Tôi nhớ có lần, hết giờ dạy, chúng tôi ra về khi thành phố bắt đầu lên đèn. Ra tới chỗ
đậu xe, tôi ngạc nhiên thấy một em - mà tôi biết mặt chứ không nhớ tên, vì lớp nhạc
có trên một trăm em - đang đứng cạnh xe tôi. Tôi hỏi em sao em còn đứng đây chưa
về, trời cũng bắt đầu mưa lăm răm rồi. Em bảo:
- Em đợi thầy về để em xin thầy cho em quá giang.
- Nhà em ở đâu?
- Dạ ở ngã tư Phú Nhuận.
Thấy nhà em cũng ở trên lối về nhà tôi, đường Ngô Tùng Châu (Gia Định) tôi bảo em
lên xe và tôi lái từ đường Hai Bà Trưng về hướng ngã tư Phú Nhuận. Trên xe, tôi
cũng không hỏi tên em và thầy trò chúng tôi cũng không nói với nhau một lời nào. Xe
chạy trên đường Võ Di Nguy, gần đến ngã tư Phú Nhuận, tôi mới hỏi em:
- Nhà em đâu, để thầy đưa em đến nhà cho, trời đã bắt đầu mưa to rồi.
- Dạ em khôâng muốn về nhà, thầy đưa em đi chơi một vòng được không?
Thật quá bất ngờ, trong bụng tôi đã bắt đầu nổi sùng, thứ nhất là vì đã hơn 7 giờ tối,
bụng cũng đã đói, thứ hai là tôi biết là giờ này, vợ và con tôi đang chờ tôi về để cùng
ăn cơm. Không biết tính sao, tôi không trả lời mà quẹo xe về phía mặt trên đưòng Chi
Lăng và nói với em rằng em phải về nhà kẻo ba má em lo. Nhưng em nhất quyết ngồi
trên xe luôn và còn nói «thầy đưa em đi đâu, em đi đó». Xe chạy chậm chậm trên
đường Chi Lăng, hướng về phía dinh tỉnh trưởng Gia Định, đến ngã ba Chi Lăng và
Ngô Tùng Châu là lối rẽ về nhà tôi, tôi dừng xe lại trước Ty Hiến Binh Gia Định và
bảo em xuống xe để tôi đưa tiền em đi cyclo về nhà. Nhưng em cũng không chịu
xuống và cuối cùng tôi phải dùng lời lẽ khi nhẹ, khi nặng em mới chịu bước xuống
đường. Và kể từ hôm đó, tôi để ý thấy em không còn có mặt trong lớp nhạc nữa.
Văn tức là người, hay nói về nhạc sĩ sáng tác, tâm tính con người được biểu lộ qua lời
ca, và nhờ vậy, chúng ta biết tại sao Minh Kỳ ít viết lời ca cho nhạc của anh. Phần
nhiều nhạc của Minh Kỳ, trước khi quen với chúng tôi, nhờ thi sĩ Hồ Đình Phương
làm lời ca (Nha Trang, Nhớ Nha Trang...) hoặc Hoài Linh (Biệt Kinh Kỳ, Chuyến Tàu
Hoàng Hôn, Nhớ Một Người, Mấy Độ Thu Về...) hay Y Vân (Chuyến Tàu Tiễn Biệt)
và sau này khi chúng tôi biết nhau thì anh đưa cho tôi làm lời cho một số bài như Một
Chuyến Xe Hoa, Đường Về Khuya, Tôi Đã Gặp, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Hạnh Phúc
Đầu Xuân, Mùa Xuân Gửi Em, Tiếng Hát Mường Luông, Đường Chiều Sơn Cước
v.v...). Minh Kỳ làm nhạc xuất sắc nhanh mà hay, nhưng anh không văn chương,
bóng bẩy trong lời ca, không phải anh không làm được nhưng kém hay hơn nếu nhờ
một người khác làm. Còn Anh Bằng thì hoàn toàn cả 2 phương diện, âm điệu cũng
như lời ca, phần nào nói lên tâm tính lãng mạn của anh, sự mềm lòng của anh cho nên
lời ca của anh thật trau chuốt, tình tứ và vô cùng êm ái, như nhung, như lụa. Riêng về
phần tôi, cũng bởi thuyết trung dung, tôi ở vào giữa của hai thái cực, một bên nghiêm
trang đến độ cứng rắn, một bên yếu mềm, một bên quá khô khan, một bên quá ướt át...
tôi viết lời ca cũng trung dung, ở giữa, không quá sa mạc nắng cháy mà cũng không
quá mưa dầm dề lầy lội.
Cũng ở trong sự nhận xét này, chúng ta nhìn lại tổng quát gia tài sáng tác trước đây
của Minh Kỳ, của Anh Bằng và của Lê Dinh, trước ngày chúng tôi thành lập Nhóm
Lê Minh Bằng thì thấy rõ ngay. Minh Kỳ có những bản thuộc loại tuyên truyền mạnh
dạn, hùng dũng như Biệt Động Quân, Cảnh Sát Hành Khúc..., Anh Bằng ít viết loại
nhạc hùng, còn tôi, vì làm việc tại đài Phát thanh Saigon, cho nên cũng thỉnh thoảng
có viết vài bài hành khúc cho chiến dịch. Về nhạc chiến dịch, tôi thích viết loại tình
cảm, chẳng hạn như bài nhạc tố cáo CS pháo kích dã man vào trường tiểu học ở Cai
Lậy giết chết hơn 10 em bé học sinh:
Hỡi bé thơ ơi, sao tội tình gì em lại bỏ đi, em lại bỏ đi. Kìa thầy giảng bài tình thương
trong lớp, Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe. Sao em vội bỏ mái trường ngày xưa
thân mến, vội bỏ ra đi...
Và cũng song song theo tính tình như vậy ở ngoài đời, Minh Kỳ là Đại úy cảnh sát oai
phong, khép mình trong khuôn pháp, Lê Dinh là một công chức bình thường, chừng
mực, còn Anh Bằng sống cuộc đời phóng khoáng, cởi mở, như con chim bay nhảy tự
do giữa bầu trời nắng đẹp. (Thời gian giải ngũ của anh dài hơn thời gian anh ở trong
quân đội).
Lê Minh Bằng, sự kết hợp của 3 miền đất nước, sự quy tụ của 3 trạng huống tính tình
- nghiêm trang, ôn nhu và dễ dãi - bổ túc cho nhau, bù đắp cho nhau để tồn tại trong 9
năm dài, góp phần tô bồi cho gia tài âm nhạc VN thêm hương sắc. Có người cho rằng
sự hợp tác giữa 3 người khó mà bền vững được, chúng tôi không tin vào lập luận tiền
chế dị đoan này vì sự kết hợp của chúng tôi là một sự kết hợp văn hóa và cho đến năm
1975, nếu không mất nước vào tay CS, có lẽ Nhóm Lê Minh Bằng chúng tôi còn tiếp
tục mãi đến ngày nay ở trong nước. Nhắc đến hai chữ «cộng sản», tôi và Anh Bằng
thật bồi hồi thương cảm cho số phận hẩm hiu của Minh Kỳ. Ba tháng trước ngày mất
nước, anh nói nếu CS vào, anh sẽ dắt đứa con trai lớn của anh tìm cách trốn đi ngoại
quốc để có người nối dõi tông môn. Nhưng chỉ 6 tháng sau, anh bỏ mình oan khổ
trong trại cải tạo chỉ vì một sự giằng co, tranh chấp bán buôn đường sữa linh tinh của
những người về từ rừng rú, để rồi Minh Kỳ thiệt mạng vì một trái lựu đạn trả thù vô
lối, trong khi anh không dính líu vì đến vụ này. Nhưng rồi hiện nay, nhờ những người
con đi trước bảo lãnh, cả đại gia đình Minh Kỳ đều thoát được «thiên đường CS»,
đoàn tụ ở San Jose và trớ trêu thay, người con trai đầu lòng của anh chị Vĩnh Mỹ (tên
thật của Minh Kỳ), nay cũng trên 40, vẫn còn độc thân. Nhưng cũng không sao, anh
chị còn nhiều thứ nam khác nay đã có gia đình và đã có người nối dõi tông tộc Bửu,
Vĩnh, Bảo... như ước vọng của anh trước khi về nơi vĩnh cửu.
(Nhóm Lê Minh Bằng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét