10/05/2016 - 21:39 PM
Bên cạnh đề nghị cần bổ sung ngay vào Luật Môi trường điều khoản về quyền giám sát môi trường của người dân, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặt vấn đề: có việc tham nhũng hay không khi cho Formosa xả thải ra biển qua đường ống ngầm?
Nội dung này được nêu ra tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức tại Hà Nội, vào sáng nay, ngày 10.5.
Có hay không việc tham nhũng?
Với việc cho Formosa xả thải ra biển bằng đường ống ngầm, thay vì xả thải ra sông Quyền theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt vấn đề tại hội thảo: chúng ta có quyền ngờ rằng có tham nhũng ở đây hay không?
GS Võ phân tích, rõ ràng hệ thống giám sát kiểm tra, thanh tra môi trường đang có vấn đề lớn. Chấp nhận đường ống xả thải ra sông Quyền và chấp nhận đường ống xả thải ra biển là hai tư duy hoàn toàn khác nhau. Bởi xả thải ra biển nguy hiểm hơn ra sông Quyền. Xả thải ra sông Quyền thì ta còn kịp có giải pháp ngăn lại, còn xả thải trực tiếp ra biển thì nếu có sai lầm ta không dừng được.
Theo đó, câu chuyện giám sát kiểm soát kiểm tra, thanh tra và quan trắc môi trường ở Việt Nam không chỉ thiếu mà còn thiếu mang tính hệ thống. Gần đây nhất, từ sự việc Formosa Hà Tĩnh, bây giờ chúng ta mới đặt ra yêu cầu kết nối nguồn nước xả thải với Sở tài nguyên môi trường, còn trước đây họ xả cái gì chúng ta không biết.
Như vậy, câu chuyện giám sát kiểm tra thanh tra kiểm soát môi trường đặt ra khá chu đáo, nhưng thực hiện qua thực tế có thể thấy rất rời rạc. Gần như không có kết nối giữa trung ương với địa phương và địa phương với cơ sở gây ô nhiễm, việc kiểm tra thường xuyên không có. Quá trình này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đang thể hiện sự thiếu trách nhiệm của mình trong sự việc xảy ra khá nghiêm trọng vừa qua.
Theo GS Võ, tham nhũng trong môi trường gây ra hậu quả cực kì lớn. Chúng ta hay con cháu chúng ta sẽ phải trả giá rất nhiều đối với việc ngày nay chúng ta để sơ hở chỉ vì tham một ít đồng tiền.
GS Đặng Hùng Võ đang phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Niên
Phát triển thiếu quy hoạch
Quy hoạch là điều lúng túng nhất của Việt Nam. Việc xây dựng Luật Quy hoạch từ ngày đầu tiên đến nay Chính phủ vẫn chưa thông qua để trình Quốc Hội. Luật Bảo vệ môi trường đưa ra quy hoạch môi trường là một thành phần và nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Nhưng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đã làm gì để quy hoạch môi trường chưa?
Thì câu trả lời là chưa làm gì cả.
Quy hoạch cả nước hiện nay có khoảng 15 khu kinh tế ven biển nhưng hệu quả phát triển rất thấp. Các khu kinh tế có một đặc điểm là mới thiên về phát triển kinh tế. Hay nói cách khác, ta cho phát triển các loại công nghiệp trong các khu kinh tế với một ý định chiều theo nhà đầu tư, mà chưa đề cập đến khâu bảo vệ môi trường tương ứng với khu kinh tế ven biển. Đặc biệt là các nhà máy lọc dầu hiện nay đều nằm ở ven biển (xả thải của nhà máy lọc dầu rất lớn). Công nghiệp thép, nhiệt điện đều để ở ven biển - tất cả những nơi nguồn xả thải ảnh hưởng trực tiếp đến nước đều nằm ở ven biển.
Việt Nam hiện có 299 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế biển (trong các khu kinh tế có thể gồm nhiều khu công nghiệp), 12 nhiệt điện than (và có thể có thêm 50 cái nữa trong tương lai), chưa kể nguồn thải nông nghiệp, sinh hoạt. Chất thải ra sông rồi ra biển. Không kiểm soát được ô nhiễm thì sông và biễn sẽ chết!
|
Điều này cho thấy quy hoạch chưa đầy đủ. Mới cân nhắc về lợi thế kinh tế nóng lòng phát triển kinh tế nhiều hơn, chứ chưa cân nhắc về yếu tố giải pháp môi trường. Chúng ta biết môi trường cũng là vấn đề lớn nhưng có thể vì chưa biểu hiện gì lớn, nên chúng ta chưa có ý thức về thảm họa môi trường, mà coi như việc đã rồi.
Cần đưa vào luật quyền giám sát môi trường của người dân
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc cần có sự tham gia của tổ chức xã hội dân sự, của người dân trong giám sát môi trường.
“Vấn đề là chúng ta để cửa nào cho người dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình, các tổ chức dân sự tham gia vào quá trình giám sát?”, GS Võ nói.
Hiện nay trong pháp luật của Việt Nam chỉ có duy nhất luật đất đai có một điều cho phép người dân giám sát trực tiếp, còn các luật khác (kể cả luật môi trường) không có điều luật này.
Môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân chúng ta chấp nhận cho người dân trực tiếp giám sát thì tại sao luật bảo vệ môi trường lại không có điều cho người dân trực tiếp tham gia giám sát.
Vì vậy, lúc này đã cần mở ra một cửa để người dân được tham gia trực tiếp giám sát trong lĩnh vực môi trường. Quốc Hội nên bổ sung ngay điều này vào bộ luật bảo vệ môi trường vừa được thông qua. Điều này là quan trọng, bởi tai mắt của người dân là rất quan trọng.
Cần rà soát, nghiên cứu lại ngay tiêu chuẩn xả thải
Cho rằng tiêu chuẩn môi trường về xả thải có lẽ hơi thấp, GS Võ nhấn mạnh: đã đến lúc chúng ta phải đưa tiêu chuẩn môi trường lên đúng mức với mức đánh đổi trong giai đoạn hiện nay. Điều này cũng có nghĩa là cần rà soát, xem xét lại và nghiên cứu kỹ lưỡng tiêu chuẩn môi trường nói chung và tiêu chuẩn xả thải, để phù hợp trong các giai đoạn và trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam. Không thể như trước đây, vì để kêu gọi đầu tư, tiêu chuẩn môi trường được xây dựng phù hợp.
Lệ Quyên – L.Q
http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/tin-tuc-thoi-su-noi-bat/3436/co-tham-nhung-hay-khong-khi-cho-formosa-xa-thai-ra-bien-.ndt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét