Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Chán Nản - Văn Phụng

Văn Phụng và “Chán nản”
Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, được cha mẹ cho học đàn piano từ nhỏ và năm 1945 đã đoạt giải nhất độc tấu piano trong một cuộc thi tại Nhà Hát Lớn ở Hà Nội với nhạc phẩm “La prière d’une vierge” (Lời nguyện cầu của một trinh nữ). Ông học trung học ở Trường Albert Sarraut và năm 18 tuổi, sau khi đậu tú tài, ông theo học ngành Y theo ý muốn của cha, nhưng chỉ được một năm, ông bỏ học ngành Y để theo âm nhạc.
Năm 1946, trong một lần tản cư về Nam Định, Văn Phụng trú tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn và gặp được linh mục Mai Xuân Đình, người đã chỉ dạy thêm cho ông về âm nhạc và giáo lý. Năm 1948, Văn Phụng trở về Hà Nội rồi theo lệnh tổng động viên, ông gia nhập Ban Quân nhạc Đệ tam Tiểu đoàn Danh dự và thời gian hoạt động tại đây, ông đã quen với những người về sau sẽ trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam như nhạc sĩ Nhật Bằng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Văn Khôi… Ông cũng được nhạc trưởng người Pháp gốc Đức Schmetzer chỉ dẫn thêm về hòa âm.
Năm 1948, Văn Phụng sáng tác ca khúc đầu tay “Ô Mê Ly” trong một lần vui đùa ca hát cùng bạn bè trong Ban Quân nhạc. Ông cũng thường trình diễn bài hát này tại những vũ trường ở Hà Nội. Bài hát đã được đón nhận nồng nhiệt và từ đó, tên tuổi Văn Phụng được giới yêu nhạc chú ý. Về sau, “Ô Mê Ly” sẽ nổi tiếng với tiếng hát của ban hợp ca Thăng Long. 





Cuối năm 1954, Văn Phụng di cư vào Nam, làm nhạc trưởng của Đài Phát thanh Quân đội thuộc Nha Chiến tranh tâm lý và phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sàigòn.
Sự nghiệp âm nhạc của ông trước năm 1975 đã khởi đầu với ca khúc “Ô mê ly” sáng tác năm 1948 và kết thúc với ca khúc “Chán nản” sáng tác vào năm 1972. Về những sáng tác của mình, Văn Phụng cho biết ông hài lòng với hầu hết những ca khúc đã viết, nhưng ông thích nhất “Tiếng dương cầm”, “Trở về Huế”, “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Tiếng hát với cung đàn”, và nhất là "Suối tóc” và “Chán nản”.
Ông viết nhạc phẩm “Chán nản” năm 1972 khi lâm vào một tình trạng ông cho là rất chán nản trong cuộc đời ông nhưng hoàn toàn không phải do tình yêu.
Có những lúc tâm hồn ông chơi vơi trong một nỗi buồn không rõ nguyên nhân và mọi thứ đều làm cho ông chán ngán, không thể kềm được một tiếng kêu than:




.                                                                                                  Chán Nản - Văn Phụng - Khánh Ly
“Ðã có những lúc chán chường
Chán cho đời sao buồn quá
Mắt có những lúc đã hoen mờ
Vì sầu không đâu, không tên…”
Nỗi buồn mơ hồ dần chuyển thành nỗi đau xót tột cùng trước bao điều trái ngang, khiến ông cảm nhận kiếp sống của mình ở trần gian này chỉ là một kiếp đọa đày:
“Tay đôi tay yếu đuối
Dâng lên chới với giữa trời
Than van cho thân kiếp đoạ đày
Đời bao xót xa…”
Gió rít qua khung cửa làm cho không khí lạnh lẽo len cả vào tâm hồn ông và những chiếc lá vàng rơi lả tả bên ngoài nhắc ông nhớ rằng mùa thu sắp hết:
“Nhìn lá rơi, mùa thu chết rồi!
Gió gió cứ rít lên
Xuyên qua tim tôi
Xuyên qua làn môi…”
Bao ước mơ thuở nào đã tan tác theo cơn gió như những chiếc lá vàng cũng như cả cuộc đời tươi đẹp của ông đã bị cuốn trôi bởi những con sóng dữ và điều còn lại chỉ là một nỗi chán chường bất tận:
“Gió, gió đã cuốn đi
Bao nhiêu ước mơ -
Ôi, xa vời!
Sóng, sóng đã cuốn đi
Cuộc đời tốt tươi
Buồn ơi, chán ơi!”


Huỳnh Duy Lộc 

1 nhận xét: