Khi tiết lộ thông tin này, ông Đức khẳng định, ông không hề nổ. Cầm chiếc máy tính trên tay, bầu Đức bấm bấm cộng trừ nhân chia, rồi lý giải: Cái lợi đầu tiên là tiết kiệm tiền mua phân để bón cây trồng cho tập đoàn. Cụ thể, hiện tập đoàn có qũy đất trồng cây nông nghiệp gần 100.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nếu mỗi năm mỗi 1 ha tốn khoảng 6 triệu đồng tiền phân bón, số tiền bỏ ra mua phân bón cho toàn bộ diện tích đất trên sẽ tương ứng 600 tỷ đồng.
Nhưng khi có bò, số tiền mua phân sẽ giảm đáng kể và việc dùng phân có nguồn gốc thiên nhiên này sẽ tốt hơn rất nhiều cho cây trồng hay việc cải tạo đất xấu, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường nếu so với phân hóa học. Chính cái lợi từ việc không mua nhiều phân sẽ giảm chi nguồn tiền này và với số tiền như trên dư sức trả lương cho toàn bộ nhân viên, người lao động của tập đoàn với con số ước tính thời điểm đó là trên 21.000 người.
Người hâm mộ luôn mong nhìn thấy hình ảnh này của bầu Đức và đội bóng của ông...
|
Một chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, những tuyên bố của bầu Đức hoàn toàn có cơ sở. Chuyên gia này nhẩm tính mỗi con bò Úc, bình quân nếu ăn cỏ tươi 1 ngày, trọng lượng thức ăn sẽ tương đương 10% trọng lượng cơ thể, như vậy với một con bò 500kg, lượng thức ăn sẽ tương ứng 50kg cỏ tươi, còn nếu ăn thức ăn có tinh bột, lượng thức ăn cần khoảng hơn 20kg cho 1 con bò.
Như vậy, một con bò khả năng bài tiết sẽ vào khoảng từ 3 đến 5kg/ngày. Nếu đàn bò 300.000 con, bầu Đức sẽ thu về từ 900 tấn cho đến 1.500 tấn phân/ngày. Với giá tiền phân bò hiện nay, một mét khối bán được khoảng 600.000 đồng, tổng số tiền thu về nằm ở khoảng 540 triệu đồng cho đến 900 triệu/ngày.
“Nếu bầu Đức dự kiến mỗi năm bán 300.000 con bò, ngoài việc tổng đàn nuôi thường trực là 300.000 con, mọi người cũng nên tính thêm số lượng khoảng 300.000 con đủ trọng lượng để bán ra thị trường, như vậy ta cứ nhân đôi, mỗi ngày bầu Đức kiếm 1,08 tỷ đồng cho đến 1,8 tỷ đồng là nằm trong tầm tay”, vị chuyên gia phân tích.
Thế nhưng, mọi thứ dường như đã không theo ý muốn của bầu Đức. Và từ việc gây sốc với thông tin kiếm tiền tỷ mỗi ngày từ bán phân bò cách đây 1 năm, giờ ông đang phải thế chấp cả bò để vay ngân hàng.
Cách đây không lâu, tin HAGL nợ lương cầu thủ được tiết lộ, nhiều người đã cảm thấy lo cho bầu Đức. Giờ nỗi lo ấy càng lớn hơn khi cả Học viện HAGL-Arsenal JMG, nơi hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang ký gửi niềm tin, hy vọng… cũng được mang ra đặt chung số phận với những con bò.
Thôi thì thương trường có lúc này lúc khác, phân bò chưa trả được lương cho cầu thủ, cầu thủ có thể chờ. Chỉ mong sao HAGL sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này để tiếp tục với giấc mộng… phân bò và cũng là giấc mộng phát triển bóng đá nước nhà....
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Bầu Đức cạn tiền: Thế chấp cả học viện bóng đá vay nợ
Vì thiếu tiền, bầu Đức đã phải thế chấp từ đàn bò, cổ phiếu cá nhân tới cả khu liên hợp học viện bóng đá.
Cắm tài sản vay nợ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2015, tại thời điểm 31/12/2015, vay ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai là 3.200 tỷ đồng, tăng 1.857 tỷ đồng, tương ứng 138% so với cuối năm 2014.
Để ngân hàng chấp nhận những khoản vay này, Hoàng Anh Gia Lai đã phải thế chấp nhiều tài sản. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là công ty của bầu Đức phải thế chấp cả khu liên hợp học viện bóng đá.
Cụ thể, ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Lai đã cho Hoàng Anh Gia Lai vay tổng cộng 1.896 tỷ đồng. Để vay được món tiền hơn 603 tỷ đồng với lãi suất từ 5,05% đến 10,5%, Hoàng Anh Gia Lai đã thế chấp công trình khu liên hợp học viện bóng đá HAGL, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai vươn cao su 1.194,74ha và các lợi ích hợp pháp khác từ vườn cây trên tại tỉnh Gia Lai của công ty cổ phần cao su Trung Nguyên - bên liên quan và 30 căn hộ khu thương mại Bàu Thạc Gián, Đà Nẵng.
Hoàng Anh Gia Lai đã thế chấp cả khu liên hợp học viện bóng đá
|
Để nhận được khoản vay hơn 761 tỷ đồng với lãi suất từ 5,05% tới 10%, Hoàng Anh Gia Lai thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai vườn cao su 1.194,74ha tại tỉnh Gia Lai của công ty cổ phần cao su Trung Nguyên - bên liên quan và 23 căn hộ và 23 tầng khu thương mại Bàu Thạc Gián, Đà Nẵng.
Ngoài ra, để vay một số khoản vay ngắn hạn nữa, Hoàng Anh Gia Lai cầm cố thêm Bệnh viện Đại học Y dược HAGL, tài sản hình thành từ vốn vay thuộc dự án chăn nuôi bò thịt, toàn bộ đàn bò nhập về trị giá hơn 47,6 triệu USD,... Bên cạnh đó, hàng chục triệu cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai và của riêng bầu Đức cũng được cầm cố.
Nợ dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai cũng là con số lớn. Tại thời điểm cuối năm 2015, chỉ số này là 9.746 tỷ đồng, tăng 3.639 tỷ đồng, tương ứng 60% so với cuối năm 2014. Trong đó đáng lưu ý, khoản vay dài hạn đến hạn trả là 1.194 tỷ đồng.
Một phần tài sản đảm bảo cho các khoản vay này là hơn 20 triệu cổ phiếu HNG sở hữu bởi công ty. Nhưng số lượng cổ phiếu này đã bị ngân hàng ACB bán giải chấp vào ngày 9/3/2016. Khoản vay này hiện đang nằm trong danh sách khoản vay đến hạn trả.
Eximbank sở giao dịch 1 là “chủ nợ” lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai. Riêng vay dài hạn, Eximbank đã ghi nợ Hoàng Anh Gia Lai gần 3.156 tỷ đồng. Để nhận được số tiền khổng lồ này, Hoàng Anh Gia Lai đã thế chấp tổng giá trị tài sản hình thành trong tương lai từ dự án “Trung tâm thương mại Hoàng Anh Gia Lai Myanmar”, các khoản phải thu, cổ phiếu và các tài sản khác.
Nợ quá lớn nên chi phí lãi vay đã ăn mòn lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai. Trong năm 2015, Tập đã phải chi trả tiền lãi vay 1.079 tỷ đồng, tăng 474 tỷ đồng, tương ứng 78% so với năm 2014. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế 2015 thấp hơn lãi vay, chỉ đạt 602 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.533 tỷ đồng năm 2014.
Bầu Đức muốn được tái cơ cấu nợ
Nếu ý kiến tại báo cáo tài chính tổng hợp 2015 vừa được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) công bố hôm nay (11/4), đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (E&Y) đã nhấn mạnh đến các khoản vay và trái phiếu của tập đoàn này.
Cụ thể, vào ngày 31/12/2015, HAGL đã trình bày về các khoản vay và trái phiếu phải trả trị giá 13.184,1 tỷ đồng, trong đó có 4.689,1 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016. Ngoài ra, cũng tại ngày này, HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu.
Thuyết minh báo cáo tài chính của HAGL cho thấy, đến cuối 2015, HAGL còn có 1.373,8 tỷ đồng vay dài hạn trái phiếu trong nước đến hạn trả. Tuy nhiên, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo cho nhiều lô trái phiếu lại không đáp ứng điều khoản ràng buộc trong hợp đồng cầm cố tài sản.
Công ty của bầu Đức đang chịu áp lực trả nợ lớn trong năm 2016
|
Ví dụ, ngày 28/11/2014, HAGL đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu do VPBS thu xếp phát hành. Trái phiếu phải hoàn trả sau 3 năm. Tuy nhiên, vào ngày 31/12/2015, 4,7 triệu cổ phiếu HAGL do Chủ tịch HĐQT tập đoàn là ông Đoàn Nguyên Đức nắm giữ và 110,63 triệu cổ phiếu HNG do HAGL nắm giữ có giá trị thị trường lần lượt là 10.400 đồng/cp và 28.800 đồng/cp. Thời điểm lập báo cáo tài chính tổng hợp, tổng giá trị tài sản đảm bảo không bằng tối thiểu 145% tổng mệnh giá trái phiếu theo quy định trong hợp đồng đặt mua trái phiếu.
Để bảo đảm cho các khoản vay bằng trái phiếu, HAGL cũng đã thế chấp hàng loạt quyền thuê đất và tài sản gắn liền trên đất tại Lào, Campuchia...
Ngày 15/7/2011, HAGL còn phát hành 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi cho NIMP với kỳ hạn 4 năm (tức ngày 30/6/2015) và quyền gia hạn thêm năm theo sự thỏa thuận chủ sở hữu trái phiếu. Trong năm 2015, HAGL đã tiến hành đàm phán với NIMP và được chấp thuận gia hạn đến 14/7/2017. Tuy nhiên tại ngày 31/12/2015, tỷ lệ nợ ngắn hạn trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao tài sản cố định đã vượt mức cho phép theo quy định của hợp đồng mua bán trái phiếu.
"Những vấn đề này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL" - đơn vị kiểm toán đánh giá.
Có thể thấy, áp lực nợ tại công ty của bầu Đức là rất lớn. Hoàng Anh Gia Lai cho biết, Tập đoàn vẫn đang làm việc với các chủ nợ và xin phê duyệt từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền việc tái cơ cấu nợ.
12/04/2016
PV (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét