Quỳnh Dao
Là người trình bày các ca khúc, tôi may mắn được học nhạc và đi hát từ khi còn ở cái tuổi “mê trời mây tía, không nghe mẹ gọi về”, và được gặp hầu hết những nhạc sĩ tài hoa của chúng ta trong mấy chục năm liền. Vì còn bé và bé nhất trong đài phát thanh, tôi gọi các “đồng nghiệp” bằng cô, chú, ngoại trừ có chị Mai Hương, và tôi cũng được nuông chiều nhất. Được hát cùng các nhạc sĩ Vũ Thành, Phạm Đình Chương, hay Phạm Duy, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền, Đan Thọ, v.v… tới nay tình cảm của tôi với những nghệ sĩ lão thành trên vẫn nguyên vẹn. Người khó tính nhất và tôi kính trọng nhất nay đã mất, chính là Vũ Thành. Người dễ tính nhất và cũng được nhiều người nói tới nhất, chính là Phạm Duy.
Hát nhạc Vũ Thành – hay bất cứ ai khác – mà sai từ lời ca tới âm điệu hay cách ngân, cách láy, cách ngắt nhịp, là khổ với nhạc trưởng Vũ Thành. Trong đài phát thanh, ai cũng phải nể sợ ông và các ca nhạc sĩ ít khi lơ là bê trễ trong tập dượt. Ngược lại, Phạm Duy rất xuề xoà dễ tính, ông không mấy phật ý khi có người hát sai điều ông viết, nhiều người uốn và vuốt tới méo cả lời ca. Ông chỉ cho rằng họ chưa hiểu điều ông viết mà thôi. Tôi rất cảm động khi có lần ông tâm sự, rằng có người hát nhạc của mình thì cũng đủ vui rồi. Ở một ai khác, có ít tác phẩm hoặc chưa nổi tiếng, điều này có thể thông cảm được. Ở Phạm Duy, đây là điểm thật đáng quý, đáng yêu, nhất là khi ông lại rất khó tính với chính mình.
Phạm Duy ở ngoài đời, theo cảm nghĩ của tôi, là người hiểu biết sâu sắc, nói chuyện có duyên và ân cần nhất trong xử thế mà cũng chuyên nghiệp và chu đáo trong địa hạt âm nhạc của ông. Có một lần, lâu lắm rồi, tôi còn nhớ ông thuyết trình hai giờ liền bằng Pháp ngữ tại Trung Tâm Văn Hoá Pháp tại Sàigòn, khiến cử tọa thán phục vì sự uyên bác và tài hùng biện của ông. Sau này trong đời lưu vong và bao lần dừng chân tại miền Đông Hoa Kỳ, ông không dựa vào tình cảm của bạn hữu hay người thưởng ngoạn rất đông bên đó mà khệnh khạng phiền hà bất cứ ai trong mọi việc di chuyển hay ăn uống của mình. Ông dậy sớm, mở bản đồ tìm lấy xe buýt đi lo việc riêng và ngăn nắp trong từng việc nhỏ để khỏi làm rộn người khác. Chiều xuống, ông về rất đúng hẹn và cũng lặng lẽ tự lo lấy cho mình, để đi tiếp nơi khác.
Phạm Duy viết nhạc như trời biển, ăn nói bạt mạng như cuồng sĩ và đam mê như mãi mãi thanh xuân, điều đó ai cũng biết và tôi cũng nghe nói tới. Nhưng ít ai ngờ là bên trong, ông sống ngăn nắp và chu đáo như một kế toán viên cần cù. Giờ đây, khi Phạm Duy học điện toán và sử dụng multimedia để giới thiệu và lưu trữ những tác phẩm âm nhạc của đất nước, tôi không ngạc nhiên. Phạm Duy đi rất nhiều, sống rất nhiều, nhưng luôn tự lo liệu cho mình và học hỏi không ngừng.
Mấy lần tôi đi thu nhạc với Duy Cường, ông cuốc bộ từ nhà tới phòng thâu Tomlinson chờ nghe. Ông lặng thinh một góc để khỏi phiền cậu con khó tính trong cách hoà âm và khó tính cả với ông bố to như trái núi. Không có chỗ ngồi thì ông ngả lưng trên thảm, nghe thu âm mà không hề “xen lấn nội bộ”. Cho tới khi xong ông mới có một vài câu phê, thường thì chắc nịch và đúng phóc. Nghe tôi hát “Nương chiều” lần mới đây, ông nói một câu làm ta phải giật mình. “Mãi tới nay mới có người hát đúng đoạn staccato đó của chú”. Rồi cùng Duy Minh lững thững ra về…
Cái vẻ thơ thới của Phạm Duy khi nghe nhạc làm tôi hiểu vì sao ông viết hay. Phạm Duy trân quý âm nhạc hơn là ta có thể mường tượng ra. Tôi để ý thấy rằng khi nghe nhạc, bao nhiêu sự tinh quái hay cuồng loạn của ông như tan biến cả, ông hồn nhiên như trẻ thơ. Tôi cũng nghiệm thấy rằng những người sống nhiều, khi luống tuổi thường có dáng chững chạc đáng kính khác hẳn cái nếp cuồng nhiệt sôi động thời trước. Phạm Duy không vậy, ông trẻ lại, và vẫn trẻ mãi, có lẽ vì âm nhạc và nhờ âm nhạc. Mối tình của ông với âm nhạc là một đam mê lớn lao nhất.
* Danh ca Quỳnh Giao viết đôi lời về nhạc sĩ Phạm Duy
( Nghìn năm vẫn chưa quên… <3 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét