Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Chuyện Tình Của Nhà Thơ Nguyễn Tất Nhiên

 Chuyện tình nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên

Đoàn Vị Thượng



Có thể nói thơ và chuyện tình của Nguyễn Tất Nhiên trở thành một hiện tượng nổi bật tại miền Nam vào những năm đầu thập niên 1970.
Ông làm thơ hay – điều đó là hẳn nhiên, nhưng chuyện tình được “rêu rao” trong thơ ông khiến dư luận hết sức chú ý. Nguyễn Tất Nhiên yêu rất thật và thơ ông cũng phản ánh quá thật những tâm tình nóng hổi khi yêu làm cho giới bạn đọc, nhất là học sinh, sinh viên đều có những đồng cảm sâu sắc.
Duyên của tình ta con gái Bắc.
Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952, tại Biên Hoà (Đồng Nai). Năm đệ tứ (lớp 9), ông để ý đến một cô bạn học người Bắc, tên Bùi Thị Duyên rất xinh đẹp. Chính vào năm đó, Nguyễn Tất Nhiên bắt đầu làm thơ. Thật đáng kinh ngạc, những bài thơ đầu tay đã có sự cuốn hút lạ thường nên chỉ vài năm sau đó ông đã sớm nổi danh. Với những bài thơ này – chủ yếu viết cho Duyên, Nguyễn Tất Nhiên đã tập hợp in thành tập mang tên “Thiên tai” khi học lớp đệ nhất (lớp 12) và thân hành mang đi bán tại các lớp trong trường.
Khi tập thơ phát hành, Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng ngay, và vì thế ở Biên Hoà, người ta bắt đầu đồn thổi về chuyện tình Duyên – Nhiên khắp nơi. Sau này, Bùi Thị Duyên kể:
“Tụi này biết nhau từ hồi nhỏ, lúc đó còn ngây thơ, tôi chưa nghĩ gì, còn Nguyễn Tất Nhiên có nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14 – 15 tuổi. Tôi được Nhiên tặng một quyển thơ mà như anh nói chỉ có 3 bản chính đặc biệt (trong số 100 bản), một cho Nhiên, một bản cho tôi, và một bản cho một người quan trọng nào đó. Tôi biết sự hình thành quyển thơ là từ tôi mà ra chứ không phải không, nhưng thật ra chúng tôi chẳng có gì hết, bạn bè trong lớp ai cũng biết. Dĩ nhiên là tôi rất xúc động vì một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã gặp và nói với Nguyễn Tất Nhiên rằng mình chỉ là bạn thôi, nếu Nhiên muốn đi xa hơn nữa thì tôi không gặp Nhiên đâu. Sau đó anh ấy cũng công nhận chỉ muốn là bạn, nhưng thật ra nói thế cho qua để mà còn tiếp tục được gặp tôi”.
Cũng cần được nói thêm, ở Biên Hoà thời ấy có rất nhiều nhà thờ. Là người theo đạo, Bùi Thị Duyên hay đi lễ, và những buổi sáng hay chiều, anh chàng làm thơ si tình Nguyễn Tất Nhiên thường ngồi trong quán cà phê bên đường để ngắm nhìn người đẹp đi ngang qua. Ắt hẳn đã nhận ra tình mình chỉ là đơn phương, thơ của ông viết cho Duyên đa phần là thở than, trách móc, có khi rất… dữ dội.
Bài thơ đầu tiên ông làm cho Duyên đã có tên là “Khúc tình buồn”, sau đó nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bản nhạc “Thà như giọt mưa” hầu như ngày nào cũng được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn, được giới học sinh, sinh viên mua, chép, chuyền tay nhau với tất cả sự thích thú vốn có của tuổi trẻ:
“Thà như giọt mưa
Vỡ trên mặt Duyên
Để ta nghe thoáng
Tiếng mưa vội đến
Những giọt run run
Ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm
Đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên
Đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên
Đau khổ muôn niên”.
Với cái tên Duyên được “rêu rao” trong ca từ một cách thê thiết như thế, cảm xúc của người nghe như được nhân lên gấp bội, cho nên bản nhạc cũng như tên tuổi của Nguyễn Tất Nhiên nhanh chóng được lan truyền rất rộng rãi.
Tiếp sau bản nhạc đó, và ngoài tập thơ “Thiên Tai”, Nguyễn Tất Nhiên còn tiếp tục làm nhiều thơ “ai oán” cho Bùi Thị Duyên. Như bài “Duyên của tình ta con gái Bắc” với những câu… ấn tượng:
.............
Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!
(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
...........
Thế nhưng, dường như trái tim của Bùi Thị Duyên vẫn không hề mềm sũng trước những bài thơ ướt át đó, thậm chí ngược lại đã có nhiều hờn trách từ phía gia đình bà dành cho nhà thơ tài hoa si tình.
Cả dư luận, trong khi thán phục, tìm đọc thơ của Nguyễn Tất Nhiên cũng bắt đầu tỏ ý phê phán ông “độc ác” với người-tình-không–trái- tim Bùi Thị Duyên. Để đến nỗi, khoảng năm 1973, Nguyễn Tất Nhiên thật sự mệt mỏi (chữ của ông hay dùng trong thơ) với cuộc tình tuyệt vọng của mình và làm bài thơ coi như là bài cuối cùng dành cho Duyên, trong đó ông “dũng cảm” tự nhận mình là một “tên quái đản”, là người “cầu danh vọng trên nước mắt người tình”
như một tạ lỗi:
Năm năm trời... ta làm tên quái đản
Cầu danh trên nước mắt của người tình
Năm năm trời có nhục có vinh
Có chua, chát, ngọt, bùi, cay, đắng...
Có hai mái đầu chia nhau thù oán
Có thằng ta trút nạn xuốn vai em!
Năm năm trời... có một tên Duyên
Ta ca tụng, rồi chính ta bôi lọ
Tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ
Nên lỗi lầm đã đục màu sông
Nếu em còn thương mến tuổi mười lăm
Xin nuốt hận mĩm môi cười xí xóa
Hồn ta đẹp nhưng đời ta thảm quá
..........
(Tạ lỗi cùng người)
Cũng trong thời kỳ Nguyễn Tất Nhiên học đệ nhất (lớp 12) và xuất bản tập thơ “Thiên tai”, ông có chú ý đến một cô bạn học chung trường khác tên là Nguyễn Thị Minh Thuỷ.
Minh Thuỷ không đẹp bằng Bùi Thị Duyên nhưng cũng xinh xắn, dễ thương, học giỏi nhất trường, có thể nói là tài năng toàn diện, đặc biệt là hết sức dịu dàng. Đã biết chắc rằng tình yêu mình dành cho Duyên là vô vọng, Nguyễn Tất Nhiên tỏ ra săn đón Minh Thuỷ hơn. Vốn có bản tính dịu dàng, Minh Thuỷ không tỏ ra từ chối tình yêu của nhà thơ mà chỉ im lặng nửa nhận nửa không. Cứ mỗi khi tan trường, đang đi bên cạnh cô bạn học, nhác thấy chiếc Honda của Nguyễn Tất Nhiên lạng lại từ xa là Thuỷ vội đẩy bạn ra phía ngoài, còn mình đi bên trong để tránh tiếp xúc trực tiếp. Những lần như thế, thư từ, quà cáp của nhà thơ được cô bạn nhận giúp và sau đó chuyển lại cho Thuỷ. Bà kể về thời đó: “Có lần anh ấy dúi vào tay bạn tôi một cái bọc và nói trước khi phóng xe đi: “Thuốc bổ óc đó, một cho Dung (tên bạn tôi) và một cho Thuỷ, ráng thức để mà học thi”. Tôi cũng cảm động, vui vui một chút. Anh chàng làm thơ mà cũng biết điệu đó chứ”.
Tuy vậy, khi thấy “hiện tượng” mối tình Nhiên – Duyên rộ lên cả trường, cả tỉnh, cả miền Nam, Minh Thuỷ cũng rất dè chừng. Lần nọ, bà quyết định gom hết tất cả quà cáp, thư tình của Nguyễn Tất Nhiên lâu nay gửi cho mình đem đến nhà bạn, nhờ bạn trả lại hết. Sự kiện đó đã làm cho nhà thơ si tình chấn động. Ông viết ngay bài thơ “Kẻ tự đóng đinh tim” cho Minh Thuỷ:
Vì chẳng được cầm tay nhau kể lể
Nên chuyện tình cứ thế, thảm hơn
Chúa cũng cau mày ngắm nỗi cô đơn
Của một kẻ đóng tim mình trên thập giá!
Chiều em đi học về, thơm tóc thả
Áo suông eo trinh bạch cả giáo đường
Ta ngọt ngào gọi khẽ, người đi luôn
Nên lũ thiên thần bỗng nhiên thất chí
Bay xuống trần gian làm thi sĩ
Nâng Thánh Kinh mà hát thơ tình
Có con chiên nào thoáng ngạc nhiên
Rồi lại đắm chìm trong vần nhã nhạc…
Chiều em đi học về, chim trắng bước
Ngang giáo đường nhòe nhoẹt màu vôi phai
Có động lòng xin hãy rút khăn tay
Lau giùm mắt kẻ xương bày trên thánh giá
Là ta đó, em ơi, đang tầm tã
Mưa đầy hồn đau đớn thương thân
Lỡ yêu tín đồ phải chấp nhận gian truân
Phải muối mặt giao du cùng quỷ sứ
Tính nhân hậu đã hồi nào hóa dữ
Chỉ vì em lành lặn quên chàng
Chỉ vì em… gõ nhẹ cửa thiên đàng
Bình thản gửi cho hai hàng bím tóc!
Vì chẳng được ra đường đứng, khóc
Nên hình hài cứ thế, ốm o hơn
Đời không dung đứa tự thị ngông cuồng
Người cũng thế nhìn ta chán ghét
Ta điên đảo, người đâu cần hay biết
Ta té lên té xuống chẳng ai màng
Ta còng lưng gánh bụi giữa hoàng hôn
Người lãnh đạm hất ta rơi vực tối!
Chúa cũng lắc đầu vô phương cứu rỗi
(Cứu rỗi làm gì một thứ nghênh ngang
Cứ nổi cơn đòi Thượng Đế ngang hàng
Đấng Ngàn Tuổi tim già khô độ lượng !)
Ta phải chết cho Nước Trời thịnh vượng
Cho thánh thần chúc phúc bình an
Cho em còn mãi mãi dịu hiền ngoan
Mà hãnh diện có thằng đen đúa
Luôn nhăn nhó mặt mày chê Chúa khó
Nhưng cắn răng không hở miệng trách em!
Trong một bài khác, ông còn trách cụ thể về việc Minh Thuỷ đã từng nhận thư, quà của ông như sau:
........
Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta thèm hôn lên mắt tiểu thư buồn
Ta vẫn ăn năn những lúc đón đường
Em khó chịu mà thư nào cũng nhận!
...........
(Giữa trần gian tuyệt vọng)
Cũng là thơ hờn trách nhưng có gì nhẹ nhàng, đằm thắm hơn chứ không “phẫn uất” như thơ viết cho Bùi Thị Duyên, vì Nguyễn Tất Nhiên đã nhận ra vẻ dịu dàng “Em hiền như ma soeur” của Minh Thuỷ. Phải nói những bài thơ ông viết cho Minh Thuỷ tình tứ, cảm động hơn, dù “chuyện tình” này không ồn ào như với Bùi Thị Duyên. Hình ảnh thắt bính tóc của Minh Thuỷ đi vào thơ ông thơ mộng lắm, ngay cả khi có nguy cơ hai người chia tay:
Em không còn thắt bính
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn luýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư
.............
Em thường hay mắt liếc
Anh thường ngóng cổ cao
Ngoài đường em bước chậm
Quán chiều anh nôn nao
........
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Hai năm trời mùa lạnh
Hai đứa cùng hư hao
........
Lên đại học, Nguyễn Tất Nhiên vào học Luật khoa, Minh Thuỷ vào Vạn Hạnh, Sài Gòn. Từ đó, hai người hầu như không còn gặp nhau. Thế nhưng, thỉnh thoảng trên báo, ông vẫn có thơ cho Minh Thuỷ, như đoạn thơ dưới đây là một, vẫn da diết lắm:
Trời mưa , không lớn lắm
nhưng đủ ướt đôi đầu !
tình yêu , không đáng lắm
nhưng đủ làm ... tiêu nhau !
...............
em tính còn ham chơi
lưng ngoan dòng tóc bính
môi trinh non thích cười
chiều chiều hay giỡn nắng
tình trôị. kệ tình trôi
............
(Thơ Khởi Tự Mê Cuồng)
Thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng
Năm 1975, biến cố đất nước. Chính sự kiện này đã vô tình “đẩy” Nguyễn Tất Nhiên và Minh Thuỷ gặp lại nhau, ấy là khi cả hai cùng trở về Biên Hoà sinh sống. Nguyễn Tất Nhiên đi làm… rẫy ở Long Thành (Đồng Nai), Minh Thuỷ làm nhân viên hợp tác xã ở thành phố. Dường như sự bình lặng của thời kỳ này đã làm “nguội” những sôi nổi bốc đồng của tình yêu tuổi trẻ một thời. Hai người đến với nhau có vẻ thanh thản, hiểu đời hơn. Tình yêu từ đó được nối lại.
Năm 1978, họ chính thức làm đám cưới. Tuy nhiên, với một tâm hồn quá mẫn nhạy, thậm chí hơi khác thường, ngay cả khi chuẩn bị chuyển từ vị trí người tình thành người chồng, Nguyễn Tất Nhiên vẫn có những bài thơ dự cảm rằng mình không xứng với sự dịu dàng, hiền ngoan, với kiểu “con nhà gấm lụa thánh hiền” của Minh Thuỷ. Nghe người ta chúc “trăm năm hạnh phúc” ông cũng lo nghĩ. Ông viết:
“Phu thê nếu đã nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngỏ lời yêu em
Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra
Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương
............
Phu thê nếu đã buộc ràng
Thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng
Tôi quanh năm sống hoang đàng
Cũng xin nhỏ lệ hoàn lương, khóc tình”.
(1978 ở Việt Nam)
Với những bài thơ viết cho người vừa thành vợ của mình, dễ thấy Nguyễn Tất Nhiên yêu Minh Thuỷ thật tình – thứ tình yêu không còn ai oán, hờn trách, hơn thua như xưa nữa mà đong đầy mặc cảm, lo lắng, làm như tạng người ông thì chỉ yêu thôi chứ đừng cưới, khi yêu thì “hùng hổ” nhưng khi cưới thì “ăn năn”. Như bài “Uyên ương” cái tựa thơ đã rõ là nói về tình vợ chồng, nhưng sao mà… hoài tiếc, thổn thức với những gì đã qua:
....
Có những chiều ta muốn hôn em, rồi khóc
Mùa bình an nào chờ đợi uyên ương?
Nhớ hôm xưa em mảnh khảnh tan trường
Hương trinh khiết ngây ngây chiều nắng lụa
Áo đông phương còn e dè trước gió
Ðôi tà ngoan chưa phỉ sức tung tăng
Bụi trần gian chưa gợn vướng mi cong
Thơ ta sáng theo hồn ta trẻ nhỏ
Nhớ hôm xưa em bình minh thiếu nữ
Môi vô tư chưa bợn nhuốm hơi người
Tay măng tơ chưa vọc nước dòng đời
Tóc bính thảnh thơi chưa phiền khói thuốc
Ta lẽo đẽo theo tình ê ẩm bước
Ðể chiều về nghẹ thấm thía gian nan!
Nhớ hôm xưa em mơ mộng nhẹ nhàng
Hay hát khẻ đôi bài tình man mác
Trang thư nhỏ ép bông hoa, làm dáng
Cài tơ nhung lên tóc mượt, làm duyên
Cười với tình nhưng... tránh vội sang bên
Như thể sợ tình yêu làm lấm áo!
Chim trong tổ biết chi đời giông bão
Em con cưng nào biết tuổi lưu đày
......
Với tính cách khác thường của Nguyễn Tất Nhiên như thế, quả nhiên cuộc sống của họ không hạnh phúc lắm, chủ yếu là do “tính nết hoang đàng” cố hữu của Nguyễn Tất Nhiên – như ông thường tự nhận, toàn là “nhẫn nhục cưu mang vợ chồng”. Dù đã có với nhau hai con trai, nhưng hai người thường xuyên có những cuộc “di cư” mỗi người một nơi mỗi khi trong nhà có “giông bão”. Năm 1992, trong một lần Minh Thuỷ dẫn hai con “di cư” như thế thì nghe tin Nguyễn Tất Nhiên đã tự kết liễu đời mình trong một ngôi chùa ở California, Mỹ .(họ sang Mỹ từ năm 1978).
Chính Minh Thuỷ cũng không tin ông chọn giải pháp đó dù quá biết tính cách khác thường của ông. Vì những chuyến “di cư” như thế, đối với bà, chỉ là cách để ông “biết điều” hơn với vợ con mà thôi, nhưng than ôi, “chính vì em mà thiên tài chán sống”, ông đã từng cảnh báo như thế trong một bài thơ thời còn độc thân rồi mà. (*)
Đoàn Vị Thượng

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

ĐÀ LẠT TRONG TÔI VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐÃ MẤT

 Đinh Thị Như Thuý

1.
Có lần tôi và mấy người bạn đã tìm về quán café Tùng. Chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế nhỏ xíu dưới chân cầu thang cuối căn phòng. Nơi có cái rào chắn nho nhỏ, làm bằng gỗ thông sơn trắng, ngăn lối lên tầng hai của ngôi nhà. Nơi ngày xưa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, trong thời gian ở Đà Lạt, vẫn ngồi uống café với nhau sau mỗi đêm đi hát về.
Chúng tôi đã ngồi vào bộ bàn ghế đó trong một niềm hoài cảm. Lẽ ra trong không gian đó, ánh sáng đó, những hoài niệm đó, chúng tôi phải nói với nhau về những điều thật đẹp. Về những bài hát đã từng ám ảnh chúng tôi, về một thứ âm nhạc gần gũi mà chúng tôi vẫn nghe, như thể vẫn hít thở mỗi ngày. Lẽ ra chúng tôi phải nói về họ, về Khánh Ly, về Trịnh Công Sơn, về Từ Công Phụng, về Lê Uyên Phương... Lẽ ra chúng tôi phải nói về những điều kỳ diệu họ đã đem đến cho chúng tôi trong cuộc sống.
Quán café Tùng những năm đầu của thế kỷ này, giữa một khu phố có quá nhiều thay đổi, vẫn như xưa. Vẫn hai hàng ghế tựa bọc da chạy dài theo vách, những chiếc ghế nhỏ xinh rải rác, bức tranh treo tường, khung cửa kính nhìn ra phố... Tất cả đều ấm cúng sang trọng theo một kiểu rất riêng. Ấm cúng và buồn bã khiến con người ngồi trong quán bỗng muốn gần nhau, thấy cần thiết phải có nhau.
Vậy mà chúng tôi đã sai lầm, chúng tôi đã cãi vã vì một chuyện chẳng ra sao. Cãi nhau, khích bác nhau, giận dỗi nhau, làm tổn thương nhau chỉ vì vô tâm, ích kỷ, chỉ vì không muốn chấp nhận nhau, dù chỉ là chấp nhận về cách nhìn những hoa rêu trên mái cũ nhà Đà Lạt.
Lẽ ra đã có một buổi tối khác, nhưng có cách gì để làm lại? Có lẽ chẳng bao giờ chúng tôi lại có dịp cùng đi chung. Cùng xuýt xoa vì hơi sương lạnh buốt, cùng leo lên một chiếc xe ngựa, rồi cùng không nói gì, chỉ ngồi im nghe tiếng vó ngựa gõ vào đêm lốc cốc. Tiếng vó ngựa như đệm vào tiếng kể chuyện của người đánh xe. Bằng một giọng khàn mệt, ông kể về những con đường ông và con ngựa đã đi, kể về những ngôi nhà ma, những oan khuất trong cuộc đời của nhiều con người. Câu chuyện của ông huyền hoặc đến nỗi đêm Đà Lạt bỗng thâm u thêm, như thể tất cả sương mù đều tụ họp về đây, trong đêm nay, theo một tiếng gọi bí ẩn nào đó.
Chúng tôi đã mất một buổi tối Đà Lạt đẹp vô cùng chỉ vì hẹp hòi, dại dột, và vô tâm.
2.
Nhưng đó là mất mát của riêng chúng tôi, chúng tôi đã phải trả giá cho sai lầm của mình bằng những dằn vặt, nuối tiếc.
Còn Đà Lạt?
Có quá nhiều thứ đã mất đi ở đây. Mất đi không chỉ do hẹp hòi, dại dột, và vô tâm. Mất đi do thời cuộc, thời gian. Mất đi do những quyết định vội vàng, tư lợi, thiếu hiểu biết của một số người.
Mất đi trong xót xa, đắng chát, nhưng hình như không một ai tự thấy mình có lỗi để ân hận, giày vò.
Những mất đi đó đã làm nên bao hệ luỵ đau đớn, nuối tiếc, buồn bã trong rất nhiều người. Những người đã gắn bó với Đà Lạt bằng một tình yêu máu thịt. Những người đã sống, và gửi gắm vào Đà Lạt cả một cuộc đời với bao kỷ niệm, mà thiếu nó người ta không làm sao thoát được cảm giác bị bứt khỏi mặt đất, bị quăng quật trong bão giông với những bất ổn kéo dài không ngưng nghỉ.
Tôi nhớ Đà Lạt những năm 80 của thế kỷ trước, vắng vẻ, nhiều sương mù, nhiều thông và hoa dại. Những đêm cuối năm nằm ở ký túc xá khoa Văn trên đồi thông khu Đa Thiện, chúng tôi nghe tiếng xe ngựa. Không phải những xe ngựa dành cho du khách bây giờ, mà là những chuyến xe rau củ đi về trong sương lạnh.
Con dốc rất cao từ quán cháo lòng La Si Mi Fa của Giáo sư - Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hồng Giáp, đến bãi đất trống đối diện ký túc xá khoa Văn quả là một thách thức cho những con ngựa kéo xe luôn già và gầy yếu. Để tiếng lóc cóc mày (một) cắc / tao (một) cắc thêm rã rời mỏi mệt. Tiếng vó ngựa rời rạc và tiếng gió hú u u sau đồi thông khiến đêm như ướt mềm ra, dài mướt. Và chúng tôi khi đó chợt không thể vô ưu, không thể không nghĩ đến gánh nặng cuộc đời với những buồn vui được mất.
Thầy Nguyễn Hồng Giáp đã rời đại học Sorbonne để về quê hương. Có một thời gian ông không được giảng dạy, ông mở quán cháo bán cho sinh viên. Cháo lòng heo ăn kèm bánh tráng nướng. Và khoai lang Đà Lạt ruột đỏ au dẻo quẹo chấm muối ớt. Những bát cháo ở quán La Si Mi Fa đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí tôi, cũng như hình ảnh vị giáo sư đáng kính vẫn đi trên con đường từ ngả năm Phù Đổng Thiên Vương về ký túc xá. Ông mỉm cười chào, một tay ông xách chiếc xô thiếc, tay kia là cặp que ông dùng để gắp những tảng phân ngựa. Ông đi nhặt phân về bón cho cỏ hoa và café trong vườn nhà...
Thầy Giáp giờ đã về sống ở Sài Gòn. Hồi đó tôi đã từng nhiều lần muốn hỏi mà không dám, vì biết vậy là quá táo bạo. Rằng có khi nào thầy nuối tiếc vì đã rời Paris, xa người vợ lai Pháp xinh đẹp? Để về đây, để nấu cháo lòng và nhặt phân ngựa? Để cười chào và đặt vào tâm trí những sinh viên chúng tôi một nỗi băn khoăn không nguôi về số phận con người?
Quán cháo mất đi như là một tất nhiên, tôi không biết có bao nhiêu người khi nhớ về Đa Thiện - Đà Lạt lại nhớ đến cái không gian quán chật hẹp như chiếc hầm khoét sâu vào ngọn đồi, với những bộ bàn ghế bằng gỗ thông, và cái tên La Si Mi Fa reo vang những nốt nhạc. Còn tôi vẫn hình dung trọn vẹn nó, cũng như tôi vẫn hình dung rõ rệt cây thánh giá nằm bên trong ngôi sao, trên ngọn tháp tam giác cao vút trong khu Năng Tĩnh trường Đại Học Đà Lạt. Tôi nghe kể hồi đó thầy Giáp là một trong ba người đã leo lên đỉnh tháp cao 38 mét này, để lấy bù lon siết các cánh ngôi sao ôm chặt cây thánh giá, và cây thánh giá vẫn nằm nguyên vẹn trong ngôi sao đó.
Không chỉ mình tôi hình dung. Tôi còn nhớ một buổi tối, Liêng Hót Ha Suê, người chơi guitar bass trong dàn nhạc của đội văn nghệ trường, đã đứng nguyện cầu giữa sân trường. Anh nhìn lên đỉnh tháp với đôi mắt thành kính, và lời cầu kinh, và bàn tay làm dấu thánh. Giờ khắc đó, anh đã không nhìn thấy ngôi sao, anh đã nhìn vào bên trong để chỉ thấy cây thánh giá. Niềm tin của anh đã làm cho khuôn mặt anh sáng rỡ đẹp đến kỳ lạ.

3.
Người Đà Lạt than rằng sương mù Đà Lạt đang ngày càng ít ỏi. Và đã có lý giải đó là một điều tất nhiên khi trái đất nóng dần lên, khi con người sinh sôi nẩy nở bung chiếm nhiều thêm ra. Liệu có hoàn toàn đúng như vậy?
Vả lại không chỉ sương mù, Đà Lạt còn đang mất đi quá nhiều.
Những ngôi nhà gỗ đẹp như bài thơ đang mất dần. Những con đường quanh co uốn lượn theo các sườn đồi đang mất dần. Thông Đà Lạt đang mất dần không sao cầm giữ được. Không gian tĩnh lặng rất riêng của Đà Lạt cũng không còn như xưa. Và đồi Cù, từ lâu người Đà Lạt đã mất đồi Cù ngay trong lòng thành phố của mình.
Tôi nhớ lại cảm giác của mình khi nghe tin đồi Cù bị rào giậu vây bọc kín bưng để biến thành sân golf. Lúc đó tôi đã rời Đà Lạt được vài năm. Nhưng cũng như những người đã đến và yêu Đà Lạt, Đà Lạt luôn ám ảnh tôi. Thật lạ lùng cho mảnh đất này, bởi nhớ nhung một vùng đất mà như thể nhớ nhung một người tình, đã cùng đi với mình qua bao hoang tưởng kỳ diệu, thì tôi nghĩ chỉ có Đà Lạt mới làm được.
Khi nghe tin, tôi đau đến sững người, tôi đã có cảm giác của một người đi xa nghe tin căn nhà của mình bị bán, bị đập vỡ, bị cày nát mà mình không có cách gì quay về, để bảo vệ để chia sẻ, gánh vác. Và tiếp đó là cảm giác nuối tiếc, cay đắng tràn ngập tâm hồn tôi.
Cho đến bây giờ, sau mười mấy năm sử dụng, sân golf đồi Cù, Đà Lạt đã thu được lợi nhuận bao nhiêu? Và lợi nhuận đó có đáng không? Có là bao so với những ảnh hưởng của nó đối với môi trường? So với nỗi đau buồn của bao nhiêu con người đã từng gắn bó với đồi Cù bằng một tình yêu máu thịt?
Ngày đó, tôi đã đến Đà Lạt trong khao khát khờ dại của một người ở biển mà mải mê hoài vọng núi, mải mê mơ về những quả đồi, và tiếng reo thầm thĩ của loài thông. đồi Cù đã là tất cả tưởng tượng của chúng tôi về thảo nguyên, những thảo nguyên vô cùng thanh sạch, phóng khoáng, đẹp đẽ trong sách vở. Nhất là vào buổi chiều khi đi ngược nắng, chúng tôi nhìn về chân trời xa rộng, để choáng ngợp trước đường chân trời vòng cong rực sáng. Những đôi tình nhân đan tay dạo trên đồi dưới mắt nhìn của chúng tôi khi đó đẹp như những thiên thần. Tôi đã mường tượng họ có thể bay lên trời nhờ đôi cánh, và sự nâng bổng của ánh sáng lộng lẫy trên đồi chiều.
Đồi Cù trở thành sân golf. Đã từ lâu người Đà Lạt và những người đã từng đến từng gắn bó với Đà Lạt đã không còn được tự do ra vào đồi Cù. Mà đồi Cù cũng đã khác, ngay cả màu cỏ trên đồi cũng đã khác xưa mất rồi. Những con người ngày xưa đã từng dạo chơi trên đồi, đã từng ngồi tựa vào những gốc thông cô độc trên đồi, đã từng hôn người mình yêu ở đó, làm sao họ còn tìm lại được dấu vết kỷ niệm? Mà không còn dấu vết kỷ niệm, con người ta sống hụt hẫng ra sao?
Tôi nhớ một lần Liêng Hót Ha Suê đưa tôi đến một góc đồi, nhìn về ngôi nhà ngày xưa của anh mà ngồi buồn suốt buổi. Anh đang nhớ người cha làm mục sư của mình và tuổi thơ với những tháng ngày vô tư, thánh thiện. Có lần, sau một tối tập văn nghệ ở trường Đại học, chúng tôi mang nhạc cụ trả về kho. Khi mọi người đã ra ngoài, và đèn điện đã tắt, từ bóng tối chúng tôi nghe tiếng đàn piano vang lên. Liêng Hót Ha Suê đang chơi đàn (cây piano của trường đã hỏng nhiều phím và từ lâu không ai sử dụng). Tiếng đàn thanh thoát mà ám ảnh. Đó là giai điệu của một bài thánh ca. Tôi đã không còn nhớ tên bài hát, nhưng buổi tối đó và tiếng đàn như tiếng đập thổn thức của trái tim anh vẫn trở về trong tôi, mỗi lúc tôi về lại Đà Lạt, đi trong sương lạnh nghe tiếng gió và tiếng thông reo.
Liêng Hót Ha Suê đã mất ngôi nhà tuổi thơ của mình và không nguôi tiếc nhớ. Còn bao nhiêu người Đà Lạt khác đã mất những gì yêu thương của họ theo những đổi thay dâu bể trong đời?
4.
Hôm nay, đọc bài “Mãi mãi Đà Lạt” của nhà văn Nguyễn Đạt trên tienve.org tôi chợt quá nao lòng. Thực ra tôi đã biết quá ít về Đà Lạt, về những con người đã từng sống ở đây, đã làm nên những điều kỳ diệu đẹp đẽ cho văn chương, cho hội hoạ, cho âm nhạc... Những con người đã và đang tồn tại lặng lẽ để làm nên lịch sử Đà Lạt. Nhưng tôi đã yêu Đà Lạt bằng trái tim tuổi trẻ trinh nguyên, và thương yêu đó đã không nguôi ngoai dù theo thời gian bao nhiều điều khác đã như nước chảy dưới chân cầu. Thương yêu đó đã khiến tôi không thể không nuối tiếc, xót xa khi đi qua những mất mát của Đà Lạt trong cảm nhận của riêng tôi.
Tiếc nuối xót xa vì đã có quá nhiều những nói một đằng làm một nẻo, đã có quá nhiều những đập vỡ, giấu che. Như bức tượng Đức Mẹ tuyệt đẹp trước hội trường A1, hay cây thánh giá trên đỉnh tháp sao trường Đại học. Và bao nhiêu điều khác nữa. Và ở nhiều nơi khác nữa. Những đập vỡ, giấu che xuất phát từ những quan niệm độc đoán, ấu trĩ đến đau lòng.
Đâu đó người ta đang nhìn vào festival hoa, đâu đó nhan nhản những lời kêu gọi vì tương lai thành phố. Đôi khi tôi mơ hồ rối rắm trước những lời kêu gọi ồn ào mà rỗng tuếch đó, trước những festival có quá nhiều sắc màu rực rỡ giả tạo đó. Tôi thấy mình như đang đi trong sương mù. Nhưng không phải sương mù thanh sạch mát lạnh của Đà Lạt xưa, mà là một thứ sương mù độc địa, có sức mê hoặc và giấu che bản chất. Tôi thấy mình mất phương hướng, và lại tràn ngập lòng tôi một cảm giác cay đắng, tiếc nuối.
Khi mất một đêm Đà Lạt đẹp vô cùng bên nhau, ít ra chúng tôi cũng biết mình đã đánh mất và không nguôi dằn vặt. Còn Đà Lạt với những cây thông chết, những ngôi biệt thự hoang tàn. Đà Lạt với những con đường, những trảng cỏ biếc xanh, những hiền lành chân chất mất đi, thì chẳng biết nhìn vào ai, nhìn vào đâu để thở than trách móc!
Ai đó đã nói tiếc nuối là một cảm giác vô ích, tôi nghĩ là tôi hiểu được điều đó, nhất là khi sự tiếc nuối đó lại là của những người dân với thân phận bé nhỏ, không chức quyền. Nhưng tôi đã không làm sao thoát được cảm giác đó, tôi cứ phải buồn thương, xót đắng mãi cho những mất còn. Có lẽ tôi phải tự an ủi mình như nhà văn Nguyễn Đạt, rằng Đà Lạt xưa vẫn còn trong ký ức của bao con người. Những con người tồn tại lặng lẽ, khuất lấp đâu đó, với một tình yêu chân thành, vô vụ lợi dành cho Đà Lạt. Những con người đang sống với những khát vọng tự do và tình yêu dành cho cái đẹp. Đà Lạt đã có một lịch sử và lịch sử Đà Lạt vẫn còn đó. Có thể nhờ vậy mà chúng ta mãi mãi vẫn hình dung được trong tâm trí một Đà Lạt vẹn nguyên. Một Đà Lạt xưa với đồi Cù với thông và sương và hoa dại. Một Đà Lạt với quán café Tùng và những huyền thoại vô cùng đẹp. Ngày xưa...
Krông Păc 19.7.2008


Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Lý với Luận


---------------------
THÂN GỬI CHÁU PHƯƠNG THẢO
Hôm nay bác mới được đọc các cmt của cháu chửi chú PĐ Bùi An, trong ảnh đính kèm. Rất tiếc là chú An đã xóa các cmt đó, chắc vì sợ làm vấy bẩn đầu óc của thế hệ trẻ. Nếu là bác thì bác sẽ không xóa, vì đó là giáo cụ tốt để các cháu nhi đồng biết mà tránh cách suy nghĩ như cháu.
Đáng lẽ ở tuổi HS, các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở các nước tư bản như Hàn quốc, Nhật Bản, Mỹ... Nhưng ở nước VN này, cháu lại phải làm DLV để nâng bi chế độ. Đó là sự bất hạnh của nước mình mà người lớn như các bác có 1 phần trách nhiệm. Đó là vì mái trường XHCN đã nhồi sọ các cháu từ khi còn học mẫu giáo, nên cháu mới có thể cmt như 1 con vẹt như vậy. Chỉ vì những người lớn như các bác quá hèn, nên các cháu mới ra nông nỗi này. Vì thế, bác thấy mình có trách nhiệm phải tẩy não cho các cháu. Hi vọng các cháu sớm giác ngộ cách mạng. Phân biệt được phải trái, đúng sai. Bác sẽ chỉ cho cháu những chỗ cháu nhận thức sai nhé.


Nghèo luôn đi đôi với hèn cháu ạ, đó là 1 hệ quả biện chứng, không thể nào khác được. Có thể nước nghèo không hèn mọi nơi, mọi lúc, hoặc phải cố gồng ra vẻ hiên ngang để thủ dâm cho người dân thôi cháu ạ. Bác ví dụ nhé, khi tàu thăm dò hải dương của TQ vào vùng thềm lục địa của VN, ngang nhiên thăm dò đáy biển nước ta, nhưng ta cũng không dám có biện pháp mạnh nào để xua đuổi "tàu lạ".
Hoặc, tàu TQ ngang nhiên đâm hỏng tàu của ta, bắt nạt ngư dân, nhưng ta cũng chỉ dám gọi là "tàu lạ" mà thôi. Hay như việc TQ xâm lược VN năm 79, bây giờ VTV cũng chỉ gọi là chiến tranh biên giới. Đâu dám chỉ đích danh TQ. Rồi việc VN ta bị TQ chiếm mất đảo Gạc Ma, mấy chục chiến sỹ hải quân không được cấp trên cho phép nổ súng tự vệ, phải đứng làm bia đỡ đạn. Đấy là mối nhục quốc gia cháu nhé.
Còn những mối nhục cá nhân, khi là người dân VN, thì còn nhiều vô số. Như chuyện phụ nữ VN phải lấy chồng Hàn quốc, Đài loan, hôn nhân không tình yêu, chỉ để kiếm tiền nuôi gia đình. Rồi còn bị gia đình chồng đánh đập. Mà chồng toàn là những người nghèo, không đủ khả năng kinh tế để lấy vợ đồng chủng. Họ chính là những người nghèo, mà cháu vu cho họ là bị người bản địa coi khinh như con chó. Thế mà phụ nữ VN phải xếp hàng, cởi truồng ra, để những "con chó" đó khám để tuyển vợ đấy.
Cháu vu cho họ khổ nhục như con chó, thì dân VN mình phải sang Hàn quốc để phục vụ, thậm chí làm cả nô lệ tình dục cho chó đấy cháu ạ. Thế hóa ra người Việt mình còn nhục không bằng chó hả cháu?


Cháu ơi, cháu có biết người VN chúng ta bây giờ nổi tiếng về việc đi làm culi xuất khẩu lao động, làm công nhân tình dục ở các nước giàu không? Vừa rồi có mấy chục người phải vượt biên sang Anh, rồi chết cóng trong xe đông lạnh. Họ cũng chỉ sang làm lao động giản đơn, trồng cần sa thôi cháu ạ, chả vẻ vang gì. Thế có phải là nghèo thì đi đôi với hèn chưa cháu?
Bác công nhận, VN tuy nghèo, nhưng vẫn có nhiều người có lòng tự tôn như cháu kể. Nhưng họ tự tôn ở cả những việc không đáng, như ngạo nghễ đón VK về từ Vũ Hán, như suýt vô địch giải bóng đá ao làng...
Về các tật xấu của các quốc gia như tham nhũng, cháu nói đúng là nước nào chả có tham nhũng. Vấn đề là tính phổ biến của nó thôi cháu ạ. Đó là điều mà các cháu nhi đồng thối tai như các cháu chưa có nhận thức cũng như trải nghiệm để đánh giá đâu. Cháu chưa làm ra tiền, hàng ngày vẫn còn xin mẹ 10ng ăn xôi sáng, thì làm gì đã biết phải đi đút lót CSGT, đút lót cán bộ, công chức.
Cháu về hỏi mẹ xem đến ngày 20-11, lễ tết có hay phải quà cáp cho cô giáo không, cháu hỏi cô giáo xem có phải quà cáp thầy hiệu trưởng không. Những món quà đó không thuần túy tình cảm đâu cháu, tham nhũng ở khắp nơi, có thể chính cháu và các bạn cũng đã từng đi đút lót mà không biết đấy. Tham nhũng ở VN nó tràn lan từ trung ương xuống đến cấp xã phường. Đó là sự khác biệt so với bọn tư bản giãy chết đó cháu.
Đúng là từ ngày có độc lập, thì người Việt được nắm chính quyền cháu ạ. Nhưng chỉ là 1 nhóm người là đảng viên CS thôi. Đa số người dân chả được có tiếng nói gì cả đâu. Nên cháu phải sửa lại cho đúng là "đảng CS được nắm chính quyền" thay vì "người Việt được nắm chính quyền".
Cháu viết: "Các anh muốn thay đổi chế độ để giàu như Hàn quốc. Thử hỏi xem bao nhiêu người đồng ý?". Cháu hiểu cho rằng, ai cho người dân VN được quyền hỏi và trả lời câu đó?! Câu hỏi của cháu đúng là trẻ trâu lắm. Ông nào hỏi câu trên là sẽ bị đi tù ngay.
Bác đoán cháu muốn cạnh khóe chuyện người Hàn quốc không được tham gia họp về vấn đề liên Triều giữa TT Mỹ và lãnh đạo BTT? Đấy là bò đỏ nó nhồi sọ cháu thôi. Thực ra 2 miền TT cũng đã họp nhiều lần, hoàn toàn độc lập, không có ông da trắng, tóc vàng nào can thiệp. Để giải quyết vấn đề TT thì cần đàm phán giữa các bên liên quan, gồm cả TQ, Mỹ, Nhật nữa. Họ đàm phán từng cặp song phương không có gì lạ. Nhưng quyết định cuối cùng thì không ai áp đặt được Hàn quốc đâu.
Hàn quốc giàu lên đúng là 1 phần do kiếm tiền nhờ xuất khẩu lao động và đánh thuê. Nhưng họ vẫn phải nỗ lực tự cường thì mới có kết quả hôm nay. Họ mất 30 năm để vươn lên thành rồng, hổ. Còn VN ta cũng mất 30 năm đổi mới rồi đó cháu, mà vẫn đang là giun dế ở ĐNA thôi. Thế mà cháu dám tỏ ta coi thường người Hàn quốc thì thật ngạo nghễ quá!
Về việc Hàn quốc phải bỏ tiền thuê Mỹ bảo kê, thì là chuyện bình thường thôi cháu, giống cháu thuê bảo vệ về gác cổng thôi. Bắc Triều Tiên luôn đe dọa chiến tranh, phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu không có Mỹ bảo kê thì Hàn cũng phải chạy đua vũ trang để tự vệ, cũng phải phát triển vũ khí hạt nhân như vậy, còn tốn nhân lực và vật lực gấp bội. Cháu thấy tự lực mà nghèo như BTT và thuê bảo kê mà giàu như Hàn quốc thì cách nào hay hơn?
Còn về lịch sử, bác còn làm thầy của các thầy cháu được đấy. Cháu bảo VN còn dám xưng đế ngang hàng với TQ là thủ dâm tinh thần rồi. Thầy nào dạy cháu thế thì bảo thầy đến học bác nhé. Thực tế là VN dù có đánh thắng TQ thì vẫn phải nhận sắc phong của TQ làm An Nam quốc vương, chứ nào dám xưng đế với TQ. VN xưng đế với bọn thuộc quốc như Lào, Campuchia gì đó thôi, hoặc tự xưng ở trong nước. Đến tận thời vua Kiến Phúc, nhà Nguyễn, do Pháp đánh thắng quân Thanh, nên mới có thể ép vua Nguyễn đem nung chảy cái ấn Việt Nam (thời trước gọi là An Nam) quốc vương do nhà Thanh ban cho đấy.
VN ta đánh tan được Pháp, Mỹ cũng phải dựa vào TQ, LX, thực tế cũng phải làm chư hầu 2 nước đó, chứ đâu dám "xưng đế" ngang hàng đâu!
Cháu nhận thức được là VN mình còn nghèo là rất tốt, nhưng cháu cho là VN nghèo chỉ vì chiến tranh và cấm vận là hoàn toàn ngụy biện. Thực ra, cháu cũng chỉ là nạn nhân bị nhồi sọ mà thôi. Các thầy cô, DLV, báo chí CM, SGK nhồi cháu thế rồi cháu nhắc lại như con vẹt, chứ có hiểu gì đâu.
Cháu phải hiểu, VN ta chiến tranh lâu năm chính là do sự lựa chọn của đảng ta. Cháu nhìn khắp 5 châu và các nước lân bang xem có nước nào như vậy? Họ cũng từng là thuộc địa, nhưng họ không cần đánh nhau để giành độc lập, hoặc chỉ đánh nhau trong thời gian ngắn. Ngoài ra, Nhật, Thái còn chả bị mất nước.


VN ta bị cấm vận chủ yếu là do VN đóng quân tại Campuchia 10 năm. Tức là do đảng ta, chứ không phải do thế lực thù địch vô cớ cấm vận. Sau khi ta rút quân thì mới bình thường hóa quan hệ với các nước. Nhưng cháu cũng nên nhớ rằng, địch cấm vận ta, cũng tức là ta cấm vận địch. Nhưng tại sao ta thì nghèo hèn vì cấm vận, còn địch lại giàu mạnh lên? Như vậy, bị cấm vận là tại ta và nghèo đói cũng là do sai lầm của thể chế CS, chứ không phải do cấm vận. Ta bị phương Tây và TQ cấm vận, nhưng vẫn được khối XHCN Đông Âu và LX viện trợ, sao cháu quên nhắc đến?


Cháu bảo VN phải trả nợ thay VNCH á? Cháu lại là con vẹt của thầy cô và DLV rồi đấy. VNCH nhận được hàng chục tỷ đô la viện trợ KHÔNG HOÀN LẠI của các nước phương Tây, chủ yếu là Mỹ. Tiền đó 1 phần lớn được đầu tư vào hạ tầng, kiến trúc, vũ khí và các nền tảng xã hội (giáo dục, y tế...) để biến miền Nam VN thành xã hội văn minh, giàu có so với khu vực. CH XHCN VN được thừa hưởng toàn bộ di sản đó. VNCH chỉ nợ Mỹ khoảng 300 triệu đô la (đã tính trượt giá). Đến khi bình thường hóa quan hệ thì Mỹ đòi VN trả. Ban đầu VN còn chối bay, tính bùng! Nhưng sau vì cần quan hệ nên VN cũng phải trả, nhưng đổi lại, Mỹ trả lại cho VN hết những tài sản, BĐS của VNCH ở Mỹ, và tiền trả nợ Mỹ đưa vào quỹ học bổng VEF, dành cho người Việt. Như vậy bản chất là VN chả mất đồng nào để trả nợ Mỹ!


Cuối cùng, bác muốn hỏi cháu bịa đâu ra đoạn: "Hàn quốc có tỷ lệ thất nghiệp và tự tử cao nhất thế giới. Người nghèo bị coi khinh như con chó. Xem thường phụ nữ.", bác thấy cháu nhầm Hàn quốc sang VN sao đó chứ? VN chỉ có vẻ không có nhiều người tự tử mà thôi. Còn 3 điểm kia VN vượt qua Hàn rất xa.
À, suýt quên, lần sau cháu có viết lách gì thì nhớ gõ dấu cách sau dấu câu cho đúng quy tắc chính tả nhé.
Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày CM thành công, thì Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng, không phải làm bò đỏ hay DLV nữa.
Bác mong cháu ngoan ngoãn. Bác chúc cháu mạnh khỏe. Bác gửi tới cháu nhiều cái hôn”.
Bác Dương Quốc Chính

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Rượu Bia và luật !

NGƯỠNG.
fb Hung Phan




Tôi lẽ ra không viết bài này. Vì tôi đang ở Việt Nam. Là Công dân Việt Nam.

Nên tôi biết sự Thiếu hiểu biết của những Người Làm Luật ở Việt Nam là rất Nghiêm trọng.
Nếu như ở Nước ngoài việc Lập Pháp hay Làm luật là của Những người có Chuyên môn về Luật Pháp như các Luật sư hay Chuyên gia về Luật. Thì ở Ta nó hoàn toàn khác.

Cơ quan Lập Pháp là Quốc hội được Tổ chức theo cách là Người Đại diện của các Dân tộc và các Ngành nghề, các Tổ chức Xã hội dưới sự Lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phần lớn, rất lớn là Họ không có Khả năng làm Luật. Vậy nên họ đưa những Ý tưởng hay Mục tiêu muốn ra Luật cho các Cơ quan Hành Pháp tức là Nhà nước làm. Rồi đưa cho Lập Pháp - Quốc hội xem xét.
Như vậy. Lập Pháp là Làm ra Luật để Hành pháp Sử dụng. Thì nay Lập pháp không Làm Luật mà bán cái cho Hành pháp là Nơi thực thi Luật làm luôn cái Luật mà mình sẽ Thực thi.
Rất nhảm.

Ví dụ Luật Giao thông đường bộ thì giao Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an.
Luật An ninh mạng thì giao Bộ Công an.

TOÀN VẬY KHÔNG.

Và ở các Cơ quan Nhà nước này rõ ràng là Đang làm việc KHÔNG GIỐNG BẤT CỨ MỘT QUY TRÌNH LÀM LUẬT NÀO TRÊN THẾ GIỚI.

Tức là. Hành Pháp làm Luật rồi chuyển cho Lập Pháp xem xét. Và thường là OK. Xong.

Tệ hại hơn là Hành Pháp cũng không có các Chuyên gia về Luật.
Họ lại Copy sao chép của Nước ngoài. Thay vài cái Tựa đề rồi Tống đi.
Sự Lười nhác và Cẩu thả luôn hiện diện trong những cách làm như vậy.
Chả Ai đặt Chất lượng Công việc lên hàng đầu.
Mọi Sự đều qua quít và rất tệ.

Mới nhất là Bộ Giao thông Vận tải ban hành Nghị định Xử phạt về Uống Bia, Rượu, Chất có cồn khi tham gia giao thông.
Sự Phi lý của cái Nghị định này là nó Tính từ 0.1 mg trong Một lít máu như cái Máy đo có thể Đo được.
Do Ngưỡng thấp như vậy. Nó có thể gây Lầm lẫn khi Sử dụng Trái cây và Một số loại thuốc chữa Bệnh.
Nhưng Tệ hại hơn là cái Cách làm Rất cẩu thả. Chưa có Chứng minh Khoa học là cái Mức độ cực thấp ấy nó Ảnh hưởng đến Hành vi. Và do đó có thể là Nguy hiểm khi Lái xe.
Cứ có Chất cồn. Dù ở Mức thấp nhất là Phạt.

AI cũng biết. Bất cứ một Xét nghiệm nào để tìm một Mục tiêu đều có Ngưỡng của nó.
Như Xét nghiệm Đường trong Máu thì vượt quá 126 mg/dl là Tiểu đường. Dưới 100 mg/dl là Lý tưởng.
Hay Xét nghiệm Mỡ máu. Chỉ số Trigliserid<171mmol/l là Lý tưởng.
Và người ta chỉ Bị bệnh khi các Chỉ số Xét nghiệm vượt quá mức Bình thường.
Vậy thì Cồn cũng VẬY. Nó phải có cái Ngưỡng mà vượt qua là Ảnh hưởng đến Hành vi. Mà ở đây là Tham Gia Giao thông.

Vậy mà giờ Cứ có chất Cồn là bị Phạt. Bất kể nó có Ảnh hưởng đến Hành vi và do đó gây Nguy hiểm không. KHÔNG CẦN BIẾT.

Như vậy là Vừa Không Khoa học mà lại không Thuyết phục được Người bị Xét nghiệm.
Nó chỉ có thể có Lý do Duy nhất là Kiếm được càng Nhiều tiền càng Tốt.
BẤT KỂ KHOA HỌC VÀ ĐẠO LÝ.
Như vậy sẽ Khiến người dân rất bất bình.
Vì thấy bị XỬ ÉP.
RẤT BẤT LỢI CHO VIỆC THI HÀNH LUẬT.
Tạo nhiều Xung đột không Đáng có giữa Nhà nước và Người dân.
Sâu hơn Tính Giáo dục của Luật là Không có. Vì bất kỳ việc gì làm với Mục đích không Trong sáng sẽ bị Vạch trần.
Và THẤT BẠI.