Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Về nhà thơ HỒ XUÂN HƯƠNG

Nguyễn Quốc Bình
(Trích trong HỘI TẬP CHƠI THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG)

 “Nghệ thuật trào phúng thơ Nôm Hồ Xuân Hương “

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng phức tạp, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của bà có đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu cũng như bao nhiêu những thắc mắc, hoài nghi trong lòng độc giả. Thậm chí đến ngày nay, những thắc mắc cần lời giải đáp đó vẫn chưa có hồi kết thúc. Từ đó cho thấy, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Xuân Hương quả là một hiện tượng văn hóa hết sức độc đáo. Điều này đã trở thành một chủ đề hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu khám phá.
Được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”, chứng tỏ những đóng góp của bà đối với thơ Nôm dân tộc chiếm một trí không nhỏ. Trong “gia tài” thơ Nôm của mình, Hồ Xuân Hương đặc biệt thành công với mảng thơ trào phúng, đả kích. Hồ Xuân Hương đã góp phần đưa nghệ thuật trào phúng thơ Nôm lên đến đỉnh cao.
Trong xã hội phong kiến, phụ nữ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Họ không chỉ chịu sự áp bức về mặt giai cấp cũng làm lụng đầu tắt mặt tối, cũng đói cơm rách áo cũng trăm nghìn thứ trà đạp mà còn chịu áp bức về mặt giới tính, tinh thần mà cái đau khổ về tinh thần nhiều khi còn day dứt, đau đớn hơn nhiều lần cái đau khổ về thể chất. Họ giống như những “tội nhân chung thân” suốt đời gánh trên vai bao nhiêu ràng buộc của luật “tam tòng”, bởi những hủ tục giết chết tình yêu, tuổi trẻ, hạnh phúc. Đã có rất nhiều nhà văn nhân đạo thể hiện niềm cảm thông xót xa với thân phận người phụ nữ như người cung nữ (Cung oán ngâm khúc), người chinh phụ (Chinh phụ ngâm khúc)… Đến Hồ Xuân Hương, người phụ nữ trong thơ bà không phải người phụ nữ lầu son, gác tía chinh phụ hay cung tần mà là những người phụ nữ hết sức bình thường, những người phụ nữ lao động chịu nhiều bất hạnh trong đời sống.



* Hình ảnh, thân phận người phụ nữ:
Viết về đề tài phụ nữ, nhà thơ thường xoáy sâu vào các ngóc ngách éo le của cuộc đời để nêu lên những bi kịch không kém phần chua chát, song bình thường nó bị xóa nhòa trong một cuộc sống vốn dĩ đã dập khuôn theo những chế ước nặng nề của lễ giáo.
Xuân Hương nêu lên một nét điển hình nổi bật của chế độ hôn nhân phong kiến đó là “Cảnh chồng chung”. Nhà thơ vạch ra cảnh làm lẽ chẳng qua chỉ như một thứ làm mướn, thậm chí là làm mướn không công. Người đàn ông có quyền có năm thê bảy thiếp nhưng người phụ nữ chính chuyên một chồng. Người phụ nữ chịu cảnh làm lẽ ngoài thỏa mãn cuộc sống dâm dật của bọn địa chủ còn trở thành thứ nhân công mà không mất tiền thuê. Những câu thơ của bà cất lên đầy niềm đồng cảm xót thương:
Năm thì mười họa chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công!
Khi uất ức không chịu được bà đã lên tiếng chửi mắng quyết liệt nhưng điều kiện xã hội vẫn ngang nhiên cho phép nó tồn tại. Trước thực tại, bà cũng đành bất lực trong tiếng thở dài. Tiếng thở dài này càng làm đậm thêm cái mỉa mai của thực tại:
Thân này ví biết đường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong!
Một đặc điểm của thơ Xuân Hương là bà không hề dửng dưng lạnh nhạt mà nhà thơ luôn có một trái tim bỏng cháy, nói cái gì là nói với tất cả sự chân thành xúc động của mình. Khi giận dữ thì thét mắng, khi yêu đương thì đằm thắm ngọt ngào. Bà nhìn sự việc với thái độ cảm thông, khoan dung đại lượng với cảnh ngộ không may của họ qua bài “Không chồng mà chửa”.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ chửa hoang là một tội tày đình. Họ coi người phụ nữ mà đã thông gian thì đã mất hết cả liêm sỉ nên khi hành hình thì bắt cởi áo cánh, để cho mặc váy gia hình còn những tội khác khi phạt cũng được mặc áo. Với Hồ Xuân Hương, bà quan niệm đó không phải là tội lỗi mà đó chỉ là chuyện “cả nể” đối với người tình, bởi vì cả nể nên mới hóa dở dang như vậy “Cả nể cho nên hóa dở dang”. Phụ nữ luôn giàu đức hi sinh, người phụ nữ trong thơ Xuân Hương cũng vậy, dám sẵn sàng chấp nhận, đương đầu với tất cả “Mảnh tình một khối thiếp xin mang” và tuyên chiến với lễ giáo phong kiến bằng lời lẽ hùng hồn đanh thép:
Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Không có, nhưng mà, có mới ngoan
Trong những vần thơ của mình Hồ Xuân Hương luôn đem đến cho những người phụ nữ bất hạnh những lời động viên, muốn đem đến cho họ một nụ cười, giúp họ có nghị lực sống và chống chọi với cuộc sống. Đó là tiếng nói tri âm với một bà lang khóc chồng:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
Thương chồng nên nỗi khóc tỉ ti
Bà sẽ bảo với một cô gái chồng chết rằng:
Nín đi kẻo thẹn với non sông
Ai về nhắn nhủ đàn em bé...



Sẽ đem đến chút ánh sáng của lòng tin vào một lẽ phải công bằng và nhân đạo hơn cho những cô gái không chồng mà chửa có thể tiếp tục sống làm mẹ và làm người:
Không có, nhưng mà có, mới ngoan
Qua đó ta thấy, Xuân Hương không chỉ có cảm thông và bênh vực mà bà còn hết sức đề cao và ngợi ca họ. Bà tìm thấy vẻ đẹp thật sự chân chính của họ. Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ đẹp về ngoại hình mà họ còn mang những phẩm chất vô cùng cao quý. Hồ Xuân Hương không ngại ngần dựng nên một bức tranh khỏa thân truyền thần sinh động về cái đẹp cơ thể của một thiếu nữ:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếc cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bông đảo hương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
(Thiếu nữ)
Bức tranh người thiếu nữ ở đây không gợi lên những dục vọng thấp hèn, mà chỉ đem đến cho người đọc những rung động thẩm mỹ thanh cao. Bởi đó là vẻ đẹp mà tự nhiên đã ban tặng cho người phụ nữ.
Thông qua những hình ảnh chiếc bánh trôi nước “bảy nổi ba chìm với nước non”; con ốc nhồi “Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”, hay quả mít “da nó sù sì”... nữ sĩ đã chú trọng phát hiện và khẳng định vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn người phụ nữ. Dù hình thù xấu xí, dù bị “rắn nát” bởi “tay kẻ nặn” nhưng bản chất tốt đẹp, thánh thiện của người phụ nữ không bao giờ bị mất đi “mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
* Phê phán, đả kích giai cấp phong kiến thống trị:
Giai cấp phong kiến, mà đại diện là vua chúa, quan lại, hiền nhân quân tử... luôn cho mình có sứ mạng truyền bá, hành xử đạo lí thánh hiền, giữ gìn kỉ cương xã hội. Đó là những “quân tử”, những người mang trong mình bao nhiêu tốt đẹp, trong sạch, thanh cao. Nhưng Hồ Xuân Hương đã vạch trần bộ mặt thật, lột chiếc áo đạo đức giả thùng thình, phơi bày cái xác thân phàm tục của họ. Với vũ khí tiếng cười, bà đã đánh rất trúng rất đau từ ông vua ngất ngưởng trên ngai vàng đến anh thư sinh nghiên bút đến cửa Khổng sân Trình để học đạo thánh hiền. Có thể thấy, đối tượng đả kích trong thơ bà rất rộng. Với vua chúa, bà chỉ mắng nhè nhẹ mà đau vô kể, và chỉ có thế cũng đủ làm cho vua chúa tối mặt, bà hạ bệ vua chúa ngang hàng với những kẻ vẫn bị người “quân tử” cho là “phàm phu tục tử”:
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này.
Hình ảnh “một cái này” là cái quạt: “chành ra ba góc da còn thiếu, khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” mà Hồ Xuân Hương đã từng phẩy vào mặt, che lên đầu đấng anh hùng, người quân tử.
Nếu đối với vua chúa, nữ sĩ châm chích thói mê hoa, hiếu sắc thì với bạn quan thị, nữ sĩ giơ cao đánh thẳng vào cuộc sống trái lẽ tự nhiên của chúng:
Đố ai biết đó vông hay chóc
Còn kẻ nào hay cuống với đầu
Có lẽ kẻ chịu nhiều thương tích nhất là bọn “hiền nhân quân tử”, bọn mô phạm phong kiến. Tự xưng hiền nhân quân tử, tức đồ đệ của Nho giáo, nhưng việc làm lén lút, thậm chí ý nghĩ trong đầu chúng cũng bị Hồ Xuân Hương phát hiện và phơi bày ra ánh sáng cho mọi người thấy rằng những kẻ giả dối ấy, chúng rất đói và háo ăn, song vì khoác chiếc áo đạo đức trên người nên chúng phải “ăn vụng”. Bà đi guốc trong bụng chúng và chộp ngay được ý nghĩ mờ ám của chúng:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong
Đó còn là đám nho sĩ dốt nát, còn huênh hoang, hợm mình là con quan, là cậu ấm, tương lai sẽ là “rường cột nước nhà” nên ngổ ngáo, xem dưới gầm trời không còn ai nữa. Học không lo học lại còn đi ghẹo gái, thơ không ra thơ mà dám đề thơ ở chùa, ở miếu. Hồ Xuân Hương đã gọi chúng là “phường lòi tói”, lũ “ngẩn ngơ”, xưng “chị” và đòi “dạy” chúng “làm thơ” và dọa “Muốn sống đem vôi quét trả đến” ngay.



Nhắc đến cửa chùa, Hồ Xuân Hương cũng vạch trần những hành vi dâm đãng diễn ra ngay trước cửa đền chùa:
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà
Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe
Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha
Qua đó ta thấy tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng hướng đến mọi đối tượng khác nhau trong cuộc sống từ bọn vua chúa đến bọn quan thị, từ bọn “hiền nhân quân tử” đến bọn tu hành núp dưới bóng nhà Phật làm điều xấu. Điều đó đã thể hiện sức bao quát của Hồ Xuân Hương đối với thế thái nhân tình. Bà đã cười với mọi giọng dõng dạc, chủ động, đàn chị “cười nhọn, cười sắc, cười gằn”, “cười vào tận óc” những kẻ tự xưng là địa diện cho nề nếp đạo đức xã hội.
* Bộc lộ tiếng lòng của chính mình:
Thơ trào phúng của Hồ Xuân Hương ngoài mục đích chĩa mũi nhọn vào chế độ và lễ giáo phong kiến còn đề cập đến nỗi niềm riêng tư của nhà thơ. Đó là sự thể hiện ước mơ, khát khao hạnh phúc lứa đôi, muốn có một cuộc sống trần tục thiên về mặt bản năng. Hồ Xuân Hương có ba bài thơ trữ tình bộc lộ về mình của tác giả. Đó là những bài thơ viết về duyên phận chìm nổi, lênh đênh của nhà thơ. Lê Trí Viễn đã viết: “Đau đớn ê chề là như vậy, nhưng Xuân Hương vẫn trở về với bản ngã yêu đời. Lời thơ vẫn trào lộng, hóm hỉnh. Cái luật của đời: bi quá hóa hài. Hài để mà chua xót, vơi nỗi buồn chán. Càng chua xót, đau thương lại càng tìm đến cái cười... ra nước mắt.”
Qua chùm ba bài thơ Tự tình I, Tự tình II, Tự tình III đã thể hiện trong sâu thẳm tâm hồn Hồ Xuân Hương những bi kịch của cuộc đời mà thường ngày cái bản lĩnh cứng cỏi làm lu mờ. Bà là một người phụ nữ tài hoa nhưng lại vấp phải cuộc đời nhân duyên dở dang, số phận long đong. Trong đêm khuya khi đối diện với chính mình thì nỗi đau ùa về. Dường như Xuân Hương đã “ngồi nhẫn tàn canh”, ngồi một mình cô đơn đối diện với đêm khuya, với vầng trăng lạnh. Nhưng những vần thơ của bà không phải vì thế mà trở nên mềm yếu, trong cái mềm yếu ấy vẫn chứa đựng một bản lĩnh thách thức, hóm hỉnh :
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh
(Tự tình III)
Ba bài Tự tình là “ba bài than thân làm thành một bộ ba song song nhau, bài nào cũng tiêu tao, cũng nói ra đáy lòng của người phụ nữ.” Qua ba bài thơ này, nhà thơ thể hiện tấm lòng chân thật của người phụ nữ về thân phận ê chề, đau khổ của mình. Đồng thời nói lên niềm khát khao cháy bỏng, ước mơ được yêu, được trao duyên gửi tình của nhà thơ. Nỗi niềm riêng tây của Hồ Xuân Hương không chỉ được thể hiện ở ba bài thơ Tự tình này mà còn thể hiện ở nhiều bài thơ khác khi thì trực tiếp khi thì gián tiếp. Nhiều bài thơ Hồ Xuân Hương viết về người cũng chính là viết về mình và ngược lại khi viết về mình cũng là viết về người.
* Thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương:
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ trào phúng xuất sắc, điều này không ai có thể phủ nhận nhưng yếu tố trào phúng và trữ tình không hề đối lập nhau mà trái lại thống nhất chặt chẽ với nhau. Chính yếu tố trữ tình đã khiến cho yếu tố trào phúng thêm thâm thúy, chua xót. Bức tranh thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương góp phần không nhỏ vào việc thể hiện nghệ thuật của mình. Đó là những cảnh thiên nhiên hết sức quen thuộc: chùa Hương, Đèo Ngang, hang Thánh Hóa... thậm chí hướng đến những không gian nhỏ bé, bình dị ở nơi thôn quê: cái giếng, ngôi chùa, đám hội xuân, ... những cảnh đẹp hết sức êm đềm.
Thiên nhiên cũng làm nền tạo nên những liên tưởng bất ngờ và thú vị:
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lách giữa dòng
(Giếng thơi)



Vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ chính là điều mà nữ sĩ muốn hướng đến. Nó trở thành một tín hiệu nghệ thuật, vì vậy nó không phải là dâm đãng. Đó là vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ, Hồ Xuân Hương cũng là một người phụ nữ, bà nâng niu chân trọng cái vẻ đẹp trần thế, tự nhiên ấy. Càng bị đè nén thì vẻ đẹp ấy càng muốn bứt phá, khẳng định. Hồ Xuân Hương qua cảnh gửi tình thể hiện ước mơ khát vọng hạnh phúc của mình.
Chính vì thể hiện khát khao muốn khẳng định nên thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương không bao giờ yên ắng mà nó luôn cựa quậy hết sức sinh động.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Đi đôi với cảnh bao giờ cũng là những màu sắc sinh động:
Trai đu gối hạc khom lưng cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
(Đánh đu)
Nhiều người đã liên tưởng và cho rằng thơ Hồ Xuân Hương là “dâm tục” thường thể hiện những hành vi tính giao của nam nữ. Nhưng đó là một thứ tình dục lành mạnh thể hiện khát vọng lứa đôi hạnh phúc của người phụ nữ hết sức tha thiết với tình yêu và hạnh phúc gia đình nhưng lại gặp phải bi kịch. Người đọc vì thế luôn cảm thấy một thiên nhiên căng tràn sức sống, một thiên nhiên luôn cựa quậy và tươi rói màu sắc.
* Ngôn ngữ và giọng điệu thơ:
Trong kho tàng thơ Nôm trào phúng của Hồ Xuân Hương chúng ta thấy từ vựng trong sáng tác của bà như những bông hoa muôn sắc màu, màu hoa nào cũng đầy sức sống. Nó như một cơ thể sống luôn luôn vận động. Đầu tiên là phải kể đến hệ thống những động tự mạnh thể hiện sức sống mãnh liệt không gì có thể ngăn cản được:
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đã mấy hòn
Những sự vật trong thơ Hồ Xuân Hương dường như nó không phát triển thuận theo tự nhiên mà luôn bứt phá thể hiện một sự thách thức, dám đương đầu để mà sống. Hàng loạt động từ trong xuất hiện trong các bài thơ khác như: nảy (nảy vừng quế đỏ, nảy nét ngang, húc (giậu thưa), nổi chìm (bảy nổi ba chìm với nước non)...các cách liên kết đó tạo nên một nhịp thơ mạnh mẽ, tạo nên thế giới của sự sống, của thiên nhiên năng động, đầy sức sống. Dường như người đọc bị lay động bởi những rung chuyển dữ dội của sự sống: nó không im, không tĩnh mà nó sinh sôi, nảy nở, tung hoành, nhảy múa... Thậm chí những động từ đó còn được sử dụng để tái hiện bước chân của cuộc sống con người: “Người quen cảnh Phật chen chân xọc, kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm...
Những động từ này góp phần vạch mặt, chửi thẳng vào bọn sư mô đạo đức giả, bọn học trò dốt nát với những động từ như “đấm, khua, móc” hay “châm húc” (Ong non ngứa nọc châm hoa rữa / Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa).
Bên cạnh động từ, hệ thống từ vựng tính từ cũng chiếm vị trí không nhỏ trong thơ Hồ Xuân Hương và tạo được những rung cảm thẩm mĩ hết sức hiệu quả. Thế giới của Hồ Xuân Hương không bao giờ chịu an phận tĩnh lặng mà luôn luôn phải bứt phá, sinh động. Những tính từ đã diễn tả màu sắc trong thơ Hồ Xuân Hương. Đó là những màu sắc thường đậm và nóng. Đỏ thì “đỏ loét”, đỏ “lòm lom”, đỏ “như son”, xanh thì “xanh rì”, trắng thì “trắng phau”, trong thì phải “trong leo lẻo”, tối thì “tối om om”, sáng thì “sáng banh”, trưa là “trưa trật”. Xuân Hương không chỉ nhìn “những màu sắc thường “những màu sắc đó phải kêu lên, phải xé ra, phải cao độ” mà cái nhìn của bà còn như nhát dao, nhát đục, đẽo gọt sự vật, tạo nên những hình khối, những đường nét sắc nhọn như đập vào mắt người xem:
Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt ra đôi mảnh hõm hòm hom
(Hang Cắc Cớ)
Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo
Đường đi thiên thẹo quán cheo leo
(Quán Khánh)



Đọc thơ Hồ Xuân Hương không chỉ có mắt nhìn, tai nghe mà nói chung các giác quan của ta đều phải căng lên để cảm nhận. Từ đó cho thấy, hệ thống từ vựng trong thơ Hồ Xuân Hương hết sức phong phú và đa dạng tạo nên vũ khí sắc bén để châm biếm, đả kích sâu cay.
Bên cạnh đó còn ngôn ngữ phong phú của kho tàng dân gian cũng được Hồ Xuân Hương vận dụng rất thành công.
* Giọng điệu châm biếm đả kích:
Giọng điệu chủ đạo trong những sáng tác trào phúng thơ Nôm của Hồ Xuân Hương thể hiện rất rõ ở giọng điệu châm biếm đả kích. Với giọng điệu này, nữ sĩ hướng tới mọi đối tượng, không bỏ một ai, từ bọn vua chúa, quan lại đến những kẻ “hiền nhân quân tử”, bọn sư mô núp bóng cửa chùa làm việc xấu. Đó là những lời đả phá, chế giễu một cách gay gắt. Thông qua giọng điệu đó bà đã không ngần ngại vạch trần những thói hư tật xấu, những bộ mặt giả nhân giả nghĩa, “ngụy quân tử”. Với mỗi đối tượng, giọng điệu ấy lại biến hóa linh hoạt.
Chẳng hạn như với bọn sư mô, nhà thơ chỉ phác họa vài nét nhưng người đọc vẫn nhận được giọng điệu châm biếm thâm thúy, sâu cay của Hồ Xuân Hương về những cảnh “chướng tai gai mắt” ở nơi thâm nghiêm: sư cụ đang mãi “đáo nơi neo”, chú tiểu thì bỏ kinh kệ, bỏ cả “chày kinh”. Giọng thơ châm biếm khá chua cay:
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vẻ gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn sang Tây Trúc
Trái gió nên cho phải lộn lèo
Với bọn đạo đức giả, những kẻ “xấu nói tốt, dốt nói chữ” những kẻ hợm hĩnh, khoe khoang giọng điệu châm biếm của Hồ Xuân Hương ngoài việc bóc trần thói dốt nát của bọn chúng còn thể hiện giọng châm biếm của bậc bề trên “chị” đối với bọn đàn em:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây chị dạy cho làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa
Cách gọi “ong non”, “dê cỏn”, “ngứa nọc”, “buồn sừng” thể hiện rất thành công bản chất ti toe của những anh nửa trẻ con nửa người lớn. Bọn chúng chỉ là những kẻ “ngựa non háu đá”, hợm hĩnh chứ thực chất không có một chút học thức thật sự gì.
Giọng điệu châm biếm ấy lại trở nên chua xót khi bà thể hiện hoàn cảnh của những người đàn bà không chồng mà chửa. Hay khi nghĩ về chính hoàn cảnh bất hạnh của mình thì giọng điệu ấy lại trở nên mỉa mai gay gắt:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Không chỉ xót xa, chế giễu, giọng điệu châm biếm, đả kích còn hướng tới khẳng định một bản lĩnh - bản lĩnh Hồ Xuân Hương:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
Từ những điều trên đã cho chúng ta thấy, tiếng cười của Hồ Xuân Hương bao giờ cũng bao hàm hai mặt: mặt phê phán đả phá và mặt ngợi ca khẳng định. Tiếng cười đơn thuần chỉ tạo ra niềm vui tức thời cho con người, còn tiếng cười sâu sắc phải là tiếng cười có giá trị nhân đạo. Nó không chỉ phê phán mà còn ngợi ca, khẳng định bênh vực con người. Tiếng cười của Hồ Xuân Hương cũng vậy! Bên cạnh việc tố cáo cả một bè lũ phong kiến thống trị trụy lạc, xa hoa thì tiếng cười trong thơ nữ sĩ còn hướng tới bênh vực những người phụ nữ bất hạnh, chân trọng ngợi ca những phẩm chất của họ và đặc biệt bản lĩnh của chính bản thân mình.



* Kế thừa và sáng tạo lối thơ Nôm thuần túy:
Tiếp xúc với thơ Hồ Xuân Hương người đọc được tiếp xúc với tiếng nói thuần túy của dân tộc, không điển tích cao xa, không chữ sách thông thái. Thơ bà gần với ngôn ngữ bình dân. Câu thơ thường chỉ như một lời nói cửa miệng:
Mười bảy hay là mười tám đây?
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ!
Đặc biệt những lời nói ấy được bà đưa vào luật lệ thất ngôn rất tự nhiên:
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Những hình ảnh hết sức bình dân, quen thuộc với đời sống hàng ngày cũng được bà đưa vào trong thơ như những thi liệu hết sức đắc lực phục vụ cho ngòi bút trào phúng của mình. Nào là hình ảnh chiếc bánh trôi nước, cái quạt, cây đu, con ốc, quả mít… Hồ Xuân Hương lấy những vật rất tầm thường mà tự ví mình để chọc thiên hạ và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, nàng muốn đả phá mạnh mẽ bộ mặt đạo đức giả của xã hội phong kiến (chẳng hạn như hình ảnh chiếc bánh trôi bị người ta mân mó nhưng nó vẫn “giữ tấm lòng son”). Hồ Xuân Hương đã thổi một làn gió khác vào hai thể thơ tứ tuyệt và bát cú khiến nó không còn bị gò bó mà thanh thoát, thoải mái.
Tuy nhiên không phải vì những lời nói dân giã mà mất đi giá trị thơ của Hồ Xuân Hương, bà vẫn tạo được những thành công đặc sắc dựng nên những bức tranh lạ thường và tràn đầy sức sống:
Bốn cọc khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng…
Hồ Xuân Hương còn sử dụng lối nói lái, ỡm ờ của dân gian trong các truyện tiếu lâm, truyện cười và cũng không ngần ngại khi văng tục:
Quán Sư sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo
(Chùa Quán Sứ)
Đầu sư há phải gì... bà cốt
Bé ngọ con ong bé cái nhầm
(Sư bị ong châm)
Ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày cũng như thành ngữ, tục ngữ, lối ca dao cũng được bà vận dụng hết sức thành công chính xác đến “ghê người”.
Bên cạnh việc vận dụng ngôn ngữ dân gian, lối thơ Nôm thuần túy mà Hồ Xuân Hương còn tạo cho mình một phong cách riêng thể hiện một bản lĩnh sáng tạo. Bà có ý thức nâng những ngôn ngữ đời thường lên những tầm biểu hiện cao. Chẳng hạn việc Hồ Xuân Hương dùng hai chữ “xọc”và “dòm” trong bài “Động Hương Tích” ( so sánh với “bước” và “nhìn”: gợi cảnh đông đúc, gợi liên tưởng đến hoạt động tính giao.). Những con chữ trong thơ bà như nhảy múa rất tài tình. Bà dùng trong một bài thơ 28 chữ mà có đến 5 chữ chỉ những con vật cùng loài cóc: (chẫu) chàng, (nhái) bén, nòng nọc, (chẫu) chuộc, đây là một sự cố ý nghệ thuật để chế giễu cái chết của Tổng Cóc...
Chính việc vận dụng ngôn ngữ dân gian và nâng lên một tầm cao, Hồ Xuân Hương đã khẳng định được tài năng vượt trội của mình vừa thể hiện thành công ngòi bút trào phúng vừa thể hiện bản lĩnh thơ của mình. Xuân Diệu mệnh danh Hồ Xuân Hương là “bà chúa thơ Nôm” quả là đúng đắn!
Có thể nhận thấy rằng trên thế giới những nhà thơ thiên tài trữ tình không nhiều lắm và càng hiếm hoi khi nhìn sang lĩnh vực thơ trào phúng nhất là đối với phụ nữ. Nhưng ở Việt Nam ta lại có một thiên tài trào phúng và lại là nữ. Ở Hồ Xuân Hương không phải chỉ có tiếng cười, lời chế giễu... mà trên những cái ấy là tiếng kêu than uất ức, thậm chí có cả nước mắt mà bà cố nuốt đi. Đọc thơ Xuân Hương, ta càng thấy thấm thía với ý của Xuân Diệu : “Những nhà trào phúng vĩ đại không nhe răng ra mà cười, không chửi bằng lời nói, họ ném cả trái tim của họ, ném cả cuộc đời của họ vào cuộc đời, cũng như những nhà trữ tình vĩ đại. Trong xã hội cũ, thơ của họ thực chất là máu và nước mắt mặc cái áo trào phúng đó thôi”. Cuộc đời Hồ Xuân Hương và thơ bà là một hiện tượng hết sức phức tạp, nhiều điều còn chưa rõ ràng nhưng dù sao với những tài liệu mà hiện chúng ta đang có thì con người và thơ Hồ Xuân Hương là một niềm tự hào trong văn học Việt Nam - một nữ thi sĩ đầy bản lĩnh và tài hoa.
Ban Quản trị chia sẻ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét