Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Phân tích bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng dưới góc độ kí hiệu học

Cập nhật: 07/04/2015

Những ý kiến mang tính chất ngôn ngữ học về việc đọc và hiểu bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây

Ngôn ngữ thơ là một dạng kí hiệu học hàm chỉ. Tức là kí hiệu học mà ở bình diện biểu đạt của mỗi kí hiệu lại là một kí hiệu khác. Ta xem mỗi bài thơ là một kí hiệu S chuyển tải một thông điệp D nào đó. Tùy theo người đọc, với những cảm xúc thẩm mĩ thơ khác nhau mà D có thể sẽ khác nhau. Do đó, sẽ là phiến diện nếu chúng ta chỉ dùng một phương pháp duy nhất để tìm hiểu và phân tích một tác phẩm thơ ca (nói riêng), hay một tác phẩm văn học (nói chung). Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng kí hiệu học như một phương thức mới để tiếp cận tác phẩm văn học, nhằm hướng một cách nhìn mới cho một bài thơ quen thuộc.



“Đôi mắt người Sơn Tây” được Quang Dũng viết vào năm 1949. Với người yêu thơ, đây là một tác phẩm không hề xa lạ. Đặc biệt, cùng với Tây Tiến, bài thơ này đã làm nên tên tuổi của Quang Dũng. Tác phẩm này càng trở nên nổi tiếng hơn, khi được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc. Đã có nhiều lời bình luận về “Đôi mắt người Sơn Tây”. Trong số đó, các tác giả thường xoay quanh những vấn đề: người con gái trong bài thơ này là ai, hoặc đi sâu vào cảm nhận câu chuyện tình buồn “mới gặp đã chia xa” của nhân vật trữ tình “tôi” trong tác phẩm.

Tuy nhiên, có một hình ảnh mang sức ám ảnh mạnh mẽ đối với hồn thơ Quang Dũng, xui khiến ông phải viết thành thơ, và qua bài thơ, nó cũng đã tạo nên nhiều nghĩ suy trong tâm khảm bạn đọc. Đó là hình ảnh “đôi mắt”. Ở bài thơ này, từ tựa đề cho đến dòng kết thúc, hầu như, hình ảnh “đôi mắt” của “người Sơn Tây” luôn có một vị trí quan trọng, tạo thành một mạch liên kết xuyên suốt tác phẩm. Nó không được lặp lại theo kiểu nguyên dạng như nghệ thuật điệp từ. Nhưng được nhấn đi nhấn lại bởi những từ ngữ cùng trường nghĩa. Để rồi sau mỗi khổ thơ, ý nghĩa của hình ảnh này có một giá trị mới đối với việc tạo thông điệp cho tác phẩm. Chúng tôi xem “đôi mắt” là một kí hiệu, và theo chiều dài bài thơ này, những tín hiệu liên kết các khổ tạo thành một chuỗi kí hiệu “đôi mắt” được xuất hiện một cách nhịp nhàng, liên tục, nhất quán, chắc chắn sẽ có một tác dụng nhất định trong việc gửi gắm thông điệp hàm ẩn phía sau bài thơ.



Dưới đây là nguyên tác của bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây”:
Tôi ở thành Sơn chạy giặc về
Em từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cành đồng,
Tôi nhớ một thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nói điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan.

Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ.

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng?

Bao giờ tôi gặp em lần nữa?
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Trong ba khổ thơ đầu, “đôi mắt” có ý nghĩa của một “thấu kính” – nơi ghi lại những kỉ niệm, và cũng là một “đôi mắt” chứng kiến những đau thương của một thời loạn lạc.
Ở khổ thơ thứ nhất:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Anh từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
Ở đây, nhà thơ Quang Dũng giới thiệu hoàn cảnh gặp gỡ giữa ông và người “em” trong bài thơ. Cả hai tương ngộ trong một trường hợp đặc biệt. Em “chạy giặc”. Tôi thì đi “chinh chiến”. Hai con người ấy cùng xuất thân từ vùng quê Bất Bạt – nơi có núi Ba Vì sừng sững. Nhưng vấn đề là, trong câu thơ cuối khổ, tác giả tâm sự: “Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì”. “Không thấy”, nghĩa là tầm mắt bị che khuất, nghĩa là “đôi mắt” không thể đón nhận hình ảnh ấy. Mà Ba Vì vốn là một ngọn núi cao của huyện Bất Bạt này (nay là huyện Ba Vì – Hà Nội), cho nên nếu như nói mắt không thể thấy được bóng ngọn núi của quê hương thì điều đó đồng nghĩa với việc nhân vật này đã xa quê với một khoảng cách địa lí rất xa. Chính điều này đã hô ứng với từ “cách biệt” ở câu trước, giúp cho người đọc hiểu được hoàn cảnh của nhà thơ – đang sống li hương vào thời buổi chiến chinh. Thế nên, bắt gặp ánh mắt của một người đồng hương, trái tim thơ của Quang Dũng không khỏi dậy lên nhiều cảm xúc. Vậy, trong khổ thơ thứ nhất, “đôi mắt” được sử dụng như một kí hiệu thể hiện sự tương đồng cảnh ngộ của hai nhân vật chính trong tác phẩm này. Họ không được nhìn thấy bóng quê hương, nhưng hơn ai hết, đôi mắt họ, tâm hồn họ vẫn luôn hướng về phía ấy. Vì lúc nào cũng dõi mắt hướng về, để tìm kiếm, để nhìn ngắm, cho nên mới nhận ra rằng “không” thể “thấy”, và đó chính là một nghịch lí khơi gợi xúc cảm cho Quang Dũng.

Đến khổ thơ thứ hai, hình ảnh “đôi mắt” được nói đến một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn:
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
Như ở trên đã nói, nhân vật “tôi” và người Sơn Tây có một mối đồng cảm. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ cảm thấy ấn tượng với “đôi mắt người Sơn Tây” nhiều đến thế. Người “em” ấy có một vầng trán cao, đôi mắt buồn. Và đặc biệt, nhìn vào đôi mắt ấy, Quang Dũng có thể thấy được cả khoảng trời kỉ niệm. Nếu như ở khổ một, nhà thơ dùng hình ảnh ngọn núi Ba Vì khuất tầm mắt để diễn tả sự xa cách quê nhà, thì đến khổ thơ này, tác giả thấy “đôi mắt” như một thấu kính có thể ghi lại những gì là đặc trưng nhất, gần gũi nhất của quê ông. Đó là một vùng “Tây phương” buồn “dìu dịu”, là một “xứ Đoài mây trắng lắm”. Tất cả những chi tiết thân quen ấy đã được “chụp” lại và lưu lại trong tâm hồn. Nên dù có xa thì lòng vẫn nhớ, vẫn thương, không bao giờ quên được. Cái đặc biệt trong “đôi mắt người Sơn Tây” là ở đấy. Nhìn vào đôi mắt “em”, nhà thơ “thấy” bóng quê hương mình trong đó. Vậy thì, ở khổ này, kí hiệu “đôi mắt” không chỉ gửi đến một thông điệp mang tính “vật lí” (miêu tả sự xa – gần) như ban đầu nữa mà đã trở thành một thông điệp của tâm hồn – “đôi mắt” chính là “chiếc máy ảnh” giữ lại bao hoài niệm về quê hương. 

Nhưng, tất cả những hình ảnh đẹp của “mây trắng”, của “xứ Đoài”, của một bầu trời Tây phương mang nét “dịu buồn” cố hữu, lúc bấy giờ, đều trở thành kí ức. Bởi thực tế đã thay đổi rất nhiều:
Mẹ tôi, em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?

Nhắc lại khổ một, cái lí do đưa đẩy “tôi” và “em” gặp nhau có thể được diễn đạt bằng một từ: giặc. Đó là một giai đoạn khổ sở và li tan. Cho nên, dẫu cho “đôi mắt” có gợi hoài niệm về một Sơn Tây thanh bình thì cũng không thể nào chối bỏ một thực tế phũ phàng, rằng vùng đất này đang chịu cảnh ngoại xâm. Quang Dũng đã không ngẫu nhiên khi đặt ra hai câu hỏi liên tiếp cho nhân vật “em”. Một câu hỏi về “mẹ” và một câu hỏi về “con”. Giặc đến, mang đau thương và tang tóc rải lên vùng đất yên bình. Thanh niên trai tráng phải mang sức trẻ mà gánh vác nghĩa vụ chiến đấu. Nhưng bên cạnh đó, còn có những con người nhỏ bé, chỉ biết cố gắng thoát thân. Bởi họ không phải là người lính để mà dấn bước chiến chinh, họ cũng không phải trang nam nhi để mà ra đi tiêu diệt kẻ thù. Họ chỉ là những người mẹ “già nua”, là những “thằng con bé dại”, gầy guột, mong manh, yếu đuối trước họng súng của kẻ thù. Vì thế mà họ bắt buộc phải “chạy giặc”. Vậy nên, trên bước đường chạy loạn của người “em” Sơn Tây, chắc hẳn không chỉ có mình em đơn lẽ. Bên cạnh “em” còn có những con người như thế, cùng chung một nỗi lo sợ, trở trăn. Có người may mắn, nhưng cũng có người phải ra đi bởi súng đạn vô tình. Và trong số đó, ai ngờ được, sẽ có “mẹ tôi”, có “con tôi”?
Cần tỉnh táo để hiểu, Quang Dũng không cố gắng “khai thác” chút thông tin nào từ nhân vật “em”. Hỏi không phải để tìm câu trả lời, mà cũng chẳng cần cái gật đầu xác nhận. Ở đây, câu hỏi chỉ nằm trong một “đường dây” cảm xúc khi ông nhìn vào “mắt người Sơn Tây”. Chạy giặc, nghĩa là người ta phải bồng bế, dắt díu, gánh gồng nhau mà vượt qua nguy hiểm. Thế nên, chuyện những người còn sống phải chứng kiến kẻ ra đi, luôn là một thứ định mệnh nghiệt ngã đối với họ. “Tôi” có thể gặp được “em”, nghĩa là “em” chính là một trong số ít những con người may mắn. Và cũng bởi sự may mắn ấy, mà em đã trở thành nhân chứng của một chặng đường loạn lạc. Em đã nhìn thấy bao cái chết của những người cùng đi với em, bao cái chết rải rác ở những nơi mà em đã đi qua. Các từ phiếm chỉ “bao, bao nhiêu” nhằm để chỉ một số lượng rất nhiều, nhiều đến mức không thể xác định được. Chỉ biết rằng, trong trí nhớ của em, xác người trẻ “trôi sông”, xác người già “ngập đồng” hiển hiện lên như một ấn tượng đậm sâu. Ấn tượng ấy đã in hằn vào tâm não, thông qua sự tiếp nhận của “đôi mắt”, trở thành  nỗi ám ảnh của một thời đoạn đau thương. Vậy, đến khổ thơ này, kí hiệu “đôi mắt” không chi dừng lại ở ý nghĩa là một vật lưu giữ hoài niệm, mà còn được nâng lên một bậc cao hơn: trực tiếp chứng kiến nỗi đau của quê hương, của dân tộc dưới bàn tay tội ác của kẻ thù. Rõ ràng, “đôi mắt” lúc bấy giờ đứng ở vị trí của một chứng nhân.



Qua ba khổ đầu tiên của bài thơ, ta thấy, nếu nhìn ở góc độ là một kí hiệu hàm ẩn nhiều thông điệp, hình tượng “đôi mắt” không chỉ là một ánh nhìn ấn tượng để tạo tình cảm ban đầu, mà nó còn diễn tả:
-         Một sự xa cách
-         Một sự lưu dấu hoài niệm
-         Một nhân chứng của chặng đường đau thương
Thật ra, hiểu như thế chắc chắn không nằm ngoài những luận điểm về phong cách thơ Quang Dũng. Ông là một nhà thơ tài hoa, lãng mạn. Nhưng cái lãng mạn ấy vẫn đậm chất lính. Là một người lính, nhắc đến chữ tình, Quang Dũng không chỉ đơn thuần nói về một thứ tình cảm cá nhân. Mà lồng trong nhân sinh quan, thế giới quan, và cả trong lí tưởng sống của một người lính, thơ ông luôn hướng về những giá trị lớn lao hơn.

Nếu như chia bố cục bài thơ này, thì bắt đầu từ khổ thứ tư, kí hiệu “đôi mắt” đã được tác giả nhìn nhận ở một ý nghĩa khác. Đó là một “đôi mắt” chiêm nghiệm quá khứ và hướng đến tương lai:
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan.

Bài thơ này được viết năm 1949, có thể suy ra, mùa thu được nói đến ở đây, hẳn là mùa thu tháng Tám năm 1945 lịch sử. Đó là một mùa thu rạng rỡ của dân tộc, khép lại những năm tháng đau thương. Chiến tranh đi qua, nhưng vẫn còn lại những vết thương khó lành: “Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn/ Đất đá ong khô nhiều suối lệ”. Sự đổ nát, “điêu tàn” là vết tích của chiến tranh. Lệ rơi thấm đất cũng vì chiến tranh. “Lệ” rơi vì đớn đau, vì thương tiếc. Lệ được so sánh với suối, lệ thấm vào đất đá đến khô đi, lệ đã “chứa chan” trong đôi mắt em từ lúc “chạy giặc” cho đến ngày thanh bình. Chủ thể của những giọt lệ ấy, chính là “đôi mắt”. Người ta sẽ không khóc được, nếu người ta không có cảm xúc. Có trải qua loạn li, có tận mắt chứng kiến sinh li tử biệt thì mới hiểu thế nào là mất mát. Nối kết kí hiệu “đôi mắt – chứng nhân” của khổ thứ ba, ở khổ thơ thứ tư này, nó trở thành “đôi mắt” của người từng trải, từng biết đến khổ đau cùng cực đang ngoảnh nhìn quá khứ với một thái độ chiêm nghiệm và xót xa cho hiện tại điêu tàn.

Như một lẽ đương nhiên, đôi mắt đã trở đi trở lại trong tác phẩm, và mỗi lần trở lại là một lần mở ra một thông điệp mới:
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ.

Không thể không “u ẩn” khi những gì “đôi mắt” ấy chứng kiến là toàn là những nỗi đau. Nhưng trong khổ thơ thứ năm, chúng ta bắt gặp một sự thay đổi trong hình thức thơ, báo hiệu một sự đổi thay về mặt nội dung. Trong cùng một khổ, “đôi mắt” được đặt trong hai trạng thái tương phản: “U ẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây” và “Ngày trở lại quê hương/ Khúc hoàn ca rớm lệ”. Vẫn lại là hình ảnh của những giọt nước mắt. Nhưng ở đây, tác giả đã vẽ ra một khung cảnh “hồi hương” ngập tràn hân hoan. Và mắt rơi lệ bởi vì hạnh phúc. Đôi mắt chứng nhân của chiến tranh sẽ lại có dịp nhìn thấy quê hương tươi đẹp lúc “khải hoàn”:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng?

Trở lại với vai trò một “thư kí”, một “nghệ sĩ nhiếp ảnh”. Trong thời loạn, “đôi mắt” lưu lại những hình ảnh khổ đau để mà chiêm nghiệm, mà xót xa. Còn trong thời bình, “đôi mắt” lại khát khao thu vào tầm nhìn của mình những cảnh sắc đẹp đẽ của quê hương. Đó là đồng Bương Cấn, núi Sài Sơn, sông Đáy, Phủ Quốc. Là cánh đồng lúa vàng, là sáo diều đêm trăng… Chỉ sống trong cảnh thanh bình, “đôi mắt” mới có dịp ngắm nhìn những điều giản dị nhưng tuyệt vời như thế. Thu vào tầm mắt tất cả khung cảnh ấy để thêm quí, thêm yêu, thêm tự hào về non sông gấm vóc. Rõ ràng, đôi mắt, lúc bấy giờ lấp lánh ước mơ và hi vọng ở tương lai.

Cuối bài thơ, Quang Dũng gửi gắm ước mong về một ngày hội ngộ:
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Tiêu điểm cảm xúc của khổ thơ rơi vào câu hỏi cuối: “Còn có bao giờ em nhớ ta?”. Tác giả không nói là nhớ “tôi” mà thay bằng một đại từ có ý nghĩa khái quát hơn – đại từ “ta”. Ở đây, nhà thơ không chỉ xoáy vào lòng “người Sơn Tây” một lời chất vấn để mong tìm lời đáp dành cho riêng bản thân mình, mà ông còn muốn hỏi cho rất nhiều người và rất nhiều điều khác. Ở khổ thơ thứ năm, thứ sáu, kí hiệu “đôi mắt” diễn tả một mơ ước hòa bình. Nhưng một khi chiến chinh đã lùi xa vào quá vãng và những hình ảnh đau thương đã không còn hiển hiện trên quê hương mình thì khi ấy cũng là lúc, màu “điêu tàn” của chiến tranh được thay thế bằng sắc “hoa” thanh bình rực rỡ. Mọi thứ đã khác, đã thay đổi, liệu “em có còn nhớ?”. Liệu, khi trước mắt “em” chẳng còn nữa những tiếng than khóc nỉ non của thời chạy giặc, chẳng còn cảnh xác người trôi đầy sông, chất ngập đồng, cũng chẳng còn cái cảnh điêu tàn thời hậu chiến, nghĩa là không còn gì để nhắc nhở về cái thời đau thương đó, thì em có quên nó không? Và trên cái thước phim quay lại trong tâm thức, thông qua thấu kính của “đôi mắt”, một thoáng nào, em sẽ nhận ra tôi, hay sẽ lướt nhanh qua như một hạt bụi của kí ức? Câu hỏi cuối bài thơ không phải là một mối nghi ngờ mà là một lời nhắc nhở. Quá khứ đã qua, tương lai sẽ đến, “đôi mắt” là chứng nhân, “đôi mắt” cũng hướng tầm nhìn về một ngày mai sáng tươi hơn. Nhưng vẫn cần lắm một sự neo đậu bền chặt trong tâm khảm, để sự xô cuốn của cuộc sống không làm nhạt phai đi những hình ảnh đáng trân trọng ấy. Lời nhắc nhở này không chỉ dành riêng cho “người em Sơn Tây” mà còn là lời nhắc nhở chung dành cho tất cả chúng ta: “Mơ ước một tương lai tốt đẹp, nhưng cũng đừng vội quên quá khứ. Sống, trải nghiệm hiện tại bằng cái nhìn sâu sắc và đầy cảm xúc, để những ấn tượng của cuộc đời đọng lại qua ánh nhìn của chúng ta sẽ không dễ bị lãng quên”.

Như vậy, ở bốn khổ thơ sau, kí hiệu “đôi mắt” trong bài thơ này đã thể hiện những thông điệp:
-         Một sự chiêm nghiệm lại quá khứ
-         Một tầm nhìn xa rộng hướng về tương lai khải hoàn
 Đó chính là những ý nghĩa ngầm bên trong một bài thơ có dáng vóc thơ tình mà Quang Dũng đã gửi gắm đến chúng ta.

Quang Dũng không nêu một cách chính xác rằng, người em trong bài thơ này là ai. Chúng tôi cũng không đi vào tìm hiểu mối tình vốn từ lâu được xem là “chiếc chìa khóa” để hiểu bài thơ này. Đứng ở góc độ kí hiệu học, không phải ngẫu nhiên mà tác giả Quang Dũng chọn tựa đề tác phẩm là “Đôi mắt người Sơn Tây”. Có một hệ thống kí hiệu “đôi mắt” được lặp đi lặp lại xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Có khi, tác giả trực tiếp lặp lại hình ảnh “đôi mắt”. Có khi, nhà thơ nhắc lại kí hiệu một cách gián tiếp thông qua việc sử dụng những từ ngữ cùng trường nghĩa như: thấy, ngắm, gặp, suối lệ, rớm lệ
Thông qua việc phân tích bài thơ, chúng tôi rút ra thông điệp từ kí hiệu “đôi mắt” mà tác giả muốn diễn đạt.
-         Hình ảnh quê hương khuất tầm mắt thể hiện một sự xa cách, li hương
-         Ánh nhìn của đôi mắt thể hiện một sự lưu dấu hoài niệm về quê hương
-         Những gì mà đôi mắt chứng kiến cho thấy nó là một nhân chứng của chặng đường đau thương
-         Đôi mắt, chính là đối tượng chiêm nghiệm lại quá khứ đã qua
-         Và đôi mắt cũng mang một tia nhìn hướng về tương lai tươi sáng, khải hoàn của quê hương
Như vậy, thông qua hình ảnh của một người em gái Sơn Tây với đôi mắt đượm buồn, Quang Dũng đã cho chúng ta hiểu được những cảm xúc của chính ông, và khái quát hơn là của con người quê hương ông trong những năm tháng loạn lạc. Đồng thời, qua kí hiệu “đôi mắt”, bài thơ cũng thể hiện những thông điệp hướng về tương lai.

Đặc biệt, qua bài thơ, ta còn nhìn thấy một “đôi mắt” nhìn xa trông rộng của Quang Dũng – cũng là một người con Sơn Tây – thông qua lời nhắn nhủ của tác giả ở cuối bài thơ.

Như vậy, việc vận dụng kí hiệu học vào phân tích tác phẩm văn học sẽ giúp chúng ta tìm ra những tầng nghĩa sâu sắc hơn bên trong một bài thơ, một truyện ngắn. “Động chạm” đến những kí hiệu khác nhau, chúng ta sẽ mở ra những lớp nghĩa phong phú, khác nhau ở nhiều chiều kích của tác phẩm. Đây là một phương pháp có thể ứng dụng trong việc dạy học phân tích thơ ở trường phổ thông nói riêng, cũng như trong nghiên cứu văn học, ngôn ngữ nói chung.

1 nhận xét:

  1. Tên thi nô Tố Hữu đã dìm sâu bài thơ này suốt trong thời ông còn sống vì tên thi nô này không muốn bài thơ nào hay hơn thơ mình. Khốn nạn cho bọn cộng sản lì lượm trong sự ngu si kinh niên của họ!!!!

    Trả lờiXóa