Tháng 7 năm 2015, tại chùa Vĩnh Nghiêm – TP.HCM, đã diễn ra Lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh 64 liệt sĩ Gạc Ma hy sinh năm 1988. Nơi đây, cũng là lần đầu tiên tôi trông thấy nước mắt của sự mất mát chảy xuyên qua ba thế hệ: vợ, con và cháu qua chừng ấy 27 năm. Tôi chợt tự hỏi: tình yêu đất nước là gì trong người trẻ như chúng tôi?
Gương mặt đẫm nước mắt của bà Hoa (phải) – vợ liệt sĩ Trần Văn Phương - ám ảnh tôi mỗi khi nhắc về Gạc Ma
|
Hôm ấy, tôi nhắn tin xin sếp cho đi, anh im lặng một lát rồi đồng ý, dặn hãy đọc về sự kiện này. Khi bắt đầu đọc về sự kiện Trường Sa 1988, tôi bất chợt nhận ra tất cả những gì mình đọc được hoàn toàn là những thứ xa lạ so với 12 năm đèn sách. Những cái tên liệt sĩ nối dài nhau, diễn biến trong vụ thảm sát 64 người lính, các anh nắm tay nhau thành vòng tròn bảo vệ đảo rồi hy sinh… chúng tôi, những người trẻ chưa hề nghe qua, dù chỉ một cái tên.
Rồi tôi đến buổi lễ, tìm kiếm những người còn lại sau cuộc chiến: người mẹ, người vợ, người con của các liệt sĩ. Khoảnh khắc video tư liệu về cuộc hải chiến chiếu lên, nước mắt từ đó cứ tứa ra mà không ngăn lại được. Tiếng nhạc, tiếng người bình ầm ầm vang lên:
“Khi quân Trung Quốc xông vào cướp cờ, không sợ hy sinh, phó chỉ huy Trần Văn Phương lao vào giằng lại lá cờ Tổ quốc. Trước khi hy sinh, anh đã để lại câu nói: Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.
Trên màn hình, lời người bình tiếp tục: rồi anh ngã xuống, hy sinh khi chỉ vừa 23 tuổi.
Cựu Binh Lê Hữu Thảo xúc động nhớ về đồng đội khi nhìn bức tranh Gạc Ma – vòng tròn bất tử
|
Còn trước mặt tôi, sau 27 năm, bà Mai Thị Hoa – vợ liệt sĩ Trần Văn Phương - tóc đã bạc, đổ gục xuống, tay đấm thình thịch vào tim, nấc lên từng cơn nghẹn: “Đó, anh đó. Trời ơi, anh đã hy sinh như vậy đó, anh hy sinh khi còn chưa biết mặt con.”
Rồi Thủy – người con gái duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Phương - vòng tay ôm lấy mẹ. Đứa con của chị ngơ ngác nhìn bà và mẹ rồi bật khóc theo. Đã sau chừng ấy thời gian mà nước mắt vẫn nghẹn ứ, nỗi đau còn khảm sâu trong lòng người vợ, người con, người cháu.
Tôi không biết, chúng tôi, những người trẻ thấy gì sau những trang sách sử trong trường học. Nước mắt nào thấm trên những sự kiện đã qua, dòng máu nào ướt đẫm tấm cờ hàng tuần chúng tôi làm lễ? Những con số thương vong nằm trơ trên trang giấy, những sự kiện đẫm máu lặng yên không xuất hiện. Khi ấy tôi tự hỏi, mình yêu bao nhiêu đất nước này?
Trong suốt cuộc nói chuyện, bà Mai Thị Hoa chẳng nhắc gì về oán hận, bà rơi nước mắt vì nhớ chồng, nhớ kỷ niệm ngắn ngủi. Bà nói thời gian ấy, vừa mong vừa sợ tin chồng. Thư nào anh gửi về cũng dặn giữ gìn sức khỏe, rồi hứa sẽ đoàn tụ. Thế rồi cuối cùng, chẳng còn thư tình mà là giấy báo tử. Nhưng gạt đi tất cả, bà chỉ cảm ơn cựu binh Lê Hữu Thảo, người đồng đội đã vớt xác chồng bà về, đem vào đất liền.
Cho đến cuối cùng sự sống chết, những người liệt sĩ ấy vẫn mong trở về đất mẹ thương yêu. Các anh có hy sinh vì lẽ gì, ở đâu, cũng mong quay trở về xuôi mắt an nghỉ. Vết đạn có bắn thủng da thịt cũng chỉ hy vọng được lành lặn phần nào để trở về quê hương, dù chỉ là những ngôi mộ gió.
Và đó, là tình yêu đất nước.
Sau bài viết, tôi nhận được nhiều lời hỏi thăm của bạn bè, nhiều đứa chưa hề biết đến sự kiện Gạc Ma 1988. Tôi rùng mình, những người trẻ như tôi đã biết gì về dân tộc này, chúng tôi hiểu gì về những cuộc chiến? Chúng tôi nhận thức gì từ lịch sử ngoại trừ những cơn ngủ gục đổ dài suốt những tiết học? Và, lòng yêu nước trong tôi nó tựu hình từ đâu nếu không phải từ những giọt nước mắt của những người ở lại, những nhân chứng sống cho nỗi đau lịch sử không thể chối bỏ.
Lúc ấy, tôi đã nghĩ, giá như mình có thể khắc tạc gương mặt gào khóc ấy, trong sự kiện nhớ về Gạc Ma 1988 để trưng biện trong chính bảo tàng xúc cảm của mình. Cũng như tấm ảnh cô bé Napalm mà nhiếp ảnh gia Nick Út đã chụp trong vụ dội bom của quân VNCH năm 1972, chỉ cần một khoảnh khắc ta bắt chụp được sự việc, hiện thực về lịch sử ấy sẽ đóng đinh trong lòng người mà không có sách vở thuộc lòng nào lật đổ được.
Cho mãi về sau này, khi ai đó nhắc đến Gạc Ma, vòng tròn bất tử, Hoàng Sa – Trường Sa, trong đầu tôi lại hiện lên gương mặt gào khóc của người vợ ấy. Sự xúc động nuôi dưỡng những mối quan tâm của tôi về đất nước, nhắc nhở tôi nhớ về một sự kiện bị buộc trong im lặng. Phải nhiều năm về sau, những con người hứng chịu vết cắt lịch sử ấy mới có thể bật khóc trên sóng truyền hình, trên mặt báo chí.
Giọt nước mắt đau thương, mất mát vẫn chảy tràn qua ba thế hệ ở lại
|
Vậy mà những con người ấy vẫn yêu đất nước này. Chị Trần Thị Thủy – con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương và anh Nguyễn Tiến Xuân – con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong - cả hai đều 28 tuổi, đều đang công tác tại Lữ đoàn 146 – chính lữ đoàn 28 năm trước hai người bố đã nắm chặt tay nhau đổ xuống trước nòng súng quân Trung Quốc.
Thủy – nghĩa là nước, cái tên được đặt như tưởng nhớ về biển cả, nơi ôm vào lòng một người chồng, người cha đã hy sinh khi trong tay còn cầm chặt ngọn cờ Tổ quốc.
Đó, cũng là tình yêu đất nước.
Tôi không chắc quê hương, cội nguồn sẽ là gì trong những trang sách mình đã được học, tôi chỉ biết lòng mình không thể bội phản với những nước mắt đã đổ xuống trong buổi lễ nguyện cầu hôm ấy.
Những người trẻ như tôi có thể sẽ không thấu suốt được tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Nhưng chỉ cần một khoảnh khắc nén chặt tất cả sự kiện lịch sử, như tôi đã trông thấy bức tranh liệt sĩ Trần Văn Phương máu ứ từ tim cầm lá cờ bảo vệ Gạc Ma và nước mắt của vợ con ông nấc nghẹn xuyên suốt 27 năm sau. Tất cả, đủ cứa thành một vết cắt dài sâu vào tâm thức, về tình yêu đất nước.
Tôi đã gom góp vào bảo tàng của chính mình gương mặt đầy nước mắt của bà Hoa, chị Thủy như một thứ ám ảnh về một sự kiện mang tên Gạc Ma – một thảm kịch mà người trẻ chưa hoặc ít biết đến.
Bùi Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét