Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về (Ca dao) Dự án mang tên "Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" (thường được gọi là "Dự án lấp sông Đồng Nai") đã gây ra phản ứng khá gay gắt của dư luận trong suốt khoảng 4 tháng qua (và hiện nay đang tạm dừng để Thủ tướng xem xét, quyết định). Đã có hàng chục nhà khoa học phân tích tác hại về các mặt môi trường, thuỷ lợi, giao thông,... Bài này chỉ phân tích tác hại về mặt văn hoá - lịch sử. Vì ngay sát vùng san lấp về phía hạ lưu và bờ đối diện là một vùng còn in dấu bước chân đi mở nước của cha ông ta hồi thế kỷ XVII - XVIII. Bốn địa danh có nguy cơ bị xoá sổ đầu tiên đó là Cù Lao Phố, chùa Bửu Thiền, cầu Rạch Cát và cầu Gành. Trong số này đặc biệt là Cù Lao Phố, một hòn đảo xanh tươi được sông Đồng Nai ôm bốn bề, xưa là một thương cảng sầm uất và ngày nay còn lưu giữ nhiều di tích thuộc loại cổ nhất Nam Bộ. 1. Con sông độc đáo bậc nhất Việt Nam Việt Nam có 5 con sông lớn (dài trên 500km): sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Cửu Long. Sông Đồng Nai nằm trong hệ thống Đồng Nai - Vàm Cỏ nối với nhau qua các kênh rạch và gặp nhau ở cửa Soài Rạp (Soi Rạp). Về chiều dài, nếu tính toàn bộ thì sông Đồng Nai đứng thứ ba với 635km. Tuy nhiên, sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất (so với phần chảy trong lãnh thổ Việt Nam của sông Hồng: 556km, sông Cửu Long: 230km) và nó đứng thứ hai về lưu vực: 42.600km2, chỉ đứng sau sông Hồng với 70.700km2 trên phần lãnh thổ Việt Nam. Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng), chảy quanh co theo hướng đông bắc - tây nam, gần như dọc theo chiều dài Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, qua các tỉnh Lâm Ðồng, Ðắc Nông, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh; đoạn cuối uốn lượn theo hướng bắc - nam để đi ra biển. Là một con sông lớn lại chảy hoàn toàn toàn trên lãnh thổ nước ta, sông Đồng Nai trở thành con sông độc đáo bậc nhất Việt Nam. Ngoài nguồn tài nguyên vô cùng phong phú về thuỷ điện, thuỷ lợi, giao thông, du lịch,... chúng ta có thuận lợi là hoàn toàn độc lập trong việc khai thác sông Đồng Nai mà không phụ thuộc vào một quốc gia nào. Đây là thuận lợi mà không một con sông lớn nào ở Việt Nam có được. 2. Con sông gắn liền với bước chân Nam tiến của người Việt a) "Hào khí Đồng Nai" thời mở đất Vào đầu thế kỷ XVII, bước chân đi mở đất của người Việt đã tiến đến miền Đông Nam Bộ thuộc đất Thuỷ Chân Lạp. Về danh nghĩa, vùng này thuộc về Chân Lạp nhưng thực tế các quốc vương Chân Lạp quản lý, kiểm soát khá lỏng lẻo. Đất đai chủ yếu là rừng rậm, dân cư rất thưa thớt, cho nên những người Việt đầu tiên đã đến đất Mô Xoài (hay Mỗi Xoài, tức Bà Rịa ngày nay) và Đồng Nai (Biên Hoà) khai hoang, lập làng. Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho quốc vương Chân Lạp là Chey Chettha II làm hoàng hậu. Dưới sự bảo trợ của bà hoàng hậu này, người Việt vào làm ăn càng thuận lợi. Họ mở rộng địa bàn ngày càng rộng, toả khắp lưu vực sông Đồng Nai. Năm 1679, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, tướng vong quốc của nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến đem 3000 quân, 50 chiến thuyền, đến cửa biển Tư Dung (Thuận Hoá) xin tỵ nạn. Sách Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép: "(Dương Ngạn Địch) đến để xin làm tôi tớ. Bấy giờ bàn bạc rằng: Phong tục, tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai dụng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông Phố (Gia Định) nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa theo lời bàn, bèn sai đặt yến uý lạo khen thưởng, trao cho quan chức, khiến đến ở đất Đông Phố (...) Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp (Soài Rạp), đến đóng ở Bàn Lân (Biên Hoà). Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá; thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập, do đó mà phong hoá Hán thấm dần vào dân Đông Phố". Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Nguyễn Hữu Kính) đi kinh lược đất Chân Lạp. Nguyễn Hữu Cảnh đã sắp đặt lại các đơn vị hành chính miền đất này một cách có quy củ. Đại Nam thực lục viết: "(Nguyễn Hữu Cảnh) chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai là huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hoà ngày nay - ĐTT), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuỷ bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất nước nghìn dặm, được hơn bốn vạn hộ, chiêu mộ những dân xiêu bạt từ Bố Chính (Quảng Bình) trở về Nam cho đến ở cho đông". Đất Đồng Nai chính thức thuộc về nước ta từ đây. Vùng đất gọi là Đồng Nai đến đầu thế kỷ XVIII được mở rộng mãi sang phía tây nam, đến tận Hà Tiên, Cà Mau (vùng Nam Bộ ngày nay) và được chia làm chia làm 5 trấn: Biên Hoà, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên. Trấn Biên Hoà và trấn Phiên An tương ứngvới vùng đất Gia Định, Đồng Nai cũ, tức Đông Nam Bộ ngày nay (gồm Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu), thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Từ đây chúng tôi chỉ bàn trong phạm vi địa lý này. Lưu vực sông Đồng Nai, chỉ tính từ vùng trung lưu trở xuống, từ thế kỷ XVIII, là một vùng núi sông, đồng ruộng, bến cảng đan cài hết sức đa dạng. Chỉ tính từ trấn lỵ Biên Hoà ra biển, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (đầu thế kỷ XIX) đã thống kê được 15 ngọn núi, 29 con sông (thuộc các sông nhánh của sông Đồng Nai). Mỗi núi, mỗi sông ở đây không chỉ được miêu tả về mặt tự nhiên mà còn được ghi chép về công việc làm ăn, đi lại của nhân dân. Có thể nói, mỗi ngọn núi, mỗi con sông đều in dấu bàn tay khai phá của cha ông ta thuở đi mở đất Đồng Nai. Nhận xét khái quát về vùng này, sách trên viết: "Từ ngã ba sông Nhà Bè phía đông xuống đến cửa Cần Giờ, phía bắc đến cửa Tắc Khái, phía tây đến sông Ký Giang, có hàng trăm nghìn bến bãi đều là rừng rú, cây thì có những cây đìa, đước, sú, vẹt và các loài cây tạp, rừng rậm cây dày, cành cỗi chằng chịt, che rợp cả bóng mặt trời, người ta lấy làm nhà, rào giậu, sách, cọc, củi đuốc, không ngày nào là không. Tôm, cá, cua, sam, ốc đen, hải vật đầy rẫy, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là trời dành cho một chỗ chí công vô cùng để nuôi người Gia Định vậy". b) Dòng chảy của tâm thức Việt qua văn chương và con người xứ Đồng Nai Văn chương xứ Đồng Nai - Gia Định có màu sắc bi hùng rất riêng. Vì sao như vậy? Ta hãy trở lại nói về những người tiên phong đi mở đất Đồng Nai - Gia Định. Theo nhà văn Sơn Nam (Đất Gia Định - Bến Nghé xưa và người Sài Gòn) họ gồm những người "có vật lực" (có tiền bạc, dụng cụ khai khẩn), nô tì, điền nô, người mắc tội lưu, tội đồ, binh lính bị "phát viễn sung quân, lưu phát vi quân", lưu dân. Đông nhất vẫn là lưu dân, tức là những người dân lưu tán tha hương. Đây là những người dân nghèo đói và cùng đường (thường từ miền Bắc và miền Trung) đành phải lìa bỏ quê hương đi tìm đất sống. Vào xứ Đồng Nai - Gia Định gặp được vùng đất gần như vô chủ lại vô cùng màu mỡ, "Chim trời cá nước, ai kiếm được người ấy ăn" (ngạn ngữ Nam Bộ), không còn lo đói rét, nhưng để tồn tại lâu dài, họ phải chống trả với một thiên nhiên hoang vu đầy khắc nghiệt, nguy hiểm, với muỗi mòng, rắn rết, thú dữ, bệnh tật, giặc cướp. Ca dao đã ghi lại: Tới đây cá sấu cắn chưng (chân)Phải qua nhiều đời "đào gốc bốc chà" và biết bao nhiêu người đã chết vì sốt rét, vì rắn độc, vì "hùm tha sấu bắt", họ mới tạo lập nên những xóm làng trên những vùng đất cao, sau đó lại đi mở mang tiếp những vùng thấp hơn, hoang vu hơn. Mỗi tấc đất ở đây như còn thấm vị mặn của mồ hôi và máu của cha ông. Nhà thơ Xuân Diệu đã cảm nhận được điều này qua các địa danh - những địa danh đặc chất Nam Bộ: Ôi! Những tên đất nước Miền Nam ta !Cho nên khi đất ấy bị kẻ xa lạ đến chiếm đóng, người dân ở đây đã chiến đấu vô cùng bất khuất để bảo vệ mảnh đất máu xương của cha ông. Cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, bắt đầu từ Nam Kỳ, sau tới Bắc Kỳ và Trung Kỳ, cuối cùng đều thất bại, nhưng màu sắc bi hùng của văn chương Nam Kỳ có một vẻ chua xót đặc biệt: Bến Nghé của tiền tan bọt nước (Nguyễn Đình Chiểu, Chạy Tây) Binh tướng nó hãy đóng ở sông Bến Nghé, ai làm nên bốn phía mây đen; (Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc)Nhà văn Nguyễn Văn Xuân lý giải điều này: "Nhà Nguyễn gọi đất miền Nam là đất ân nhân (...) Khi đất miền Nam bị Pháp chiếm, chưa bao giờ người ta thấy các nhà văn miền Nam đau xót đến như thế! Sẽ không bao giờ người ta còn thấy những tiếng than khóc, những cuộc bút chiến nảy lửa, những văn tế thống thiết từ các tướng lãnh đến hàng dân đen như thế sau này ở Bắc hay ở Trung! Cho đến hồi đất nước hoàn toàn phân cắt, triều Nguyễn chỉ còn là bù nhìn, thế mà khi vua Thành Thái ngự vào Nam, dân chúng và văn nghệ sỹ ở nhượng địa ấy cũng cũng đã đón tiếp chí tình như chưa hề thấy". Có lẽ sự gắn bó về tình cảm của con người vùng đất "ân chúa tài bồi cho nước nhà ta" (Nguyễn Đình Chiểu) khiến cho Nam Bộ luôn "đi trước về sau". Nhà văn Nguyễn Văn Xuân viết tiếp: "Rồi đến khi các tỉnh miền Trung phát ra cuộc vận động Duy tân (1908), thế mà dân miền Nam, trực tiếp tiếp xúc với Tây học vẫn còn những người ngang nhiên mang cái búi tó khá lớn để lái ô tô kiểu mới nhất" (theo nhà văn, đến những năm bốn mươi thế kỷ trước vẫn còn gặp).Thời kháng chiến chín năm (1946 - 1954) và chống Mỹ, vùng lưu vực sông Đồng Nai là căn cứ địa quan trọng bậc nhất miền Nam. Ở đây có Chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu tồn tại xuyên qua cả hai cuộc kháng chiến. Chiến khu Đ vừa nằm trong vùng rừng núi Đông Nam Bộ, vừa án ngữ trên hành lang cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, nối thông lên vùng rừng núi Tây Nguyên, địa thế hiểm trở, trở thành một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, cất giấu lực lượng, cất giữ kho tàng và phát triển mọi mặt của một căn cứ địa kháng chiến. Ông Lê Duẩn từng đánh giá vị trí của Chiến khu Đ: "Miền rừng núi Đông Nam bộ và Khu VI đối với Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự như khu căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp". Nêu mấy ý trên để thấy rằng bất cứ công cuộc khai thác nào nhân danh "hiện đại hoá" mà làm tổn thương các yếu tố văn hoá truyền thống và tâm linh đều là điều không nên, huống chỉ chỉ là cái dự án "cải tạo cảnh quan" mang lợi ích quá cục bộ và ích kỷ. Phần 3 dưới đây chúng tôi sẽ trình bày bốn địa danh văn hoá - lịch sử có nguy cơ bị xoá sổ đầu tiên. 3. Những địa danh thiêng liêng nằm trong nguy cơ xoá sổ đầu tiên Liên quan đến dự án lấp sông Đồng Nai, có hai địa danh thiêng liêng thời mở nước đứng trước nguy cơ bị xoá sổ đầu tiên là Cù Lao Phố với sự dày đặc các di tích và chùa Long Thiền; tiếp theo đó là cầu Rạch Cát và cầu Gành, hai cây cầu cũng đã có tuổi đời trên trăm nãm và nay vẫn đang sử dụng tốt, giá trị không chỉ về giao thông mà còn gắn bó với đời sống tình cảm của xứ sở. a) Cù Lao Phố Cù Lao Phố là một đảo nằm lọt giữa hai nhánh của sông Đồng Nai, với tổng diện tích 694,6495ha. Theo nhiều nhà khoa học, Cù Lao Phố sẽ bị "bắn phá" dữ dội sau khi khúc sông phía trên bị bóp hẹp dòng chảy (giống như khi ta bóp miệng ống nước tưới cây) và cù lao này bị xoá sổ là điều gần như chắc chắn xảy ra. Với một diện tích gần 7 cây số vuông, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ (nhiệt độ luôn thấp hơn khu vực xung quanh), rõ ràng là một tài sản lớn về đất trồng trọt và trong tương lai là khia thác du lịch. Nhưng còn một điều quan trọng nữa: nơi đây ghi dấu biết bao sự kiện của thời mở nước. Năm 1679 đã có một đội binh hùng mạnh của chúa Nguyễn đồn trú tại đây. Từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào làm kinh lược xứ Chân Lạp (1698), nơi đây trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất với các khách thương từ Trung Quốc, Nhật Bản, các nước phương Tây,... Gia Định thành thông chí chép: "Đại Phố Châu (tục danh là Cù Lao Phố). Có tên gọi là Đông Phố, lại có tên là Cù Châu, vì nó quanh queo co duỗi có hình dáng như rồng hoa giỡn nước (...), làm cá vàng trấn cửa sông cho trấn và cột đá chắn sóng lớn. Sông Phước Giang ôm phía nam, sông Sa Hà ôm phía bắc, trước có cầu gỗ ngang sông, rộng rãi bằng phẳng, thông đến trấn lỵ". Năm 1747, cũng tại đây, chúa Nguyễn đã dẹp tan một cuộc nổi dậy âm mưu cát cứ của một nhà buôn người Hoa là Lý Văn Quang. Cù Lao Phố nay là xã Hiệp Hòa, là một xã có tới 11 ngôi đình, 9 chùa và 2 tịnh xá, trong đó có 4 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đáng chú ý là các di tích: - Chùa Đại Giác, một trong ba ngôi chùa cổ nhất ở Đồng Nai,tương truyền do nhà sư Thành Đẳng theo chân đoàn người đi khẩn hoang mà dựng lên (1665). - Chùa Ông (Thất Phủ Cổ Miếu), một ngôi chùa cổ (xây 1694) của cộng đồng người Hoa đầu tiên đến lập nghiệp vùng này. - Đình Bình Quan gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng của quân dân Biên Hòa. Đặc biệt nơi đây có hai di tích gắn với hai nhân vật lịch sử thời đi mở đất: đình Tân Lân và đình Bình Kính. Đình Tân Lân thờ Trần Thượng Xuyên (1655 - 1720) , một trong những bộ tướng của Dương Ngạn Địch đến tỵ nạn năm 1679 đã nói ở phần 2, người có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất này cùng với những người Việt đến trước đó. Đình Bình Kính hay đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thờ tướng quân - nhà chính trị tài ba Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700, người vừa dẹp giặc nơi biên cương, vừa chiêu mộ dân khai phá vùng đất Đồng Nai và là người đã chính thức hoá vùng đất này vào lãnh thổ Việt Nam (1698). Ông bị bệnh mất tại Mỹ Tho khi mới năm 50 tuổi, trên đường đi đánh giặc vùng An Giang thắng lợi trở về. Thi hài ông quàn tạm tại Cù Lao Phố trước khi đưa về quê Quảng Bình để mai táng. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh trên Cù Lao Phố Chùa Long Thiền thuộc phường Bửu Hoà, nằm gần như đối diện bên kia sông với phường Quyết Thắng, nơi bờ sông Ðồng Nai đang bị san lấp. Ðây là ngôi chùa của người Việt xây từ năm 1664 (trước cả khi đất Ðồng nai được chính thức hoá vào nước ta), là một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng, đã được xếp hạng di tích quốc gia. Ông Doãn Mạnh Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHKT và Kinh tế biển TP. Hồ Chí Minh nói về ngôi chùa: "Tôi rất hiểu tâm tư của người dân ở đây, chùa Long Thiền là nơi mang tất cả tâm linh và hình bóng người Việt xưa đi mở cõi khai phá vùng đất này hơn 300 nãm về trước. Chỉ cần bị xói lở một chút là ngôi chùa này sẽ bị ảnh hưởng, có khi bị trôi xuống sông". c) Cầu Rạch Cát và cầu Ghành Cầu Rạch Cát năm 1909 Cầu Rạch Cát và cầu Gành đều nằm phía hạ lưu của khu vực và rất gần khu vực đang san lấp làm đô thị (cầu Rạch Cát có mố cầu phía bắc cách vùng lấn sông 400m; cầu Gành có mố cầu phía nam cách vùng lấn sông 800m). Hai cây cầu này sẽ là mục tiêu "bắn phá" của dòng chảy sông bị bóp hẹp ở đoạn phường Quyết Thắng do dự án lấp sông tạo nên. Theo ông Doãn Mạnh Dũng, đây sẽ thảm họa cho trục giao thông Bắc - Nam, vì tốc độ dòng chảy tăng lên sẽ phá huỷ 4 mố cầu của 2 cây cầu này. Hai cây cầu trên trước hết có vai trò vô cùng quan trọng về giao thông cho tuyến giao thông Bắc - Nam, cả đường bộ và đường sắt,suốt từ thời Pháp thuộc đến nay. Mới đây (2013), cầu Bửu Hoà được xây khẩn cấp, nhưng cũng chỉ mới tách được đường bộ ra, chứ chưa có cây cầu nào thay thế được hai cây cầu này cho đường sắt chạy qua. Và sau giao thông, đây là hai công trình văn hoá đã gắn bó với tình cảm của cộng đồng nơi đây. Hai chiếc cầu sắt này được xây từ những năm đầu thế kỷ XX (cầu Gành xây 1903), tới nay có tuổi đời trên trăm năm. Một số tài liệu cho biết người thiết kế hai cây cầu này là kiến trúc sư danh tiếng Gustave Eiffel (1832 - 1923), người thiết kế tháp Eiffel nổi tiếng. Hai cây cầu sắt đã trở thành những hình ảnh thân thuộc với người dân Biên Hoà nói riêng và người dân xứ Đồng Nai nói chung. Thay lời kết, tôi muốn nhắc lại ở đây lời của nhà thơ Gamzatov (Daghestan): "Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn trả anh bằng đại bác". Với dự án lấp sông Đồng Nai thì sự bắn trả bằng đại bác sẽ là một tương lai rất gần. Hãy chặn bàn tay của những người vẫn đang cố làm dự án lấp sông Đồng Nai. Đào Tiến Thi |
Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016
Ảnh Hưởng Của Lấp Sông Đồng Nai ?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét