Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Những ca khúc ngoại quốc lời Việt (27)


Hoài Nam

GREENFIELDS (Đồng Xanh), Gilkyson, Dehr & Miller

YELLOW BIRD (Chỉ là giấc mơ qua), ca khúc truyền thống Haiti

clip_image002
Những năm giữa thập niên 1960, người yêu nhạc ngoại quốc ở Sài Gòn có lẽ không ai là không biết tới bảnGreenfields do ban tứ ca The Brothers Four trình bày. Đây là một trong những ca khúc được ưa chuộng nhất trong nền nhạc phổ thông của Hoa Kỳ. Trước và sau năm 1975, Greenfields đã được khá nhiều tác giả đặt lời Việt, trong số ấy, theo cảm quan, nhận xét của riêng chúng tôi, bản của Lê Hựu Hà đạt nhất, được ưa chuộng nhất.
Mặc dù đi liền với tên tuổi của The Brothers Four, ban tứ ca nổi tiếng nhất của thể loại “folk songs”, nhưng bốn chàng ca nhạc sĩ này không phải tác giả, cũng không phải những người đầu tiên thu đĩa bản Greenfields.
Greenfields nguyên là một sáng tác của ba ca nhạc sĩ Terry Gilkyson, Richard Dehr và Frank Miller, trình diễn dưới nghệ danh “Terry Gilkyson and The Easy Riders”. Greenfields được ba người viết và thu đĩa năm 1956, nhưng đã không gây được tiếng vang. Phải đợi gần 4 năm sau, khi được The Brothers Four soạn hòa âm lại và thu đĩa,Greenfields mới lên tới hạng 2, và đứng trong Top 40 suốt 20 tuần lễ liên tục.
clip_image004
The Brothers Four nguyên là bốn chàng sinh viên của Đại học tiểu bang Washington, cùng gia nhập câu lạc bộ sinh viên “Phi Gamma Delta”, trong đó mọi người coi nhau như huynh đệ cho nên khi cùng nhau hợp thành một ban tứ ca vào năm 1956, họ đã lấy tên là “The Brothers Four”.
Lúc đó là thời kỳ phục hưng của nền nhạc folk, trường đại học nào cũng có các nhóm tam ca, tứ ca, trình diễn tại các câu lạc bộ sinh viên, trong số đó The Brothers Four nổi bật nhờ tài chơi đàn, nghệ thuật hòa âm phối khí, và quan trọng hơn cả là nghệ thuật hợp ca, với hai giọng nam trung (baritone), một giọng nam cao (tenor), và một giọng trầm (bass).
Năm 1957, The Brothers Four được hội quán Colony Club ở thành phố Seattle biết tiếng, mời tới trình diễn thường xuyên, với thù lao chủ yếu là những ly bia!
Năm 1959, được sự khuyến khích của nhiều người, The Brothers Four quyết định bỏ dở việc học hành, xuôi Nam tìm đường tiến thân. Tại San Francisco, họ may mắn được một ông bầu giới thiệu với hãng đĩa Colombia Records và được mời ký hợp đồng ngay.
Qua đầu năm 1960, đĩa single thứ hai của The Brothers Four là bản Greenfields đã lên tới hạng 2 toàn quốc, và album đầu tay của họ trong đó có ca khúc này đã đứng trong Top 20 những album bán chạy nhất.
Chỉ trong một thời gian ngắn, The Brothers Four đã trở thành tên tuổi lẫy lừng bậc nhất trong nền nhạc folk đương đại (những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960).
* * *
Greenfields là một ca khúc có lời hát rất lãng mạn, đầy chất thơ, kể về tâm trạng của một người nhớ lại cánh đồng xanh tươi và những tháng ngày hạnh phúc xưa cũ, mà nay trước mắt chỉ còn là đồng hoang khô cằn vì người yêu đã ra đi, trong lòng thầm mong ngày gặp lại nhau, cho cánh đồng xanh trở lại…
Greenfields
Once there were green fields kissed by the sun
Once there were valleys where rivers used to run
Once there were blue skies with white clouds high above
Once they were part of an everlasting love
We were the lovers who strolled through green fields
Green fields are gone now, parched by the sun
Gone from the valleys where rivers used to run
Gone with the cold wind that swept into my heart
Gone with the lovers who let their dreams depart
Where are the green fields that we used to roam?
I’ll never know what made you run away
How can I keep searching when dark clouds hide the day
I only know there’s nothing here for me
Nothing in this wide world, left for me to see
But I’ll keep on waiting till you return
I’ll keep on waiting until the day you learn
You can’t be happy while your heart’s on the roam
You can’t be happy until you bring it home
Home to the green fields and me once again.
Phụ lục 1: Greenfields – The Brothers Four

Chỉ nội trong năm 1960, Greenfields do The Brothers Four thu âm đã bán được hơn 1 triệu đĩa, đem lại cho ban tứ ca này đĩa vàng đầu tiên, và cũng là thành công lớn nhất trong sự nghiệp ca hát của họ. Trong giải âm nhạc Grammy năm 1961, The Brothers Four đã được xướng danh tranh giải “Nghệ sĩ mới nổi xuất sắc nhất”.
Tuy nhiên, tại miền Nam Việt Nam ngày ấy, do ảnh hưởng văn hóa của cựu “mẫu quốc” Pháp, với không ít người dân vẫn chọn Pháp Văn làm sinh ngữ chính, Greenfields được biết tới và yêu chuộng qua phiên bản tiếng PhápVerte Campagne, trước khi bản Greenfields do The Brothers Four trình bày được du nhập vào Việt Nam.
Verte Campagne do R.Varnay và R.Mamoudy đặt lời, được ban hợp ca Les Compagnons de la Chanson thu đĩa vào mùa thu năm 1960.
clip_image006
Tương tự trường hợp của The Brothers Four, Les Compagnons de la Chanson (Nhóm đồng hành của ca khúc) nguyên là một ban hợp ca địa phương, thành lập năm 1946 tại Lyon, Pháp. Năm 1952, họ tới Paris và may mắn được gặp nữ danh ca huyền thoại Édith Piaf (chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết về bản La Vie en Rose), được bà mời hát chung bản Les Trois Cloches (Ba cái chuông) và vụt nổi tiếng.
[Les Trois Cloches về sau được đặt lời Anh với tựa The Three Bells, do ban tam ca The Browns (ba anh chị em nhà Brown) thu đĩa năm 1959, được xướng danh giải Grammy “Ca khúc hay nhất trong năm” và bán ra trên 1 triệu đĩa]
Trong sự nghiệp của mình, Les Compagnons de la Chanson đã thu trên 350 đĩa hát, mỗi năm trình diễn khoảng 300 xuất, xuất cuối cùng vào năm 1985.
Nội dung phiên bản tiếng Pháp của Varnay & Mamoudy có phần khác với ca khúc nguyên thủy, chỉ giữ lại phần hoài niệm chốn xưa khi cùng với người yêu dạo bước trên những cánh đồng xanh êm ả, phần còn lại kể về những phồn hoa đô hội nơi thành phố, tương phản với cảnh đồng quê êm đềm trong quá khứ.
Verte Campagne
Verte campagne / Où je suis né
Douce campagne / De mes jeunes années
La ville pleure / Et ses larmes de pluie
Dansent et meurent / Sur mon coeur qui s’ennuie
Et moi, je rêve de toi, oh mon amie.
Verte campagne / Que tu es loin
Douce campagne / De mon premier chagrin
Le temps s’efface / Pour moi, rien n’a changé
Deux bras m’enlacent / Parmi les champs de blé
Et moi, je rêve de toi, oh! mon amour.
Là, dans la ville toutes ces mains tendues
M’offrent des fleurs et des fruits inconnus
Et moi, je vais le long des rues perdues
Un air de guitare me parle de toi.
Verte campagne / Où je suis né
Douce campagne / De mes jeunes années
La ville chante / Eparpille sa joie
La ville chante / Mais je ne l’entends pas
Et moi, je rêve de toi, mon amour
Et moi, je rêve de toi, mon amour
Video:
Về phiên bản lời Việt của Greenfields, theo sự hiểu biết của chúng tôi, cố nhạc sĩ Y Vân là người viết đầu tiên, với tựa Cánh Đồng Xanh, và được ban hợp ca Sao Băng trình bày trong băng nhạc “20 Bản Tình Ca Bất Tử”, nhạc ngoại quốc do Y Vân hoặc Phạm Duy đặt lời, phát hành cuối thập niên 1960 (hoặc đầu thập niên 1970).
Còn phiên bản của Lê Hựu Hà có tựa Đồng Xanh được anh viết vào khoảng năm 1973-1974.
clip_image007
Lê Hựu Hà (1946-2003)
Lê Hựu Hà (1946-2003) là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền nhạc trẻ Việt Nam. Anh và nhạc sĩ bạnNguyễn Trung Cang (1947-1985) nguyên là hai thành viên của ban nhạc trẻ Hải Âu, thành lập năm 1963, được giới mộ điệu biết tới qua Đại hội Nhạc trẻ 1965 tổ chức tại Trường Trung học Taberd.
Cuối thập niên 1960, sau khi ca sĩ chính của ban là Thanh Lan tung cánh bay cao hơn xa hơn, ban Hải Âu tan rã, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang cùng nhau thành lập ban Phượng Hoàng vào năm 1970, được xem ban nhạc trẻ Việt Nam đầu tiên – “nhạc trẻ Việt Nam” đúng nghĩa: nhạc Việt, lời Việt.
Những ca khúc lời Việt với giai điệu, tiết tấu của nhạc trẻ Tây phương hiện đại do hai người sáng tác như Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa, Bước tình hồng, Yêu em, Hãy nhìn xuống chân… được trình bày qua tiếng hát Elvis Phương với hòa âm phối khí độc đáo của ban Phượng Hoàng đã chinh phục cả một thế hệ trẻ.
Rất tiếc, sau 3 năm, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang chia tay, ban Phượng Hoàng chấm dứt tồn tại. Tuy nhiên, tương tự trường hợp ban The Beatles của Anh quốc, sau khi tan rã, hai cựu thành viên chủ lực là John Lennon và Paul McCartney vẫn tiếp tục viết những ca khúc để đời, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang cũng tiếp tục sáng tác riêng rẽ. Hai trong số những ca khúc nổi tiếng của Lê Hựu Hà viết sau khi chia tay Nguyễn Trung Cang là Hãy ngước mặt nhìn đời  Đôi khi ta muốn khóc. Bên cạnh đó, trong phong trào Việt hóa các ca khúc ngoại quốc nổi tiếng, Lê Hựu Hà đã đặt lời Việt cho nhiều ca khúc, trong số đó có bản Greenfields với tựa Đồng Xanh.
Như chúng tôi đã từng đưa ra nhận xét trong chương trình “70 Năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam”, phần nói về thời kỳ nhạc trẻ, sự tương phản giữa tư duy và cung cách sáng tác của Nguyễn Trung Cang và của Lê Hựu Hà có thể so sánh với John Lennon và Paul McCartney của ban The Beatles: trong khi lời hát trong các ca khúc của Nguyễn Trung Cang thường bi quan yếm thế, giai điệu phức tạp, tiết tấu cầu kỳ, thì lời hát của Lê Hựu Hà đơn sơ, giai điệu êm đềm, tiết tấu dung dị nhẹ nhàng hơn.
Cho nên Lê Hựu Hà thường chọn những ca khúc ngoại quốc nhẹ nhàng êm đềm như Greenfields, Yesterday để đặt lời Việt. Nhất là bản Greenfields, một bản rất thích hợp với khuynh hướng và cảm quan nghe nhạc của người Việt.
Có thể viết mà không sợ quá lời, nếu chỉ so sánh lời hát giữa phiên bản và ca khúc nguyên thủy, bản Đồng Xanhcủa Lê Hựu Hà “trung thành” hơn hẳn bản Verte Campagne của Varnay & Mamoudy. Bởi Lê Hựu Hà vừa trình bày được những hình ảnh trong nội dung ca khúc nguyên thủy vừa truyền đạt được ý chính của toàn bài hát, mà không bị gượng ép về ngôn từ.
Đồng Xanh
Đồng xanh là chốn đây / Thiên đàng cỏ cây
Chìm trong bầy thú hoang / Vui đùa trong nắng hây
Đây những con suối vắng / Đang phơi mình bên lùm cây
Đây những dòng nước mát / Khẽ trôi êm về thung lũng
Và những đôi nhân tình đang lắng hồn dưới mây chiều
Đồng xanh giờ vắng đi / Với trời lãng quên
Còn đâu bầy thú hoang / Đã vui đùa trong nắng êm
Đâu những bờ suối vắng / Phơi mình bên lùm cây
Đâu những dòng nước mát / Khẽ trôi êm về thung lũng
Và những đôi nhân tình nay đã lìa chốn xưa rồi
Ta yêu đồng xanh / Như đã yêu từng con người
Ta thương đôi tình nhân kia / Như gió thương làn mây trời
Nhưng sao giờ đây / Nào thấy ai chung quanh ta
Đất trời như bãi tha ma / Trên đồng hoang khô cháy
Giờ ta còn đứng đây / Giữa trời hắt hiu
Đời không còn chút vui / Đã khô cằn trong trái tim
Sao ta còn đứng mãi / Như người tình mong chờ ai
Sao ta còn đứng mãi / Lắng nghe tâm hồn tê tái
Và đã bao lâu rồi ta đứng chờ giữa cánh đồng.
Trước năm 1975, Đồng Xanh được thu băng lần đầu tiên qua nghệ thuật trình bày của ban hợp ca Mây Trắng do Lê Hựu Hà thành lập sau khi ban Phượng Hoàng tan rã. Rất tiếc, ấn bản được phổ biến trên Internet hiện nay có chất lượng âm thanh rất kém.
Trong số các ca sĩ thu đĩa bản Đồng Xanh sau năm 1975 tại hải ngoại, có thể nói Duy Quang hát đạt nhất. Bởi giọng của Duy Quang là giọng trầm, sở trường Duy Quang là hát nhạc êm, và dĩ nhiên không thể không nói tới trình độ nghệ thuật của một ca sĩ chân truyền, cộng với khả năng phát âm tiếng Việt chuẩn xác.
Phụ lục 2: Đồng Xanh – ban Mây Trắng

Phụ lục 3: Đồng Xanh – Duy Quang
Phụ lục 4: Đồng Xanh – Vô Thường (guitar)
Sau Greenfields, một ca khúc khác do The Brothers Four thu đĩa ngày ấy cũng rất được thính giả yêu nhạc ngoại quốc ở Sài Gòn ưa chuộng là bản Yellow Bird, được Nam Lộc (và Trường Kỳ?) đặt lời Việt với tựa Chỉ là giấc mơ qua.
clip_image009
Khoảng đầu thập niên 1960, khi được nghe bản này do ban nhạc Arthur Lyman hòa tấu, chúng tôi cứ ngỡ đây là một bản nhạc có gốc gác đảo Hạ-uy-di (Hawaii), bởi giai điệu và âm hưởng đặc thù Hạ-uy-di trong đó. Về sau có cơ hội tìm hiểu mới biết mình vừa sai vừa… đúng: đây là một ca khúc truyền thống của đảo quốc Haiti (một cựu thuộc địa của Pháp trong vùng biển Caribbean) chứ không phải của đảo Hạ-uy-di (ở Thái bình dương), nhưng đã được ban Arthur Lyman cải biến thành một nhạc khúc mang giai điệu và âm hưởng Hạ-uy-di.
Ca khúc nguyên thủy của Haiti có tựa đề Choucoune, do nhạc sĩ dương cầm Michel Mauléart Monton, một người có cha Haiti và mẹ Mỹ, phổ từ bài thơ có cùng tựa của thi sĩ Haiti Oswald Durand vào năm 1883.
Bài thơ được viết bằng tiếng Haiti, tức “Créole” – là phối hợp của ba ngôn ngữ Pháp, Tây-ban-nha và Phi Châu, nội dung ca tụng nhan sắc của một phụ nữ Haiti có biệt danh là “Choucoune”.
Được được trình diễn lần đầu tiên ở thủ đô Port-au-Prince vào năm 1893, về sau Choucoune đã trở thành một trong những ca khúc truyền thống phổ biến nhất trên hòn đảo này. Năm 1949, trong các buổi liên hoan kỷ niệm 200 năm lập quốc của Haiti, Choucoune đã được sử dụng như một ca khúc chính thức sau quốc ca.
clip_image011
Video:

Celia Cruz / Martha Jean-Claude & Sonora Matancera – Choucoune – YouTube

Năm 1957, cặp vợ chồng nhạc sĩ kiêm nhà viết ca khúc nổi tiếng Alan và Marilyn Bergman của Mỹ đã đặt lời Anh cho bản Choucoune với tựa “Yellow Bird”. Nội dung lời hát trong nguyên bản tiếng Haiti và phiên bản tiếng Anh hoàn toàn khác nhau; riêng tựa đề Yellow Bird, Alan và Marilyn Bergman được gợi ý từ chữ “ti zwero” (little birds) trong điệp khúc của ca khúc nguyên bản; từ đó, một số người còn gọi ca khúc này là bản Ti Zwero.
Vào khoảng thời gian nói trên, thể điệu “Calypso” sôi động của vùng biển Caribbean đang được xem là thời thượng, cho nên hầu hết các ca sĩ, ban nhạc đã trình bày Yellow Bird theo thể điệu “Calypso”.
Tuy nhiên, đĩa Yellow Bird thành công nhất lại là một đĩa mang giai điệu và âm hưởng Hạ-uy-di, do ban Arthur Lyman Group thu đĩa năm 1961, như chúng tôi đã viết ở một đoạn trên.
Arthur Lyman (1932 – 2002) ra chào đời tại Hạ-uy-di, mẹ là người bản địa, cha mang 4 dòng máu Hạ-uy-di, Pháp, Bỉ, và Trung Hoa. Arthur Lyman được xem là một trong những nhạc sĩ chơi đàn marimba hay nhất từ trước tới nay (“marimba” là một loại đàn gõ tương tự đàn “xylophone”, nhưng làm hoàn toàn bằng gỗ, nên có thanh âm trầm ấm hơn).
Mùa hè năm 1961, bản Yellow Bird do Arthur Lyman Band thu đĩa đã lên tới hạng 4 tính tất cả các thể loại (Billboard Hot 100) và hạng 2 trong danh sách nhạc nhẹ (Easy Listening) tại Hoa Kỳ.
clip_image013
Arthur Lyman Group
clip_image015
Video:
Trong khi đó tại các quốc gia Mỹ la-tinh nói chung, vùng biển Caribbean nói riêng, Yellow Bird lại rất phổ biến và được ưa chuộng qua sự trình tấu của các nhạc sĩ sử dụng “steel drums” (trống thép), còn được gọi là “steel pans”.
Nhạc cụ độc đáo này xuất phát từ Cộng hòa Trinidad and Tobago, là những cái trống bằng thép, mặt trống chia thành nhiều ô tròn hoặc bán nguyệt, khi được gõ lên, mỗi ô sẽ tạo ra âm thanh trầm bổng khác nhau.
Video:
Riêng những người đàn guitar, có lẽ ai cũng biết tới, và yêu thích bản Yellow Bird qua nghệ thuật trình bày của danh cầm Mỹ Chet Atkins (1924-2001), người đã có công khai sáng một thể loại nhạc “country music” êm dịu hơn, thường được gọi là “Nashville sound” (Nashville, thuộc tiểu bang Tennessee, là thủ đô của country music và folk music của Hoa Kỳ).
Video:
Về các đĩa Yellow Bird do các ca sĩ hoặc ban hợp ca của Mỹ trình bày, được ưa chuộng nhất tại miền nam Việt Nam trước năm 1975 chính là đĩa của The Brothers Four.
Phụ lục 5: Yellow Bird – The Brothers Four
Yellow Bird
Yellow bird, up high in banana tree
Yellow bird, you sit all alone like me.
Did your lady friend, leave your nest again
That is very sad, make me feel so bad
You can fly away, in the sky away
You’re more lucky than me.
I also had a pretty girl, she’s not with me today
They’re all the same those pretty girls
Take tenderness, then they fly away.
Yellow bird, up high in banana tree
Yellow bird, you sit all alone like me.
Let her fly away, in the sky away
Pick a town and soon, take from night to noon
Black and yellow you, like banana too
They might pick you someday.
Wish that I was a yellow bird
I’d fly away with you
But I am not a yellow bird
So here I sit, nothing else to do.
Yellow bird, Yellow bird…
Trước năm 1975,Yellow Bird đã được Nam Lộc (có tài liệu ghi là Trường Kỳ, hoặc Nam Lộc & Trường Kỳ) đặt lời Việt với tựa Chỉ là giấc mơ qua.
Chỉ là giấc mơ qua
Như làn mây, tình yêu thôi, giờ đây lững lờ
Như làn gió, tình yêu thôi, giờ đây hững hờ.
Rồi một lần xa cách là một đời than trách
Rồi cuộc tình bay mất và một người đi khuất
Tình chỉ còn cay đắng để chỉ còn xa vắng
Để chỉ còn nắng vương cuối đường.
Thương người thương, ngàn xưa ơi, ngàn sau nét cười 
Vương sầu vương, đường xưa nay giờ đâu bóng người. 
Tình nhiệm màu tan vỡ lòng chỉ còn nhung nhớ 
Giờ một mình quên lãng lạnh lùng theo năm tháng 
Dù một lần em đã mềm lòng như chiếc lá 
Là một lần xóa mối duyên đầu.
Em nhớ ngày, anh đón em góc trường 
E ấp, thẹn thùng, vấn vương 
Em nhớ ngày, anh đón em cuối đường 
Dù đường lan vết nắng, nắng vẫn lung linh màu.
Thôi giờ đây, còn đâu ngọt ngào đôi má hồng 
Thôi giờ đây, tìm đâu đây mùi hương ngất ngây. 
Ngày tàn dần như khói chiều buồn dần muôn lối 
Một mình lang thang tới miền cỏ hoang nắng chói 
Ngày nào ta chung lối nhẹ nhàng đan tóc rối 
Chỉ còn là giấc mơ qua rồi.
Trong khi nguyên tác Choucoune có nội dung ca tụng nhan sắc của một giai nhân thì Yellow Bird lại viết về nỗi sầu lẻ bóng, còn Chỉ là giấc mơ qua thì tiếc nhớ mối duyên đầu! Tuy nhiên, cả hai ca khúc hát lên, nghe cũng chỉ thấy bâng khuâng, man mác. Có lẽ vì nét nhạc đẹp cho nên nỗi buồn cũng nên thơ?!
Phụ lục 6: Chỉ là giấc mơ qua, Thanh Lan
Phụ lục 7: Chỉ là giấc mơ qua, Kiều Nga
Hoài Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét