Tình Ca Ngô Thụy Miên qua Bốn Thập Niên
Hoàng Như An thực hiện
Ngô Thụy Miên là một cái tên thật quen thuộc với giới yêu nhạc Việt Nam. Còn nhớ vào khoảng năm 1968, 69 ở Sài Gòn, lần đầu tiên tôi được biết đến nhạc Ngô Thụy Miên. Một người bạn đã cho tôi một tập in ronéo 10 tình khúc Ngô Thụy Miên. Tôi đã đem về nhà, lấy đàn guitar ra gẩy và hát hết 10 bài nhạc mới tinh nầy. Tôi cảm thấy nét nhạc thật là quyến rũ và thơ mộng. Lời hát thì đầy thi vị, lại có nhiều bài phổ thơ tình của Nguyên Sa. Tôi thích nhất những bài "Paris Có Gì Lạ Không Em", "Mùa Thu Cho Em"... và hát đi hát lại những bài hát này cho đến thuộc lòng.
Rồi biến cố 1975 xảy ra, tôi bỏ quê ra đi đến nơi xứ lạ với nỗi buồn mất nước và xa xứ. Những năm đầu tiên trên đất Mỹ, tôi trân quý những bài hát Việt thâu lại được từ trong trại tị nạn, trong đó có cuốn băng Tình Khúc Ngô Thụy Miên. Cuốn băng này với hòa âm thật sống động của nhạc sĩ Văn Phụng đã cho tôi những giờ thưởng thức âm nhạc thật thích thú và làm vơi bớt nỗi buồn xa xứ triền miên. Tôi không bao giờ quên được giọng ca Thái Thanh trong bài "Paris Có Gì Lạ Không Em".
Sau đó tôi được biết nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có mặt tại Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục sáng tác. Nhạc của ông vẫn là nhạc tình và vẫn mang tính chất thơ mộng, quyến rũ. Ông có những bài thật buồn. Ðã có một dạo tôi hát cho đến thuộc lòng bài "Riêng Một Góc Trời" của nhạc sĩ và cảm thấy sao mà nó buồn thê thiết dù tôi chẳng đang bị thất tình.
Dù nghe và thuộc nhạc Ngô Thụy Miên như vậy, có thể nói là tôi chưa được nghe nhạc Ngô Thụy Miên "live" bao giờ cả. Nên khi nghe tin sẽ có một buổi văn nghệ đặc biệt mang tên "Nhạc Tình Ngô Thụy Miên qua Bốn Thập Niên" tổ chức vào ngày 3 tháng 9 năm 2000 tại rạp La Mirada, tôi vội đặt mua vé sớm cho có chỗ tốt và liên lạc xin được phỏng vấn người nhạc sĩ tôi vẫn hằng ái mộ.
Hỏi: Thưa nhạc sĩ, là "fan", ai cũng muốn biết đôi điều về những người mình ái mộ, xin nhạc sĩ cho biết sơ về "tiểu sử".
Ngô Thụy Miên (NTM): Thưa chị, là một người viết nhạc, có lẽ không có gì vui hơn và hạnh phúc hơn khi được biết có những "fan" đã ái mộ, thưởng thức những sáng tác của mình từ nhiều năm qua. Xin cảm ơn chị cũng như cảm ơn tất cả quí vị thính giả đã yêu quí tình ca Ngô Thụy Miên trong 4 thập niên vừa qua. Tôi sinh ở Hải Phòng và lớn lên tại Sài Gòn. Yêu thơ Nguyên Sa và mơ về thành phố Paris từ những ngày còn rất trẻ. Rời Việt Nam năm 1978, tôi đến Canada năm 1979, lập gia đình và năm 1980 qua định cư tại tiểu bang Washington, miền Tây Bắc Hoa Kỳ.
Hỏi: Như vậy nhạc sĩ có học nhạc với ai không, hay ở trường nào. Nhạc sĩ cảm thấy bị thôi thúc phải sáng tác từ hồi nào và bởi những gì ?
NTM: Tôi may mắn sinh trưởng trong một gia đình rất yêu nghệ thuật, được bố mẹ cho đi học nhạc từ khi còn bé. Tôi đã theo học vĩ cầm với giáo sư Ðỗ Thế Phiệt và nhạc pháp với giáo sư Hùng Lân tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn. Tôi tốt nghiệp hai bộ môn này năm 1965, cũng là năm tôi hoàn tất nhạc phẩm đầu tay "Chiều Nay Không Có Em". Từ lòng yêu nhạc cùng với tình yêu người, tôi đã sáng tác và đi trình diễn khắp các giảng đường đại học, các trung tâm văn hóa và hội quán văn nghệ tại Sàigòn.
Hỏi: Nhạc sĩ đã sáng tác được khoảng bao nhiêu và đã xuất bản những tập nhạc nào ?
NTM: Thưa chị, trong gần 4 thập niên vừa qua, tôi đã viết khoảng 50 tình khúc. Năm 1974, tôi và một số anh em thân hữu đã thực hiện cuốn băng "Tình Ca Ngô Thụy Miên" tại Sàigòn gồm một số bài tiêu biểu cho 2 thập niên 60, 70 như Mùa Thu Cho Em, Paris Có Gì Lạ Không Em, Áo Lụa Hà Ðông... Vào thập niên 80, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã thực hiện cuốn băng "Tình Ca Ngô Thụy Miên 2" tại hải ngoại gồm một số bài như Bài Tình Ca Cho Em, Nắng Paris Nắng Saigon, Dốc Mơ, Em Còn Nhớ Mùa Xuân... Thập niên 90, trung tâm Thúy Nga đã thực hiện video "Tình Ca Ngô Thụy Miên" và phát hành CD "Ngô Thụy Miên và Những Sáng Tác Mới", gồm một số bài như Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, Em Về Mùa Thu, Cần Thiết...
Nói về xuất bản tập nhạc thì thưa chị, tập nhạc ronéo chị có hơn 30 năm về trước là tập nhạc duy nhất chính thức do tôi và bạn bè thực hiện. Từ sau đó, tôi chưa từng phổ biến một tập nhạc nào mà chỉ có 4, 5 tập nhạc đã được xuất bản hoàn toàn không có sự đồng ý cuả tôi. Năm 1998, trong dịp về Cali ra mắt cuốn CD, tôi đã đồng ý để nhà sách Văn Khoa phát hành một tập nhạc chính thức dưới tựa đề "Góc Trời Ngô Thụy Miên".
Hỏi: Sau hơn 30 năm viết nhạc, nhạc sĩ rõ ràng là đã chọn cho mình một con đường đi là chỉ viết nhạc tình. Nhạc sĩ có thể cho biết thêm về chủ định của mình không ?
NTM: Thưa chị, tôi lớn lên giữa sách vở, thơ văn và âm nhạc. Mặc dù trưởng thành trong chiến tranh nhưng kể từ khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã tự chọn cho mình con đường tình ca, và cũng nghĩ là chúng ta đã có một số không ít các nhạc sĩ viết về những đề tài khác, đã để lại cho đời những ca khúc bất hủ. Trong những tháng năm sắp tới, tôi chỉ mong được tiếp tục sống, thở bằng trái tim âm nhạc, để có thể tiếp tục gửi đến cho người, cho đời những rung động, những tình cảm riêng tư của mình.
Hỏi: Nhạc sĩ có thể kể lại đôi điều về hoàn cảnh sáng tác một vài bài hát đắc ý nhất của nhạc sĩ ?
NTM: Thưa chị, trong một cuốn video gần đây, tôi đã có nói là mỗi một tác phẩm của tôi đều có mang một chút hình ảnh của tác giả hay của những người mà tôi yêu quí. Nói đến những kỷ niệm và hoàn cảnh sáng tác thì nhiều lắm, kể từ những ngày tháng của "Mùa Thu Cho Em" cho đến "Riêng Một Góc Trời". Tuy nhiên một sáng tác đặc biệt nhất phải nói đến là bài "Em Còn Nhớ Mùa Xuân", một tình khúc duy nhất tôi đã viết ở Sàigòn sau tháng 4, 1975. Bản nhạc được viết trong nỗi nhớ thương người bạn gái đã ra đi, và những đổi thay, mất mát xảy ra quanh mình những ngày tháng đó. Lang thang trên phố Sàigòn, một chiều tôi đã nhìn thấy những bản nhạc của mình nằm chênh vênh trên lề đường. Người bán hàng rao mời và nói nếu không mua thì sẽ không bao giờ có nữa. Tôi lặng lẽ quay về nhà. Nỗi nhớ người yêu cùng với nỗi buồn dồn dập chạy dài trên những phím đàn piano. Ðó là bắt đầu của "Em Còn Nhớ Mùa Xuân".
Cuối năm 1978, tôi hoàn tất bản nhạc và hát trong một đêm văn nghệ tổ chức trên đảo Bidong trước khi lên đường đi Canada. Năm 1979, tôi đã gặp lại và thành hôn với người bạn gái năm đó.
Hỏi: Nhạc sĩ có cảm thấy sự khác biệt giữa sống và viết nhạc ở Việt Nam và sống và viết nhạc tại xứ người. Nhất là viết nhạc tình như nhạc sĩ thì thay đổi môi trường sống như vậy có ảnh hưởng gì không ?
NTM: Thưa chị, với tôi Âm Nhạc cũng như Ðời Sống đều thay đổi theo Thời Gian và Không Gian. Sống ở quê hương với những thân yêu quanh mình, với những lụa là mưa nắng Sàigòn, những quán hàng, những con đường quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều..., đã cho tôi những ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca thơ mộng dịu dàng. Ở đây, người ta thật vội vã, thật xa lạ. Yêu đương, hẹn hò cũng phải có giờ giấc. Những thành phố, nhà cửa thật to lớn nhưng cũng thật lạnh lẽo. Ngày tháng bên này đã để lại trong nhạc tôi những dấu vết buồn bã của cuộc sống tạm dung, những muộn phiền cay đắng của những phần đời lặng lẽ quanh mình.
Hỏi: Hầu hết những bài nhạc tình cảm đều rất buồn và thường là để than khóc, tiếc nuối một cuộc tình đã mất. Ít có bài nào ca ngợi những giây phút thăng hoa, êm đềm hay vui tươi của tình yêu đôi lứa. Nhạc sĩ có thấy là hát và nghe nhạc buồn nhiều như vậy có ảnh hưởng đến tinh thần của rất nhiều người hay của cả nước không ?
NTM: Thưa chị, tôi không phải là một người phê bình âm nhạc, cũng không phải là một người viết về lịch sử, nên không dám có ý kiến về câu hỏi này. Tuy nhiên tôi không nghĩ là hầu hết những bài nhạc tình cảm của chúng ta đều buồn bã và bi quan. Ðối với tôi, những tình khúc tiền chiến là những bài tình ca nhẹ nhàng, trong sáng và hay nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Có phải vì những tác giả này đã được sống trong một thời kỳ thanh bình đặc biệt nào đó trên đất nước chúng ta ? Ngoài ra, hiện nay các nhạc sĩ trẻ viết tình ca đã có những sáng tác rất trẻ trung, vui tươi, với dòng nhạc mới mẻ hơn, gần gủi với tuổi trẻ bây giờ hơn. Tôi nghĩ là Tình ca Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn, mà mỗi một giai đoạn, chúng ta đều có những dòng nhạc đáp ứng được những bước đi thăng trầm của lịch sử quê hương, dân tộc...
Hỏi: Xin nhạc sĩ cho biết mục đích của đêm văn nghệ "Tình Ca Ngô Thụy Miên qua Bốn Thập Niên". Khán giả có thể trông đợi gì trong buổi văn nghệ này ?
NTM: Khoảng đầu năm nay, Phạm Duy Quang, Nguyễn Cửu Tuấn và Trần Ngọc Anh, những người bạn thân của tôi từ hơn 30 năm, gọi lên và cho biết anh em dưới Cali đã sẵn sàng tổ chức chương trình nhạc "Tình Ca Ngô Thụy Miên qua Bốn Thập Niên" nhằm giới thiệu đến quí thính giả một chương trình âm nhạc với các ca sĩ trình diễn "live" một số các tình khúc tôi đã viết trong bốn thập niên qua. Ðồng thời làm sống lại tại Hoa Kỳ những kỷ niệm, những xôn xao náo nức của một thời khi bọn chúng tôi cùng chung sức thực hiện cuốn băng "Tình Ca Ngô Thụy Miên" đầu tiên tại Sàigòn và đêm ra mắt cuốn băng này tại Hội Việt Mỹ vào cuối năm 1974.
Chương trình sẽ gồm một số tình khúc tiêu biểu của 4 thập niên như Mùa Thu Cho Em, Từ Giọng Hát Em, Bài Tình Ca Cho Em, Riêng Một Góc Trời... qua giọng hát của các ca sĩ Vũ Anh, Khánh Hà, Trần Thái Hòa, Mai Hương, Thanh Lan, Hoàng Nam, Tuấn Ngọc, Kim Tước, Ðoàn Thanh Tuyền và Nguyễn Thành Vân. Phần hòa âm sẽ do Thomas Ngô, Nhật Trung và Vũ Anh Tuấn đảm trách. Ban nhạc The Matrix phối hợp cùng ban nhạc thính phòng do Thomas Ngô và Nguyễn Khánh Hồng điều khiển.
Hỏi: Những dự định tương lai của nhạc sĩ ?
NTM: Thưa chị, một lần nào đó tôi đã có nói là "Tôi không viết nhạc để sống mà tôi sống để viết nhạc". Từ những ngày tháng đầu tiên, âm nhạc với tôi là một phương tiện để chia xẻ những tâm tư, tình cảm riêng của mình đến với những người tôi yêu quí, nói rõ hơn là những người đã đi qua đời tôi, hay đang chia xẻ những thăng trầm của cuộc sống với tôi. Ðôi khi tôi nghĩ là mình viết đã đủ rồi. Ðời đã nghe, người đã hiểu. Nhưng khi ý nhạc hay lời ca đến thì tôi lại ngồi xuống phím đàn. Chỉ mong là khi nào trái tim còn rung động thì vẫn còn tiếp tục viết, dù có thể chỉ để riêng cho một mình thôi.
Buổi hòa nhạc "Tình Ca Ngô Thụy Miên qua Bốn Thập Niên" được tổ chức vào lúc 4 giờ chiều ngày chủ nhật 3 tháng 9 năm 2000 tại La Mirada Theatre for the Performing Arts, số 14900, La Mirada Blvd, (góc Rosecrans), thành phố La Mirada. vé có bán tại Tú Quỳnh, Bích Thu Vân, Hội Quán Thùy Dương.
Hoàng Như An thực hiện Người Việt (tháng 8/2000) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét