Quỳnh Dao
Là người trình bày các ca khúc, tôi may mắn được học nhạc và đi hát từ khi còn ở cái tuổi “mê trời mây tía, không nghe mẹ gọi về”, và được gặp hầu hết những nhạc sĩ tài hoa của chúng ta trong mấy chục năm liền. Vì còn bé và bé nhất trong đài phát thanh, tôi gọi các “đồng nghiệp” bằng cô, chú, ngoại trừ có chị Mai Hương, và tôi cũng được nuông chiều nhất. Được hát cùng các nhạc sĩ Vũ Thành, Phạm Đình Chương, hay Phạm Duy, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền, Đan Thọ, v.v… tới nay tình cảm của tôi với những nghệ sĩ lão thành trên vẫn nguyên vẹn. Người khó tính nhất và tôi kính trọng nhất nay đã mất, chính là Vũ Thành. Người dễ tính nhất và cũng được nhiều người nói tới nhất, chính là Phạm Duy.
Hát nhạc Vũ Thành – hay bất cứ ai khác – mà sai từ lời ca tới âm điệu hay cách ngân, cách láy, cách ngắt nhịp, là khổ với nhạc trưởng Vũ Thành. Trong đài phát thanh, ai cũng phải nể sợ ông và các ca nhạc sĩ ít khi lơ là bê trễ trong tập dượt. Ngược lại, Phạm Duy rất xuề xoà dễ tính, ông không mấy phật ý khi có người hát sai điều ông viết, nhiều người uốn và vuốt tới méo cả lời ca. Ông chỉ cho rằng họ chưa hiểu điều ông viết mà thôi. Tôi rất cảm động khi có lần ông tâm sự, rằng có người hát nhạc của mình thì cũng đủ vui rồi. Ở một ai khác, có ít tác phẩm hoặc chưa nổi tiếng, điều này có thể thông cảm được. Ở Phạm Duy, đây là điểm thật đáng quý, đáng yêu, nhất là khi ông lại rất khó tính với chính mình.
Phạm Duy ở ngoài đời, theo cảm nghĩ của tôi, là người hiểu biết sâu sắc, nói chuyện có duyên và ân cần nhất trong xử thế mà cũng chuyên nghiệp và chu đáo trong địa hạt âm nhạc của ông. Có một lần, lâu lắm rồi, tôi còn nhớ ông thuyết trình hai giờ liền bằng Pháp ngữ tại Trung Tâm Văn Hoá Pháp tại Sàigòn, khiến cử tọa thán phục vì sự uyên bác và tài hùng biện của ông. Sau này trong đời lưu vong và bao lần dừng chân tại miền Đông Hoa Kỳ, ông không dựa vào tình cảm của bạn hữu hay người thưởng ngoạn rất đông bên đó mà khệnh khạng phiền hà bất cứ ai trong mọi việc di chuyển hay ăn uống của mình. Ông dậy sớm, mở bản đồ tìm lấy xe buýt đi lo việc riêng và ngăn nắp trong từng việc nhỏ để khỏi làm rộn người khác. Chiều xuống, ông về rất đúng hẹn và cũng lặng lẽ tự lo lấy cho mình, để đi tiếp nơi khác.
Phạm Duy viết nhạc như trời biển, ăn nói bạt mạng như cuồng sĩ và đam mê như mãi mãi thanh xuân, điều đó ai cũng biết và tôi cũng nghe nói tới. Nhưng ít ai ngờ là bên trong, ông sống ngăn nắp và chu đáo như một kế toán viên cần cù. Giờ đây, khi Phạm Duy học điện toán và sử dụng multimedia để giới thiệu và lưu trữ những tác phẩm âm nhạc của đất nước, tôi không ngạc nhiên. Phạm Duy đi rất nhiều, sống rất nhiều, nhưng luôn tự lo liệu cho mình và học hỏi không ngừng.
Mấy lần tôi đi thu nhạc với Duy Cường, ông cuốc bộ từ nhà tới phòng thâu Tomlinson chờ nghe. Ông lặng thinh một góc để khỏi phiền cậu con khó tính trong cách hoà âm và khó tính cả với ông bố to như trái núi. Không có chỗ ngồi thì ông ngả lưng trên thảm, nghe thu âm mà không hề “xen lấn nội bộ”. Cho tới khi xong ông mới có một vài câu phê, thường thì chắc nịch và đúng phóc. Nghe tôi hát “Nương chiều” lần mới đây, ông nói một câu làm ta phải giật mình. “Mãi tới nay mới có người hát đúng đoạn staccato đó của chú”. Rồi cùng Duy Minh lững thững ra về…
Cái vẻ thơ thới của Phạm Duy khi nghe nhạc làm tôi hiểu vì sao ông viết hay. Phạm Duy trân quý âm nhạc hơn là ta có thể mường tượng ra. Tôi để ý thấy rằng khi nghe nhạc, bao nhiêu sự tinh quái hay cuồng loạn của ông như tan biến cả, ông hồn nhiên như trẻ thơ. Tôi cũng nghiệm thấy rằng những người sống nhiều, khi luống tuổi thường có dáng chững chạc đáng kính khác hẳn cái nếp cuồng nhiệt sôi động thời trước. Phạm Duy không vậy, ông trẻ lại, và vẫn trẻ mãi, có lẽ vì âm nhạc và nhờ âm nhạc. Mối tình của ông với âm nhạc là một đam mê lớn lao nhất.
* Danh ca Quỳnh Giao viết đôi lời về nhạc sĩ Phạm Duy
( Nghìn năm vẫn chưa quên… <3 )
Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019
Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019
Khánh Ly - Trịnh Công Sơn Cặp Đôi Tuyệt Hảo
Mối duyên ca nhạc Việt Nam đẹp nhất ở cuối thế kỷ 20 -
Nhân cách của Trịnh Công Sơn và sự sáng suốt của Khánh Ly
Nhân cách của Trịnh Công Sơn và sự sáng suốt của Khánh Ly
Bài của Tô Lệ Hằng - Xin cảm ơn ca sĩ Khánh Ly, vào cuối thu 2018, đã nhiệt tình kiểm lại và bổ túc các tài liệu trích dẫn
Trịnh Công Sơn (TCS) có một chỗ đứng rất đặc biệt trong nền ca nhạc VN cuối thế kỷ 20, vì « nhạc Trịnh » dù nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ và nhạc sĩ Trịnh đã trở về với cát bụi từ gần hai chục năm, mà đến nay vẫn không có « Trường phái nhạc Trịnh ». Vị trí đặc biệt này là nhờ lời ca loại thể thơ mới, cũng như nói lên tâm trạng cuả giới trẻ VN trong thập niên 65-75. Khi nói đến nhạc Trinh, không thể quên nhắc tới tiếng ca cuả Khánh Ly (KL), như NS. Trịnh đã phát biểu : «…Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly… ». Vậy đâu là những lý do của lời tuyên bố này và kết quả sự cộng tác đó ra sao ?
Cuộc hợp tác Khánh Ly – Trịnh Công Sơn.
Năm 1964 là lần đầu TCS nghe KL hát ở hộp đêm « Tulipe Rouge » tại Đà Lạt. Nhận thấy giọng hát mới này phù hợp với các bài hát mình đang viết, TCS mời KL về Sài Gòn hợp tác trình diễn nhưng bị từ chối vì KL còn yêu thành phố Đà Lạt. Lúc đó, TCS (25 tuổi) đang dạy học ở Blao, đã công bố chính thức « nhạc phẩm đầu tay Ướt Mi » từ năm 59 ; KL (19 tuổi) đang sống với gia đình ở Đà Lạt và đã bắt đầu hát ở các phòng trà từ năm 62, nhưng chưa nổi tiếng. Tại Đà Lạt, KL hay dành thì giờ trên đường đi chợ xin hẹn với TCS tập nhạc cho mình, được khoảng một năm đến khi TCS về Sài Gòn.
Sau ba năm không tìm được ca sĩ nào tương ứng hơn, tình cờ một hôm TCS đã gặp lại KL trên đường Lê Thánh Tôn ở Sài Gòn và đã được KL nhận lời đi hát không thù lao với mình ở Quán Văn và giảng đường các trường Đại hoc. Vào thời gian này, thường ngày TCS tập hát và luyện giọng cho KL. Nhờ KL rất « thính » nhạc, nên tuy không được đào luyện bài bản, nhưng chi cần TCS hát hai lần là KL hát theo đúng được.
Liên hệ giữa TCS và KL được bạn bè nhận định : « … Chị yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy.... Đôi khi trước mặt những người khác, Trịnh vẫn la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ biết cười… ». Trong những tối trình diễn, TCS thường hát mờ đầu các bài ca về dân tộc, rồi tiếp đến là vài bản song ca giữa hai người và sau đó KL hát tình ca, tất cả với tiếng đệm guitare thùng của nhạc sĩ. Sau khi Quán Văn đóng cửa (năm 68), vì lý do thời cuộc TCS sống nhiều với gia đình ở Huế hơn ở Sài Gòn, và không trình diễn trước công chúng. KL có ra Huế thăm TCS ba lần. Mỗi khi về Sài Gòn, TCS đều gặp KL để tập nhạc.
Riêng phần mình, KL đã mở « Hội Quán Cây Tre » ở đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, từ năm 68 đến 70, dựa theo theo chiều hướng của Quán Văn lúc trước và cũng bắt đầu cho thu âm các tập băng « Hát cho quê hương VN ». Năm 70, KL được mời sang Nhật hát « Diễm xưa » và « Ca dao mẹ », qua sự trình bầy bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt, tại Hội chợ Osaka. Năm 72, KL mở « Phòng trà Khánh Ly » trên đường Tự Do. Ở đây, KL đã cống hiến khán giả các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ. Từ 67 đến 75, tất cả các sáng tác mới của TCS đều được đưa qua tiếng hát của KL Năm 75, TCS chọn ở lại VN, còn KL sang định cư ở Hoa Kỳ.
Trong khi nhạc Trịnh bị cấm ở VN, KL vẫn tiếp tục hát nhạc Trịnh ở ngoại quốc và cho thu lại 5 tập băng « Hát cho quê hương VN » cùng với một số băng mới. Năm 79, KL được hãng đĩa Nippon Columbia mời thu điã 10 nhạc phẩm của TCS.
Năm 80, KL qua Nhật dự Đại hội Tân nhạc Á châu để hát « Ca khúc da vàng ». Cùng năm đó, KL đã nhận được lần đầu tiên, bài « Em còn nhớ hay em đã quên », do một nguời không quen gửi từ Mỹ Quốc.
Bắt đầu từ 82, KL liên lạc lại được với TCS bằng thư chuyển trung gian qua Pháp. Từ đó, mỗi khi nhận được sáng tác mới của TCS, KL luôn luôn hát giới thiệu với thính giả ở nước ngoài. Năm 88, KL và TCS được gặp lại nhau trong chốc lát ờ Paris, nhờ « KL đến Paris đi hát theo tour trong lúc Trịnh Công Sơn tình cờ cũng ở đó. Vì nhiều lý do, họ không dễ dàng gặp mặt».
Năm 92 trong lúc TCS sang thăm gia đình ờ Montréal (Canada), KL đã qua gặp TCS hai lần. Năm 97 KL được mời về VN để thu âm cho phim « Tiếng hát của sự đoàn tụ » (kể chuyện đời KL), nhân dịp này KL và TCS tái ngộ lần đầu trên đất nước.
Từ khi cách xa nhau năm 75, KL và TCS hết chính thức hợp tác, nhưng mỗi lần có dịp gặp lại đều đàn hát vui với nhau. TCS và KL « chỉ lẳng lặng theo dõi » nhau chứ không bao giờ chia sẻ các chuyện tâm tư riêng. Tuy TCS và KL đều phát biểu riêng về người bạn tri kỉ ca nhạc của mình, hai người không bao giờ làm phỏng vấn chung.
Tổng kết KL đã hát gần hết các sáng tác của TCS (khoảng 600 bài hát) cùng thu âm nhiều bộ băng, trong đó quan trọng nhất là « Hát cho quê hương VN » và « Ca khúc da vàng ». Bất cứ ở thời điểm nào, Khánh Ly cũng là ca sĩ trung thành nhất với tình yêu nhạc Trịnh.
Năm 2000, Khánh Ly về VN gặp Trịnh Công Sơn lần cuối cùng vì sợ ngày ra đi của TCS « cũng không còn bao xa». Ngày 1/4 năm sau, Trịnh Công Sơn « xa đời ». Được tin, Khánh Ly bị « sốc » phải đi cấp cứu và đã than rằng « một nửa đời tôi đi theo anh Sơn ».
Lý do thành công của sự hợp tác
* Cách diễn tả:Nếu thanh âm là đặc tính của ca sĩ thì cách diễn tả của chính họ mới lột được tinh thần của lời ca. TCS đã công nhận : « Đúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng của tôi nhất ».
* Cách diễn tả:Nếu thanh âm là đặc tính của ca sĩ thì cách diễn tả của chính họ mới lột được tinh thần của lời ca. TCS đã công nhận : « Đúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng của tôi nhất ».
Trịnh Công Sơn cũng được coi như một nhà thơ phổ nhạc của mình. Nhạc sĩ Văn Cao đã phát biểu : « … ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... ». Thơ Trịnh là loại tự do mới, không theo qui luật của thơ cổ điển VN và có tính cách gợi cảm như một bức tranh chấm phá. Ngoài ra âm nhạc Trịnh cũng giản dị không « cấu trúc bác học ». TCS nhận định về nhạc của mình : « Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình… ». Căn bản tình cảm của TCS là « ... Cần có một tấm lòng… Để gió cuốn đi… ». Thành ra cách diễn tả thích hợp với nhạc Trịnh không cần điêu luyện mà cần tự nhiên, gợi cảm ; hoàn toàn phù hợp với lối hát hồn nhiên nhưng tha thiết của Khánh Ly. Ngay cả nét mặt cùng lối đứng gần như « bất động » trong lúc hát của KL (khác hẳn với các ca sĩ khác) cũng thật hoà hợp với lời lẽ kín đáo trong tình ca của TCS và chính sự thiết tha trong giọng hát KL đã làm nổi bật nhạc Trịnh.
Điều đặc biệt : KL là nữ ca sĩ độc nhất đã đơn ca trước công chúng các nhạc phẩm trong « Ca khúc da vàng » của TCS, và khi hát « xuất thần » (KL tự nhận như « nhập đồng »), khiến cho TCS trong lúc kể lại hôm KL được biệt danh là « Nữ hoàng chân đẩt », cũng phải khen như sau : « …Lúc đó hát tại Quán Văn, hát hai bài đầu tôi thấy Khánh Ly mất bình tĩnh đến bài thứ ba tôi nghiêm mặt nói : Em hát phải nghiêm túc hơn, Khánh Ly nghe vậy bỏ luôn đôi giầy cao gót đang mang và đi chân đất. Kể từ bài thứ ba trở đi Khánh Ly hát rất hay với chất giọng rất truyền cảm tôi nghe mà thấy nổi tóc gáy. Với những Ca khúc da vàng Tình ca người mất trí.... Và hát luôn cả mấy chục bài một lúc mà không biết mệt...». Từ đó « Nữ hoàng chân đất » đành mang hài để lên hát.
* Tinh thần làm việc: TCS và KL đều làm việc với sự kỹ lưỡng và tinh thần cầu toàn không hề quản công. Theo lời KL, TCS là người « cầu toàn, toàn bích » ; còn TCS nhận xét về KL : « Trong nghệ thuật, Khánh Ly là một người làm việc rất nghiêm túc và luôn giữ mối quan hệ mật thiết với tác giả để tìm hiểu cặn kẽ những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm » và kể thêm : « … tôi mới viết bài Một cõi đi về mấy tháng trước ngày 30-4-1975. Sau này có dịp gặp Khánh Ly và đưa cho cô bài hát này. Tôi nhớ Khánh Ly cầm và lẩm nhẩm bài hát này từ 7 giờ tối hôm trước đến... 7 giờ sáng hôm sau. Cô đã thức trọn đêm "vật lộn" với bài hát nhờ sự giúp sức của thuốc lá cà-phê đen. Vậy mà cô vẫn cho rằng vẫn chưa "thấm" bài mấy. Người ca sĩ phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm như vậy mới tạo ra những nét sáng tạo riêng trong từng bài hát đồng thời thể hiện chính xác tâm trạng bài hát của nhạc sĩ. ». KL đã là ca sĩ độc nhất được TCS phân tích nghệ thuật nhiều như vậy.
* Sự đồng cảm hoàn toàn giữa đôi « ca-nhạc » sĩ KL-TCS, cho tới mức độ « hiểu nhau mà không cần nói », để có thể gọi là « có một không hai ». KL đến với TCS lúc đầu vì mê hát, sau đó vì mê nhạc Trịnh. TCS tìm tới KL vì nhận ra giọng hát phù hợp với nhạc đang viết của mình, và sau lại được thêm có cùng chí hướng là yêu ca nhạc mà bất kể vật chất. Trong thời gian ở Quán Văn, ngày nào KL & TCS cũng đến đàn hát với nhóm bạn nhạc dù có thính giả hay không và cũng không hề có thù lao. TCS đã tóm tắt về lối sống phóng khoáng của đôi bạn tri kỷ này : « …Chúng tôi đã có một thời chia sẻ cho nhau từng miếng ăn, thức uống. Từ đó, này sinh ra một thứ tình yêu không giống những tình yêu khác. Chúng tôi như hai đứa bạn trai... Có ai đủ can đảm phủ nhận một thời hạnh phúc mà trong đó Khánh Ly và tôi đã tận hưởng từ những tình cảm nhân loại nhất của mọi người… ».
Nhờ « tính tình thẳng thắn, cởi mở và hoà đồng », nên tuy hợp tác với Quán Văn sau TCS, KL cũng được chấp nhận và « yêu mến » ngay trong nhóm sinh viên - nghệ sĩ đó, như lời một người bạn cũ kể lại : « … Nàng không nề hà thức khuya dậy sớm với bọn tôi, cơm hàng cháo chợ, thậm chí chui vào rạp xem xi nê hạng bét vừa xem vừa gặm bánh mì. Rất nhiều đêm sau sinh hoạt ca ngâm hát hò với nhau, Khánh Ly đã ở lại Quán Văn, ngủ lại, một mình thân nữ giữa đám bạn trai nằm la liệt mà không hề có chuyện gì xảy ra. Đúng là “như chuyện thần tiên” … ».
TCS cũng cảm thấy : « …Trong cuộc hạnh ngộ này, người sáng tác và người hát làm thành một thể thống nhất bất khả phân ly. Từ đó, sự hát và ký hiệu trên trang giấy mất đi, nhường chỗ cho một lời tâm sự về đời, về người tưởng như của hai người nhưng thật ra chỉ là một mà thôi… », để đưa đến : «…Lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó… ».
Sự gặp gỡ TCS-KL đúng là một hồng ân đã đưa đẩy cho KL từ một « cô bé Lọ lem », trở « thành nhân » làm « Nữ hoàng chân đất » trên sân trường Đại học Văn khoa, để cả đời chi yêu kính TCS như một « người anh » một « ông thầy » chứ chưa hề như một « tình nhân » ; và cho TCS, với quan niệm : « Sống giữa đời này chi có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên thập giá đời », tìm thấy : « một người bạn lãng đãng trong cuộc đời mà rất thương yêu nhau ». Lúc cuối đời, một nhạc sĩ bạn hỏi Trịnh Công Sơn về tình yêu với Khánh Ly, NS.Trịnh chỉ cười và hát : "Áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau ». Nay tóc đã thay mầu, mỗi năm (từ 2014) « Mai » đều về VN « gọi tên anh Sơn » tại nơi chốn cũ.
Có nhiều người so sánh cặp ca-nhạc sĩ Joan Baez – Bob Dylan với KL - TCS. Nếu kể trên phương diện ca nhạc nghệ thuật thì sự hợp tác của cả hai bên đều mang đến thành công, làm tăng giá trị lẫn cho nhau. Nhưng trong liên hệ tình cảm thì hoàn toàn khác nhau ở điểm : thời gian sống chung của BD và JB đầy sóng gió, với những lần ra đi và trở lại làm đau cả hai người ; trong khi TCS-KL, ngoài các bài ca bất hủ, còn tặng đời một gương rất đẹp về tình bạn đã giúp cho cặp ca-nhạc sĩ Việt cả đời thương quí trọng nhau, làm nơi trú ẩn tinh thần cho nhau. Đó phải chăng là nhờ nhân cách của Trịnh Công Sơn và sự sáng suốt của Khánh Ly?
Tô Lệ Hằng
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)