Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

THU CA & Mùa Thu trong nhạc của PHẠM MẠNH CƯƠNG








                       

Cuối tháng tám, để chuẩn bị cho chương trình về Thu trên website Cỏ Thơm, tôi nghe lại một số nhạc phẩm, trong đó có bản "Có Những Chiều Thu" của Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Cương (NS PMC). Bản nhạc với giai điệu nhẹ nhàng và lời trữ tình được diễn tả qua tiếng hát Mỹ Dung. Tôi chưa nghe bản này bao giờ nên tưởng đây là một bản nhạc mới của NS PMC. Sau khi xem bản nhạc trong hồ sơ thì mới biết NS PMC sáng tác từ trước 1975, ca sĩ Thanh Thúy đã thu âm cho hãng dĩa Sóng Nhạc!
Tôi xem lại tập nhạc "Tình Khúc Phạm Mạnh Cương", xuất bản năm 2007, do chính tác giả ở Montreal gởi tặng với dòng chữ còn chưa run và đặc biệt, tuy Ông đã ngoài 70 tuổi. Tập nhạc gồm 26 tình khúc, nhắc nhớ những bài mà tôi còn nhớ rất rõ như Thu Ca, Thương Hoài Ngàn Năm, Thung Lũng Hồng, Tình Yêu Đã Mất ... Xem kỹ hơn nữa thì thấy mùa Thu "ẩn hiện" trong nhiều tác phẩm của Ông: rõ ràng như qua tựa đề các bản nhạc: Thu Ca, Thu Về Trong Mắt Em, Mùa Thu Không Có Em ... hay thấp thoáng đó đây trong lời của các bản nhạc sau:
Hạt nắng lung linh tím dần, mênh mông Thu vàng ...(Thung Lũng Hồng)

Tình yêu rơi như màu lá Thu vàng ngập trên lối đi ...(Tình Yêu Đã Mất - tức Cho Nhau Lời Nguyện Cầu)

Em ngồi đếm lá rớt trong công viên buồn
Thu ơi đã về, lòng em thêm xót xa ...
(Như Một Khúc Nhạc Buồn)

Ai nói rằng tình em giá băng
Ai nói mùa Thu hay nhạt nắng ...
(Một Lần Yêu)

Đọc các bài viết về Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Cương, Ông tâm sự thuở còn đi học đã nghe và thích nhạc của Đoàn Chuẩn & Từ Linh. Không hiểu có phải vì thế mà cái mùa Thu "cực kỳ lãng mạn" từ nhạc của Đoàn Chuẩn & Từ Linh đã thấm sâu vào tâm hồn của NS PMC hay chăng? Có lẽ cũng vì đó mà bản nhạc "Thu Ca" đã ra đời vào một mùa Thu khi NS PMC mới ra dạy học ở Hà Nội. Một duyên tình cờ may mắn nữa là năm 1980 Ông đến định cư ở Gia Nã Đại, một quốc gia mà mùa Thu nổi tiếng là đẹp vì có nhiều cây phong (maple), lá phong đổi nhiều sắc màu, tô điểm cho vạn vật trước khi vào Đông!

Ngược dòng thời gian, năm 1966 tôi học Việt Văn ở Trung Học Petrus Ký Sài Gòn với Thầy Phạm Mạnh Cương. Vì ngồi ở bàn đầu nên được Thầy "thương" và cho chép bảng các bài văn để Thầy giảng sau đó. Trong lúc tôi chép bảng thì Thầy thường đi qua đi lại phía trước lớp, thỉnh thoảng ghé bàn của Thầy để ghi chép những suy nghĩ. Tôi còn nhớ Thầy có dáng người nhỏ nhắn, nghệ sĩ, giảng bài rất chậm rãi, nhỏ nhẹ. Trong thời gian dạy học ở Petrus Ký, Thầy còn phụ trách một chương trình nhạc ở Đài Phát Thanh và Truyền Hình. Tôi không thể quên nhạc hiệu từ bài "Thu Ca" của Ban Hoa Thời Đại, dùng để mở đầu và kết thúc chương trình. Bản nhạc hiệu này được hòa tấu theo thể điệu cha-cha-cha nên rộn ràng, vui tươi hơn điệu tango trong bản nguyên thủy. Ngoài guitar, Thầy còn chơi nhiều nhạc cụ khác nhau; hiện giờ Thầy còn thổi cả kèn saxophone nữa! Thầy đã rất thành công khi mở Trung Tâm Tú Quỳnh, sản xuất các băng với nhạc chủ đề như Nhạc Chiều, Hoa Với Nghệ Sĩ, Hương Xa, Những Tình Ca Xứ Huế, Màu Tím Và Tình Yêu, Những Điệu Thu Ca v v Những băng này được soạn thảo công phu, hòa âm mới mẻ với sự cộng tác của những tiếng hát nổi tiếng.
Gần đây tôi có liên lạc với Nhạc Sĩ Nguyễn Thanh Cảnh, một cựu học sinh Petrus Ký ở Montreal. Anh rất gần gũi và đã ra mắt một CD chung với Thầy năm ngoái. Từ đó tôi đã thư từ qua lại với Thầy nhiều hơn và rất mong được gặp lại Thầy. Mơ ước là trong tương lai gần, Thầy và 2 con là Nhạc Sĩ Mạnh Quỳnh và Diễm Phúc sẽ có dịp đến hội ngộ với cựu Giáo Sư và học sinh Petrus Ký ở Hoa Kỳ, để mọi người được nghe lại dòng nhạc êm đềm trữ tình của Thầy tại vùng Hoa Thịnh Đốn.
Kính chúc Thầy Phạm Mạnh Cương được nhiều sức khỏe và vẫn hoài yêu mùa Thu và âm nhạc.
Phan Anh Dũng (Richmond, Virginia USA - đầu tháng 10, 2011)
  

                                 
  Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Cương (bìa sau của sách nhạc "Thung Lũng Hồng Của Chúng Ta", xuất bản 1973)

 Biên soạn: Phan Anh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét