Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Shop TIN 17/3: Tiêu 3,5 triệu USD, ra một kết luận nguy hiểm, thiếu trách nhiệm.

Một kết luận không chỉ sai trái về khoa học đánh giá tác động môi trường, tính nguy hiểm của nó là đưa ra một nhận định ở cấp chính phủ...như là sự ủng hộ xây đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mê Kông...
1.
Báo chí liên tục thông tin về tình hình thiếu hụt nước của đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả đều có nguyên nhân từ thượng nguồn sông Mê Kong bị chặn nước bởi nhiều công trình thuỷ điện khổng lồ của Trung Quốc. Thêm vào đó là hạn hán miền Trung, Tây Nguyên. Xâm nhập mặn ở nhiều khu vực nam bộ...
Lần đầu tiên Thủ tướng phải ra công hàm gửi chính phủ Trung Quốc yêu cầu xả nước thuỷ điện.
 Vị trí đập Cảnh Hồng (khoanh đỏ). Các chuyên gia lo ngại, nước từ Trung Quốc chảy qua các nước khác khi đến Việt Nam sẽ còn rất ít. Đồ họa: Michael Buckley ( nguồn từ báo vnexpress.net)
Lần đầu tiên Bộ  NN&PTNT kêu gọi quốc tế can thiệp, hỗ trợ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. (Thông tin ở đây: Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó hạn hán...)
Phía Trung Quốc dù có xả nước  thuỷ điện thì lượng nước thực chất về tới Việt Nam là không đáng kể.
Điều đó càng chứng tỏ tình hình đã vượt ngoài vòng kiểm soát, đe doạ cuộc sống, mùa màng của hàng triệu con người, hàng trăm ngàn hộ dân, đe doạ đến việc sản xuất lúa, hoa màu, xuất khẩu...
 Hạn hán, xâm nhập mặn làm lúa chết hàng loạt  (ảnh báo Dân Trí)

Một ao nuôi tôm chưa thể nuôi trồng trở lại do nước quá mặn tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
 Hệ thống thủy điện bố trí dày đặc trên thượng nguồn sông Mê Kông- Báo Người Lao động
11 công trình thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đang trở nên một hệ thống "bom" tai hại, đe doạ hạn hán, đe doạ lũ lụt, đồng bằng Nam Bộ chưa lúc nào đứng trước một thách thức khủng khiếp và bế tắc như thế này.
Chỉ ra như vậy để nói rằng, các nhà khoa học có cơ sở để phẫn nộ về một dự án tiêu tốn 3,5 triệu đô la, được chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện: “Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long (MDS, Mekong Delta Study)” mà Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) cùng với tư vấn là Viện Thủy lợi Đan Mạch (DHI) dự kiến trình bày tại một hội nghị quốc tế.
 Trang bìa của báo cáo dự án do Bộ TN&MT cùng VNMC thực hiện đang gây bức xúc cho nhiều nhà khoa học
Sau khi tiêu hết 3,5 triệu USD, Bộ phận thực hiện dự án khổng lồ này kết luận:“Tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể”!
Các kết luận trên đây là vô cùng nguy hiểm vì nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng.
Nguy hiểm còn bởi dự án là một dự án của Chính phủ Việt Nam được giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và VNMC điều hành. Dự án lên tới 3,5 triệu USD (gần 80 tỉ đồng, được quốc tế tài trợ), và công ty tư vấn là DHI. Kết luận của dự án báo cáo ra quốc tế hàm nghĩa đã được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và gián tiếp có thể được hiểu là Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
Gs.Tskh Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983 - 1990), đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã viết trên báo Tuổi Trẻ:
Vì tầm quan trọng của vấn đề, chúng tôi có một số kiến nghị như sau: 1. Bộ Tài nguyên và môi trường cùng VNMC phải báo cáo với Thủ tướng kết quả nghiên cứu của dự án, có sự tham dự của các nhà khoa học và cho ý kiến chỉ đạo về các bước tiếp theo.
Trong khi chờ đợi, Bộ Tài nguyên và môi trường, VNMC không công bố ra quốc tế các kết quả nói trên. 2. Quốc hội theo dõi và giám sát kịp thời dự án quan trọng này. Trước mắt, yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường, VNMC giải trình dự án trước Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và các ủy ban khác có liên quan.      

Thế đấy, với cách làm việc thiếu trách nhiệm, hồ đồ với khoa học, xài xể tiền bạc, đưa ra một kết luận đi ngược với thực tiễn, bi hài là kết luận vừa chưa ráo mực, rằng, “Tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể” thì nhãn tiền đã thấy, cả Nam bộ thiếu nước, hàng triệu hộ ôm mặt khóc vì mất mùa, chính phủ phải đề nghị giúp xả nước mà chưa có...nhóm người thực hiện dự án này sẽ ăn nói thế nào?
Một kết luận không chỉ sai trái về khoa học đánh giá tác động môi trường, tính nguy hiểm của nó là đưa ra một nhận định ở cấp chính phủ...như là sự ủng hộ xây đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, thủ tiêu cuộc chiến pháp lý buộc phải sử dụng với các nước sử dụng gây hại đến nguồn nước sông Mê Kông...
Tội này to lắm.
Để biết thêm tội của những người thực hiện như thế nào, đọc ở đây:
2.
Như một gáo nước lạnh dội vào chúng ta, nhưng đó là sự cần để tỉnh táo, thôi sự hoan hỉ tai hại đang dần làm cho thương hiệu Việt Nam ngày càng giảm sút một cách thảm hại: Xin lỗi, gạo dở nhất tôi đã từng ăn là gạo Việt Nam, cà phê dở nhất tôi đã từng uống là cà phê Việt Nam...
Câu nói này của ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng Châu Á Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia – Cơ hội cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không khỏi làm cho người dân Việt Nam ngỡ ngàng. Vì đã từ lâu, gạo và cà phê được biết đến là những sản phẩm chủ lực của xuất khẩu, được coi là thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Điều này cho thấy một thực tế “phũ phàng” là giá trị của các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của chúng ta đang ở mức rất thấp.
Đọc ở đây: Xin lỗi, gạo dở nhất tôi từng ăn là gạo Việt Nam...
 3.
Cuộc họp với những phát biểu rất gay gắt của Bí thư Đinh La Thăng cùng với những câu trả lời loanh quanh, mập mờ và bí ẩn rất... hải quan để cuối cùng thì Bí thư Thăng phải thở dài về đường "tình duyên" chức vụ của ông Cục phó này là rất và rất...khó lên trưởng cục:
Đây là nguyên văn đoạn thoại mà bất cứ nhà biên kịch nào cũng cần vì không....chế ra được, nó hay, gọn và đầy kịch tính:
 Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo (ảnh: Hoàng Triều)    
Bí thư: Thế giờ là mấy cửa?
Ông Nghiệp diễn giải vòng vo, không vào trọng tâm câu hỏi. Ngay lập tức, Bí thư Thăng truy vấn gay gắt: Bây giờ, doanh nghiệp chỉ cần biết, muốn thông quan thì đến gặp hải quan thôi. Còn kiểm định, vấn đề gì đó thì tự các ông phải đi chứ không phải bắt họ đi. Doanh nghiệp chỉ đến ông thôi. Đó mới là một cửa.
Ông Nghiệp: Đây đúng là đề nghị của ngành Hải quan với Chính phủ.
Bí thư Thăng: Thế vướng vào đâu?
Ông Nghiệp: Các Bộ ban hành thông tư, thí dụ liên quan đến thép thì yêu cầu của Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ là thép phải được kiểm định và công bố đảm bảo đủ chất lượng mới được nhập khẩu. Thế thì việc đi kiểm tra là các cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Hải quan cũng đề nghị Chính phủ cho phép thành lập liên ngành tại cửa khẩu.
Bí thư Thăng: Người ta bảo chỉ cần cái máy cầm tay áp vào thanh thép là ra kết quả thế mà ông không cho áp vào mà bắt cắt thép mang ra chỗ trung tâm gì đấy? Có chuyện đó không? Hôm nọ, doanh nghiệp trong nước người ta kiến nghị rồi thì giải quyết như thế nào?
Ông Nghiệp: Báo cáo anh là hiện nay có trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 và một số cơ quan giám định được Bộ Công thương chấp thuận thì những cơ quan đó mới công bố chất lượng cho nên việc lấy mẫu và kiểm tra ở đâu là các cơ quan chuyên ngành họ quyết định.
Qua ý kiến chỉ đạo của anh thì vừa rồi ngành hải quan cũng đề nghị chỗ trung tâm kiểm định chất lượng cần xem xét yêu cầu là có thể đem máy đến cửa khẩu kiểm tra hay không.
Bí thư Thăng: Xin lỗi, anh làm gì ở hải quan?
Ông Nghiệp: Dạ, em là Phó Cục trưởng.
Bí thư Thăng: Phó Cục trưởng, người ta hỏi câu thế này: Bây giờ kiểm định tại chỗ được không, sao mà cứ bắt người ta cắt ra rồi mang đi đo ở trung tâm kiểm định. Vậy là sai hay là đúng?
Ông Nghiệp: Em sẽ yêu cầu cơ quan kiểm tra chất lượng thực hiện theo yêu cầu đó nhưng mà kết quả như thế nào sẽ báo cáo trực tiếp anh.
Bí thư Thăng: Việc bé như cái móng tay mà không xong. Ông làm Phó Cục trưởng như thế thì bao giờ lên Cục trưởng được.
Đọc ở đây: Sao lên Cục trưởng?
4.
Vâng, phải làm rõ tổ chức phản động nào đứng sau ứng cử viên nào để nhân dân biết, còn úp mở thế này không chỉ là xúc phạm các ứng cử viên mà xúc phạm cả nhân dân: Ai là người ứng cử ĐBQH được tổ chức phản động hậu thuẫn?
 "Nếu như thông tin chỉ dừng lại chung chung "một số người tự ứng cử có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong và ngoài nước" sẽ gây ra tình trạng "vàng thau lẫn lộn", làm khó cho cử tri và chính những ứng viên khác” - nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông bày tỏ.
 5.
 Tôi thực sự xúc động khi đọc về vụ án này. Xúc động và đau lòng khi biết cháu bé 10 tuổi đã phải lên đường gõ cửa nhiều nơi để cứu cha mẹ mình khỏi chốn lao tù và ...cháu đã thành công khi có những luật sư tuyệt vời bên cạnh. Các bạn nghĩ gì với bức ảnh này, ngay trước phiên toà, với lời chú thích ảnh của luật sư Luân khi chụp: Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm:
Và đây là niềm vui đoàn tụ của cháu  với mẹ khi toà buộc tuyên thả tự do:
Sau khi xảy ra sự việc, ông Huynh và bà Tâm bị bắt.
Cháu Ngô Thị Cẩm Hiếu lúc đó mới 10 tuổi (nhân vật trong bài 10 tuổi, một mình và hai quyển sách luật) không có người chăm sóc, phải ăn nhờ ở đậu nhà hàng xóm, rồi chuyển xuống ở nhờ nhà họ hàng tại huyện Định Quán - Đồng Nai để tiện việc đi học. Sau này, ông Huynh đã được cơ quan tố tụng cho tại ngoại để chăm sóc con.
 6.
Em nói xong không biết có về Mỹ được không? Nhiều chuyện được xới lên một cách có chủ ý sau khi TPHCM thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt”
Bí thư Đinh La Thăng hỏi ngay: Thực tế đã xảy ra hay chỉ là cảm giác?
Bà Phương thận trọng: Em thấy anh phát biểu trên báo, rằng doanh nghiệp cứ nói thẳng, không sợ điều gì. VWS đã có giấy phép hoạt động 50 năm tại TPHCM, đến thời điểm này có những điều khoản trong hợp đồng thành phố vẫn chưa thực hiện, giống như đang bị một thế lực nào đó cản trở, cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Thăng sốt ruột: Đối tượng nào cạnh tranh không lành mạnh, đề nghị chị nói rõ. 
Bà Phương nhìn xung quanh rồi nói nhỏ: “Em nói xong không biết có còn về Mỹ được không”
“Công ty VWS đang xử lý 50% lượng rác thải sinh hoạt của TPHCM. Vừa qua, VWS được nhận thêm rác để xử lý vì lãnh đạo UBND TPHCM thấy VWS xử lý tốt. Tuy nhiên, khi nhận thêm rác thì VWS vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt và không lành mạnh. Chủ tịch UBND TPHCM tiền nhiệm đã quyết định nhưng việc triển khai thực hiện gần đây không được suôn sẻ, thuận lợi. Nhiều chuyện được xới lên một cách có chủ ý sau khi TPHCM thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt” – bà Phương cho biết
7.
Đáng lẽ phải quan ngại thôi chứ nhỉ:
Trong tuyên bố chính thức, lực lượng cảnh sát biển Argentina cho biết họ phát hiện tàu cá Lu Yan Yuan Yu 010 tiến vào vùng biển nước này từ hải phận quốc tế. Dù nỗ lực liên lạc qua radio và bắn cảnh cáo nhưng tàu cá Trung Quốc ngang nhiên tiến vào vùng biển Argentina. Vụ việc khiến lực lượng chấp pháp phải nổ súng bắn vào tàu Trung Quốc, BBC đưa tin.

Loạt đạn từ tàu cảnh sát biển Argentina khiến tàu Trung Quốc chìm không lâu sau đó. Tuy nhiên, tất cả các ngư dân đều kịp rời tàu và được cứu sống. Vụ việc cho thấy sự mạnh tay của lực lượng thực thi pháp luật Argentina trong việc ngăn chặn đánh bắt hải sản trái phép trong khu vực.
ĐỌC TỪ FACEBOOK 
 *Nguyễn Thiện: Các bạn thân mến ! (Đặc biệt là với các bạn quê Đà Nẵng và đang sống ở Đà Nẵng)
Vừa qua, tôi có gởi cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ý tưởng Đà Nẵng lấy tên thành phố kết nghĩa nước bạn để đặt tên đường và thành phố bạn đặt tên Đà Nẵng cho một con đường ở thành phố nước họ để quảng bá Đà Nẵng ra thế giới . Ở Đà Nẵng thì cần hình thành hẳn một khu vực quốc tế để thu hút khách du lịch bằng các hoạt động mang bản sắc văn hóa trên chính các con đường mang tên thành phố bạn (ví dụ Lễ Hội Cà kheo tổ chức ở đường Bruxelles tại Đà Nẵng, Lễ Hội Hoa Anh Đào tổ chức ở đường Tokyo ( hay Osaka) tại Đà Nẵng . Lễ Hội bia Đức tổ chức trên đường Munich- Đà Nẵng ; Lễ Hội hóa trang trên phố Venice – Đà Nẵng ....Nhà hàng Pháp của người Pháp phục vụ theo phong cách Pháp trên đường Paris ). . Ý tưởng này dựa trên cách tiếp cận hoàn toàn mới, tổng hợp cả chính trị - ngoại giao – kinh tế - văn hóa. Cách tiếp cận này lại dựa trên nhận thức về thời đại chúng ta đang sống bây giờ đã khác: Việt Nam đã khác, Đà Nẵng đã khác vì thế giới đã khác. Đó là thời đại hội nhập toàn cầu, chúng ta đang hòa nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới, chính xu thế này đòi hỏi phải có cách làm hoàn toàn mới nhằm tạo nên cho thành phố Đà Nẵng những giá trị độc đáo.
Có lẽ, chính vì thế, sau khi thẩm định, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã có công văn trình UBND thành phố với nhận xét: việc đặt tên đường các thành phố kết nghĩa với quy mô lớn để tạo thành một khu vực quốc tế là chưa có tiền lệ. Sở Ngoại vụ đánh giá, đây là ý tưởng rất thú vị, việc đặt tên Đà Nẵng tại thành phố bạn có thể mang lại hiệu quả quảng bá cao. Và sau khi khảo sát, Sở Ngoại vụ đề xuất lên UBND thành phố địa điểm để triển khai ý tưởng là khu An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Nơi này được đặt tên là Khu vực Hữu nghị, thể hiện “Đà Nẵng – Hội tụ 5 châu”.
Các bạn quan tâm, nhất là để bình luận thì xin đọc chi tiết tại đây để nắm hết ý . Tít bài " Lập khu quốc tế và lấy tên thành phố kết nghĩa đặt tên đường : Lợi ích lớn sẽ đến với Đà Nẵng! " là của Báo Thanh Niên .
Đọc thêm ở đây: Lợi ích lớn khi đến với Đà Nẵng
*Lính biển Việt Nam:
SỰ KIỆN TRƯỜNG SA 14.3.1988 - CẦN THỐNG NHẤT TRÍCH DẪN CÂU NÓI CỦA ANH HÙNG LIỆT SĨ TRẦN VĂN PHƯƠNG
Kính gửi các nhà báo và các cô bác anh chị thân mến,
Qua theo dõi các bài viết về chiến dịch CQ 88 và sự hi sinh anh dũng của 64 liệt sĩ hải quân Việt Nam ngày 14.3.1988 khi làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại các bãi đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa, chúng em nhận thấy có sự không thống nhất trong việc trích dẫn câu nói của Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương trước khi trúng đạn của quân Trung Quốc xâm lược trên bãi đá Gạc Ma. Nội dung mà người đọc nhận thấy rõ sự khác biệt giữa các báo là lá cờ mà thiếu uý hải quân Trần Văn Phương đã giành lại từ quân Trung Quốc và nắm giữ tới hơi thở cuối cùng. Chúng em rất mong các nhà báo giúp cho bạn đọc mà đặc biệt là giúp thế hệ trẻ sau này không phải băn khoăn thậm chí hồ nghi mỗi khi thấy sự thiếu nhất quán trong trích dẫn câu nói nổi tiếng này. Qua đó, từ nay về sau, các cơ quan truyền thông, các nhà viết sử, viết sách, làm thơ, viết kịch, sản xuất phim... sẽ có sự thống nhất trong trích dẫn. Như vậy, vừa thể hiện sự trân trọng với linh hồn liệt sĩ vừa giúp cho muôn đời sau nhớ kỹ, khắc sâu câu nói này...
LÁ CỜ TỔ QUỐC?
Báo Khánh Hoà ngày 14.3.2014: "Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”.
Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 14.3.2015: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân anh hùng”.
Báo Tin tức - TTXVN ngày 15.1.2016: “Không được lùi bước trước quân thù, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng".
LÁ CỜ TRUYỀN THỐNG CỦA QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN?
Báo Vnexpress ngày 28.7.2012: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của hải quân Việt Nam anh hùng".
Báo Giáo dục Việt Nam ngày 14.3.2016: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Báo Hà Nội Mới ngày 14.3.2016: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng".
Hai mẫu bìa cuốn sách "Gạc Ma- Vòng tròn bất tử" mà Công ty Trí Việt đang tiếp tục xin phép xuất bản: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng".

Nguyễn Quang Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét