Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Ca Sĩ Thanh Thúy 2

THANH THÚY - "TIẾNG HÁT LIÊU TRAI"



Ngày xưa và bây giờ
- Bài NGUYỄN VIỆT
Bài viết sau đây được tổng hợp từ nhiều người viết đã gửi về cho chúng tôi để thành một liên kết; về Thanh Thúy một nữ danh ca nổi tiếng từ thập niên 1960 cho đến nay. Bài viết như đúc kết cuộc đời và sự nghiệp của người nữ danh ca từng được mệnh danh là "Tiếng hát khói sương" hay "Tiếng hát liêu trai" đó.
Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh 2/12/1943 tại Cố đô Huế, trong một gia đình gồm 5 chị em. Trong số các chị em chỉ có Thanh Châu còn theo đuổi nghiệp ca hát như người chị ruột của mình (Thanh Châu bắt đầu tập sự đi hát từ các Giải Kim Khánh do nhật báo Trắng Đen tổ chức và tại phòng trà International Quốc Tế của Ngọc Chánh và Thanh Thúy, khi ra hải ngoại mới chính thức bước vào sự nghiệp ca hát).
Nói về Thanh Thúy, khi vào tuổi trăng tròn đã xuất hiện đầu tiên tại phòng trà Đức Quỳnh (nằm bên cạnh rạp Việt Long, vào cuối năm 1974 được xây dựng lại lấy tên Văn Hoa Sài Gòn, còn bây giờ tên rạp là Thăng Long) vào cuối năm 1959, cùng Minh Hiếu lúc đó. Nhưng thật sự Thanh Thúy đã yêu thích nghề ca hát từ năm 16 tuổi, đã đi hát nhiều nơi, nhưng khi hát ở phòng trà Đức Quỳnh mới tỏa sáng, được mọi người biết đến qua báo chí thời đó thường viết bài ca tụng.
Giọng ca Thanh Thúy trầm trầm, mang nỗi buồn man mác, nghẹn ngào, nức nở cùng với dáng dấp mảnh mai, yểu điệu thục nữ, mái tóc dài buông lơi trên vai gầy trong tà áo dài thuần túy của người phụ nữ Việt, mặc dù nhiều nữ ca sĩ trong thời kỳ này khi đi hát cũng đều mặc áo dài, nhưng với Thanh Thúy lại mang một sắc thái liêu trai đặc biệt khó quên.
Ngoài hàng đêm hát tại phòng trà Đức Quỳnh rồi Anh Vũ, trong thời gian này Thanh Thúy còn xuất hiện trước công chúng trên các Đại Nhạc Hội, các chương trình phụ diễn Ca Nhạc Kịch của các rạp chiếu bóng cùng với các ca sĩ như Bạch Yến, Kim Tước, Châu Hà, Hà Thanh, Thúy Nga (vợ Hoàng Thi Thơ sau này), Minh Hiếu, Phương Dung,… đồng thời tiếng hát còn vang vọng trên các làn sóng phát thanh, đĩa nhạc từ cuối thập niên 50; qua những nhạc phẩm như Nửa Đêm Ngoài Phố, Kiếp Nghèo, Người Em Sầu Mộng, Ngăn Cách, Tàu Đêm Năm Cũ, Giọt Mưa Thu, Tiếng Còi Trong Sương Đêm,… nhưng Thanh Thúy nổi tiếng qua những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trúc Phương và Y Vân.
Thanh Thúy đã tạo dựng tiếng hát truyền cảm đặc biệt của mình đi vào lòng khán thính giả khắp nơi, từ những năm 1960 như ánh sao lấp lánh trong khung trời âm nhạc. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Thanh Thúy đã bước lên đài danh vọng của thế giới đèn màu để đạt được ước mơ của mình và có điều kiện trang trải cho cuộc sống gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn, thân mẫu đang lâm trọng bệnh. Nhưng niềm ước mong của người con hiếu thảo không được toại nguyện trước định mệnh cay nghiệt. Tháng 6 năm 1960 khi thân mẫu qua đời, Thanh Thúy phải thay người quá cố để chăm sóc hai cô em gái là Thanh Mỹ và Thanh Châu. Và hai người em vẫn nương theo thời gian gần gũi với Thanh Thúy, qua bao năm sống từ trong nước cho đến khi ra hải ngoại chị em vẫn cùng ở bên nhau.
Người ta nói có lẽ Thanh Thúy mang tâm trạng đau buồn vì thương nhớ mẹ, mà tiếng hát càng u sầu, não nùng, bi cảm, trong âm điệu mượt mà, ngọt ngào, du dương… khiến mọi người xúc động, tái tê từ phong cách trình diễn cho đến lời ca trầm mặc, thiết tha tạo nên nét độc đáo riêng biệt cho ngôi sao bồng bềnh giữa khói sương.
Năm 1962 Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa Hậu Nghệ Sĩ. Đồng thời trong ba năm liền (1972-1974) theo cuộc trưng cầu ý kiến đọc giả của nhật báo Trắng Đen, Thanh Thúy được bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất. Và còn nhận được rất nhiều mỹ từ do giới văn nghệ sĩ và báo chí phong tặng như Tiếng Hát Liêu Trai, Tiếng Hát Khói Sương, Tiếng Hát Lúc Không Giờ, Tiếng Sầu Ru Khuya, Tiếng Hát Lên Trời, Tiếng Hát Khói Sương Chiêu Niệm v.v…
Rồi giữa thập niên 1960 có một thời gian Thanh Thúy vắng bóng không đi hát, bởi trong thời gian này Thanh Thúy đã lên xe hoa cùng Trung tá Ôn Văn Tài (thuộc binh chủng Phòng không Không Quân và sinh ra một cậu con trai), khiến người mộ điệu “Tiếng hát liêu trai” đâm ra nhung nhớ.
Đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng Thanh Thúy không thể bỏ nghiệp cầm ca quên đi sự lưu luyến của mọi người, cho nên Thanh Thúy đã đi hát trở lại tại phòng trà khiêu vũ trường Queen Bee bấy giờ đang do Khánh Ly khai thác. Rồi khi Khánh Ly ra lập phòng trà riêng, Thanh Thúy cùng nhạc sĩ Ngọc Chánh chính thức đứng ra khai thác nơi đây thêm một vài năm mới trở thành chủ nhân phòng trà khiêu vũ trường International Quốc Tế.
Từ khi "tái xuất giang hồ" Thanh Thúy hoạt động văn nghệ rất hăng say, làm chủ phòng trà, ra băng nhạc và đóng phim (không nhiều, chỉ vài ba phim với hãng phim của Kim Cương).
Còn khi qua Mỹ vào cuối những ngày tháng 4/1975 cho đến nay, Thanh Thúy đã được mời đi trình diễn gần như khắp các tiểu bang bên Hoa Kỳ và cũng đã đặt chân đến nhiều quốc gia như Canada, Úc, nhiều nước ở Âu Châu, xuất hiện trên nhiều nhãn hiệu băng nhạc Video, CD, đồng thời còn điều hành một trung tâm sản xuất băng nhạc của riêng mình. Đối tượng khán thính giả của Thanh Thúy phần đông là những người đứng tuổi, những người từng mến mộ giọng ca liêu trai này từ khi còn ở trong nước, và trải qua bao nhiêu biến đổi nhưng vẫn trung thành với tiếng hát đã gợi lại tâm hồn họ biết bao nhiêu kỷ niệm.
Trong một bài viết của Hoàng Bích Yên :
- Trong kiếp cầm ca, tiếng hát Thanh Thúy được nhiều cây bút tên tuổi xuất thủ với ngôn từ độc đáo, tuyệt vời được dàn trải ra, bồng bềnh theo hình bóng qua bốn thập niên của hậu bán thế kỷ 20, tiếng hát đó đã gói trọn tình khúc vượt thời gian và không gian, đi vào ký ức, đi vào chiều dài lịch sử trong làng ca nhạc Việt Nam.
*
Tiếng Hát Qua Ngọn Bút
Thanh Thúy qua những ca khúc trữ tình, lãng mạn của nhiều nhạc sĩ tài danh được mô tả bằng tiếng hát lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.
Nguyên Sa viết : "Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy…. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành…"
Nguyên Sa lấy tựa đề "Từ Em Tiếng Hát Lên Trời" trong bốn câu thơ lục bát rất tuyệt của Hoàng Trúc Ly tỏ bày trong niềm giao cảm về Thanh Thúy :
"Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô"
Khi xuất hiện dưới ánh đèn màu, trên sân khấu, tiếng hát Thanh Thúy hòa nhập vào cung đàn, chan hòa với âm thanh đã bay bổng, vươn cao trên đỉnh non cao.
Đầu thập niên 60, ngọn bút của cây bút đầu đàn nhóm Sáng Tạo và Kịch Ảnh, Mai Thảo đã gọi Thanh Thúy là "Tiếng Hát Lúc Không Giờ". Và Mai Thảo, trong giới văn hữu gán cho danh xưng là ông hoàng của vũ trường, như bị mê hoặc bởi âm điệu, như bị cuốn hút trong mơ hồ, lãng đãng của cung bậc và bóng dáng, trong men rượu, trong ánh đèn mờ ảo, tay kiếm lão luyện trong văn giới đã phóng với đường gươm : "Tôi vẫn thấy một con chim nhạn bay trong giòng sông sương mù… chậm và khuya… công phu… kỳ lạ !".
Với tiếng hát đó, Mai Thảo còn gọi thêm "Tiếng Hát Khói Sương" qua bài viết của Lâm Tường Dũ, hình như thông dụng nhất. Sau nầy có ca khúc Tiếng Hát Khói Sương của Đắc Đăng, Thanh Thúy đã hình thành CD mang tựa đề với ca khúc đó.
Ở hải ngoại, vào cuối thập niên 90, tác phẩm "Chân Dung Những Tiếng Hát" của Hồ Trường An, bằng cái nhìn cá nhân của nhà văn, không viết dưới dạng “order” đầy dẫy hình dung từ sáo ngữ. Nhiều chân dung bị đẽo, gọt, nhận xét khắt khe qua ngọn bút.
Nhưng Hồ Trường An đã viết về Thanh Thúy "Tiếng Hát Khói Sương Chiêu Niệm" : "Cô là một nhà ảo thuật âm thanh. Cô giỡn vọt âm thanh, bẻ vặn tiết điệu, bỏ đứt nền nếp chân truyền trong lối hát. Chính ở cách phá thể, ở những quái chiêu táo bạo đó cô thành công rực rỡ."
*
Cuộc Đời và Nghệ Thuật
Họa sĩ Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ với bốn câu thơ :
“Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”.
Cũng như Lệ Thanh, Hà Thanh… Thanh Thúy sinh trưởng ở sông Hương núi Ngự, lớn lên ở Sài Gòn. Gia đình Thanh Thúy ở phía sau chùa Kỳ Viên Tự, đường Phan Đình Phùng (bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu). Gia đình rất mộ đạo Phật, từ nhỏ, Thanh Thúy thường theo bà ngoại và mẹ đến làm công quả ở chùa. Quy y với pháp danh Sumana, được sự dạy dỗ của Thượng tọa Thích Hộ Giác và Tăng thống Tố Thắng. Vì vậy khi mới tuổi thanh xuân, bước chân vào nghề ca hát, thân mẫu Thanh Thúy rất lo sự cám dỗ ánh đèn sân khấu nên lúc nào cũng tựa cửa chờ con mỗi khi đi trình diễn. Và Thanh Thúy vào nghề ca hát vì yêu thích lẫn kế sinh nhai để giúp đỡ gia đình.
Đầu thập niên 60 Thanh Thúy nổi danh, tên tuổi Thanh Thúy rất ăn khách vì vậy Nguyễn Long đưa hình ảnh đó vào điện ảnh. Nguyễn Long viết và thực hiện cuốn phim “Thúy Đã Đi Rồi” vào tháng 11 năm 1961. Ca khúc Thúy Đã Đi Rồi (nhạc Y Vân lời Nguyễn Long) làm tựa đề trong phim, nữ ca sĩ Minh Hiếu vào vai Thanh Thúy trong phim, làm nổi bật hình ảnh yêu kiều chân dung người nữ ca sĩ xứ Huế. Ngoài phim còn đi vào kịch nghệ, các vở thoại kịch được trình diễn trên sân khấu, truyền hình được các nghệ sĩ Xuân Dung, Kim Cương, Bích Thủy đóng vai Thanh Thúy. Hình ảnh đó làm mê hoặc bao kẻ tình si, và chân dung Người Em sầu Mộng trong thơ Lưu Trọng Lư đã mang đến cho bao trái tim đa cảm, lãng mạn.
Trong đó, có chàng nhạc sĩ vừa tròn tam thập, người Trà Vinh, dong dỏng cao, tóc phủ dài trông rất lãng tử, cũng là hoàng tử trữ tình của thể điệu Boléro, Rumba qua nhiều ca khúc được ái mộ. Từ tỉnh lên thủ đô, chàng sống phiêu bạt ở Sài Gòn, dang dở mối tình với cô học trò con nhà giàu có. Hình ảnh Thanh Thúy dẫm lên trái tim Trúc Phương, là nguồn cảm hứng cho chàng nhạc sĩ đam mê sáng tác. Và ngược lại, Thanh Thúy nổi danh, được yêu thích nhiều qua nhiều ca khúc của Trúc Phương. (Sau ba thập niên, tháng ngày thoi thóp với căn bệnh ngặt nghèo, trong căn phòng thuê tồi tàn, nhỏ hẹp ở ngõ hẻm quận 11, Sài Gòn, nhạc sĩ Trúc Phương lìa bỏ cõi trần ngày 18 tháng 9 năm 1995, để lại cho đời 65 ca khúc và một số tác phẩm khác chưa được phổ biến).
Trong những ca khúc đầu đời của trái tim đau khổ, duyên nợ bẽ bàng, tình yêu đơn phương tan theo mây khói nhưng hào quang lại về trên đỉnh mây trời giữa kẻ viết dòng nhạc, lời ca và người nâng niu tiếng hát. Đâu đây vẫn vang vọng với tuyệt phẩm Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, Hình Bóng Cũ… mang mang thiên cổ lụy, xót thương, nghe để tiếc thương cho chuyện tình cay đắng… tiếng hát Thanh Thúy chơi vơi, bồng bềnh trên đỉnh cao, trái tim nhạc sĩ rướm máu, chôn vùi bên vực thẳm.
Sau khi mãn tang cho thân mẫu, Thanh Thúy lập gia đình vào năm 1964, người chồng cũng là tài tử chính trong phim Bão Tình (do Lưu Bạch Đàn sản xuất và đạo diễn). Chàng sĩ quan Ôn Văn Tài sau nầy mang cấp bậc đại tá trong binh chủng Không Quân. Gia đình được định cư tại Hoa Kỳ trong năm 1975. Vào cuối thập niên 90, đôi tình nhân thuở nào được trở thành ông bà nội.
*
Với Trúc Phương, duyên nợ không trọn nhưng mối giao cảm trong âm nhạc vẫn cón cao đẹp, giữ mãi cho nhau. Bên bờ Thái Bình Dương, Thanh Thúy vẫn tiếp tục gởi đến tha nhân nhiều ca khúc của Trúc Phương, tương trợ tác giả nơi quê nhà sống bất hạnh. Được tin Trúc Phương vĩnh biệt nhân gian, bên trời Cali, bên người thân trong gia đình, Thanh Thúy viết :
- "Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi quá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao nầy. Anh và tôi không hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi gắn liền nhau : nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy…
Đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn anh vào quân ngũ và tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về cuộc đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương…
Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi đôi ngã : Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong…" (TGNS, tháng 2-1996).


*
Trúc Phương đã yên nghỉ ở nghĩa trang Lái Thiêu, để lại người vợ bệnh hoạn và sáu con. Trong ca khúc "Mắt Chân Dung Để Lại", dòng nhạc cuối đời của Trúc Phương vẫn còn tơ vương bóng hình Thanh Thúy : "Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em trót đã thiên thu nhầm lỡ, khóc mình khóc người, đỏ hoe suốt đời."
Bên cạnh Trúc Phương, ngoài văn nhân đa tình, từ đất thần kinh, chàng thư sinh gầy gò, lang bạt vào Sài Gòn cuối thập niên 50, bắt gặp bóng dáng đồng hương Thanh Thúy, trái tim chàng say đắm. Và cũng là cơ hội tạo nguồn rung cảm, đem cung đàn dẫn nhập vào mối tình si. Ca khúc đầu tay "Ướt Mi" của Trịnh Công Sơn đã gọi tiếng hát buồn não nề của Thanh Thúy như “khóc trong đêm mưa, than trong câu ca”. và ca khúc "Thương Một Người" qua hình ảnh "Thương ai về ngõ tối, sương rơi kín đôi vai… Thương một người và mái tóc buông lơi…"
Nhưng tình yêu đơn phương của chàng nhạc sĩ mới bước chân vào làng ca nhạc chỉ còn lại bóng mờ trước tiếng hát thành danh. Thanh Thúy hát bài "Ướt Mi" qua tiếng đàn dương cầm của Nguyễn Ánh 9 rất tuyệt. Thời gian sau, Trịnh Công Sơn chạy theo tiếng hát khác ở Đà Lạt (tiếng hát Khánh Ly).
Với nhiều ca khúc nói lên nỗi niềm cay đắng, nghiệt ngã, u hoài, tâm trạng thương cảm, ai oán, bẽ bàng, ngang trái trong cuộc đời và cuộc tình được dàn trải qua tiếng hát Thanh Thúy như sự an bày, kết hợp, tạo dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Từ nhạc phẩm tiền chiến như Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Tan Tác của Tu Mi, Chuyển Bến của Đoàn Chuẩn, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn, Nhắn Gió Chiều của Nguyễn Thiện Tơ, Tiếng Còi Trong Sương Đêm của Lê Trực, Tiếng Đàn Tôi và Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy… đến Ngăn Cách, Người Em Sầu Mộng của Y Vân, Lạnh Lùng của Đinh Việt Lang sang Kiếp Cầm Ca của Huỳnh Anh, Tiếng Ve Sầu của Lam Phương đến Mộng Chiều của Khánh Băng, Nhạt Nắng của Xuân Lôi, Đường Nào Lên Thiên Thai cửa Hoàng Nguyên… và nhiều ca khúc của Trúc Phương phù hợp với tiếng hát Thanh Thúy đã gắn liền giọng ca và dòng nhạc trong giới thưởng ngoạn.
Bước sang lãnh vực kinh doanh, Thanh Thúy và nhạc sĩ Ngọc Chánh – con chim đầu đàn của Shotguns – mở phòng trà khiêu vũ trường International Quốc Tế, mở nhãn hiệu băng nhạc Thanh Thúy, được hai năm thì qua Mỹ theo làn sóng di tản vào tháng 4/1975.
Cuộc sống lưu vong xứ người không còn môi trường thuận lợi tưởng chừng tiếng hát khói sương bị nhạt nhòa theo sương khói nhưng rồi sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt tha hương được hồi sinh. Thanh Thúy trở lại với với kiếp tầm nhả tơ.
Tháng 6 năm 1976, Thanh Thúy cho phát hành cassette đầu tiên "Sài Gòn Ơi ! Vĩnh Biệt" được đồng hương nhiệt tình đón nhận. Theo thời gian, Trung Tâm băng nhạc Thanh Thúy được hình thành, thực hiện được ba cuốn Video : Thúy, Chuyện Tình buồn và Ngày Về Quê Cũ. Bước vào thế kỷ 21, hai mươi lăm năm sau năm 1975, khoảng ba mươi CD của Thanh Thúy được thực hiện, trong đó có những CD về tôn giáo như Mẹ Hiền và Phật Ca I, II, III… Là Phật tử thuần thành, Thanh Thúy đã hướng tâm làm công quả trong chương trình phát thanh Tiếng Nói Hương Sen của Phật Giáo. Vào cuối thập niên 90 Thanh Thúy cùng người em gái thực hiện công tác từ thiện ở Á Châu để giúp vui và ủy lạo bà con đồng hương đang bị kẹt ở trại tị nạn.
Khi người nghệ sĩ được thành danh thì cũng là đối tượng cho báo giới khai thác để đáp ứng thị hiếu của độc giả.
Hồ Trường An viết : "Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng. Ở chót vót đỉnh danh vọng mà cô không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí".
Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ, Thanh Thúy được ái mộ từ nghệ thuật đến nhân cách. Nghệ thuật xử thế của Thanh Thúy tự nhiên và lịch sự không có vẻ đóng kịch, không đẩy đưa vì vậy khi tiếp xúc với Thanh Thúy, thiện cảm, chân tình và thoải mái để trao đổi với nhau. Trung tâm Thanh Thúy vẫn đều đặn hình thành nhiều băng nhạc qua hàng trăm ca khúc với giới tiêu thụ thân quen, dĩ nhiên, tiếng hát của Thanh Thúy ngày nay phù hợp cho giới thưởng ngoạn đã đứng tuổi trải qua một thời cảm mến khi còn ở quê nhà.
Trước kia, trong một lần đọc bài viết của Thanh Mỹ, Thanh Châu về người chị biểu tượng như hình ảnh người mẹ hiền đã kề cận bên nhau qua bao thập niên trong nghệ thuật và cuộc sống, tôi cảm mến hình ảnh đó, gọi điện báo tin cho bài viết, Thanh Thúy hỏi thăm cần hỏi điều gì không, tôi trả lời đã thưởng thức nhiều bài hát và đọc qua những bài viết về Thanh Thúy rồi cũng đủ tạo dựng cho hình ảnh tiếng hát thành danh từ quê nhà và hải ngoại. (Hoàng Bích Yên)
* ( Theo Quang Nguyen Thanh ) *

Cúi đầu !

Chỉ trong 2 tháng, giới chủ Formosa Hà Tĩnh đã nhanh chóng cúi đầu xin lỗi tới 2 lần, nhưng nước mắt biển miền Trung thì vẫn có thể sẽ chảy lâu dài, thậm chí 50-70 năm nữa.
Lần thứ nhất, những ông chủ đến từ Đài Loan cúi đầu xin lỗi, là khi giám đốc đối ngoại Formosa Vũng Áng Chu Xuân Phàm, răn dạy người Việt: Nếu chọn thép thì đừng nghĩ nhiều đến tôm cá.
Lần thứ hai, họ cúi đầu xin lỗi vì đã đầu độc biển. Nhưng trước đó, ông chủ tịch đã gửi thư cho toàn bộ nhân viên, khẳng định một cách đanh thép: “Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động”.
Hàng trăm ngàn ngư dân và những người làm du lịch, dịch vụ ở miền Trung, không có được cái may mắn tiếp tục hoạt động trong bất kỳ tình huống nào, như khẳng định của ông chủ ở Formosa.
Hơn 3 tháng nay, hàng ngàn con thuyền đánh cá gần bờ đã phải cúi đầu cam chịu trước biển. Những chiếc neo thuyền rỉ sét nằm câm lặng trên bờ.
Ông Mai Xuân Liêm (Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bảo rằng, từ khi cá chết hàng loạt, hôm nào ông cũng ra âu thuyền ngồi ngóng. Lão ngư có 50 năm bám biển chưa bao giờ chịu đầu hàng sóng gió ấy, giờ đây cũng chỉ biết cúi đầu bất lực.
Sau lưng người ngư dân già khắc khổ đó, còn có bao nhiêu ước mơ học hành, ước mơ no cơm, ấm áo.
Hơn 3 tháng nay, thay vì mang về bến những khoang thuyền đầy cá, thì nhiều ngư dân lực lưỡng, ngang tàng như Hồ Thanh Mọ (xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) , phải ngồi yên trong ngôi nhà nhỏ, chìa tay nhận những đợt sẻ chia, cứu trợ của đồng bào.
Hơn 3 tháng nay, những còn tàu vươn khơi - cột mốc chủ quyền sống trên biển Đông - đã vắng thưa đi ít nhiều. Thị trường ảm đạm không thể tiếp sức cho nhiều tàu cá vươn khơi.
Người thợ lặn sức vóc hơn người Lê Văn Ngày (quê Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã chết đột ngột sau khi lặn thi công đê chắn sóng KCN Vũng Áng. Những ngày ấy, cá chết dạt bờ nhiều vô kể.
Thế nhưng đến nay, sau hơn hai tháng mòn mỏi đợi chờ, thật kỳ lạ, gia đình khốn khổ của anh vẫn chưa nhận được kết quả khám nghiệm tử thi.
Vì vậy, nguyên nhân cái chết của anh, theo lý thuyết, vẫn còn là điều bí ẩn, kể cả khi Formosa đã thú nhận gây ra thảm họa môi trường.
Bà mẹ già và người vợ của anh Ngày đã khóc lặng đi rất lâu trong ngôi nhà tồi tàn như phòng trọ sinh viên ở quê nhà. Nước mắt họ lăn dài trên những gò má không thể nhăn nheo hơn vì lam lũ.
before
after
Nguồn sống chính của gia đình là đồng lương của anh Ngày, cũng đã tan theo nước mắt kể từ ngày biển miền Trung bị hủy hoại.
Những bậc cha mẹ của 155 học sinh thôn Đông Yên, Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chắc cũng phải nuốt nước mắt vào lòng, khi con họ bị thất học hai năm trước.
“Đại chiến dịch” giải phóng mặt bằng để lấy đất và biển cho Formosa thuê những 70 năm, nhưng lại diễn ra với tốc độ thần tốc.
Đích thân những lãnh đạo tỉnh như ông Võ Kim Cự, Chủ tịch tỉnh lúc bấy giờ, thường xuyên có mặt ở những điểm nóng để đốc thúc. Hình ảnh ấy khiến cho phía Formosa “vô cùng cảm kích”. Thế nhưng, việc ổn định cuộc sống của những người phải di dân, phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, phải chuyển nghề, lại không thể nhanh như giải phóng mặt bằng.
Cha mẹ của 155 em học sinh, chưa chuyển đến nơi mới, nhưng chính quyền lại yêu cầu các em phải đi học ở trường tái định cư, cách nhà 25 km. Thế là thất học.
Không biết, trong thời gian đằng đẵng thất học ấy, có vị nào đến nơi ấy, gặp gia đình các em động viên tháo gỡ, như họ đã quyết liệt vì tiến độ của Formosa?
Sau vụ cá chết, nhiều con em ngư dân 4 tỉnh miền Trung cũng thất học. Gánh nặng kinh tế bỗng trở nên quá sức đối với những đôi vai đã rất quen gồng gánh, khi biển bị đầu độc.
Người miền Trung vốn kiên cường, quen đương đầu với sóng gió, gian khó, nên họ sẽ không rơi lệ khi con em bị thất học. Nhưng xét về lâu dài, sự mất mát tri thức, còn đau hơn nước mắt.
Những chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng và Chính phủ, các chính sách dồn sức ưu tiên hỗ trợ ngư dân, diêm dân 4 tỉnh bị thiệt hại, hy vọng sẽ làm giảm đi những giọt nước mắt mặn chát ấy.
Ngư dân Phan Thành An (khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị) tâm sự: “Tiền bạc ăn mấy cũng hết, ngư dân như tôi chỉ mong ngư trường được trở lại để ra khơi, chứ không trông mong vào các khoản đền bù, trợ cấp. Biển được an toàn, cá sạch là chúng tôi yên tâm ra khơi, không làm gánh nặng cho Nhà nước nữa”.
Anh Phan Thành An chưa biết mình sẽ được lợi gì khi giới chủ Formosa cúi đầu nhận lỗi. Điều những ngư dân như anh An cần là biển an toàn, cá sạch, tàu bè lại tấp nập vào lộng ra khơi. Anh An chắc chắn sẽ không để ý kỹ điều này: Giới chủ Formosa đã cúi đầu rất thấp khi nhận lỗi khi gây ra thảm họa môi trường.
Anh An cũng có thể không nghĩ đến công nghệ sa thải: Những người vạ miệng như Chu Xuân Phàm, sẽ bị Formosa hô biến rất nhanh sau một nốt nhạc.
Nhưng anh An biết rất rõ: Sự cúi đầu và sa thải quan chức ấy, không làm cho môi trường biển miền Trung trở lại bình thường như xưa, ít nhất là trong nhiều năm nữa.
Vì lợi nhuận, những người chủ tư bản như Formosa có thể sẽ cúi đầu nhiều lần nữa, như họ đã cúi đầu ở nhiều nước khi gây thảm họa, để rồi lại tái diễn ở nước khác.
Để vỗ yên dư luận, họ có thể sa thải thêm nhiều Chu Xuân Phàm khác.
Vì thế, điều người dân như anh An mong chờ không phải là thái độ của những nhà tư bản thay đổi thế nào, mà là Việt Nam phải làm gì để Formosa cũng như các cty phá hoại môi trường khác, không có cơ hội cúi đầu nhận lỗi lần thứ hai; không có cơ hội tái phạm tước đi sự an toàn của biển, của cá.
Như vậy, xét về mặt lý thuyết, cái cúi đầu đáng sợ nhất chính là cúi đầu chấp nhận hoặc làm ngơ cho những kẻ tội đồ trong việc hủy hoại môi trường, tiếp tục vi phạm.
Cái đáng sợ nhất là vì lợi ích trước mắt mà trải thảm đỏ cho những kẻ không đủ tiêu chuẩn phát triển bền vững, tràn vào đầu độc quê hương.
Nhưng chúng ta kiên quyết không cúi đầu và làm ngơ như vậy!
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một danh giới cuối cùng, không có đường lùi cho những kẻ vi phạm: “Nếu Formosa tái phạm, sẽ kiên quyết đóng cửa”; “Không vì kinh tế mà hy sinh môi trường”.
Cái ý chí mà Chính phủ cũng như tuyệt đại bộ phận nhân dân, thể hiện trong việc lôi Formosa ra ánh sáng, đã chứng tỏ: Việc cúi đầu cam chịu, vĩnh viễn không bao giờ là một thuộc tính của người Việt.
Ai cũng hiểu: Nếu cúi đầu, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đi ngược lại sự phát triển bền vững đất nước, người đó sẽ bị phán xét lâu dài.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Vì thế, ứng xử đúng đắn với biển, là ứng xử với sự phát triển và trường tồn của đất nước.
Nhưng ứng xử đúng đắn không có nghĩa là chỉ đi phê phán người ngoài.
Đã bao giờ, chính chúng ta tự vấn lương tâm mình: Đã làm gì để bảo vệ môi trường biển? Những người Việt chúng ta đã làm gì để vơi đi nước mắt biển?
Tạp chí Science uy tín thế giới, đã đưa ra một con số rùng mình: Mỗi năm có hơn 8 triệu tấn rác nhựa được đổ xuống các đại dương, và Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia thải nhựa ra biển nhiều nhất.
Kết quả khảo sát và phân tích số liệu từ hơn 192 quốc gia cho thấy hơn 8 triệu tấn rác nhựa được đổ xuống các đại dương mỗi năm, tương đương 16 túi nhựa trên một mét đường bờ biển.
Science khẳng định: “Nếu 5 quốc gia trên quản lý được 50% lượng chất thải của họ, thì tổng lượng rác thải không được quản lý của toàn cầu sẽ giảm 1/4”.
Chương trình Hành động toàn cầu quản lý ô nhiễm biển, đất liền của thế giới, đã chọn Việt Nam để thử kiểm kê tổng thể tải lượng các chất gây ô nhiễm biển và vùng cửa sông ven bờ từ nguồn đất. Kết quả cho thấy khả năng gây ô nhiễm biển từ vùng biển ven bờ là 30% và 70% là do các nguồn thải từ đất liền.
Thống kê sơ bộ của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng cho thấy, từ năm 1992 đến nay, xảy ra 130 vụ tràn dầu trên biển, sông Việt Nam gây thiệt hại rất lớn về cả kinh tế và môi trường. Chính người Việt cũng đang vô tình và cố ý đầu độc biển dần dần trên quy mô lớn! Tôi có nhiều người bạn đi khắp nơi thế giới. Họ đều có chung một cảm nhận: Chẳng nơi đâu biển đẹp bằng Việt Nam.
Nhưng rồi, những chuyến đi biển Việt Nam của họ thưa dần. Họ chuyển sang Maldives, Boracay, Bali, Hawaii…
Ban đầu, để tránh nỗi sợ hãi khi phải nhìn những bãi biển nổi tiếng trong đất liền, tràn ngập rác rưởi sau mỗi dịp Lễ, Tết, họ tìm ra các đảo xa.
Nhưng rồi, đứng trước những cầu tầu, bến cảng ngập rác ở Lý Sơn, Bình Ba, Nam Du, Cô Tô, Bãi Cháy…, họ đành cúi đầu thở dài, không hẹn ngày trở lại.
Quang Đẩu, một người có bằng thạc sĩ làm chủ bè cá ở Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) đã ngăn khi tôi có ý định ra Điệp Sơn – hòn đảo có con đường đi bộ giữa biển đẹp như trong cổ tích.
Đẩu bảo: Khi chưa có khách du lịch, Điệp Sơn sạch lắm. Cứ bắt đầu có khách du lịch là có hôm rác thải vô tội vạ.
Cách đây một tháng, tôi hỏi một thanh niên ở đảo Nam Du (Kiên Giang) rằng tại sao dân ở đây lại coi biển là một thùng rác khổng lồ.
Chàng thanh niên cúi đầu lẩm bẩm một câu không rõ tiếng, trong khi vẫn thản nhiên liệng tất cả đồ thừa của một cuộc nhậu xuống biển, kể cả vỏ chai bia, rượu.
Bao nhiêu người Việt đã quay đi, đã làm ngơ hoặc cúi đầu im lặng, khi thấy đồng loại làm bẩn biển; tận diệt nguồn lợi biển?
Nguồn: http://soha.vn/do-hoa-dac-biet-formosa-nuoc-mat-bien-va-su-cui-dau-20160713012536985.htm
Tác giả: Bùi Hải

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Ca Sĩ Thanh Thúy



Hà Đình Nguyên
Do nhạc sĩ Y Vân đã mất (năm 1992), nên tôi đem điều này hỏi người em ruột của ông là nhạc sĩ Y Vũ. Ông tiết lộ : "Tôi nói rõ sự thật nhé, anh Y Vân đã viết ca khúc này thay cho tâm sự của một người bạn rất thân, đó là tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long (còn gọi là Long Đất). Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Nguyễn Long yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy nhưng cô ca sĩ tài danh này không chút mảy may động lòng. Nguyễn Long âm thầm sống trong đau khổ, cay đắng một mình. Rồi một hôm, nhạc sĩ Y Vân bắt gặp anh chàng thất tình này trong quán cà phê với bộ dạng "ngó phát chán", Y Vân hỏi han và Long Đất đã thổ lộ mối tình sâu kín.
Thanh Thúy cũng là "người yêu trong mộng" của rất nhiều người. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay Ướt mi dành tặng Thanh Thúy. Tôn Thất Lập viết Tiếng hát về khuya vì Thanh Thúy. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly "tán" :
"Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô"
Họa sĩ Vũ Hối buông cọ để làm thơ :
"Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương"
Nhà văn Mai Thảo gọi cô là "Tiếng hát lúc 0 giờ", giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung thì cho là "Tiếng hát liêu trai", nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là "Tiếng sầu ru khuya".
Thương cảm mối tình đơn phương của người bạn thân, Y Vân đã viết Thúy đã đi rồi. Bài này trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng của dòng nhạc blue thời bấy giờ. Bài hát được khá nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy. Hát thì cứ hát, nhưng con tim của nàng chẳng chút lay động, cho dù hằng đêm anh chàng Nguyễn Long vẫn bám theo nàng “trên từng cây số”, qua những phòng trà mà cô đến biểu diễn. Người đẹp vẫn đó, vẫn đùa vui trước đôi mắt ngây dại của gã si tình mà chẳng hề quan tâm”.
Đến đây, người viết xin được mở ngoặc để nói về tài sắc của nữ ca sĩ Thanh Thúy. Chị sinh năm 1943 tại Huế. Đi hát từ năm 16 tuổi (1959) và sở hữu một giọng hát hết sức đặc biệt : khàn đặc như có pha rượu, nghẹn ngào, nức nở với dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy… Giọng hát ấy, dáng dấp ấy như có ma lực khiến ai "lỡ nghe" rồi là say như điếu đổ... Chẳng thế mà hầu hết văn nghệ sĩ cùng thời đã "nghiện" tiếng hát mà họ ví von với rất nhiều hình ảnh : lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.


Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ, đồng thời là "Nữ ca sĩ ăn khách nhất" suốt 3 năm liền.
Tháng 11.1961, Nguyễn Long thực hiện cuốn phim Thúy đã đi rồi, theo ca khúc của nhạc sĩ Y Vân và nhạc phim do ca sĩ Hùng Cường hát. Nữ ca sĩ Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Ngoài bộ phim này, hình ảnh Thanh Thúy còn xuất hiện trên kịch sân khấu, kịch truyền hình. Các nghệ sĩ Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung... đều đã đóng vai Thanh Thúy. Thanh Thúy thật sự là một con người tài sắc nổi trội khiến cánh đàn ông hồi đó có đủ "lý do chính đáng" để mê mệt cô như một thần tượng.
Trở lại với chàng tình si Nguyễn Long - dù đã nặng tình đeo đuổi, thậm chí đã làm phim về nàng nhưng không sao lọt vào mắt xanh của nàng. Mang tâm trạng u uất, Nguyễn Long đã trải lòng qua bài thơ tự sáng tác Thôi. Bài thơ này cũng được Y Vân phổ thành tình khúc mà cho đến nay vẫn còn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ :
"Thôi, em đừng khóc nữa làm gì !
Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa.
Thôi em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư...
Ôi cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người.
Lệ sầu chia ly buồn tê tái.
Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài.
Thu man mác buồn, mùa thu ơi !...”
Nguyễn Long khi ấy mới khoảng 30 tuổi, nghe nói phải hơn mười năm sau ông mới lập gia đình, còn ca sĩ Thanh Thúy đã lấy chồng trước đó (năm 1964)./.
--Hà Đình Nguyên

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Thanh Tâm Tuyền và “Lệ đá xanh”


Năm 1954, chàng thanh niên 18 tuổi tên Dzư Văn Tâm di cư vào Nam, bắt đầu hoạt động sáng tác văn chương khi cùng với những người bạn cũ ở Tổng hội Sinh viên Hà Nội thành lập nhóm Sáng tạo và cho ra mắt tạp chí văn nghệ Sáng tạo (số 1 ra vào tháng 10 năm 1956 và được nối tiếp bởi 30 số rồi đình bản vào năm 1959). Nhóm Sáng tạo quy tụ những tên tuổi lớn của văn chương, hội họa và âm nhạc của miền Nam như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền (bút hiệu của Dzư Văn Tâm), Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Sỹ Tế, Quách Thoại, Thái Tuấn và Cung Tiến. Các thành viên của nhóm Sáng tạo đã nỗ lực đoạn tuyệt với văn chương của Tự lực văn đoàn và Thơ Mới từng được coi là mẫu mực, đổi mới thơ, văn, âm nhạc và hội họa để góp phần xây dựng nền văn nghệ mới ở miền Nam. Các sáng tác của Thanh Tâm Tuyền trong buổi đầu của nhóm Sáng tạo đã thể hiện những đổi mới đáng kể: cuốn truyện đầu tay có nhan đề “Bếp lửa” của ông (in năm 1956) là cuốn truyện đầu tiên thuộc loại văn chương trí tuệ, thể hiện “cái hào quang của trí tuệ đối đầu với định mệnh” như cách nói của nhà văn Pháp André Malraux và tập thơ “Tôi không còn cô độc” (cũng in năm 1956) có những bài thơ tự do không gieo vần theo lối đồng âm, mà có nhịp điệu riêng được tạo nên bởi những hình ảnh - một nhịp điệu có thể gọi là “nhịp điệu của ý thức” - khác với tất cả những gì đã có, đặc biệt là thơ Mới vốn được coi là chuẩn mực của thi ca Việt Nam. Tập thơ thứ hai của Thanh Tâm Tuyền có nhan đề “Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy” in vào năm 1964 cũng có nhiều bài thơ tự do có hình thức tân kỳ, vẫn là “thứ thơ trí tuệ, giản dị mà phức tạp, rất đẹp mà không một nỗ lực làm dáng và tựu trung đó là những tuyên ngôn của tự do và tình yêu được đặt trên một bình diện mới và mang tinh thần thế giới” như nhận định của nhà báo Bùi Bảo Trúc. Các bài thơ tình của Thanh Tâm Tuyền trong hai tập thơ “Tôi không còn cô độc” và “Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy” đã có có sức lay động mạnh mẽ trong tâm hồn của những thanh niên miền Nam vào thời kỳ này vì như lời nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, “tình yêu làm cho Thanh Tâm Tuyền trở nên lãng mạn và đau khổ, nhục nhằn. Tình yêu xót xa hòa chung với sự đau khổ vì nỗi đời, vì mệnh nước”.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã phổ nhạc một số bài thơ của Thanh Tâm Tuyền như “Dạ khúc” (ca khúc”Dạ tâm khúc”), “Bài ngợi ca tình yêu” (ca khúc “Ngợi ca tình yêu” và “Đêm màu hồng”) và lấy hai câu thơ trong bài “Lệ đá xanh” (trong tập thơ “Tôi không còn cô độc”) để làm đoạn cuối của ca khúc “Nửa hồn thương đau” thể hiện nỗi đau đớn của chính ông trong một cuộc tình không trọn vẹn.


Bài thơ “Lệ đá xanh” của Thanh Tâm Tuyền:
tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi…
Ca khúc “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương:
"Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu? Em ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt
Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người ôi những người
Khóc lẻ loi một mình..."
Ca khúc “Nửa hồn thương đau” với giọng ca Thái Thanh:

Ca khúc “Nửa hồn thương đau” với giọng ca Lệ Thu:




 Câu chuyện vui đó là đây: Kỷ niệm vui về một lần gặp gỡ thần tượng:
Người già thường hay nhớ lại những chuyện cũ vì cánh cửa tương lai sắp sửa khép lại rồi nên những kỷ niệm của những ngày tháng xa xưa bỗng ùa về giữa một đêm khuy
a thanh vắng hay một buổi sớm mai có nắng vàng rực rỡ. Một kỷ niệm vui cứ trở lại nhiều lần trong tâm trí mình là lần tình cờ gặp gỡ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Hồi mười tám, đôi mươi, mình rất say mê những cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền như "Bếp lửa", "Mù khơi", "Cát lầy", 'Một chủ nhật khác" và cũng yêu thích những bài thơ tự do của ông trong tập "Tôi không còn cô độc", nhưng suốt nhiều năm trước 1975 chưa được một lần gặp mặt ông. Cho đến một ngày...
Năm 1993, mình có một người bạn vong niên, một cựu giáo sư Đại học Sư Phạm Sàigòn phải sống qua ngày sau năm 1975 bằng việc bán báo gần nhà thờ Huyện Sỹ và dịch những cuốn sách học tiếng Anh theo đơn đặt hàng của những đầu nậu. Hồi ấy, ông đưa cho mình mượn đọc bản thảo tác phẩm ưng ý nhất của ông là bản dịch những truyện ngắn và tiểu luận của nhà thơ Argentina Jorge Luis Borges và một buổi trưa nọ, khi ghé sạp báo của ông trong công viên để trả lại bản thảo, mình thấy phía trong có một người đàn ông đứng tuổi nhỏ thó đang ngồi trên một chiếc ghế bố. Người bạn của mình chỉ ông lão ngồi trên chiếc ghế bố và nói: "Ông ấy là ông cậu của tôi, sắp đi Mỹ diện HO...". Lúc ấy, mình cũng đang là một anh bán sách học tiếng Anh nên sau vài lời thăm hỏi, mình giới thiệu với ông cuốn "How to survive in the U.S.A.", một cuốn sách học tiếng Anh bán rất chạy dành cho những người sắp nhập cư ở Mỹ. Ông lão trả lời bằng giọng rề rà, chậm rãi của một người đã rất già nua dù có vẻ như ông chưa tới 60 tuổi (hồi ấy ông chỉ mới 57 tuổi!): "Đúng rồi anh ạ, cuốn sách đó hay lắm, rất thích hợp với những người sắp qua Mỹ, lại có băng cassette kèm theo..." Sau vài câu trao đổi về cuộc sống ở Mỹ, ông leo lên chiếc xe đạp đi về phía chợ Bến Thành. Người bạn vong niên của mình hỏi: "Anh có biết là ông ấy có sáng tác nhiều bài thơ trong trại cải tạo và đến giờ này vẫn còn tiếp tục viết truyện?" Mình rất đỗi ngạc nhiên: "Ủa, vậy ông cậu của chú là...". "Tôi tưởng hồi nãy anh biết đó là nhà văn Thanh Tâm Tuyền..." Trời đất ! Vậy là ông lão nhỏ thó ngồi trên chiếc ghế bố, nói giọng rề rà mình gặp hồi nãy là nhà văn Thanh Tâm Tuyền, thần tượng của mình hồi mười tám, đôi mươi ! Tiếc quá nhưng còn biết làm sao !
Cuối năm 1993 ấy, Thanh Tâm Tuyền sang Mỹ theo diện HO cũng như rất nhiều sĩ quan chế độ cũ đã rời trại cải tạo và tiếp tục giới thiệu những bài thơ sáng tác trong chốn lao tù. Ông đã qua đời năm 2006 nên lần gặp gỡ tình cờ ấy đã là lần gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng giữa một nhà văn tài hoa của miền Nam và một độc giả rất ngưỡng mộ ông. Phải chi hồi đó biết sớm hơn ông là Thanh Tâm Tuyền, mình đã hỏi ông về cuốn "Bếp lửa"hay một bài thơ trong tập "Tôi không còn cô độc"!

Huỳnh Duy Lộc