Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Đặc Khu Chợ Lớn Xưa Kia !

CHÍNH QUYỀN TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM NGĂN CHẶN TỪ XA VÀ TẬN GỐC NGUY CƠ "ĐẶC KHU CHỢ LỚN TỰ TRỊ" RA SAO?
Thập niên 1950, sau khi Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa chiếm xong toàn bộ đại lục Trung Hoa, Chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) ngầm ngầm lẫn công khai có chủ trương tác động, gây ảnh hưởng đến các cộng đồng người Hoa khu vực Đông Nam Á.
Cũng trong những năm này, Singapore là thuộc địa Anh, nơi cộng đồng người Hoa chiếm đa số nổi lên phong trào đòi tự trị. Trong tổng tuyển cử đầu tiên năm 1955, lãnh đạo ủng hộ độc lập của Mặt trận Lao động là David Marshall giành chiến thắng; dẫn đầu một phái đoàn đến Luân Đôn để yêu cầu tự trị hoàn toàn, song người Anh bác bỏ. David Marshall từ chức và Lâm Hữu Phúc trở thành người thay thế, tiếp tục tiến hành các chính sách nhằm thuyết phục người Anh trao cho Singapore quyền tự trị nội bộ hoàn toàn đối với toàn bộ các vấn đề, trừ quốc phòng và đối ngoại.
Thực tế 4 năm sau, 1959, qua bầu cử tháng 5-1959, Đảng Hành động Nhân dân giành chiến thắng và Singapore trở thành một nhà nước tự trị nội bộ bên trong khối Thịnh vượng chung.
Và sau những biến động lịch sử, từ một thành viên của Liên bang Malaysia cùng với Malaya, Sabah và Sarawak (1962), Singapore là bang tự trị vào tháng 9-1963. Cuối cùng, Singapore độc lập ngày 9-8-1965.
Đó là một ví dụ cụ thể gần đây của cái gọi là chiến thuật "tằm ăn lá" của các triều đại, chế độ Trung Hoa xưa nay không thay đổi: bắt đầu là đưa dân tới làm ăn ở một vùng đất nào đó, tạo thành khối, lực lượng chặt chẽ; sau đó là.. chống lại chính quyền nơi đó, đòi tự trị rồi tách ra...
Chiến thuật này ông cha ta "rành sáu câu"!
Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:
Đời vua Trần Anh Tông (1293-1314), đức Trần Hưng Đạo lui về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Vua Anh Tông thấy ngài bệnh nặng sắp mất liền ngự giá đến thăm. Nhà vua đã cẩn thận xin ý kiến của Hưng Đạo Vương về cách thế đối phó với giặc phương bắc, mới hỏi rằng: “Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?”
Hưng Đạo Vương tâu rằng: “(...) Khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị...".
Cũng trong thập niên 1950, cảnh giác nguy cơ "tằm ăn lá" và lấy ngay tấm gương tự trị Singapore sát cạnh, Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành một loạt biện pháp cụ thể phòng chống nguy cơ tỉnh Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn - nơi có đa số cư dân là người Hoa - đòi tự trị.
Tỉnh Chợ Lớn (khác thành phố Chợ Lớn) vốn được chính quyền Pháp thành lập ngày 20-12-1899 với nhiều quận huyện. Dân số tỉnh Chợ Lớn ở thập niên 1950 khoảng gần 1.000.000 dân, xấp xỉ Singapore lúc ấy.



Còn thành phố Chợ Lớn (khu vực quận 5, 6 hiện nay) vốn được thành lập sớm hơn, đồng thời với thành phố Sài Gòn 1865.
Đến 1956, dưới thời Chính quyền Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, hầu hết người Hoa ở tỉnh Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn vẫn mang quốc tịch Trung Hoa (hoặc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Trung Hoa đại lục, hoặc Trung Hoa Dân quốc - Đài Loan). Và cộng đồng này vốn có quan hệ rất chặt chẽ về gia đình, buôn bán với cộng đồng người Hoa ở Singapore - từ hàng trăm năm...
Tấm gương Singapore + tác động ngấm ngầm của của Chính quyền Trung Quốc lúc ấy, Chính quyền Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm đã ra tay: hàng loạt biện pháp phòng chống nguy cơ "diễn biến hòa bình" được thực hiện ngay những ngày đầu tiên của nền Đệ nhất Cộng hòa.



Nổi bật là hai biện pháp chính:
1. Công bố hàng loạt ngành nghề kinh doanh chỉ dành cho người Việt Nam; người nước ngoài không được hành nghề. Người Hoa vốn mê buôn bán, làm ăn. Thế là ngay lập tức, 99% người Hoa ở tỉnh, thành phố Chợ Lớn cũng như toàn miền Nam xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Quốc tịch Việt Nam rồi thì còn đòi tự trị gì nổi! Không lẽ người Việt đòi tự trị với người Việt - bất hợp lý với công pháp thế giới.
2. Và biện pháp địa giới hành chính ngăn chặn tận gốc cụ thể cũng được ban hành: Ngày 22-10-1956, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN "Thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Theo đó, địa phận VNCH gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Tân An hợp nhất phần lớn đất đai tỉnh Chợ Lớn để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh Long An. Một số khu vực còn lại của tỉnh Chợ Lớn nhập vô tỉnh Gia Định.
Cũng theo Sắc lệnh này, Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn đổi tên thành Đô thành Sài Gòn. Như vậy tên gọi "Chợ Lớn" không còn được dùng chính thức trong các tên gọi hành chính cấp tỉnh nữa. Kể từ đây, địa danh "Chợ Lớn" chỉ còn được dùng để chỉ khu vực quận 5, quận 6, quận 11 và một phần quận 8, quận 10 của Đô thành Sài Gòn.
Tỉnh Chợ Lớn có đa số cư dân là người Hoa tồn tại 57 năm đến đó là hết!
Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn vốn là đơn vị hành chính do Tổng thống Pháp ký thành lập năm 1931 (Région Saigon - Cholon hoặc Région de Saigon - Cholon). Ngày 30-6-1951, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam ký sắc lệnh số 311-cab/SG đổi tên Khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn (Préfecture Saigon - Cholon hoặc Préfecture de Saigon - Cholon hoặc Ville-capitale de Saigon - Cholon).
Với Sắc lệnh 143/VN, Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ còn Đô thành Sài Gòn. Chợ Lớn trở thành quận 5, 6... của Sài Gòn.
Chấm hết vĩnh viễn hai địa danh, khu dân cư nhiều người Hoa có nguy cơ tự trị ở miền Nam! Chấm hết âm mưu "tằm ăn lá" muôn đời nay của các nhà cầm quyền Trung Hoa ở miền Nam.
(Stt đi vào cách nhìn nhận và xử lý nguy cơ ngoại bang, không đi vào ý thức hệ chính trị. Mong các bạn comments chia sẻ điều này. Xin cảm ơn)
Tác giả: Cù Mai Công 

3 nhận xét:

  1. Cám ơn người viết bài này nha.

    Trả lờiXóa
  2. cám ơn bạn về bài viết. Mời bạn ghé qua website ủng hộ mình nhé Gia sư môn Ngữ Văn lớp 6

    Trả lờiXóa
  3. 7 tuổi đã biết hát "Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng ...", từ 14 tuổi đã là dân Saigon, vậy mà nay gần tám mươi đọc bài này tôi vẫn thấy mình thán phục. Cụ Diệm thật là tài!

    Trả lờiXóa