Tản mạn về bài thơ Kỷ Vật Cho Em
Linh Phương | |
Nhận được email của anh Nguyễn Hòa đề nghị viết về những sự kiện quanh bài thơ "Kỷ vật cho em" mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc gây xôn xao giới yêu thơ, yêu nhạc một thời trước năm 1975, thực tình tôi không biết khởi đầu từ đâu và viết những sự kiện gì, bởi rất nhiều sự kiện và mình có nên viết hay không?
Thôi thì kể lan man một vài chuyện về bài thơ đó vậy! Xuất xứ bài thơ của tôi đăng trên nhật báo Độc Lập vào năm 1970 với tựa đầu tiên "Để trả lời một câu hỏi", để tặng người con gái tên Hương. Trang sáng tác của tờ báo này do Âu Lăng (tức nhà thơ Trần Dạ Từ, chồng của nhà văn Nhã Ca) phụ trách. Tôi thường xuyên đăng bài ở trang báo này, có thể nói một tháng 30 ngày thì bài của tôi xuất hiện khoảng hơn 20 ngày với tên Linh Phương, Vương Thị Ái Khanh và Phạm thị Âu Cơ. Khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc với duy nhất tên ông, tôi không có phản ứng gì. Nhưng tôi có người bạn làm việc ỡ hãng tin THT đã đưa vấn đề tác quyền lên trang tin tức của 1 tờ báo đại ý "Tác giả Kỷ vật cho em" sẽ kiện nhạc sĩ Phạm Duy ra tòa. Tiếp theo là tờ tuần báo Sân Khấu Truyền Hình của Phan Bảo Quân cho in nột bài viết đề cập tác quyền và tên Linh Phương phải được để là đồng tác giả bản nhạc "Kỷ vật cho em". Thời đó ở Sàigon có trên 20 tờ Nhật báo và 30 tờ Tuần báo và rất nhiều Tạp chí, bán Nguyệt san, Nguyệt san. Và chuyện tác quyền giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy đều có bài viết, thư nhạc sĩ Phạm Duy gởi tôi, thư tôi trả lời... hầu hết trên báo chí lúc ấy. Cuối cùng thì một người cháu của nhạc sĩ Phạm Duy là Phạm Duy Nghĩa tìm gặp tôi tại địa chỉ 104/231 đường Yersin nhà người bạn thân của tôi là Vũ Trọng Quang. Phạm Duy Nghĩa đưa tôi đến phòng trà ca nhạc Đêm Màu Hồng nơi ban Thăng Long thường xuyên trình diễn. Ở đây, tôi và nhạc sĩ Phạm Duy đã có sự thông cảm với nhau về vấn đề bài thơ "Kỷ vật cho em". Nhạc sĩ Phạm Duy chở tôi trên chiếc xe "trắc xông" đen đến phòng trà ca nhạc Queen Bee do nhạc sĩ Ngọc Chánh làm chủ. Ở Queen Bee, nhạc sĩ Phạm Duy đã giới thiệu tôi trước công chúng về tác giả bài thơ "Kỷ vật cho em". Sau cái bắt tay giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Ngọc Chánh, quái kiệt Trần văn Trạch, nữ ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài thơ phổ nhạc này. Sáng hôm sau, tôi đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy ở 215 E/2 đường Chi Lăng Phú nhuận ăn cơm và ký hợp đồng bài thơ "Kỷ vật cho em" tại đây. Trong bản hợp đồng tiền tác quyền là 30,000 đồng (thời điểm đó giá vàng - nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10,000 đến 12,000 đồng) nhưng thực tế thì nhạc sĩ Phạm Duy trả tôi 50,000 đồng (30,000 đồng chèque nhận ở Pháp Á Ngân hàng - 20,000 tiền mặt). Lúc bản "Kỷ vật cho em" được hát là lúc cuộc chiến tranh Việt Nam trở nên dữ dội, nên đã gây những chấn động lớn lao vào tâm hồn của những Quân nhân Sàigòn cũng như trong tầng lớp dân chúng. Như trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy phát hành ở hải ngoại đã dành chương 20 viết về "Kỷ vật cho em" và tác giả có đoạn... "Tôi hát bài này trước tiên ở phòng trà Ritz của Jo Marcel với ban nhạc Dreamers rồi hầu hết các ca sĩ từ Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan và Nhật Trường đều thu thanh vào băng nhạc. Bài hát trở thành một hiện tượng lớn thời đó. Ở phòng trà - khi ca sĩ hát bài đó lên bao giờ cũng có sự náo động nơi khán thính giả, nếu là thường dân thì phản ứng cũng vừa phải, nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở 4 vùng Chiến thuật về Sàigòn là đi phòng trà và khi trong đám thính giả có 1 sĩ quan đi nghỉ phép hay 1 thương phế binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây một không khí phản chiến nhưng có một cái gì cao hơn chính trị. Nó nói đến định mạng của con người VN mà ai cũng phải chấp nhận cuộc chiến tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt, nhất là cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua bên kia Hạ Lào". Có nguồn tin tôi đã nằm lại ở Hạ Lào, không biết xuất phát từ đâu và cái chết của Linh Phương, tác giả "Kỷ vật cho em" còn có bài viết của tác giả Trần Tường Trình đăng trên nhật báo Sóng Thần của Chu Tử và một số phân ưu chia buồn trên các báo khác. Rồi mặt trận Kampuchea bùng nổ - tôi lại được khai tử lần nữa tại chiến trường này. Lúc đó anh Thiện Mộc Lan, ký giả báo Đuốc Nhà Nam đã có công tìm sự thât về cái chết của tôi. Sau nhiều ngày tìm hết chỗ này đến chỗ khác qua nhiều người, ký giả Thiện Mộc Lan đã đến nhà nhạc sĩ Phạm Duy - như tác gỉa bài báo kể... Chúng tôi chợt nhớ nghĩ đến nhạc sĩ Phạm Duy, hy vọng rằng giữa nhạc sĩ và nhà thơ có nhiều liên hệ từ "Kỷ vật cho em" ra đời , thế nào nhạc sĩ Phạm Duy cũng biết rõ về Linh Phương. Khi nghe chúng tôi báo tin Linh Phương chết, nhạc sĩ Phạm Duy sửng sốt. "Linh Phương mới thăm tôi cách đây nửa tháng mà... lẽ nào... như vậy được. Ôi dzời, tôi nghĩ anh ta chưa chết đâu...". Được nhạc sĩ Phạm Duy ghi cho địa chỉ, ký giả Thiện Mộc Lan tìm đến tư gia nhà thơ Vũ Trọng Quang và gặp tôi tại đây. Báo Đuốc Nhà Nam đã đăng loạt bài 4 kỳ báo qua những tít: - Nhà thơ có nhiều huyền thoại, tác giả "Kỷ vật cho em" Linh Phương còn sống hay đã vĩnh viễn ra đi. - Liên lạc khắp nơi Đuốc Nhà Nam mới tìm ra tông tích tác giả "Kỷ vật cho em". - Linh Phương thích làm thơ nhưng không mang danh thi sĩ. Thực ra, không chỉ bài thơ "Kỷ vật cho em" tốn nhiều giấy mực báo chí, mà còn có 2 bài thơ đăng cùng một số báo trên tờ tuần báo Khởi Hành của Hội văn nghệ sĩ Quân Đội Sàigon đó là bài thơ "Bài cho chiến trường Đông Dương" nói về cái chết của người Việt Nam trên đất Kampuchea, Hạ Lào và bài thơ "Từ giã bọn mày" nói về thân phận của những lao công đào binh. Tôi chỉ còn nhớ 3 khổ thơ của bài này như sau: Từ giã bọn mày Từ giã bọn mày tao lên núi Mặc áo lao công đập đá xây thành Làm bạn vắt mòng chống với muỗi Đáp lũy thông hào chờ cuộc giao tranh Từ giã bọn mày tao đi nhặt nốt Vỏ đạn đồng rơi rớt giữa quê hương Từ giã bọn mày tao đi nhặt nốt Dưới ruộng - dưới đồng - những máu - những xương Từ giã bọn mày xin đừng đưa tiễn Dù một lần tao làm gã tội nhân Từ giã bọn mày tao xuống biển Tay ngoằn ngoèo vẽ trọn chữ Việt Nam Khi báo phát hành khoảng 2 giờ sau thì bị cảnh sát tịch thu tất cả những số báo còn lại. Đấy là một trường hợp không hai vì đây là tờ báo của Hội văn nghệ sĩ Quân Đội. Sau 1975, đúng hơn là năm 1978, tôi từ Côn Đảo lăng bạt về Cà Mau - ba chìm bảy nổi, bị người ta "đánh" tơi tả, không có chỗ dung thân, dạt về Kiên Giang, cho đến bây giờ. Có những lúc tôi chảy nước mắt khi tự hỏi tại sao người ta không sống với nhau bằng tấm lòng để cư xử với nhau tử tế hơn? Có lẽ tôi lan man hơi nhiều, dù còn biết bao chuyện quanh bài thơ "Kỷ vật cho em", mà tôi chưa kể hết. Chỉ hy vọng một ngày nào đó tôi viết một cuốn hồi ký, họa may mới dàn trải được số phận của "Kỷ vật cho em". Kỷ vật cho em (Thơ Linh Phương) Em hỏi anh bao giờ trở lại Xin trả lời mai mốt anh về Không bằng chiến trận Pleime Hay Đức Cơ - Đồng Xoài - Bình Giả Anh trở về hàng cây nghiêng ngã Anh trở về hòm gỗ cài hoa Anh trở về bằng chiếc băng ca Trên trực thăng sơn màu tang trắng Mai trở về chiều hoang trốn nắng Poncho buồn liệm kín hồn anh Mai trở về bờ tóc em xanh Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt Mai anh về em sầu thê thiết Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng Cho em làm kỷ niệm sang sông Đời con gái một lần dang dở Mai anh về trên đôi nạng gỗ Bại tướng về làm gã cụt chân Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân Bên người yêu tật nguyền chai đá Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ Em nhìn anh - ánh mắt chưa quen Anh nhìn em - anh sẽ cố quên Tình nghĩa cũ một lần trăn trối.
Đặc Trưng _____
|
Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015
Kỷ Vật Cho Em
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét