Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Thanh Tâm Tuyền và “Lệ đá xanh”


Năm 1954, chàng thanh niên 18 tuổi tên Dzư Văn Tâm di cư vào Nam, bắt đầu hoạt động sáng tác văn chương khi cùng với những người bạn cũ ở Tổng hội Sinh viên Hà Nội thành lập nhóm Sáng tạo và cho ra mắt tạp chí văn nghệ Sáng tạo (số 1 ra vào tháng 10 năm 1956 và được nối tiếp bởi 30 số rồi đình bản vào năm 1959). Nhóm Sáng tạo quy tụ những tên tuổi lớn của văn chương, hội họa và âm nhạc của miền Nam như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền (bút hiệu của Dzư Văn Tâm), Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Sỹ Tế, Quách Thoại, Thái Tuấn và Cung Tiến. Các thành viên của nhóm Sáng tạo đã nỗ lực đoạn tuyệt với văn chương của Tự lực văn đoàn và Thơ Mới từng được coi là mẫu mực, đổi mới thơ, văn, âm nhạc và hội họa để góp phần xây dựng nền văn nghệ mới ở miền Nam. Các sáng tác của Thanh Tâm Tuyền trong buổi đầu của nhóm Sáng tạo đã thể hiện những đổi mới đáng kể: cuốn truyện đầu tay có nhan đề “Bếp lửa” của ông (in năm 1956) là cuốn truyện đầu tiên thuộc loại văn chương trí tuệ, thể hiện “cái hào quang của trí tuệ đối đầu với định mệnh” như cách nói của nhà văn Pháp André Malraux và tập thơ “Tôi không còn cô độc” (cũng in năm 1956) có những bài thơ tự do không gieo vần theo lối đồng âm, mà có nhịp điệu riêng được tạo nên bởi những hình ảnh - một nhịp điệu có thể gọi là “nhịp điệu của ý thức” - khác với tất cả những gì đã có, đặc biệt là thơ Mới vốn được coi là chuẩn mực của thi ca Việt Nam. Tập thơ thứ hai của Thanh Tâm Tuyền có nhan đề “Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy” in vào năm 1964 cũng có nhiều bài thơ tự do có hình thức tân kỳ, vẫn là “thứ thơ trí tuệ, giản dị mà phức tạp, rất đẹp mà không một nỗ lực làm dáng và tựu trung đó là những tuyên ngôn của tự do và tình yêu được đặt trên một bình diện mới và mang tinh thần thế giới” như nhận định của nhà báo Bùi Bảo Trúc. Các bài thơ tình của Thanh Tâm Tuyền trong hai tập thơ “Tôi không còn cô độc” và “Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy” đã có có sức lay động mạnh mẽ trong tâm hồn của những thanh niên miền Nam vào thời kỳ này vì như lời nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, “tình yêu làm cho Thanh Tâm Tuyền trở nên lãng mạn và đau khổ, nhục nhằn. Tình yêu xót xa hòa chung với sự đau khổ vì nỗi đời, vì mệnh nước”.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã phổ nhạc một số bài thơ của Thanh Tâm Tuyền như “Dạ khúc” (ca khúc”Dạ tâm khúc”), “Bài ngợi ca tình yêu” (ca khúc “Ngợi ca tình yêu” và “Đêm màu hồng”) và lấy hai câu thơ trong bài “Lệ đá xanh” (trong tập thơ “Tôi không còn cô độc”) để làm đoạn cuối của ca khúc “Nửa hồn thương đau” thể hiện nỗi đau đớn của chính ông trong một cuộc tình không trọn vẹn.


Bài thơ “Lệ đá xanh” của Thanh Tâm Tuyền:
tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi…
Ca khúc “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương:
"Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu? Em ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt
Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người ôi những người
Khóc lẻ loi một mình..."
Ca khúc “Nửa hồn thương đau” với giọng ca Thái Thanh:

Ca khúc “Nửa hồn thương đau” với giọng ca Lệ Thu:




 Câu chuyện vui đó là đây: Kỷ niệm vui về một lần gặp gỡ thần tượng:
Người già thường hay nhớ lại những chuyện cũ vì cánh cửa tương lai sắp sửa khép lại rồi nên những kỷ niệm của những ngày tháng xa xưa bỗng ùa về giữa một đêm khuy
a thanh vắng hay một buổi sớm mai có nắng vàng rực rỡ. Một kỷ niệm vui cứ trở lại nhiều lần trong tâm trí mình là lần tình cờ gặp gỡ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Hồi mười tám, đôi mươi, mình rất say mê những cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền như "Bếp lửa", "Mù khơi", "Cát lầy", 'Một chủ nhật khác" và cũng yêu thích những bài thơ tự do của ông trong tập "Tôi không còn cô độc", nhưng suốt nhiều năm trước 1975 chưa được một lần gặp mặt ông. Cho đến một ngày...
Năm 1993, mình có một người bạn vong niên, một cựu giáo sư Đại học Sư Phạm Sàigòn phải sống qua ngày sau năm 1975 bằng việc bán báo gần nhà thờ Huyện Sỹ và dịch những cuốn sách học tiếng Anh theo đơn đặt hàng của những đầu nậu. Hồi ấy, ông đưa cho mình mượn đọc bản thảo tác phẩm ưng ý nhất của ông là bản dịch những truyện ngắn và tiểu luận của nhà thơ Argentina Jorge Luis Borges và một buổi trưa nọ, khi ghé sạp báo của ông trong công viên để trả lại bản thảo, mình thấy phía trong có một người đàn ông đứng tuổi nhỏ thó đang ngồi trên một chiếc ghế bố. Người bạn của mình chỉ ông lão ngồi trên chiếc ghế bố và nói: "Ông ấy là ông cậu của tôi, sắp đi Mỹ diện HO...". Lúc ấy, mình cũng đang là một anh bán sách học tiếng Anh nên sau vài lời thăm hỏi, mình giới thiệu với ông cuốn "How to survive in the U.S.A.", một cuốn sách học tiếng Anh bán rất chạy dành cho những người sắp nhập cư ở Mỹ. Ông lão trả lời bằng giọng rề rà, chậm rãi của một người đã rất già nua dù có vẻ như ông chưa tới 60 tuổi (hồi ấy ông chỉ mới 57 tuổi!): "Đúng rồi anh ạ, cuốn sách đó hay lắm, rất thích hợp với những người sắp qua Mỹ, lại có băng cassette kèm theo..." Sau vài câu trao đổi về cuộc sống ở Mỹ, ông leo lên chiếc xe đạp đi về phía chợ Bến Thành. Người bạn vong niên của mình hỏi: "Anh có biết là ông ấy có sáng tác nhiều bài thơ trong trại cải tạo và đến giờ này vẫn còn tiếp tục viết truyện?" Mình rất đỗi ngạc nhiên: "Ủa, vậy ông cậu của chú là...". "Tôi tưởng hồi nãy anh biết đó là nhà văn Thanh Tâm Tuyền..." Trời đất ! Vậy là ông lão nhỏ thó ngồi trên chiếc ghế bố, nói giọng rề rà mình gặp hồi nãy là nhà văn Thanh Tâm Tuyền, thần tượng của mình hồi mười tám, đôi mươi ! Tiếc quá nhưng còn biết làm sao !
Cuối năm 1993 ấy, Thanh Tâm Tuyền sang Mỹ theo diện HO cũng như rất nhiều sĩ quan chế độ cũ đã rời trại cải tạo và tiếp tục giới thiệu những bài thơ sáng tác trong chốn lao tù. Ông đã qua đời năm 2006 nên lần gặp gỡ tình cờ ấy đã là lần gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng giữa một nhà văn tài hoa của miền Nam và một độc giả rất ngưỡng mộ ông. Phải chi hồi đó biết sớm hơn ông là Thanh Tâm Tuyền, mình đã hỏi ông về cuốn "Bếp lửa"hay một bài thơ trong tập "Tôi không còn cô độc"!

Huỳnh Duy Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét