việc kiểm soát tốc độ tổng hợp ATP và sự chuyển hóa chất của tế bào.47 Lượng NAD+ thấp làm giảm quá trình sản xuất năng lượng, giảm số ty lạp thể trong tế bào48 và đóng góp đáng kể vào quá trình lão hóa của cơ.49 Một điều thú vị nữa là NAD+ cũng có khả năng thay đổi hoạt động của gen bằng cách "tắt đi" những gen gắn với các quá trình lão hóa.50 

Tiếp tục, SIRT1 (sirtuin) là một protein phụ thuộc vào NAD và được mã hóa bởi gen SIRT1. Nó không thể hoạt động mà không có NAD+. Vậy là khi nồng độ NAD+ giảm xuống, nồng độ SIRT1 cũng giảm, và ngược lại. SIRT1 hóa ra là một trong những enzyme quan trọng nhất trong việc kiểm soát hoạt động gen, sự chuyển hóa chất và tuổi thọ. Các nghiên cứu đã cho thấy SIRT1 ức chế đường truyền tin MTOR, làm gia tăng độ nhạy cảm leptin51, làm gia tăng độ nhạy cảm hormone T352, và cũng làm gia tăng độ nhạy cảm của da với Vitamin D.53 SIRT1 còn ức chế hoặc tắt đi các gen liên quan đến sự sưng tấy54, kiểm soát nồng độ đường huyết, và quá trình tích mỡ trong cơ thể.55 

Vậy, tất cả những cái đó liên quan gì đến hút thuốc lá? 

Một nghiên cứu56 thực hiện bởi tổ chức Cancer Research (Nghiên cứu Ung thư) vào năm 2012 cho thấy:
Hoạt động SIRT1 được tăng cường một cách đáng kể và nhất quán nhất ở những người hút thuốc so với những người không hút thuốc trong tất cả 4 tập hợp dữ liệu. Trong khi hoạt động SIRT1 có tương quan mạnh mẽ với việc một người có hút thuốc hay không, sự kích hoạt đường dẫn SIRT1 không có tương quan đáng kể với con số bao thuốc x năm của người hút thuốc (p > 0.05; Spearman). Do vậy, hoạt động SIRT1 được tăng cường một cách nhất quán ở những người hút thuốc độc lập với lượng phơi nhiễm tích tụ. Sự gia tăng trong hoạt động của SIRT1 này có thể đóng vai trò bảo vệ chống lại tác hại ôxy hóa và tổn thương DNA gây ra bởi hút thuốc.
Nhớ lại thực tế rằng SIRT1 chỉ có thể hoạt động khi có mặt NAD+, những kết quả này gợi ý rằng nồng độ NAD+ cũng phải được tăng cường ở những người hút thuốc. Nồng độ NAD+ tăng cường trỏ đến chức năng ty lạp thể hiệu quả hơn. Với một số người (có thể là thích hợp về mặt di truyền), hút thuốc lá không phải là gánh nặng đối với cơ thể. Phát hiện này có thể giải thích tại sao nhiều người hút thuốc sống thọ lâu và không bệnh tật. Có lẽ những người này sống thọ như vậy không phải bất chấp thói quen hút thuốc của họ, mà thực ra họ sống lâu như vậy bởi vì họ hút thuốc. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể của điều đó. 

Tin sốc: Hầu hết những người "sống lâu hơn trăm tuổi" đều đã hoặc đang hút thuốc lá 

Jeanne Louise Calment

Jeanne Louise Calment
© The Birkshire Edge
Jeanne Louise Calment
Bà lão thọ hơn trăm tuổi người Pháp Jeanne Louise Calment sinh ngày 21/2/1875, và đến ngày 4/8/1997, bà qua đời do nguyên nhân tự nhiên. Bà sống thọ tổng cộng 122 năm.57 Bí quyết của bà? Calment hút thuốc từ năm 21 tuổi cho đến năm 117 tuổi khi bà 'cuối cùng quyết định từ bỏ thói quen ấy'. 

Jose Aguinelo dos Santos
Jose de santos
© Rediff
Jose châm lửa
Jose Aguinelo dos Santos, một ông lão người Brazil với bố mẹ là nô lệ châu Phi, sinh ngày 7/7/1888. Đến tháng 7/2014, Jose kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 126 của ông.58 Điều thú vị là Jose hút một bao thuốc lá mỗi ngày trong 50 năm qua. 

Winnie Langley

Winnie Langley
© The Daily Mail
Sinh nhật lần thứ 100 của Winnie
"Người hút thuốc già nhất" nước Anh, Winnie Langley, sinh ra ở Croydon vào năm 1907. Vào bữa tiệc lần thứ 100 của bà, Winnie nói: "Tôi đã hút thuốc từ khi còn ở nhà trẻ và tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nó." Ước tính bà đã hút hơn 170.000 điếu thuốc lá trong suốt cuộc đời mình.59 Buồn thay, hai năm sau Winnie qua đời ở tuổi thanh xuân 102. 

Emiliano Mercado Del Toro
Emiliano Mercado Del Toro
© z3.invisionfree.com
Emiliano Mercado Del Toro
Sinh ngày 21/8/1891 tại Puerto Rico, Emiliano hút thuốc lá tổng cộng 76 năm trước khi từ bỏ nó vào năm 90 tuổi. Năm 2007, Emiliano từ trần ở tuổi 115 do nguyên nhân tự nhiên.60 

Sek Yi
Sek Yi
© Reuters
Sek Yi rít thuốc
Sek Yi là một người mộ đạo Phật và là một cao thủ võ thuật, được cho là sinh ra vào năm 1881. Tháng 10/2003, Sek qua đời ở tuổi 122Sek gán bí quyết của tuổi thọ của ông và của bà vợ 108 tuổi cho việc hút thuốc lá và cầu nguyện. Trong một cuộc phỏng vấn, Sek nói: "Khi tôi còn trẻ, tôi từng ăn trầu, nhưng mọi người cười tôi bảo tôi trông như đàn bà, thế nên tôi chuyển sang hút thuốc."61 

Batuli Lamichhane 

Bathulli Lamachhane
© Magazin
Bathulli làm một điếu
Batuli sinh ra ở Nepal vào tháng 3/1903, và giờ bà đã 114 tuổi. Bà vẫn còn sống và vẫn hút 30 điếu thuốc lá mỗi ngày trong 97 năm qua - kể từ khi bà 17 tuổi. Batuli "tuyên bố thói quen hút thuốc hàng ngày đã giúp bà sống lâu hơn tất cả mọi người trong làng - bao gồm cả các con bà."62 

Christian Mortensen 
Christian Mortensen
© Getty Images
Christian hút xì gà
Cuối cùng, ông lão sống lâu hơn trăm tuổi người Mỹ gốc Đan Mạch Christian Mortensen sinh ra ngày 16/8/1882. Christian qua đời ngày 25/4/1998 ở tuổi 115. Khi được hỏi bí quyết sống lâu, ông nói: "Bạn bè, một điếu xì gà ngon, uống thật nhiều nước sạch, không rượu bia, sống tích cực và hát thật nhiều sẽ giúp bạn sống thật lâu."63 

Kết luận 

Có vẻ hợp lý khi kết luận rằng ít nhất trong một số trường hợp, hút thuốc lá có khả năng:
  • bảo vệ phổi khỏi nhiều trạng thái bệnh lý
  • tăng cường khả năng khử độc của cơ thể
  • tăng cường khả năng nhận thức
  • TẮT đi các gen kích thích sự sưng tấy và BẬT lên các gen kiềm chế sưng tấy
  • gián tiếp làm gia tăng tuổi thọ thông qua việc tăng cường chức năng ty lạp thể
Tôi tin rằng một số trong những nghiên cứu này có những hứa hẹn khó tưởng tượng nổi đối với sức khỏe của nhiều người hút thuốc. Nó cũng làm tôi nhớ lại việc các nhà chức trách y tế không ngừng nghỉ nói với chúng ta rằng "hút thuốc gây ung thư." 


Trạng thái tâm trí của ta, niềm tin và suy nghĩ của ta đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động của gen thông qua ngoại di truyền. Nó đã được cho thấy một cách nhất quán rằng thay đổi niềm tin về bản thân và thế giới xung quanh có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái sinh lý của mỗi người. Nói một cách khác, trạng thái tâm trí của bạn có thể cho phép cơ thể bạn vượt qua bệnh tật. Ngược lại, niềm tin rằng bạn sẽ bị ung thư cũng có thể bộc lộ ra ngoại thành bệnh ung thư trên cơ thể. Nó khiến tôi tự hỏi có bao nhiêu trường hợp ung thư ở những người hút thuốc lá thực ra là do những người đó tin vào thông điệp mà họ bị nhồi nhét thông qua truyền thông, để rồi niềm tin đó bộc lộ ra ngoài trên cơ thể họ. Vào thời điểm này, chúng ta không thể chắc chắn điều gì, nhưng có một điều chắc chắn là: cần nhiều nghiên cứu khách quan hơn nữa trong lĩnh vực này

Niềm tin rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe hiện đang mạnh mẽ và phổ biến rộng rãi, mặc dù trên thực tế nó đã đến và đi tại nhiều thời điểm trong quá khứ. Có nhiều nỗ lực từ những người chống hút thuốc nhằm đưa ra các đạo luật cấm hút thuốc - nhưng, may thay, việc cấm hút thuốc luôn thất bại về lâu dài. Trong quá khứ, hút thuốc lá được tin là có khả năng chữa trị. Những người tin vậy bao gồm những người thổ dân da đỏ châu Mỹ trong hàng ngàn năm, và cũng được xác nhận bởi những người đầu tiên nhập khẩu thuốc lá về châu Âu để dùng như thuốc chữa bệnh cho các bệnh như hen suyễn, bệnh vẩy nến và sốt. 

Ngày nay, sự phân biệt đối xử rộng khắp chống lại những người hút thuốc có tác dụng làm họ cảm thấy tội lỗi về lựa chọn cá nhân của họ. May thay, nếu họ tự tìm hiểu về thuốc lá, họ có thể tự tin rằng châm lửa cho điếu thuốc sẽ không hủy hoại sức khỏe của họ. 


Elliot Overton
Sott.net
Thứ bảy, 07 Tháng một 2017 20:42 UTC


Elliot Overton (Profile)

Cư trú tại Vương quốc Anh, Elliot là một trong những người dẫn chương trình thường xuyên trên chương trình Radio về sức khỏe The Health and Wellness của SOTT. Anh nghiên cứu Trị liệu Dinh dưỡng, tập trung vào Chẩn đoán Chức năng. Trong thời gian rảnh rỗi, Elliot thích nghiên cứu sâu vào các đề tài về dinh dưỡng, khoa học thần kinh và tâm lý học. Và nếu vẫn còn thời gian sót lại thì đi ra ngoài trời! Hãy xem blog cá nhân của anh, ÆONUTRITION



Để biết thêm về thuốc lá và hút thuốc nói chung, tôi xin giới thiệu những bài viết, bài nói và video sau:
Dịch từ bản tiếng Anh: A comprehensive review of the many health benefits of smoking tobacco 

Nguồn: https://vi.sott.net/article/1823-Mot-danh-gia-toan-dien-ve-nhung-loi-ich-suc-khoe-cua-viec-hut-thuoc-la