Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Thực thi pháp luật bảo vệ môi trường - nhưng câu hỏi cần được trả lời

(TBKTSG) - Đã ba tuần trôi qua kể từ khi có hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung, các cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận chính thức ai là thủ phạm. Phải chăng do hệ thống khung pháp lý về bảo vệ môi trường của Việt Nam chưa được hoàn thiện nên các cơ quan quản lý không biết phải thực thi thế nào cho hiệu quả?
Trong Văn bản hỏa tốc số 2760/VPCP-KTN do Văn phòng Chính phủ ký ngày 22-4-2016, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các thông tin nêu tại bài viết Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng trên báo Thanh Niên liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung từ ngày 6-4-2016. Theo đó, nếu (bài báo) đúng, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đến chiều 23-4-2016, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong cuộc họp tại UBND tỉnh Hà Tĩnh đã “nhẹ nhàng” khẳng định đường ống xả thải ngầm dưới đáy biển của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đã được Bộ TN&MT cấp phép.
Đến ngày 26-4, cho dù thủ phạm phát tán nguồn ô nhiễm xuống biển làm cá chết hàng loạt vẫn chưa được xác định, nhưng vụ việc này cũng đã làm lộ ra nhiều vấn đề bất cập trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tưởng rằng với hệ thống khung pháp lý về bảo vệ môi trường chặt chẽ như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có đầy đủ căn cứ, công cụ để thực thi công tác quản lý môi trường, làm nền tảng cho phát triển bền vững đất nước. Tưởng rằng với quy định công khai thông tin và tham vấn cộng đồng một cách chi tiết, cộng đồng dân cư và giới truyền thông dễ dàng nắm bắt thông tin về hiện trạng môi trường đang diễn ra tại Formosa nói riêng cũng như các dự án đang xả nước thải ra môi trường nói chung. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Theo báo Thanh Niên ngày 24-4-2016, ông Võ Tuấn Nhân cho biết, ngày 16-7-2014, Formosa có văn bản đề nghị cấp phép xây dựng đường ống xả thải từ nhà máy ra biển dài 1.300 mét, đường kính 1,2 mét, cách mặt nước biển 12 mét. Ngày 26-8-2014, Bộ TN&MT có công văn chấp thuận (cho Formosa lắp đường ống xả ngầm xuống biển). Vì sao Bộ TN&MT cấp phép xả thải mà chính Tổng cục Môi trường không biết, khi ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, khẳng định: “Đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển” khi trả lời báo Thanh Niên ngày 22-4-2016? Vì sao Bộ TN&MT cấp phép xả thải mà Đồn Biên phòng Đèo Ngang cũng như người dân trong khu vực dự án không biết? Buổi làm việc của đoàn công tác Tổng cục Môi trường với Formosa ngày 22-4-2016 và với UBND tỉnh Hà Tĩnh sáng 23-4-2016 vì sao diễn ra trong vòng “bí mật”, báo chí không được phép tham dự?
Theo quy định pháp luật hiện hành, chính Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối quản lý và thực hiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường, trong đó có nêu rất rõ các yêu cầu về công khai thông tin và tham vấn ý kiến cộng đồng.
Nhưng dường như các quy định này đã không được tuân thủ. Chưa hết, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, còn khẳng định trên báo Thanh Niên ngày 23-4-2016 là hiện nay các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT vẫn đang kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường của Formosa theo phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của công ty này và sau bước kiểm tra này, bộ mới có công nhận Formosa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải.
Trong lúc chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường để được phép hoạt động như vậy, Formosa đã đưa vào vận hành tổ máy đốt than số 1, lò luyện cốc số 1 và hệ thống xử lý nước thải 12.000 mét khối/ngày. Chẳng lẽ các cơ quan quản lý không biết chuyện này.
Ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận An toàn vệ sinh môi trường của Formosa, trao đổi với VietNamNet ngày 21-4-2016 rằng tất cả các địa điểm xả thải và ống xả thải ở Formosa đều được quan trắc bằng hệ thống quan trắc tự động, gửi thông tin về máy chủ hàng ngày, và nước thải này đều đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT Việt Nam.
Thế thì, vì sao kết quả quan trắc môi trường trước và trong khi xảy ra vụ cá chết tại khu vực Nhà máy Formosa không được công khai để chứng minh rằng nước thải Formosa đã được xử lý đạt tiêu chuẩn. Đến đây cũng cần nhắc lại rằng đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường do ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, làm trưởng đoàn đã đến làm việc với các cơ sở khu vực Vũng Áng từ ngày 15-4-2016, nhưng thời điểm này (ngày 25-4-2016) cũng không có một thông tin nào về kết quả quan trắc nước thải trên hệ thống quan trắc tự động của Formosa được đưa ra, dù kết quả này có thể cũng cần phải được kiểm chứng độc lập.
Có lẽ đến lúc này, để làm rõ sự việc, Bộ TN&MT nên công khai tất cả hồ sơ giấy phép mà bộ đã thẩm định và phê duyệt cho Formosa, ngoài ra bộ cũng nên công khai hiện nay cả nước có bao nhiêu cống ngầm đang thải xuống biển như của Formosa đã được cấp phép để người dân kiểm tra, giám sát.
Việt Nam đã và đang phát triển tám khu kinh tế ven biển, gần 300 khu công nghiệp, cùng với hàng chục trung tâm nhiệt điện có yếu tố nước ngoài trải dài ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, liệu có ai đảm bảo rằng những sự cố hay thảm họa môi trường do việc xây dựng và vận hành những cơ sở này sẽ không xảy ra? Và nếu có sự cố hay thảm họa môi trường xảy ra, làm sao ai dám đảm bảo rằng các cơ quan chức năng đủ năng lực để tìm nguyên nhân, ứng phó hay khắc phục, giải quyết hậu quả, hạn chế tối đa thiệt hại?
Đâu là cơ sở pháp lý về môi trường để các dự án công nghiệp quy mô lớn hoạt động?
Về cơ bản, theo pháp luật của Việt Nam, để đưa một dự án công nghiệp quy mô lớn đi vào xây dựng và vận hành, chủ đầu tư cần tuân thủ những yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
1. Được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo Luật Bảo vệ môi trường. Theo quy mô dự án Formosa ở Hà Tĩnh, Bộ TN&MT là đơn vị tổ chức thẩm định và phê duyệt ĐTM;
2. Phải thực hiện những nội dung trong báo cáo ĐTM được phê duyệt và được xác nhận đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Các dự án được phê duyệt ĐTM trước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 55/2014/QH/13 có hiệu lực (ngày 1-1-2015), trong đó có dự án Formosa, thì được áp dụng theo Luật Bảo vệ môi trường 52/2005/QH/11 (điều 23, khoản 1) với các yêu cầu sau:
(a) Báo cáo với UBND nơi thực hiện dự án về nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM;
(b) Niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án (Khu Kinh tế Vũng Áng) về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát;
(c) Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo ĐTM và các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM;
(d) Thông báo cho cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM (Bộ TN&MT) để kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM;
(e) Chỉ được đưa công trình vào sử dụng sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền (Bộ TN&MT) kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đầy đủ yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
3. Phải được cấp giấy phép xả thải, theo Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, với các yêu cầu sau:
(a) Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước (điều 2, khoản 1d, Nghị định 201): Công trình xả nước thải vào nguồn nước có công suất 10.000 mét khối/ngày trở lên (Formosa đang xả thải 12.000 mét khối/ngày).
(b) Công khai thông tin (điều 3, khoản 1b, Nghị định 201): Chủ dự án phải công bố công khai các thông tin sau đây:
• Loại nước thải
• Nguồn tiếp nhận nước thải
• Vị trí xả nước thải
• Lưu lượng, phương thức xả thải
• Giới hạn thông số và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải.
(c) Việc công khai thông tin được thực hiện theo các hình thức sau đây (điều 3, khoản 2a-2b, Nghị định 201): Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của UBND huyện và trang thông tin điện tử của UBND tỉnh. Ba mươi ngày làm việc trước khi khởi công và trong suốt quá trình xây dựng công trình, chủ dự án phải niêm yết công khai các thông tin trên tại UBND huyện, UBND xã và tại địa điểm nơi xây dựng công trình.
4. Với đặc điểm là một khu liên hợp hoạt động như một khu công nghiệp, Formosa Hà Tĩnh phải tuân thủ các yêu cầu có liên quan trong Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT ngày 30-6-2015 về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu công nghệ cao với các yêu cầu sau đối với nước thải:
(a) Điểm xả thải của hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung tại nguồn tiếp nhận phải bố trí bên ngoài hàng rào khu công nghiệp, có biển báo, có sàn công tác diện tích tối thiểu là một mét vuông và có lối đi để thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thải (điều 8, khoản 1c);
(b) Nhà máy XLNT tập trung KCN phải bảo đảm có hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với các thông số: lưu lượng nước thải đầu ra, pH, nhiệt độ, COD, TSS và một số thông số đặc trưng khác trong nước thải của KCN trước khi thải ra nguồn tiếp nhận theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Hệ thống quan trắc tự động phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật kết nối để truyền dữ liệu tự động, liên tục về sở TN&MT địa phương (điều 8, khoản 3b);
(c) Từng đơn nguyên hoặc nhà máy xử lý nước thải tập trung phải vận hành thường xuyên theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt, bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có nhật ký vận hành được ghi chép đầy đủ, lưu giữ để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra (điều 9, khoản 3a);
(d) Thiết bị đo lưu lượng nước thải đầu vào, thiết bị quan trắc tự động duy trì hoạt động 24/24 giờ và truyền dữ liệu tự động, liên tục về sở TN&MT địa phương (điều 9, khoản 3b).

Đăng Nguyễn
Thứ Sáu,  29/4/2016, 15:32
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/145600/Thuc-thi-phap-luat-bao-ve-moi-truong---nhung-cau-hoi-can-duoc-tra-loi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét