TT - Chiều cuối năm, ngồi vẩn vơ nhìn nắng ngoài hiên nhà, tôi bùi ngùi nhận ra xuân này là mùa xuân đầu tiên không có mẹ.
Tết này con không còn mẹ - Ảnh: Hoài Linh |
Vậy là sẽ không còn ai nhắc lau bàn thờ, không còn ai dặn phải gửi tiền về quê mua hộp bánh, thắp nén nhang cho cậu Hòa, không còn ai bảo nhớ biếu chú Năm ít tiền xài tết, không còn vô vàn lời nhắc của mẹ - mà có lúc làm tôi bực mình “năm nào cũng nhắc, con có quên đâu?”.
Vậy là năm nay đường hoa Nguyễn Huệ - năm đầu tiên trên con phố đi bộ thênh thang chắc sẽ đẹp lắm, mà tôi lại không còn có thể mời mẹ đi chơi.
Đã mấy cái tết rồi mẹ đã yếu, không còn đi dạo đường hoa được nữa. Nhớ năm nào hồi mẹ còn khỏe, mỗi lần chuẩn bị đi xem đường hoa là mẹ con lại... lục đục.
Mẹ bảo thôi ở nhà, chẳng cần đi đâu, tốn tiền xe taxi! Tôi cằn nhằn nào có xa xôi gì, đi cho vui, cho thấy tết với người ta. Rồi mẹ cũng đi, nắm tay thằng con trai tuổi 50 dạo đường hoa.
Có anh bạn đồng nghiệp bắt gặp chụp cho tấm hình kỷ niệm. Nào ngờ đó lại là tấm hình mẹ chụp tự nhiên nhất, ánh mắt như đang cười, trở thành tấm hình thờ khi mẹ mất.
Có phải do niềm vui được đi chơi phố với con trai chăng?
Tranh minh họa. |
Khi mẹ mất rồi, tôi cay đắng nhận ra mẹ mình quá ít dịp được đi chơi đây đó. Cả đời mẹ tôi, từ thời con gái đã tảo tần, vất vả, chẳng mấy khi được đi du lịch, con đường mẹ tôi chỉ là từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà.
Có lúc tôi tự bảo rằng tại mẹ quanh quẩn ở nhà mãi riết rồi quen, chẳng thích đi đâu. Đó là cách lý giải bào chữa ngụy biện, cái chính là tại thằng con quá vô tâm đó thôi!
Tết này là cái tết đầu tiên không có mẹ, tôi tự hỏi mình sẽ ra sao? Hơn nửa đời người, tóc trên đầu sợi bạc đã nhiều hơn, tôi đã đi qua những mùa xuân, những cái tết có mẹ.
Tôi nhớ những cái tết thiếu khó sau giải phóng, mẹ vẫn ráng lo cho con trai tấm áo, cái quần mới, lúc đó tôi chưa đủ lớn để nhận ra những vất vả, lo toan của mẹ. Những mâm cơm tết hồi đó có thể không đủ đầy như bây giờ, nhưng mẹ đã cố để tôi không thấy thiếu khó, tôi đã có những cái tết đầm ấm bên mẹ.
Tôi nhớ sau này khi đã lập gia đình, cùng vợ con lo tết, mẹ vẫn đứng bên chăm sóc. Những chăm sóc mà lắm khi tôi thấy “sao mẹ cứ lo quá chi cho mệt vậy?”.
Và tôi cứ bình thản tiếp nhận những chăm sóc đó như lẽ đương nhiên, như lẽ sẽ là mãi mãi, tôi đón nhận tự nhiên như hít thở khí trời mà không nhận ra đó là món quà vô giá.
Mẹ như khí trời mà ta cả đời sống trong đó, lớn lên từ đó, giữa bao la trong lành mà cứ mãi đầy ắp, bao dung.
Mùa xuân đầu tiên không có mẹ, cứ nghĩ thế là lại thấy tủi thân quá đỗi. Sẽ thật buồn cười và khó hiểu, một gã trung niên đầu bạc ngồi nhớ mẹ mắt đỏ hoe, miệng méo xệch y chang đứa con nít! Nhưng có lạ gì, với mẹ muôn đời ta vẫn ấu thơ.
Tôi lại lan man nghĩ thế cái mùa xuân đầu tiên mình có mẹ nó ra làm sao nhỉ? Chào đời tháng 9 âm lịch, tết đến mới non ba tháng, mùa xuân đầu tiên lúc đó thằng tôi còn nằm trong lòng mẹ ngủ ngon lành.
Nó bắt đầu những năm tháng hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của mẹ từ đó, để rồi cứ vô tư mà ăn học, đòi quà, dỗi hờn, lớn lên, biết yêu và cưới vợ, sinh con. Chuỗi tháng năm dâu biển có biến động tới đâu thì trong vòng tay mẹ nó vẫn an bình như đứa bé, mọi gian nan khó khăn mẹ gánh hết rồi!
Tết này không có mẹ nhưng tôi không mất mẹ. Chẳng là mẹ tôi đã đi chơi đâu đó, thật xa, đó thôi! Tôi như nghe mẹ dặn: “Mẹ đi chơi đây. Bây giờ mẹ mới được đi xa. Ở nhà ăn tết nhớ lo mọi chuyện cho tươm tất nhé!”.
Tôi như thấy mẹ, dáng mẹ bên cửa sổ nhìn xuống đường trong cái nắng cuối năm vàng vọt. Tôi như thấy tay mẹ vuốt tóc tôi qua làn gió se se năm hết: “Bạc thế này rồi con, đừng bon chen quá làm gì, nghỉ ngơi đi”.
Tôi nhìn nồi bánh chưng đỏ lửa trong con hẻm nhỏ vẫn thấy bóng mẹ tôi. Bên cành mai vàng gầy guộc bên chợ vẫn có dáng mẹ tôi. Rồi trong cái xôn xao, náo nức mua sắm chuẩn bị đón tết cũng thấy mẹ tôi, tất bật, lo âu, cằn nhằn giá cái này mắc, cái kia lên.
Và tôi nhìn thấy mẹ từ cái ngồi nhìn nắng cuối năm của
chính mình!
Chiều đã tắt nắng. Gió đâu mà thổi về dữ quá. Xuân đầu tiên không có mẹ. Một gã trung niên ngồi vẩn vơ khóc cười...
Hắn nhớ mẹ quá chừng!
Đặng Dũng
Một lời còm:
Con nghĩ... chắc không chỉ riêng con, vẫn có rất nhiều người dám đọc hết bài này. Chú vẫn có mẹ để rồi phải buồn khi mất đi, nỗi buồn trong hạnh phúc khi vẫn có mẹ. Trong mỗi câu viết của chú, hình ảnh người mẹ của chú, của con và của tất cả vẫn hiện diện đâu đây!
Con không có mẹ, hay nói đúng hơn là không gia đình. Con bám víu vào những mảnh tình người trong xã hội để lớn lên. Hình ảnh người mẹ, con luôn tưởng tượng chắc đẹp lắm, và cũng như bao người phụ nữ khác; tần tảo sớm hơm, một đời vì con, vì gia đình. Nhưng do một ngã rẽ định mệnh nào đó trong cuộc đời mà mẹ chỉ đến với con trong những giấc mơ xa...
Từ ngày biết được thế nào là Tết, hơn hai mươi lần mai nở vàng trước sân, chừng ấy lần con vẫn cùng hòa vào nhịp đập của tạo hóa. Khi mà đất trời chuyển giao giữa cái cũ và cái mới, hiện tại đến tương lai tốt đẹp hơn. Con luôn tin vào điều tốt đẹp để nhất. Con tự giáo dục mình bằng những điều đó, bằng tình người, sự sẻ chia, rồi bước tiếp...
Bao nhiêu năm lang bạt trên mảnh đất bao dung này, con luôn thấy mình hạnh phúc: Nơi mà tình người luôn dang rộng để chào đón những mảnh đời. Nơi tạo cho con công việc, cuộc sống tốt đẹp để từng ngày chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của bản thân. Nơi mà con luôn thấy những người mẹ, tuy không sinh con ra nhưng luôn bên cạnh con hàng ngày...
Ở đâu đó hát rằng :"Mẹ là mùa Xuân vĩnh hằng trên dương thế, đến hẹn lại về dìu dắt bước con đi...". Chứng kiến sự mất mát là nỗi buồn to lớn, nhưng để có sự mất ấy là niềm tự hào. Vượt qua nỗi đau mà bước tiếp với những gì mình có, để con thêm ước ao con được như chú!
Con không có mẹ, hay nói đúng hơn là không gia đình. Con bám víu vào những mảnh tình người trong xã hội để lớn lên. Hình ảnh người mẹ, con luôn tưởng tượng chắc đẹp lắm, và cũng như bao người phụ nữ khác; tần tảo sớm hơm, một đời vì con, vì gia đình. Nhưng do một ngã rẽ định mệnh nào đó trong cuộc đời mà mẹ chỉ đến với con trong những giấc mơ xa...
Từ ngày biết được thế nào là Tết, hơn hai mươi lần mai nở vàng trước sân, chừng ấy lần con vẫn cùng hòa vào nhịp đập của tạo hóa. Khi mà đất trời chuyển giao giữa cái cũ và cái mới, hiện tại đến tương lai tốt đẹp hơn. Con luôn tin vào điều tốt đẹp để nhất. Con tự giáo dục mình bằng những điều đó, bằng tình người, sự sẻ chia, rồi bước tiếp...
Bao nhiêu năm lang bạt trên mảnh đất bao dung này, con luôn thấy mình hạnh phúc: Nơi mà tình người luôn dang rộng để chào đón những mảnh đời. Nơi tạo cho con công việc, cuộc sống tốt đẹp để từng ngày chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của bản thân. Nơi mà con luôn thấy những người mẹ, tuy không sinh con ra nhưng luôn bên cạnh con hàng ngày...
Ở đâu đó hát rằng :"Mẹ là mùa Xuân vĩnh hằng trên dương thế, đến hẹn lại về dìu dắt bước con đi...". Chứng kiến sự mất mát là nỗi buồn to lớn, nhưng để có sự mất ấy là niềm tự hào. Vượt qua nỗi đau mà bước tiếp với những gì mình có, để con thêm ước ao con được như chú!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét