ĐÀO HIẾU – Những vùng đất chó ỉa
Chuyện mua bán trong xã hội là một sinh hoạt rất cần thiết vì nó giúp lưu thông hàng hóa, phục vụ cho đời sống hàng ngày. Đất đai cũng là hàng hóa vì vậy việc mua bán đất cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên chính vì luật đất đai ở Việt Nam hiện nay quy định người dân không được quyền sở hữu đất, kể cả đất mình đang ở, đang canh tác, kể cả đất do ông bà tổ tiên để lại. Chính vì vậy mà dân không được quyền “bán đất”, không có quyền “ra giá” mà cũng không có quyền từ chối bán đất nếu khu đất đó đã “dính” quy hoạch.
Từ đó đẻ ra những tranh chấp quyết liệt: ẩu đả, kêu khóc, nguyền rủa, biểu tình, đàn áp…nhiều khi phải đổ máu, chết người, tù tội…
*
Tất nhiên một khu đất “chó ỉa”, một khu đất “không ai thèm mua” bây giờ có người mua đương nhiên họ phải trả giá rẻ.
Nhưng thế nào là “đất chó ỉa”?
Đất của Đoàn Văn Vươn có phải là “đất chó ỉa” không? Đất ở Tây Nguyên cho Trung Quốc vào khai thác bauxite, những mỏ than ở Hòn Gai, mỏ ti-tan ở Bình Định cũng từng là “đất chó ỉa”. Những cánh đồng cỏ lát ngập úng quanh năm ở Nhà Bè (nay là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng) chẳng phải cũng từng là đất chó ỉa đó sao?
Vậy vì cớ gì mà các nhà đầu tư nước ngoài tranh nhau đi lượm cứt chó vậy?
*
Cứ cho là anh phải bỏ ra một số tiền lớn gấp 10 lần tiền mua đất để xây dựng đường sá, công viên, hệ thống thoát nước… Nhưng rồi sau đó là gì? Là anh sẽ bán lại số đất đó với giá gấp 100 lần. Như vậy anh cũng còn lời đến 90 lần giá mua ban đầu.
Lấy ví dụ khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 TPHCM. Công ty Central Trading & Development của Đài Loan phối hợp với chánh quyền địa phương thực hiện việc giải tỏa đền bù và xây dựng cơ bản. Họ đã mua đất của nông dân với giá 19.000 VNĐ một mét vuông, sau khi xây dựng cơ bản xong mỗi mét vuông đất cứ cho là sẽ tăng gấp 10 lần là 190.000 VNĐ. Vậy mà cách đây chừng 5 năm giá đất ở Phú Mỹ Hưng là 60.000.000 VNĐ một mét vuông.
Đó là siêu lợi nhuận.
Anh mua một khu đất mà anh biết là mình sẽ lời gấp trăm lần, vậy mà anh không đền bù thích đáng cho người nông dân, khiến họ phải tiếp tục sống đời nghèo khổ lầm than thì tôi phải nghĩ anh là người như thế nào?
Chúng ta ai cũng muốn nhìn thấy đất nước phát triển, nhà cao tầng mọc lên, khu đô thị mới mọc lên… nhưng anh không thể nhân danh “khu đô thị mới” không thể nhân danh “xây dựng đất nước” để ăn hiếp dân nghèo.
Dân số Phú Mỹ Hưng có 40% là người nước ngoài bao gồm: Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Tàu… và đông nhất là Hàn Quốc. 60% còn lại là những cán bộ giàu có người Việt và những đại gia người Việt. Dân thường không dám mơ tới đó.
Hàng ngày chúng ta nhìn ngắm khu đô thị ấy với sự thán phục và ngưỡng mộ, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi: những người chủ của các vùng đất “chó ỉa” này bây giờ đang sống ở đâu, sống ra sao?
Các khu đô thị ấy đã mọc lên trong nước mắt, trong sự bất công, trong cưỡng chế, trong xua đuổi, trong những chiếc còng số 8, trong nhà tù và trong cả dùi cui, ma-trắc…
Cho nên thực tế xây dựng đất nước hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn khác và không hề đơn giản như cụ Phan Bội Châu từng viết ở cái thời xa lắc xa lơ nào:
“Nếu như mà lầu cao muôn trượng xây rồi thì sao trời, trăng biển bên cửa sổ ngắm như ở trong bàn tay, khí mát gió trong vờn quanh dưới gót. Ngạo nghễ nơi cửa cao ghế đá mà nhìn thấy được ba đảo năm châu, sướng biết chừng nào! Được như vậy mà ban đầu không chịu phí tổn, trù hoạch, khó nhọc thì thành sao được? Bây giờ nói đến việc làm những công trình lớn lao như thế sao lại cúi đầu thất sắc? Vì chưa biết rằng sau khi lầu cao đã xây rồi là sướng đó thôi! Biết sau này có sự ngọt bùi khôn cùng, thì cái cay đắng hôm nay phải chịu đựng chỉ là cái điểm tiến tới cái ngọt bùi đó, ta nguyện nếm cái cay đắng ấy. [Phan Bội Châu “Tân Việt Nam – Sáu điều mong mỏi lớn“ Võ Văn Sạch dịch (ProContra).]
Tội nghiệp cho cụ Phan, thời đó cụ không hề biết rằng chỉ sau hơn 100 năm trên cái thế giới đốn mạt này lại đẻ ra những “sát thủ kinh tế” (Economic Hit Man) kiểu như John Perkins chuyên đi gạ gẫm chính quyền các nước chậm tiến để cho vay nặng lãi, gây ra biết bao cảnh nhà tan cửa nát cho dân nghèo.
*
Người Việt Nam nào cũng ủng hộ việc xây dựng các công trình, các khu đô thị, các hệ thống đường sá hiện đại vì đó là xu thế phát triển không thể đảo ngược được. Và việc mua lại đất của nông dân, biến những vùng “đất chó ỉa” thành những đô thị hiện đại là điều tất yếu.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất, cốt lõi nhất mà nhà nước phải giải quyết là GIÁ ĐỀN BÙ GIẢI TỎA PHẢI HỢP LÝ để cho người nông dân có thể xây dựng cuộc sống mới an cư lạc nghiệp.
Mà muốn như vậy thì nhà nước phải đứng về phía nông dân (chứ đừng đứng về phía các nhà đầu tư như hiện nay).
Và phải sửa luật đất đai.
Người dân phải có quyền sở hữu đất đai thì mới có quyền “bán đất”. Khi có quyền đó rồi thì mới có quyền “ra giá” và có quyền từ chối bán đất nếu không công bằng, tránh được việc dùng vũ lực cưỡng chế.
Đất “chó ỉa” hay đất “đại gia ỉa” thì cũng là đất. Mà đất là vàng. Không phải là cứt.
ĐÀO HIẾU
(Trích tác phẩm Mặt Đất Vẫn Còn Rung Chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét