Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Vài bản nhạc hay thập niên 60', 70'



Nhạc ngoại, lời Việt

Nhạc nước ngoài thì hát bằng tiếng nước ngoài, nhiều người nghe hổng hiểu, vậy nên nhạc sĩ ta đặt ra lời Việt cho bà con dễ nghe hơn. Phải công nhận là nhiều bài nhạc ngoại lời Việt hay hết xẩy luôn, nhưng mà ở đây tui không định nói về những bản nhạc ấy. Tui chỉ muốn kể về những bản nhạc ngoại do "bà con cô bác" chế lời thôi, thường là... không ăn nhập gì với lời gốc, nhưng mà vui dễ sợ và được nhiều người thuộc lòng còn hơn cả bài "đàng hoàng". (Có khi những lời tiếu lâm này do nhạc sĩ chính cống đặt hổng chừng, nhưng họ cho là giỡn chơi nên hổng thèm đứng tên tác giả.)

1.
Hồi khoảng năm 196x, tui nghe tụi con nít (tức là cỡ tuổi tui á) hát bài này:

Cái đít Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy
Thằng nào dơ dáy, đá cho nó bay về Tàu

Tui nghe vui quá, nghêu ngao hát theo. Má, dì, cậu tui nghe được liền trừng mắt, biểu không được hát. À, bởi vì ông ngoại tui gốc Tàu! Mình con nít mà, nghe vui thì hát thôi, có biết gì đâu!

Sau này, tui hiểu rằng câu hát trên phần nào có ý nghĩa... chính trị. Số là thời tổng thống Ngô Đình Diệm, do lo sợ người Tàu khuynh đảo nền kinh tế miền Nam nên chính phủ ra sắc lệnh cấm họ kinh doanh ở nhiều ngành nghề quan trọng. Muốn làm ăn được thì phải đổi quốc tịch sang Việt Nam, hoặc phải có giấy phép đặc biệt, còn nếu không thì a-lê-hấp, phải cút về Tàu! Do vậy, có ai đó đã đặt ra câu hát trên. Câu hát đúng là:

Cắc chú Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy
Thằng nào không giấy, đá cho nó bay về Tàu

Biết vậy, nhưng từ bài hát gốc là gì để ra những câu hát này thì tui hổng biết. Mãi tới gần đây, nhờ bạnThuần Nguyễn, tui mới biết bài gốc là một bài hát Ai Cập, có tựa đề là Mustapha ya Mustapha, rất thịnh hành vào thập niên 1950, 1960.


Từ nhạc Ai Cập, dân gian chuyển thành... cắc chú Ba Tàu, công nhận sáng tạo thiệt!

2.
Hồi xưa đi coi cải lương hay coi phim (coi ở rạp, hồi đó chưa có TV), mỗi khi hết tuồng, màn kéo lại là có một điệu nhạc quen thuộc cất lên. Trẻ con đứa nào cũng thuộc điệu nhạc này, và tụi nó (tụi nó, tức là tương đương với... ông nội của các bạn 9x bây giờ!) nghêu ngao chế lời để hát:

Ò e, Rô-Be đánh đu
Tặc-dzăng nhảy dù
Xe tăng bắn súng
Chết cha! Con ma nào đây?
Tặc-dzăng hết hồn
Thằn lằn cụt đuôi.


Còn trong các sinh hoạt đoàn thể, theo tui nhớ, mỗi khi kết thúc người ta thường hát như vầy:

Giờ đây, anh em chúng ta
Cùng nhau kết đoàn
Một nhà thân ái
Cách xa, nhưng ta hằng mong
Rồi đây có ngày
Mình lại gặp nhau


Sau này tui mới biết, đây là bài Auld Lang Syne nổi tiếng phát xuất từ nước Anh khoảng thế kỷ 18. Bài Auld Lang Syne được cất lên gần như trên toàn thế giới vào dịp giao thừa, với ý nghĩa báo hiệu một năm cũ đã trôi qua, năm mới vừa đến. Không có Tarzan hay con ma nào ở đây hết!


3.
Khoảng những năm 197x, điệu Cha cha cha rất thịnh hành (ở miền Nam). Trẻ con chế lời và hát như vầy:

Cha cha cha! Ma-ní lấy chồng Chà-và!
Cha cha cha! Ma-ní lấy chồng Chà-và!

Sau đó ít lâu, lại có lời mới (chắc không phải do trẻ con đặt) nghe phê hơn, như vầy:

Buông tui ra! Tui đã già rồi mà!
Tui không buông! Tui cũng già bằng bà!

He he, hồi đó tui nghe (và hát) thấy vui ghê, nhưng chưa thấm ý.

Bây giờ già rồi, ngồi lẩm nhẩm hát lại tui mới thấm ý và lấy làm khoái chí quá. Tui đứng lên nhảy và hát:

Buông tui ra! Tui đã già rồi mà!
Tui không buông! Tui cũng già bằng bà!




À, nhưng mà thiếu bạn nhảy!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét