Kỳ 2 (kỳ cuối): Pháo đài thành mồ chôn tập thể
Trưa 17/2/1979, cả thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) đã tràn ngập quân xâm lược Trung Quốc, các chốt đã bị phá hủy, chỉ còn Pháo đài Đồng Đăng vẫn trụ vững.
Chứng kiến cảnh bảo ngược hung tàn của địch, các cựu binh Nguyễn Duy Thực và đồng đội ánh mắt rực lửa căm thù. Ông và đồng đội đứng ở cửa pháo đài đồng thanh hô lớn: “Người Việt Nam không bao giờ biết quỳ gối, chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”.
700 con người cố thủ bên trong pháo đài Đồng Đăng thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, mặc cho phía ngoài kia, chúng ra rả bắc loa gọi hàng.
Lương thực chỉ còn là những khẩu phần ít ỏi. Nước không có, vì dòng suối gần đó đã bị quân Trung Quốc chặn mất. Chỉ còn mấy vũng nước đọng bẩn thỉu, đen ngòm trong pháo đài. Số nước ấy nhường cho những thương binh. Những người khỏe mạnh, chịu đói, chịu khát cầm cự.
Ông Thực tả lại cảnh thả mình lăn xuống chân đồi để thoát thân |
Ngày 18/2, quân ta vẫn kiên cường bám trụ những đường hào cạnh lối ra phía dưới chân pháo đài.
Bị thiệt hại nặng, quân Trung Quốc leo lên các mỏm núi xung quanh rồi từ đó dùng cối, đại liên cùng hỏa lực tầm xa khác bắn cấp tập, yểm hộ cho bộ binh tấn công. Nhưng khi bộ binh xông lên, chúng lại bị đánh bật, hết lớp này đến lớp khác.
Theo lời ông Thức, một đồng chí tiểu đội trưởng bị mảnh bộc phá văng gãy nát cánh tay, nhưng anh tự băng bó, tiếp tục chỉ huy chiến đấu.
Lần thứ hai, anh bị thương vào đùi. Mọi người muốn đưa vào trong hầm, nhưng anh kiên quyết: “Tôi còn đủ sức chiến đấu, các đồng chí đừng lo cho tôi”.
Một cửa hầm vào pháo đài Đồng Đăng bị Trung Quốc đánh sập bằng thuốc nổ |
Đến tối, lính Trung Quốc thổi còi thu quân lùi ra xa. Không gian trở lại yên tĩnh và bóng đêm nặng nề trùm xuống.
Những chiến sỹ thương vong được đưa vào bên trong pháo đài, nằm trong những căn phòng ẩm thấp. Địch bao vây 4 phía, không có cách nào đưa thương binh ra ngoài chữa trị được. Những xe cứu thương từ thị xã Lạng Sơn đưa lên, nhưng mới đến gần ga Đồng Đăng đã bị bắn cháy.
Những ngày tiếp theo, số lượng người thương vong ngày càng tăng lên. Pháo đài tối om và ngột ngạt bởi mùi tử khí, mùi máu me, tiếng trẻ con khóc không thành tiếng vì khát nước, khát sữa...
Một góc tàn tích Pháo đài Đồng Đăng |
Chúng đặt thuốc nổ giật sập cửa lối dẫn xuống tầng dưới, dùng lựu đạn cay thả xuống các lỗ thông hơi, dùng súng phun lửa vào các ngách hầm.
Đêm 22/2/1979, lương thực cạn kiệt, ông Thực cùng mấy chục con người đang ngồi quanh nồi cháo loãng cuối cùng dưới tầng 1, thì hai tiếng nổ khủng khiếp nối nhau, cả pháo đài rung chuyển.
Mùi thuốc nồng nặc, bụi bay mù mịt, cả mảng trần lớn ập xuống. Sức ép khiến nhiều người văng vào tường ngất xỉu. Tiếp đó, từng làn khói đen đặc, cay xè, cuồn cuộn ùa vào từng căn phòng trong pháo đài. Chúng đã dùng bộc phá đánh sập tầng một và xả khói độc vào trong.
Bản thân ông Thực cũng bị sức ép bộc phá ném văng vào tường. Khi hồi tỉnh, ông thấy đầu óc choáng váng, máu trào ra từ miệng, từ mũi, từ tai.
Qua ánh lửa, ông nhìn rõ những xác người co quắp, giãy giụa, tiếng trẻ con ho sặc sụa rồi lặng đi. Những tiếng kêu nấc lên cái rồi lịm dần. Tất cả dường như đã chết.
Đường lên Pháo đài Đồng Đăng |
Ra đến cửa hang, ông Thực không còn sức để đứng dậy nữa. Ông ôm súng lăn lông lốc xuống triền núi, mặc cho từng loạt đạn AK của lính Trung Quốc trên đỉnh đồi bắn xuống, cày nát phía sau lưng.
Phía dưới suối, xác lính Trung Quốc chết la liệt, tắc nghẽn cả dòng chảy, mùi tử khí bốc lên nồng nặc. Ông Thực ngụp lặn trong đám xác chết đó, chỉ chừa cái mũi lên để thở.
Mấy tiếng sau, khi tình hình đã lặng yên, nghĩ mọi người trong pháo đài không ai còn sống sót, ông men theo dòng suối tìm đường trở lại Sư đoàn.
Lúc về đến thị xã Lạng Sơn, gặp dân quân tuần tiễu, ông Thực chỉ kịp thều thào đọc mật khẩu rồi ngất xỉu. Tỉnh dậy trong bệnh xá, ông mới biết bị một mảnh lựu đạn găm vào đầu, cùng 2 viên đạn AK găm vào xương sườn.
Ông Thực xin được ở lại tiếp tục cầm súng chiến đấu, nhưng đề nghị của ông bị từ chối. Ông được chuyển về tuyến sau để chữa trị vì những vết thương quá nặng.
Hai tháng sau, khi ra viện, ông quay trở lại đơn vị cũ, thì chiến tranh biên giới cũng đã kết thúc.
Năm 1982, ông Thực ra quân về quê, xây dựng gia đình với người con gái đã hẹn thề trước khi ông lên đường nhập ngũ.
Giờ đây, khi cuộc chiến đã lùi xa hơn 36 năm nhưng nỗi ám ảnh về những ngày chiến đấu ở Pháo đài Đồng Đăng, về sự hy sinh của đồng đội, của người dân vô tội vẫn mãi đeo đẳng.
Những ngày tháng 2, dù còn đó những khó khăn, cực nhọc của cuộc sống mưu sinh, ông và đồng đội vẫn thăm lại chiến trường xưa, để được sống lại những ngày tháng hào hùng mà bi tráng 36 năm trước.
Đồng Đăng nay đã được tái thiết, những tòa nhà cao tầng sáng đèn tạo cảm giác về một điểm thương mại thịnh vượng nơi biên giới Tổ quốc.
Bên thị trấn sầm uất giao thương này, là pháo đài đổ nát hoang phế, là địa điểm tập trung hút chích của những con nghiện. Nhưng, những ký ức khốc liệt, oai hùng nơi pháo đài này sẽ mãi ám ảnh và hiện hữu trong tâm trí người cựu binh Nguyễn Duy Thực và những người từng cầm súng bảo vệ biên giới trong những ngày xung đột đầu tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét