Sáng tác: Trần Thiện Thanh, Tô Thùy Yên
Bài hát Chiều Trên Phá Tam Giang do Trần Thiện Thanh phổ thơ của Tô Thùy Yên và được Nhật Trường và Thanh Lan song ca từ năm 1972 trên các phương tiện truyền thông ở trong nước được đúng 3 năm thì bị ngưng lại sau ngày 30-4-1975. Từ đó đến nay không biết bài hát này đã được bao nhiêu người trong nước và hải ngoại tiếp tục hát lên. Nhứt là những người sanh ra và lớn lên sau khi chiến tranh VN đã kết thúc. Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng nghe đi nghe lại bài hát này hàng trăm lần. Có ai trong chúng ta đã thắc mắc là cái địa danh “Phá Tam Giang” là gì không và ở nơi nào trên quê hương mình? Trong tất cả các bản nhạc viết về các tỉnh, thành phố của VN như Sài Gòn, Nha Trang, Hà Tiên, Đà Lạt, Huế, Tây-Đô (Cần Thơ) thì có lẽ đây là bài hát duy nhứt đề cập tới một điạ danh xa lạ là “Phá Tam Giang”. Rất nhiều người đã thắc mắc như vậy, nhưng hình như chưa có MC nào trong các chương trình ca nhạc giải thích cho bà con được hiểu “Phá Tam Giang” là gì ? Bài hát này đã được Trung Tâm Asia thực hiện trong video 29 “Chiến Tranh và Hoà Bình” do hai tiếng hát Hoàng Nam và Trúc Anh diễn tả ( và Vũ Tuấn Đức viết hòa âm). Lần này Trung Tâm Asia lại dàn dựng một lần nữa trong chương trình tưởng niệm Nhật Trường : Anh không chết đâu anh !(18.2.2006) do hai nữ ca sĩ Lê Uyên và Thiên Kim trình bày .
Trước tiên ta hãy đọc lại lời ca này một lần nữa :
.
lời: Tô Thùy Yên
nhạc: Trần Thiện Thanh
Chiều trên phá Tam Giang
anh chợt nhớ em
nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ
đến bất tận
em ơi
em ơi
Giờ này thương xá sắp đóng cửa
người lao công quét dọn hành lang
giờ này thành phố chợt bùng lên
để rồi tắt nghỉ sớm
ôi Sàigòn Sàigòn giờ giới nghiêm
ôi Sàigòn Saigòn mười một giờ vắng yên
ôi em tôi Sàigòn không buổi tối
Giờ này có thể trời đang nắng
em rời thư viện đi rong chơi
hàng cây viền ngọc thạch len trôi
nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối
căn phòng nhỏ cao ốc vô danh
rồi nghĩ tới anh
rồi nghĩ tới anh
nghĩ tới anh
Giờ này có thể trời đang mưa
em đi dưới hàng cây sướt mướt
nhìn bong bóng nước chạy trên hè
như đóa hoa nở vội
giờ này em vào quán nước quen
nơi chúng ta thường hẹn
rồi bập bềnh buông tâm trí
trên từng đợt tiếng lao xao
Giờ này thành phố chợt bùng lên
em giòng lệ bất giác chảy tuôn
nghĩ đến một điều em không rõ
nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ
đến một người đi giữa chiến tranh
lại nghĩ tới anh
lại nghĩ tới anh
nghĩ tới anh
Bây giờ ta so sánh với nguyên tác bài thơ của Thi sĩ Tô Thùy Yên, mà Tran Thiện Thanh đã trích ra để phổ nhạc:
”Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.
Giờ này thương xá sắp đóng cửa.
Người lao công quét dọn hành lang.
Những tủ kính tối om.
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm.
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm.
Sài Gòn không còn buổi tối nữa.)
Giờ này có thể trời đang nắng.
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tỉnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi.
Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối,
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn,
Quyển sách mở sâu đêm.
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỉ.
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới.
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ.
Giờ này có thể trời đang mưa.
Em đi nép hàng hiên sướt mướt,
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đóa hoa nở gấp rút.
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp,
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ.
Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh,
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nỗi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới.
Giờ này thành phố chợt bùng lên.
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi,
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya.
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi,
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng,
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại.
Anh yêu, yêu nuối tuổi hai mươi,
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ.
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân.
Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại !
Thơ tuyển Tô Thùy Yên
Hồi nhỏ, lúc học môn Văn, thầy cô giáo hay giảng những câu ca dao rất lạ như :
“Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ , sợ phá Tam Giang
Phá tam Giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm”
Có lẽ thầy cô đã giải thích sự nhớ thương của chàng trai ngoài Bắc muốn vào miền Trung thăm người yêu và sợ phải vượt qua những chướng ngại vật này là những gì và ở vùng nào . Nhưng rồi bài vở cũ đã trả lại cho thầy cô sau nhiều năm xa xứ. Bây giờ mỗi khi chợt nghe lại bài hát “Chiều trên phá Tam Giang” thì những danh từ lạ lùng này lại hiện về gây thắc mắc cho nhiều ngưòi trong chúng ta.
Vắn tắt thì “Truông” là cái gò đất cứng ở trong rừng hay trên đường qua núi ( pass, saddle of mountain). Truông nhà Hồ thuộc làng Hồ Xá, thuộc tỉnh Quảng Trị . Xưa kia vùng này khá hoang vắng, bọn cướp thường làm sào huyệt ở đây và hay chận đường cướp khách bộ hành. Từ năm 1792, có quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đã dẹp tan bọn cướp này.
Riêng “phá” lại là một cái đầm nước, hay là một cái hồ nước mênh mông, khá sâu (deep & wide pond, amidst fields). Phá Tam Giang ở cách thành phố Huế vài chục cây số và là nơi có ba dòng sông lớn của tỉnh Thừa Thiên (như sông Hương..) tập trung lại trước khi chảy ra cửa biển Thuận An. Chung quanh thật là hoang vu, vắng vẻ. Có lẽ thi sĩ Tô Thùy Yên đã đóng quân ở vùng phá Tam Giang này vào một buổi chiều buồn, ngồi cô đơn mà nhớ đến người yêu đang ở Sài Gòn, cách xa hàng ngàn cây số, nên đã sáng tác được bài thơ độc đáo nêu trên.
Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Ông học đại học Văn Khoa Sài Gòn. Ông dạy học một thời gian ngắn. Ông là chồng cũ của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (chị ruột nhà văn Hồ Trường An). Sau đó ông gia nhập quân đội lên tới Đại Úy và là Trưởng phòng Tâm Lý Chiến tức ông là “boss” của Nhật Trường. Sau năm 1975 thi sĩ Tô Thùy Yên bị đi học tập cải tạo 10 năm, trong khi Nhật Trường vì là Hạ Sĩ Quan (sắp lên Chuẩn Úy) chỉ học tập có vài tuần. Tuy là sĩ quan Tâm Lý Chiến ở Sài Gòn, nhưng nhà thơ Tô Thùy Yên từng nhiều lần tình nguyện ra công tác ở miền Trung như Khe Sanh, Phá Tam Giang để nếm mùi lửa đạn tại chổ, nên ông mới có tác phẩm để đời và được Trần Thiện Thanh phổ nhạc.
Sau khi ở tù về ông có bài thơ “Ta Về” là bài thơ được đọc nhiều nhứt trên mạng internet, có những câu như: (Ta về qua những truông cùng phá, Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may, Ta ngẫn ngơ trông trời đất cũ, Nghe tàn cát bụi tháng năm bay). Thơ ông dùng từ ngữ rất lạ và có khi hơi khó hiểu, nhưng được rất nhiều ngưòi thích.
Riêng bài “Chiều Trên Phá Tam Giang” này thì khi phổ nhạc Trần Thiện Thanh đã lược bỏ rất nhiều chi tiết rườm ra không cần thiết, nên ta nghe rất nhẹ nhàng dễ thương. Bài hát của hai người trẻ yêu nhau, xa nhau, nhớ nhau và luôn nghĩ tới nhau. Bài hát không than trách chiến tranh mà làm cho những người lính và người dân gần gũi nhau hơn. Đó chính là sự thành công của dòng nhạc lính của Trần Thiện Thanh.
Duy Khiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét