Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

ANH CHO EM MÙA XUÂN

Anh Cho Em Mùa Xuân - thơ Kim Tuấn - nhạc Nguyễn Hiền - ca sĩ Hồ Hoàng Yến
Mùng 5 tết năm 1962, nhạc sĩ Nguyễn Hiền (lúc đó làm việc trong Bộ Thông Tin) được gửi tặng một tập thơ 40 bài của các tác giả Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn. Trong đó có bài thơ năm chữ Nụ hoa vàng ngày xuân của Kim Tuấn, ông lập tức phổ nhạc trong vòng 1 tiếng. Sáng hôm sau, Kim Tuấn đến gặp, tình cờ chủ hãng đĩa Asia cũng có mặt nên Nguyễn Hiền và Kim Tuấn liền thỏa thuận cho hãng đĩa Asia cho ca sĩ Lệ Thanh hát và thâu đĩa đầu tiên. Sau đó thì nhà xuất bản Tinh Hoa của Lê Mộng Bảo được xuất bản tờ nhạc. Bài hát từ đó được quần chúng yêu thích và nhiều ca sĩ trình bày. Cho đến nay bài hát vẫn còn được yêu thích mỗi độ xuân về, kể cả giới trẻ hiện đại ...
... Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời
Bầy chim lùa vạt nắng
Trong khói chiều chơi vơi...

***

Tác giả Nguyễn Hiền là một nhạc sĩ miền Nam. Cơ duyên đưa đến tay ông bài thơ “Nụ hoa vàng ngày Xuân” của nhà thơ Kim Tuấn vào đầu Xuân 1962. Trong không khí Xuân tràn trề, những câu thơ dễ thương gây cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ ngay thành bài “Anh cho em mùa Xuân” như chúng ta biết sau này.
Nhà thơ Kim Tuấn thì từng ở trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và làm phóng viên chiến trường.
Từ năm 1988, nhạc sĩ Nguyễn Hiền ra hải ngoại định cư ở Quận Cam (thủ phủ người Việt tỵ nạn) nơi ông tham gia hăng hái sinh hoạt cộng đồng.
Nhạc bản “Anh cho em mùa Xuân” xuất xứ như vậy nhưng đã vượt mọi giới hạn và được dân chúng trong nước mến chuộng tới mức chọn là Ca khúc Xuân hay nhất, trên tất cả những bài ca khác.
Nhà thơ Kim Tuấn lìa trần vào đêm Trung Thu 2003 tại Saigon. Do ông có nhiều bài thơ được phổ nhạc, Thy Nga đã dành một chương trình âm nhạc tưởng nhớ ông. Trong chương trình đó, Thy Nga đã phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Hiền về tình cảnh ông viết nên bài “Anh cho em mùa Xuân”. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền thuật lại:
Nói về bản nhạc ấy, xuất xứ của nó là vào năm 1962, mùng 5 Tết hãy còn hương vị Tết, tôi đi làm, thấy có một tập thơ để trước bàn tôi ở văn phòng, nhan đề là 40 bài thơ của Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn và một nhà thơ khác.
Lật xem thì tôi thấy có bài thơ 5 chữ tên là “Nụ hoa vàng ngày Xuân” thấy hay hay thì tôi mới nảy ý phổ nhạc. Tôi hoàn tất trong buổi sáng hôm đó. Đến sáng hôm sau thì có một nhà thơ trẻ, xưng danh là Kim Tuấn “Đến gặp anh để hỏi thăm là hôm qua có để cái tập 40 bài thơ thì anh đã nhận được chưa?”
Tôi bảo“Nhận được rồi, mà có một bài chắc là của anh, tên nó là “Nụ hoa vàng ngày Xuân” thì tôi đã phổ rồi nhưng mà tôi đặt tựa đề, lấy câu thơ đầu là “Anh cho em mùa Xuân”.
Nghe thế, anh ấy rất vui mừng.
Cái bài ấy, thơ 5 chữ, nét nhạc đầu tiên thì tôi dùng ba câu

 Anh cho em mùa xuân


Nụ hoa vàng mới nở
 Chiều Đông nào nhung nhớ”
thì buồn cười là ghép 3 câu thơ thành một câu nhạc. Từ cái ý nhạc ấy, chúng tôi phát triển.   
Nó cũng là cái duyên văn nghệ cho tôi hoàn thành bài đó. Giám đốc hãng dĩa Asia bảo đưa để cho Lệ Thanh hát thâu vào dĩa. Thế rồi đài phát thanh cũng trình bày, thành ra tên tuổi của Kim Tuấn tự nhiên được mọi người biết đến.
Từ đó, quan hệ giữa tôi với anh ấy rất là vui vẻ và trong cái duyên văn nghệ.”



Kỷ niệm với nhà thơ Kim Tuấn

Thời gian đó, Kim Tuấn ở Pleiku, là giáo sư Anh văn đồng thời là thông dịch viên tại Quân Đoàn 2 tuy nhiên ông vẫn làm thơ đăng đều đặn trên các tờ báo văn học.
Sau biến cố 1975 thì ông xuống ở hẳn tại Saigon, đi dạy tiếng Anh, và dạy nghề cho những trẻ bụi đời tại Khánh Hội. Mãi đến năm 1990, ông mới xuất bản tập thơ “Thời của trái tim hồng” trong đó, thay lời bạt, Kim Tuấn nói “đôi điều với bạn yêu thơ” về đời mình, về lý do vì sao không làm thơ trong một thời gian dài:
“Gần 15 năm nay, tôi rất ít làm thơ. Thơ để làm gì giữa những mưu toan của cuộc sống. Bởi vậy nếu có dăm bài thơ trong 15 năm ấy chính là lúc tôi yêu thơ vô cùng, chính là lúc trái tim-thơ-tôi thúc bách tôi phải biến những lời phán truyền của nó thành con chữ. Xin bạn hiểu cho, tại sao lại chỉ có những bài thơ tình yêu ...” 
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể tiếp về kỷ niệm với nhà thơ Kim Tuấn:
“Tôi cũng bị ở lại mất 13 năm. Trong thời gian đó, anh Kim Tuấn hay gặp tôi. Đạp xe đạp ở ngoài đường gặp nhau thì kéo vào quán cà-phê tâm sự.
Ba ngày trước khi tôi có giấy máy bay để đi sang Hoa Kỳ năm 1988, chúng tôi có một cái kỷ niệm riêng là anh ấy rủ tôi đi uống cà-phê sữa và cacao của Hoà Lan mà đối với ở Việt Nam lúc đó thì nó là món sang trọng. Anh ấy mua mấy điếu thuốc có cán (cười) đãi mình thì cũng là vui vẻ. Lúc bấy giờ là chia tay nhau, và đó là buổi cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Đến bây giờ thì nhận được tin anh ấy mất.”    
Đêm Trung Thu 2003, Kim Tuấn đi dự lễ phát quà cho trẻ em nghèo tại trường ông dạy học, trở về thì bị stroke và qua đời.
“... Đất mẹ gầy cỏ lúa
     đồng ta xanh mấy mùa
     Con trâu từ đồng cỏ
     giục mõ về rộn khua
     Ngoài đê diều thẳng cánh
     trong xóm vang chuông chùa
     chiều in vào bóng núi
     câu hát hò vẳng đưa
     Tóc mẹ già mây bạc
     trăng chờ trong liếp dừa ...”
                                (trích bài thơ “Nụ hoa vàng ngày Xuân”)
Bài thơ cũng như nhạc khúc ấy dường như đem cả khung trời mùa Xuân quê nhà đến với những người Việt xa quê hương.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền từ trần ngày 23 tháng 12, 2005 tại Quận Cam, Nam California.
(Theo RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét