Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Tổ Quốc Trên Hết


Tổ quốc là sức mạnh

(GDVN) - Trung thành với Tổ quốc sẽ không bị ràng buộc bởi đảng phái, phe cánh, sẽ không bị chi phối bởi những lợi ích nhỏ nhen hay những toan tính thấp hèn.

Chiều ngày Thứ Sáu 15/1, Quốc hội khóa 13 của Cộng hòa Singapre đã khai mạc phiên họp đầu tiên với 91 Nghị sĩ, theo The Straits Times. 
Trong phiên họp đầu tiên này, các Nghị sĩ Quốc hội khóa mới tiến hành một nghi lễ quan trọng, trước khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật nhà nước Cộng hòa Singapore.
Đó là tất cả các Nghị sĩ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc Singapore. Đây là một việc hệ trọng đảm bảo Quốc hội Singapore là cơ quan đại diện cho ý chí của người dân và quyền lực của nhân dân Singapore. 
Trung thành với Tổ quốc sẽ không bị ràng buộc bởi đảng phái, phe cánh, sẽ không bị chi phối bởi những lợi ích nhỏ nhen hay những toan tính thấp hèn. 
Các Nghị sĩ Quốc hội Singapore Tuyên thệ trung thành với Tổ quốc. Ành: The Straits Times.
Việc thể hiện lời thề về lòng trung thành với Tổ quốc là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của chế độ chính trị tại Cộng hòa Singapore. Có thể xem đây là cội nguồn cho đoàn kết dân tộc và từ đó làm nên những kỳ tích của đảo quốc này.
Việc đặt ra nguyên tắc Nghị sĩ Quốc hội thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc trước khi thực hiện vai trò của mình là ý tưởng tuyệt vời, đồng thời cũng là một trong những đóng góp quan trọng của cố Thủ tướng huyền thoại Lý Quang Diệu đối với việc hoàn thiện thể chế chính trị tại Singapore. 
Tổ quốc là sức mạnh
Cũng cần nhắc lại rằng, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu thời đi học luôn là người đứng đầu trong các kỳ thi và các khóa học mà ông tham gia. Ông theo học Luât tại Đại học nổi tiếng Cambridge của nước Anh.
Là một luật sư tài năng, ông có đủ tầm nhận thức và đủ lượng kiến thức để tìm được những gì tiến bộ nhất của các quốc gia trên thế giới để vận dụng vào thực tế tại đất nước mình.
Trong những giá trị của văn minh nhân loại mà ông Lý Quang Diệu chắt lọc được, có những nguyên tắc trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo pháp huy tốt nhất sức mạnh của chế độ chính trị cho sự phát triển của đất nước Singapore nhỏ bé và khó khăn. Và ông đã đúng khi mang lại thành công cho đảo quốc này.
Là người được giao quyết định vận mệnh quốc gia trong những thời điểm khó khăn nhất, khi người dân đất nước này còn chưa hiểu được đâu là biểu trưng của Tổ quốc mình, vì vậy ông Lý Quang Diệu xác định nhiệm vụ của mình là phải phát huy sức mạnh của đoàn kết xã hội.
Có lẽ ông Lý Quang Diệu nhận thấy, sự thiêng liêng của Tổ quốc là khởi nguồn quan trọng nhất quy tụ tình đoàn kết dân tộc để tạo nên sức mạnh quốc gia.
Với thể chế chính trị của Cộng hòa Singapore, việc công dân tham gia ứng cử để trở thành ứng cử viên, rồi thực hiện tranh cử để thắng cử  - được bầu là những người đại diện cho ý nguyện và quyền lực của nhân dân, sẽ gây nên những chia rẽ, mâu thuẫn trong quá trình ấy. 
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên thệ trung thành với Tổ quốc. Ảnh: The Straits Times.
Bởi lẽ, trong chính trị là có tổ chức, có đảng phái, nghĩa là khởi phát của hoạt động chính trị là có mâu thuẫn. Vì vậy sẽ có thủ đoạn, thủ thuật, nghệ thuật trong quá trình tiệm cận quyền lực. Lợi ích đảng phái sẽ là yếu tố chi phối trực tiếp nhất những cá nhân – những ứng cử viên – trong quá trình khẳng định mình là người phù hợp nhất đại diện cho quyền lực của nhân dân.
Khi kết thúc quá trình tranh cử bằng một cuộc bầu cử có kết quả thì cũng là lúc xã hội bị ảnh hưởng bởi mâu thuẫn cá nhân, tổ chức, đảng phái – tức là quyền lực nhân dân bị phân tán, sức mạnh quốc gia bị suy giảm. Điều đó cũng có nghĩa một cơ quan quyền lực hình thành sau mỗi kỳ bầu cử luôn chứa đựng những chia rẽ, mâu thuẫn nội tại.
Vậy làm sao phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc – đó là yêu cầu đặt ra cho những người nắm giữ vận mệnh quốc gia như ông Lý Quang Diệu. Và ông đã tìm được cách thức tốt nhất để đáp ứng yêu cầu đó bằng cách xây dựng nên nguyên tắc: Tuyên thệ trung thành với Tổ quốc. Từ đây Tổ quốc trở thành quyền năng, sức mạnh của chế độ.
Nếu tất cả vì Tổ quốc – Tổ quốc là trên hết thì những mâu thuẫn chính trị gần như sẽ bị xóa nhòa và điều đó làm cho người ta có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Người ta cống hiến trong niềm tự hào thì đương nhiên sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
“Đây là một nghi thức long trọng và trang nghiêm. Chúng tôi cam kết trung thành và vinh dự thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi để phục vụ người dân Singapore bằng khả năng tốt nhất của mình.
Nghị viện là nơi diễn ra những tranh luận và thông qua những đạo luật, liên quan đến những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân và đất nước chúng tôi”, The Straits Times dẫn lời bà Amy Khor, một Nghị sĩ Quốc hội Singapore nói sau lễ tuyên thệ.
Dư luận hay nói màu cờ sắc áo làm nên sức mạnh trong các hoạt động đua tranh giữa các quốc gia về nghệ thuật và khoa học. Trong chính trị điều ấy cũng tạo nên sức mạnh không kém. Và cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã vận dụng thành công điều đó trong việc xây dựng nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước tại Cộng hòa Singapore.
Một cơ chế kiểm soát quyền lực tuyệt vời
Khi tuyên thệ trung thành với Tổ quốc thì cũng đồng nghĩa là trung thành với lợi ích của nhân dân vì Tổ quốc là của tất cả người dân. Khi người ta đi ngược lại lời tuyên thệ trung thành nghĩa là người ta phản bội Tổ quốc – đó là phạm tội hình sự.
Lúc nàocác Nghị sĩ Quốc hội làm việc đúng với trách nhiệm và vai trò là người đại diện quyền lực của nhân dân thì lúc đó cuộc sống diễn ra bình thường và xã hội bình yên. Khi người ta có ý định vi phạm pháp luật thì xã hội có mầm mống của nguy cơ bất ổn.
Nhưng làm sao phát hiện và ngăn chặn sớm được điều ấy? Bởi lẽ nếu lúc phát hiện được thì nó cũng đã cấu thành tội phạm, nghĩa là việc ngăn chặn đã thất bại.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu – người góp công lớn cho việc xây dựng hệ thống pháp luật tại Cộng hòa Singapore. Ảnh: The Straits Times.
Song việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc trước khi nhận nhiệm vụ đã là một sự tiết chế đối với tham vọng của cá nhân, hình thành nên một rào cản vô hình, hướng suy nghĩ và hành động của con người ta vào sự thiêng liêng của Tổ quốc. Một cơ chế tự kiểm soát đã hình thành ngay trong từng con người đại diện cho quyền lực của nhân dân.
Một Nghị sĩ Quốc hội có thể có lỗi với đảng phái chính trị của mình vì có nhiều lợi ích của đảng phái không phải là lợi ích của đất nước.
Một Nghị sĩ Quốc hội có thể có lỗi với người dân ở nơi mà mình đại diện – đơn vị bầu cử - vì lợi ích vùng miền trong nhiều trường hợp không hoàn toàn tương đồng với lợi ích quốc gia.
Một Nghị sĩ Quốc hội có thể có lỗi với chính quyền vì nhiều khi lợi ích của chính quyền không hoàn toàn là lợi ích dân tộc.
Tuy nhiên, một Nghị sĩ Quốc hội chỉ có lỗi với Tổ quốc nếu không trung thành. Như vậy, với nguyên tắc tuyên thệ thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc của từng Nghị sĩ Quốc hội, tất cả những lợi ích mang tính cục bộ địa phương hay bè phái, đảng phái chính trị đều không thể chi phối đến việc họ thực quyền và nghĩa vụ đại diện cho quyền lực của nhân dân.  
Cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá thành công hay thất bại của một Nghị sĩ Quốc hội trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình phải là lòng trung thành với Tổ quốc, với quyền lợi của nhân dân, sau đó mới tới giá trị của những ý kiến, sáng kiến của họ trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc đã được thực hiện tại nhiều quốc gia, nhưng chỉ áp dụng cho những người đứng đầu các cơ quan quyền lực nhà nước, chẳng hạn như Tổng thống, Thủ tướng…, chứ không phải áp dụng với tất cả những Nghị sĩ dân bầu. Điều đó chứng tỏ không có sự bình đẳng. Ở Singapore, điều đó đã được khắc phục.
Ở Mỹ - quốc gia có trình độ cao về xây dựng pháp luật – sẽ không thể xảy ra tình trạng chính phủ phải ngưng hoạt động vì thiếu ngân sách chi cho hoạt động của bộ máy hành pháp, nếu tất cả các Nghị sĩ và Dân biểu hai viện Quốc hội Mỹ đều tuyên thệ trung thành với Tổ quốc. Bởi lẽ nguyên nhân chính phủ của Tổng thống Obama phải ngưng hoạt động là do mâu thuẫn đảng phái chính trị.gây ra.
Trung thành với Tổ quốc không chỉ là vấn đề liên quan đến an ninh chính trị hay chủ quyền quốc gia như nhiều người hay giới hạn phạm vi của khái niệm này. Trung thành với Tổ quốc còn liên quan đến cơ chế đảm bảo lợi ích của nhân dân. Vì vậy, những hành động làm phương hại đến vấn đề này đều bị xem là hại dân hại nước.
Người dân Singapore ngày nay tự hào về một đất nước Singapore phát triển và phồn vinh, người dân có mức sống cao và xã hội khá ổn định. Đó là những thành quả của sự đoàn kết xã hội, của những chính sách hợp thời của chính phủ và của trí tuệ và tâm huyết của nhà lãnh đạo lập quốc Lý Quang Diệu.
Tổng thống Singapore Tony Tan phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, khóa 13 của Quốc hội nước Cộng hòa Singapore. Ảnh: The Straits Times.
Tuy nhiên, tất cả những thành quả ấy chỉ có được khi nhà nước Cộng  hòa Singapore xây dựng được một cơ chế hoạt động ổn định, đảm bảo mọi thành quả đạt được trong xây dựng đất nước phải được lưu giữ, tạo nên nền tảng cho xã hội tương lai.
Để làm được điều ấy thì việc hoàn thiện thể chế - cơ chế thực hiện quyền lực nhân dân – là một trong những yếu tố quan trọng nhất.
Một thể chế chính trị khó có thể gọi là hoàn thiện nếu nó không được xây dựng và vận hành bắt đầu từ lòng trung thành với Tổ quốc của những người tham gia vào việc khẳng định tính ưu việt của thể chế ấy, cũng chính là tính ưu việt của chế độ chính trị - vì Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân. 
"Đây là thành quả trong 50 năm, chính quyền đất nước chúng ta được hình thành và thực hiện những chính sách hợp lý để cải thiện cuộc sống của mọi người dân. Chúng ta đã có nền chính trị tốt vì các chính sách của chúng ta đều hướng tới việc đáp ứng lợi ích cho tất cả mọi người.
Chúng ta đã có những chính sách tốt vì chế độ chính trị của chúng ta được mở rộng không gian chung trong hoạt động", The Straits Times dẫn lời Tổng thống Singapore Tony Tan trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, khóa 13 của Quốc hội Singapore. 
Từ việc Nghị sĩ Quốc hội Singapore thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc trong một nghi lễ trang trọng trước khi bắt đầu một nhiệm kỳ hoạt động của mình, có thể thấy rằng Singapore không thể trở thành một hình mẫu cho nhiều quốc gia trên toàn thế giới về thành công trong xây dựng đất nước, nếu sự trung thành với Tổ quốc không là nền tảng nhận thức của những con người đại diện cho ý nguyện và quyền lực của nhân dân.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét