Thy Nga
“Giọt lệ cho ngàn sau” là một nhạc bản Từ Công Phụng nói là“lời tạ lỗi những người tình đã đi qua đời anh, dù một khoảnh khắc sớm phai tàn nhưng đã để lại những kỷ niệm, và đã nuôi lớn anh trong Tình Yêu dù không trọn vẹn”.
Nhạc sĩ của tình ca
Người nhạc sĩ ấy không bao giờ thôi ca ngợi Tình Yêu. Từ Công Phụng, một đời viết nhạc tình, khởi đi từ đầu thập niên 1960 với những lần chàng sinh viên này trình bày nhạc của mình với bạn bè trong khuôn viên các trường đại học ở Saigon.
Nhà thơ Du Tử Lê từng mệnh danh Từ Công Phụng là “phát ngôn nhân tình yêu của tuổi trẻ miền Nam”. Thật vậy, qua những bài tình ca, anh đã nói lên hộ cho lớp trẻ thời đó những rung động của tuổi mới biết yêu.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng
Tình ca Từ Công Phụng
“Bây giờ tháng mấy” là sáng tác đầu tay của Từ Công Phụng.
Theo tác giả cho biết thì viết nhạc bản này với tâm tư của mình lúc 18 tuổi“một tên học sinh đọc quá nhiều tiểu thuyết lãng mạn” nhưng không dám trình làng. Đến năm 1963, tức là ba năm sau, Từ Công Phụng mới hát bài ấy trên làn sóng đài phát thanh Đà Lạt.
Tiếp sau “Bây giờ tháng mấy”, lần lượt những ca khúc “Bài cho em”, “Lời cuối”, “Mùa Xuân trên đỉnh bình yên”, “Mùa Thu mây ngàn”, “Mưa trên ngày tháng đó”, “Tuổi xa người”, … ra đời trong những năm 1960. Những lời ca ấy trong “Tuổi xa người” từng làm thổn thức biết bao con tim. Giới trẻ miền Nam thời đó, hầu hết đều ưa chuộng và hát không biết mệt những ca khúc của Từ Công Phụng.
Rồi thì đất nước trải qua cơn biến động. Sau bao thăng trầm, những người trẻ năm nào, nay tóc đã ngả màu thời gian. Sau này, những khi có dịp nghe lại dòng nhạc Từ Công Phụng, các bài hát ấy dường như đem lại cho họ cả không gian và đời sống của một thời hoa mộng.
Trang Web của nhạc sĩ Từ Công Phụng mở đầu với “Lời ngỏ” có các đoạn sau đây, lẽ ra Thy Nga yêu cầu nhạc sĩ trình bày đến quý thính giả nhưng vì anh mới trở bệnh nặng, thành ra Thy Nga phải nhờ anh Việt Long đọc giùm:
“… Tình ca là những lời phủ dụ ngọt ngào của tình yêu như giòng suối róc rách từ thiên thu dành cho những đôi tình nhân của bao miên man thế hệ, như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của nhân loại. Xin cám ơn Đấng Tạo Hoá đã ban cho loài người có trái tim biết rung động, có tâm hồn biết thổn thức để tình yêu và cuộc đời còn được thăng hoa bằng những bài tình ca.
Nếu chim muông chỉ có một thời để ca hát, cỏ cây chỉ có một thời để xinh tươi, và loài người chỉ có một thời để sống và một đời để chết thì xin hãy hát lên những bản nhạc tình để ngợi ca một thời để sống trước khi bước vào những nỗi khốn cùng buồn thảm của cái chết lẻ loi.
Bởi vậy, tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang một đời. Dù tôi có là chứng gian cho những cuộc tình không thực nhưng ít ra, tôi đã mang đến một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ cho những kẻ tình nhân của một thời yêu thương say đắm. Và xin cảm ơn những kẻ tình nhân đã nâng niu những bản tình ca của tôi từ những thập niên qua như là nhân chứng cho tình yêu của mình, dù chúng có mang những nỗi hân hoan trong đôi mắt hay nụ cười, dù chúng có chứa chan những giọt lệ ngậm ngùi cho một đời tình ngắn ngủi …”
Ca ngợi cái đẹp của tình yêu
Nói đến tình yêu và đời sống thì thưa quý thính giả, cách nay vài năm, Thy Nga có dịp trao đổi với nhạc sĩ Từ Công Phụng về đề tài đó, và ghi cảm nghĩ của anh như sau:
“Tôi nghĩ trong đời sống chúng ta, có cái dòng sông định mệnh tức là mình gặp nhau đó, rồi mình xa nhau, cũng giống như là hơi nước tụ thành mây rồi tan đi, thế thôi!
Trong những năm dài qua, tôi đã viết để ca ngợi tình yêu. Ca ngợi cái đẹp cũng có nghĩa là ca ngợi những kỷ niệm còn đọng lại trong tâm hồn chúng ta khi mà cuộc tình không được trọn vẹn. Ca ngợi hạnh phúc cũng là một điều để chúng ta làm vơi bớt đi những khổ đau mà chúng ta gặp phải.
Ca ngợi cái đẹp của tình yêu không trọn vẹn, có nghĩa là mình đã nói lên được một cái gì đẹp trong khoảnh khắc thời gian mà mình gặp gỡ nhau, và khi mình xa nhau thì đó là những cái còn để lại trong ký ức của mình những hình ảnh đẹp. Nói một cách khác, hạnh phúc có nghĩa là mặt trái của khổ đau, và cũng có thể nghĩ ngược lại như vậy. Tôi nghĩ là định mệnh nó cho mình thấy ngay trong cuộc sống, tức là nếu mà không có những chia lìa, không có những đớn đau thì mình đâu có hiểu được cái định mệnh.
Bởi vậy, những cuộc tình mà không trọn vẹn thì người ta thường mơ ước là kiếp này không gần gũi nhau thì nếu mà kiếp sau có làm người, thì cũng xin tiếp nối cuộc tình đó cho trọn vẹn. Mơ ước mà thôi chứ còn mà kiếp sau thì tôi nghĩ là mình không biết được.”
“Như chiếc que diêm” cũng như bài “Mắt lệ cho người” đề cập đến cái chết. Khi được hỏi về chuyện này, nhạc sĩ Từ Công Phụng nói “suy nghĩ về sự sống chết không xuất phát từ chứng bệnh của anh dạo sau này mà đã từ lâu, anh nghĩ rằng cái gì rồi cũng tới lúc phai tàn. Nếu có điều gì vĩnh cửu thì đó là tình yêu”.
Từ Công Phụng đã ví mình như thân dã tràng miệt mài se cát, đắp nên lâu đài cho những đôi tình nhân … người nghệ sĩ chẳng khác nào con tằm rút ruột, nhả những sợi tơ óng ả cho đời, Từ Công Phụng say mê viết nhạc và hát ngợi ca tình cảm đẹp nhất đời người.
Ví mình như thân dã tràng se cát
Nhạc khúc “Kiếp dã tràng” mang âm thanh, hình ảnh của nơi anh ra chào đời, Ninh Thuận đầy nắng hanh gió cát, ghi dấu tuổi thơ và những năm trung học của Phụng. Ninh Thuận, miền đất xưa kia của người Chăm, một dân tộc mang phận nước mất nhà tan … Phải chăng vì vậy mà người gốc Chăm như Từ Công Phụng, nét mặt thường buồn buồn với nỗi suy tư miên man?
“Qua vùng biển nhớ”, “Nằm nghe em hát trên vùng biển” là các nhạc bản khác của Từ Công Phụng mà ta có thể nhận nghe âm thanh dạt dào sóng biển.
Mang tâm hồn lãng mạn, chàng trai năm cuối trung học đã rung động tới bàng hoàng khi nghe khúc nhạc réo rắt của Chopin từ một chiếc dương cầm, và đó là tình cảnh gây cảm hứng cho anh viết nên bài “Bây giờ tháng mấy” …
“Bây giờ tháng mấy” như ghi nhận của nhà văn Song Thao, “đã bắt được nhịp đập con tim của giới trẻ lúc bấy giờ, lúc họ đang khắc khoải trong hoàn cảnh chiến tranh, khao khát một tình yêu lãng mạn. Và Từ Công Phụng đã mang lại cho họ món ăn tinh thần ấy”.
Nhạc bản này được nồng nhiệt đón nhận … phải nói thêm là không những từ giới trẻ mà từ mọi người yêu nhạc, không chỉ vào thời ấy mà mãi tới ngày nay, và sau này nữa.
“Bây giờ tháng mấy” phổ biến đến nỗi quần chúng sửa lời, trở thành một câu hát dân gian. Điều này khiến tác giả không hài lòng nhưng anh cũng thừa nhận rằng nhờ đó mà sáng tác đầu tay của mình được truyền bá rộng rãi tới mức nhiều người nghe, hay nghêu ngao hát bài ấy mà chẳng quan tâm biết tác giả là ai nữa.
Khi được hỏi về chuyện này, Từ Công Phụng cười đùa đáp rằng “Đứa con tinh thần mà được biết nhiều hơn mình thì “Con hơn cha là nhà có phúc”.
Thy Nga đọc thấy trong tài liệu của cố nghệ sĩ Trường Kỳ viết về Từ Công Phụng có câu chuyện là hồi ấy ở Đà Lạt (khoảng năm 1965), hằng ngày Từ Công Phụng nhận được nhiều thư của thính giả ái mộ gởi đến khen nhạc bản “Bây giờ tháng mấy”. Trong số đó, có một lá thư không ghi tên người gởi, tặng anh bài thơ cảm hứng theo nhạc bản.
Bài thơ 5 chữ “Bây giờ là tháng mấy” Từ Công Phụng soạn thành lời 2 trên nền nhạc ấy. Anh cũng lấy làm mừng vì “Bây giờ là tháng mấy” thì khó đổi lời hơn.
Mấy chục năm sau, anh mới phổ biến lời 2 như sau:
“Bây giờ là tháng mấy 2” …
Chiến tranh ngày càng tăng cường độ, lớp trẻ phân tán nhau giữa sự khốc liệt của cuộc chiến, Từ Công Phụng chỉ còn biết mong sao có một nơi chốn an lành cho những kẻ yêu nhau, và anh vẽ ra niềm mơ ước ấy trong bài “Mùa Xuân trên đỉnh bình yên” không có cảnh chia lìa, không có tiếng súng tiếng bom, tiếng thở dài.
Tình yêu đến với một tâm hồn đồng điệu nhưng không may cho nhạc sĩ họ Từ, cuộc hôn nhân đổ vỡ để lại trong anh nhiều đớn đau. Nỗi niềm này lại cộng thêm những mất mát bởi biến cố tháng Tư 1975, nhạc sĩ Từ Công Phụng rơi vào cảnh chán chường.
“Thôi cũng đành như chiếc que diêm một lần loé lên …
cũng đành một thoáng chiêm bao, tình người cũng xa, cũng phôi pha …”
cũng đành một thoáng chiêm bao, tình người cũng xa, cũng phôi pha …”
“Cũng đành” lập lại nhiều lần trong bài “Như chiếc que diêm” nói lên tâm trạng buông xuôi vì không thể làm gì khác được. Nhưng rồi, Từ Công Phụng kể là anh được “vớt” ra khỏi tình cảnh đó bởi một người mà trở thành vợ anh về sau.
Tháng 10, 1980, họ vượt biển, tới được bến bờ nước Mỹ.
Cũng như mọi người tỵ nạn, thời gian đầu trên xứ lạ khá nhọc nhằn. Tới định cư ở Portland, Oregon vợ chồng Từ Công Phụng xoay sở mở một nhà in mang tên Vitina (viết tắt của Việt tị nạn), một quán ăn cũng nho nhỏ tên là Café Lanai. Rồi thì sự quán xuyến của vợ đã dành cho Từ Công Phụng có thời giờ tiếp tục niềm đam mê của mình là âm nhạc. Anh cho hay là sau này, sáng tác được khoảng 2 bài mỗi năm, đồng thời gom những nhạc bản cũ mới thành tập nhạc và CD.
Tháng Năm 2008, sau khi trải qua cơn bạo bệnh, nhạc sĩ Từ Công Phụng thực hiện chuyến về nước để, như anh nói, “gia tài khoảng một trăm tình khúc, anh không giữ lấy cho riêng mình mà còn mong muốn những tình ca ấy có thể đến được và lay động cảm xúc người yêu nhạc, đặc biệt là thính giả trẻ thời nay”.
Thy Nga xin kết thúc chương trình về Từ Công Phụng với lời tâm tình của người nhạc sĩ này ghi trên trang “Văn học Nghệ Thuật Liên Mạng”:
“Nếu các bạn nghĩ tình yêu trong âm nhạc của tôi là những hoa hồng bên cánh cửa sổ thì mong những dòng âm thanh ấy quấn quít mãi trong đời bạn. Nếu vẻ đẹp trong âm nhạc của tôi cũng chính là một phần trong vẻ đẹp tâm hồn bạn, thì tôi xin làm tấm gương để các bạn ngắm mãi một phần đời óng ả của mình đang lùi dần vào dĩ vãng theo bóng thời gian”.
RFA