Đinh Thị Như Thuý
1.
Có lần tôi và mấy người bạn đã tìm về quán café Tùng. Chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế nhỏ xíu dưới chân cầu thang cuối căn phòng. Nơi có cái rào chắn nho nhỏ, làm bằng gỗ thông sơn trắng, ngăn lối lên tầng hai của ngôi nhà. Nơi ngày xưa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, trong thời gian ở Đà Lạt, vẫn ngồi uống café với nhau sau mỗi đêm đi hát về.
Chúng tôi đã ngồi vào bộ bàn ghế đó trong một niềm hoài cảm. Lẽ ra trong không gian đó, ánh sáng đó, những hoài niệm đó, chúng tôi phải nói với nhau về những điều thật đẹp. Về những bài hát đã từng ám ảnh chúng tôi, về một thứ âm nhạc gần gũi mà chúng tôi vẫn nghe, như thể vẫn hít thở mỗi ngày. Lẽ ra chúng tôi phải nói về họ, về Khánh Ly, về Trịnh Công Sơn, về Từ Công Phụng, về Lê Uyên Phương... Lẽ ra chúng tôi phải nói về những điều kỳ diệu họ đã đem đến cho chúng tôi trong cuộc sống.
Quán café Tùng những năm đầu của thế kỷ này, giữa một khu phố có quá nhiều thay đổi, vẫn như xưa. Vẫn hai hàng ghế tựa bọc da chạy dài theo vách, những chiếc ghế nhỏ xinh rải rác, bức tranh treo tường, khung cửa kính nhìn ra phố... Tất cả đều ấm cúng sang trọng theo một kiểu rất riêng. Ấm cúng và buồn bã khiến con người ngồi trong quán bỗng muốn gần nhau, thấy cần thiết phải có nhau.
Vậy mà chúng tôi đã sai lầm, chúng tôi đã cãi vã vì một chuyện chẳng ra sao. Cãi nhau, khích bác nhau, giận dỗi nhau, làm tổn thương nhau chỉ vì vô tâm, ích kỷ, chỉ vì không muốn chấp nhận nhau, dù chỉ là chấp nhận về cách nhìn những hoa rêu trên mái cũ nhà Đà Lạt.
Lẽ ra đã có một buổi tối khác, nhưng có cách gì để làm lại? Có lẽ chẳng bao giờ chúng tôi lại có dịp cùng đi chung. Cùng xuýt xoa vì hơi sương lạnh buốt, cùng leo lên một chiếc xe ngựa, rồi cùng không nói gì, chỉ ngồi im nghe tiếng vó ngựa gõ vào đêm lốc cốc. Tiếng vó ngựa như đệm vào tiếng kể chuyện của người đánh xe. Bằng một giọng khàn mệt, ông kể về những con đường ông và con ngựa đã đi, kể về những ngôi nhà ma, những oan khuất trong cuộc đời của nhiều con người. Câu chuyện của ông huyền hoặc đến nỗi đêm Đà Lạt bỗng thâm u thêm, như thể tất cả sương mù đều tụ họp về đây, trong đêm nay, theo một tiếng gọi bí ẩn nào đó.
Chúng tôi đã mất một buổi tối Đà Lạt đẹp vô cùng chỉ vì hẹp hòi, dại dột, và vô tâm.
2.
Nhưng đó là mất mát của riêng chúng tôi, chúng tôi đã phải trả giá cho sai lầm của mình bằng những dằn vặt, nuối tiếc.
Còn Đà Lạt?
Có quá nhiều thứ đã mất đi ở đây. Mất đi không chỉ do hẹp hòi, dại dột, và vô tâm. Mất đi do thời cuộc, thời gian. Mất đi do những quyết định vội vàng, tư lợi, thiếu hiểu biết của một số người.
Mất đi trong xót xa, đắng chát, nhưng hình như không một ai tự thấy mình có lỗi để ân hận, giày vò.
Những mất đi đó đã làm nên bao hệ luỵ đau đớn, nuối tiếc, buồn bã trong rất nhiều người. Những người đã gắn bó với Đà Lạt bằng một tình yêu máu thịt. Những người đã sống, và gửi gắm vào Đà Lạt cả một cuộc đời với bao kỷ niệm, mà thiếu nó người ta không làm sao thoát được cảm giác bị bứt khỏi mặt đất, bị quăng quật trong bão giông với những bất ổn kéo dài không ngưng nghỉ.
Tôi nhớ Đà Lạt những năm 80 của thế kỷ trước, vắng vẻ, nhiều sương mù, nhiều thông và hoa dại. Những đêm cuối năm nằm ở ký túc xá khoa Văn trên đồi thông khu Đa Thiện, chúng tôi nghe tiếng xe ngựa. Không phải những xe ngựa dành cho du khách bây giờ, mà là những chuyến xe rau củ đi về trong sương lạnh.
Con dốc rất cao từ quán cháo lòng La Si Mi Fa của Giáo sư - Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hồng Giáp, đến bãi đất trống đối diện ký túc xá khoa Văn quả là một thách thức cho những con ngựa kéo xe luôn già và gầy yếu. Để tiếng lóc cóc mày (một) cắc / tao (một) cắc thêm rã rời mỏi mệt. Tiếng vó ngựa rời rạc và tiếng gió hú u u sau đồi thông khiến đêm như ướt mềm ra, dài mướt. Và chúng tôi khi đó chợt không thể vô ưu, không thể không nghĩ đến gánh nặng cuộc đời với những buồn vui được mất.
Thầy Nguyễn Hồng Giáp đã rời đại học Sorbonne để về quê hương. Có một thời gian ông không được giảng dạy, ông mở quán cháo bán cho sinh viên. Cháo lòng heo ăn kèm bánh tráng nướng. Và khoai lang Đà Lạt ruột đỏ au dẻo quẹo chấm muối ớt. Những bát cháo ở quán La Si Mi Fa đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí tôi, cũng như hình ảnh vị giáo sư đáng kính vẫn đi trên con đường từ ngả năm Phù Đổng Thiên Vương về ký túc xá. Ông mỉm cười chào, một tay ông xách chiếc xô thiếc, tay kia là cặp que ông dùng để gắp những tảng phân ngựa. Ông đi nhặt phân về bón cho cỏ hoa và café trong vườn nhà...
Thầy Giáp giờ đã về sống ở Sài Gòn. Hồi đó tôi đã từng nhiều lần muốn hỏi mà không dám, vì biết vậy là quá táo bạo. Rằng có khi nào thầy nuối tiếc vì đã rời Paris, xa người vợ lai Pháp xinh đẹp? Để về đây, để nấu cháo lòng và nhặt phân ngựa? Để cười chào và đặt vào tâm trí những sinh viên chúng tôi một nỗi băn khoăn không nguôi về số phận con người?
Quán cháo mất đi như là một tất nhiên, tôi không biết có bao nhiêu người khi nhớ về Đa Thiện - Đà Lạt lại nhớ đến cái không gian quán chật hẹp như chiếc hầm khoét sâu vào ngọn đồi, với những bộ bàn ghế bằng gỗ thông, và cái tên La Si Mi Fa reo vang những nốt nhạc. Còn tôi vẫn hình dung trọn vẹn nó, cũng như tôi vẫn hình dung rõ rệt cây thánh giá nằm bên trong ngôi sao, trên ngọn tháp tam giác cao vút trong khu Năng Tĩnh trường Đại Học Đà Lạt. Tôi nghe kể hồi đó thầy Giáp là một trong ba người đã leo lên đỉnh tháp cao 38 mét này, để lấy bù lon siết các cánh ngôi sao ôm chặt cây thánh giá, và cây thánh giá vẫn nằm nguyên vẹn trong ngôi sao đó.
Không chỉ mình tôi hình dung. Tôi còn nhớ một buổi tối, Liêng Hót Ha Suê, người chơi guitar bass trong dàn nhạc của đội văn nghệ trường, đã đứng nguyện cầu giữa sân trường. Anh nhìn lên đỉnh tháp với đôi mắt thành kính, và lời cầu kinh, và bàn tay làm dấu thánh. Giờ khắc đó, anh đã không nhìn thấy ngôi sao, anh đã nhìn vào bên trong để chỉ thấy cây thánh giá. Niềm tin của anh đã làm cho khuôn mặt anh sáng rỡ đẹp đến kỳ lạ.
3.
Người Đà Lạt than rằng sương mù Đà Lạt đang ngày càng ít ỏi. Và đã có lý giải đó là một điều tất nhiên khi trái đất nóng dần lên, khi con người sinh sôi nẩy nở bung chiếm nhiều thêm ra. Liệu có hoàn toàn đúng như vậy?
Vả lại không chỉ sương mù, Đà Lạt còn đang mất đi quá nhiều.
Những ngôi nhà gỗ đẹp như bài thơ đang mất dần. Những con đường quanh co uốn lượn theo các sườn đồi đang mất dần. Thông Đà Lạt đang mất dần không sao cầm giữ được. Không gian tĩnh lặng rất riêng của Đà Lạt cũng không còn như xưa. Và đồi Cù, từ lâu người Đà Lạt đã mất đồi Cù ngay trong lòng thành phố của mình.
Tôi nhớ lại cảm giác của mình khi nghe tin đồi Cù bị rào giậu vây bọc kín bưng để biến thành sân golf. Lúc đó tôi đã rời Đà Lạt được vài năm. Nhưng cũng như những người đã đến và yêu Đà Lạt, Đà Lạt luôn ám ảnh tôi. Thật lạ lùng cho mảnh đất này, bởi nhớ nhung một vùng đất mà như thể nhớ nhung một người tình, đã cùng đi với mình qua bao hoang tưởng kỳ diệu, thì tôi nghĩ chỉ có Đà Lạt mới làm được.
Khi nghe tin, tôi đau đến sững người, tôi đã có cảm giác của một người đi xa nghe tin căn nhà của mình bị bán, bị đập vỡ, bị cày nát mà mình không có cách gì quay về, để bảo vệ để chia sẻ, gánh vác. Và tiếp đó là cảm giác nuối tiếc, cay đắng tràn ngập tâm hồn tôi.
Cho đến bây giờ, sau mười mấy năm sử dụng, sân golf đồi Cù, Đà Lạt đã thu được lợi nhuận bao nhiêu? Và lợi nhuận đó có đáng không? Có là bao so với những ảnh hưởng của nó đối với môi trường? So với nỗi đau buồn của bao nhiêu con người đã từng gắn bó với đồi Cù bằng một tình yêu máu thịt?
Ngày đó, tôi đã đến Đà Lạt trong khao khát khờ dại của một người ở biển mà mải mê hoài vọng núi, mải mê mơ về những quả đồi, và tiếng reo thầm thĩ của loài thông. đồi Cù đã là tất cả tưởng tượng của chúng tôi về thảo nguyên, những thảo nguyên vô cùng thanh sạch, phóng khoáng, đẹp đẽ trong sách vở. Nhất là vào buổi chiều khi đi ngược nắng, chúng tôi nhìn về chân trời xa rộng, để choáng ngợp trước đường chân trời vòng cong rực sáng. Những đôi tình nhân đan tay dạo trên đồi dưới mắt nhìn của chúng tôi khi đó đẹp như những thiên thần. Tôi đã mường tượng họ có thể bay lên trời nhờ đôi cánh, và sự nâng bổng của ánh sáng lộng lẫy trên đồi chiều.
Đồi Cù trở thành sân golf. Đã từ lâu người Đà Lạt và những người đã từng đến từng gắn bó với Đà Lạt đã không còn được tự do ra vào đồi Cù. Mà đồi Cù cũng đã khác, ngay cả màu cỏ trên đồi cũng đã khác xưa mất rồi. Những con người ngày xưa đã từng dạo chơi trên đồi, đã từng ngồi tựa vào những gốc thông cô độc trên đồi, đã từng hôn người mình yêu ở đó, làm sao họ còn tìm lại được dấu vết kỷ niệm? Mà không còn dấu vết kỷ niệm, con người ta sống hụt hẫng ra sao?
Tôi nhớ một lần Liêng Hót Ha Suê đưa tôi đến một góc đồi, nhìn về ngôi nhà ngày xưa của anh mà ngồi buồn suốt buổi. Anh đang nhớ người cha làm mục sư của mình và tuổi thơ với những tháng ngày vô tư, thánh thiện. Có lần, sau một tối tập văn nghệ ở trường Đại học, chúng tôi mang nhạc cụ trả về kho. Khi mọi người đã ra ngoài, và đèn điện đã tắt, từ bóng tối chúng tôi nghe tiếng đàn piano vang lên. Liêng Hót Ha Suê đang chơi đàn (cây piano của trường đã hỏng nhiều phím và từ lâu không ai sử dụng). Tiếng đàn thanh thoát mà ám ảnh. Đó là giai điệu của một bài thánh ca. Tôi đã không còn nhớ tên bài hát, nhưng buổi tối đó và tiếng đàn như tiếng đập thổn thức của trái tim anh vẫn trở về trong tôi, mỗi lúc tôi về lại Đà Lạt, đi trong sương lạnh nghe tiếng gió và tiếng thông reo.
Liêng Hót Ha Suê đã mất ngôi nhà tuổi thơ của mình và không nguôi tiếc nhớ. Còn bao nhiêu người Đà Lạt khác đã mất những gì yêu thương của họ theo những đổi thay dâu bể trong đời?
4.
Hôm nay, đọc bài “Mãi mãi Đà Lạt” của nhà văn Nguyễn Đạt trên tienve.org tôi chợt quá nao lòng. Thực ra tôi đã biết quá ít về Đà Lạt, về những con người đã từng sống ở đây, đã làm nên những điều kỳ diệu đẹp đẽ cho văn chương, cho hội hoạ, cho âm nhạc... Những con người đã và đang tồn tại lặng lẽ để làm nên lịch sử Đà Lạt. Nhưng tôi đã yêu Đà Lạt bằng trái tim tuổi trẻ trinh nguyên, và thương yêu đó đã không nguôi ngoai dù theo thời gian bao nhiều điều khác đã như nước chảy dưới chân cầu. Thương yêu đó đã khiến tôi không thể không nuối tiếc, xót xa khi đi qua những mất mát của Đà Lạt trong cảm nhận của riêng tôi.
Tiếc nuối xót xa vì đã có quá nhiều những nói một đằng làm một nẻo, đã có quá nhiều những đập vỡ, giấu che. Như bức tượng Đức Mẹ tuyệt đẹp trước hội trường A1, hay cây thánh giá trên đỉnh tháp sao trường Đại học. Và bao nhiêu điều khác nữa. Và ở nhiều nơi khác nữa. Những đập vỡ, giấu che xuất phát từ những quan niệm độc đoán, ấu trĩ đến đau lòng.
Đâu đó người ta đang nhìn vào festival hoa, đâu đó nhan nhản những lời kêu gọi vì tương lai thành phố. Đôi khi tôi mơ hồ rối rắm trước những lời kêu gọi ồn ào mà rỗng tuếch đó, trước những festival có quá nhiều sắc màu rực rỡ giả tạo đó. Tôi thấy mình như đang đi trong sương mù. Nhưng không phải sương mù thanh sạch mát lạnh của Đà Lạt xưa, mà là một thứ sương mù độc địa, có sức mê hoặc và giấu che bản chất. Tôi thấy mình mất phương hướng, và lại tràn ngập lòng tôi một cảm giác cay đắng, tiếc nuối.
Khi mất một đêm Đà Lạt đẹp vô cùng bên nhau, ít ra chúng tôi cũng biết mình đã đánh mất và không nguôi dằn vặt. Còn Đà Lạt với những cây thông chết, những ngôi biệt thự hoang tàn. Đà Lạt với những con đường, những trảng cỏ biếc xanh, những hiền lành chân chất mất đi, thì chẳng biết nhìn vào ai, nhìn vào đâu để thở than trách móc!
Ai đó đã nói tiếc nuối là một cảm giác vô ích, tôi nghĩ là tôi hiểu được điều đó, nhất là khi sự tiếc nuối đó lại là của những người dân với thân phận bé nhỏ, không chức quyền. Nhưng tôi đã không làm sao thoát được cảm giác đó, tôi cứ phải buồn thương, xót đắng mãi cho những mất còn. Có lẽ tôi phải tự an ủi mình như nhà văn Nguyễn Đạt, rằng Đà Lạt xưa vẫn còn trong ký ức của bao con người. Những con người tồn tại lặng lẽ, khuất lấp đâu đó, với một tình yêu chân thành, vô vụ lợi dành cho Đà Lạt. Những con người đang sống với những khát vọng tự do và tình yêu dành cho cái đẹp. Đà Lạt đã có một lịch sử và lịch sử Đà Lạt vẫn còn đó. Có thể nhờ vậy mà chúng ta mãi mãi vẫn hình dung được trong tâm trí một Đà Lạt vẹn nguyên. Một Đà Lạt xưa với đồi Cù với thông và sương và hoa dại. Một Đà Lạt với quán café Tùng và những huyền thoại vô cùng đẹp. Ngày xưa...
Krông Păc 19.7.2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét