Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Bình Tĩnh Sống

Dân trí) - “Bình tĩnh sống” là thái độ đàng hoàng của người dân nghèo thì “bình tĩnh sống” của quan lại là thái độ bàng quan, vô trách nhiệm.
 


(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong chương trính Vietnam's got Talent 2016, một thí sinh đã làm xúc động hàng triệu khán giả. Đó là bà Nguyễn Thanh Thúy, người phụ nữ độc thân, đến từ một ngọn đồi không đèn điện, không tivi...
Không phải bằng phần trình diễn quá xuất sắc hay “chiêu trò tụt, hở” , bà Thúy đã trình diễn bằng một tâm hồn chân thực và đặc biệt là câu chuyện được kể trong phóng sự chương trình giới thiệu về thí sinh.
Hình ảnh của một người phụ nữ độc thân 59 tuổi chọn cách sống yên tĩnh, nhân văn cùng người em gái 50 tuổi cũng độc thân ở cạnh, được bà chắt chiu, bảo vệ càng khiến người xem xúc động.
Người phụ nữ ấy chỉ có một mơ ước nhỏ, đó là chút phần thưởng để xây cái bể nước vì trên đồi đào giếng không được hay có thể mua được chiếc bình ắc quy thắp sáng…
Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng thái độ sống qua câu nói của bà “không sao đâu, cứ bình tĩnh sống” đã khiến thành viên BGK Trấn Thành tâm đắc, chính anh đã hứa sẽ gửi tặng bà 5 triệu để mua bình ắc quy, còn ca sĩ Bằng Kiều thì xúc động: “Dù cô có được giải hay không, cháu cũng xin gửi tặng cô cái bể nước”.
Một tâm hồn trong trẻo, một khát vọng sống mãnh liệt và một phương cách sống đàng hoàng, “bình tĩnh sống” đã làm xúc động hàng triệu trái tim.

Bình Tĩnh Sống !
Thực ra, những người nghèo nhưng sống đàng hoàng không ít. Cách đây không lâu, cụ Lang Văn Tần (83 tuổi, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) ở đơn thân từ mấy năm nay trong căn nhà cũ kỹ, trống trải nhưng vẫn nhờ người làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo cũng làm “xúc động” nhiều trang báo những ngày qua.
Cái lý do ông Tần đưa ra cũng hết sức giản dị, đó là bởi ông muốn “làm gương cho thế hệ con cháu, luôn cố gắng đừng trông chờ vào Nhà nước đối với chính sách này, cho dù tôi không có khả năng lao động, hiện nay tôi đang sống độc thân nhưng không muốn ở trong danh sách hộ nghèo, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội”.
Ngay thời iểm này đây, trong cái giá rét đến khủng khiếp này thì ở nơi biên cương, vẫn có hàng ngàn, hàng vạn thầy cô giáo kiên trì bám bản. Trong khi thiên hạ nôn nao với các khoản tiền thưởng tết thì những thầy cô, những con người cao cả đó vẫn “bình tĩnh sống” với đồng lương tùng tiệm của mình và món quà tết không biết được mấy cái bánh chưng. Và cả những em bé, vẫn đang phải “bình tĩnh sống” trong giá rét.
Trong khi đó, không ít người không chỉ trong chăn ấm nệm êm mà còn không thấu hiểu những nỗi khổ của dân,  ngồi trên mây “tính cua trong lỗ” như vị Giám đốc Sở Tài chính Hồ Kinh Kha nói về thu nhập của người bán vé số chẳng hạn: “Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ khi gặp tôi kể lại, họ từng xuất thân nhà nghèo, nhờ bán vé số mà có thể tiếp tục học lên cao, giúp ích xã hội. Ở Tiền Giang, nhiều trẻ em đi học một buổi, bán vé số một buổi cũng được 100 - 200 tờ. Cứ mỗi tờ lời 1.100 đồng thì các em kiếm từ 100.000 - 200.000 đồng/buổi” và “ Ở An Giang, có những người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ”.
Vâng, đã có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ “đổi đời” nhờ xổ số và nếu mỗi tờ vé số lãi 1.100 đồng, người bán vé số dạo bán được 3.000 vé/ ngày (3.000vé x 1.100đ = 3,3 triệu đồng/ngày) thì thu nhập có thể lên đến… 100.000.000 đồng/tháng?!


Nếu, tất nhiên là nếu thôi, tháng nào cũng vậy thì thu nhập chả lẽ lên đến… 1,2 tỉ đồng/năm.
Thưa, xin ông hãy “bình tĩnh sống” chứ họ kiếm miếng cơm manh áo cơ cực lắm. Tôi đã từng gặp những người tàn tật cả ngày không bán được vé số nào và thực tế, tôi chưa thấy người bán vé số nào có nhà lầu, xe hơi cả. Thậm chí, họ kiếm ăn từng bữa.
Chỉ có điều, họ vẫn phải “bình tĩnh sống” để quên đi cái nghèo, hi vọng một ngày mai tươi sáng.
“Bình tĩnh sống” là thái độ đàng hoàng của người dân nghèo thì “bình tĩnh sống” của quan lại là thái độ bàng quan, vô trách nhiệm.
Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét