Phương Tôn
– Điều Kỳ Diệu Trong Đêm Giáng Sinh
– Điều Kỳ Diệu Trong Đêm Giáng Sinh
Đây là một câu chuyện thật được đưa vào lịch sử, xảy ra vào Giáng Sinh năm 1914, giữa cao điểm của trận thế chiến thứ nhất, sau nhiều tuần lể giao chiến một bên là quân Đức còn bên kia là liên quân Anh, Pháp và Bỉ. Cả hai bên bắn giết lẫn nhau thật kinh hoàng. Như trong cơn say máu, quân lính lao vào để tàn sát lẫn nhau như những kẻ thù truyền kiếp. Nhưng rồi như một Phép lạ hiện xuống, binh lính của hai phía tại mặt trận miền Tây bổng nhiên hạ súng để cùng nhau ăn mừng đêm Thiên Chúa ra đời.
Ban đầu chỉ có một giọng ca đơn độc được cất lên : “Stille Nacht, Heilige Nacht… – Đêm yên bình, đêm Thánh vô cùng…” trên bãi chiến trường đang đẫm đầy máu và khói súng.
Tiếng ca ban đầu trông thật lẻ loi tội nghiệp, thật vô vọng trên một mảnh đất mà nhiều ngày tháng qua chỉ có tiếng súng, tiếng khóc vì sợ hãi, tiếng la hét căm thù cộng thêm những tiếng rên rĩ vì đau đớn. Làm sao có được một „Đêm yên bình, đêm Thánh vô cùng…“ ở vùng đất Chết này! Tiếng hát của một anh lính Đức nào đó vẫn tiếp tục cất lên dù chỉ không đầy một trăm mét đối diện, dưới các lũy hào, quân Anh vẫn bất động không phản ứng. Nhân tính con người đang bị đánh thức quá đột ngột, không kịp phản ứng vì dường như người ta đang bị tê liệt cảm giác sau những giờ phút quá sức kinh hoàng.
Tiếng ca lẻ loi chưa đánh động được quân Anh nhưng đã dần dần nhóm lên ngọn lửa nhân bản trong lòng người lính Đức. Bên này chiến hào, quân Đức bắt đầu sôi nỗi lên với một vài giọng ca tiếp sức rồi đến hàng trăm, cuối cùng thì đến hàng ngàn con người cùng ngân cao:
“Stille Nacht, Heilige Nacht…
Đêm yên bình, đêm Thánh vô cùng… “
Khi tiếng hát cuối cùng chấm dứt, thời gian như dừng lại, cả không gian yên tĩnh như ngừng đọng, tĩnh mịch không một tiếng động. Yên ắng đến nỗi tuồng như người ta có thể nghe tiếng thổn thức từ những con tim đang khao khát được một giây phút thảnh thơi không tiếng súng, khỏi phải thấy máu đổ và không phải nghĩ về cái chết. Và rồi, tuồng như một Phép lạ đã hiện ra, chỉ sau một đôi phút yên lặng bổng có tiếng vỗ tay cùng những tiếng la hú vang vọng không gian yên tĩnh, phá đi cái tĩnh mịch của thần Chết đang chiếm ngự, không phải từ một mà đến cả hàng ngàn người từ chiến tuyến quân Anh:
“Good, old Fritz” (hết sẫy đấy anh bạn già Fritz – „Old Fritz, Der alte Fritz: Một kiểu người Anh gọi người Đức)
“Encore, encore” (thêm nữa đi, thêm nữa đi) hoặc:
“More, more”.
Để đáp lại, quân Anh cũng hòa mình theo niềm vui mà cùng cất cao tiếng hát bài ca “Merry Christmas, Englishmen” quen thuộc. Không những chỉ biểu hiện thiện chí qua tiếng hát, quân Anh còn đi xa hơn để đạt được một cuộc ngưng bắn tự phát không do London, không do Berlin sắp xếp trước, họ la gào lên:
” We not shoot, you not shoot” (chúng tôi không bắn, thì bạn cũng đừng bắn)
Và cũng để tránh hiểu lầm về khao khát hòa bình của mình, quân Anh liền cho đặt những cây nến thắp sáng trên khắp chiến hào. Đây là một điều tối kỵ trong chiến tranh vì chỉ với ánh sáng lấp lóe của một điếu thuốc lá trong đêm tối đã có thể là mục tiêu nhắm bắn của quân địch huống gì là những dải ánh nến chiếu rọi chiến hào.
Qua ánh sáng lờ mờ, bên chiến hào Đức bổng có bóng dáng của một người đàn ông đứng lên. Với giọng ca thật mạnh và thật đúng điệu Anh, anh ta vừa đi vừa hát bài ca của Annie Laurie, bài ca mà ngay cả một đứa bé nhỏ bên Anh cũng còn biết, nay lại được một người của quân thù, của một người Đức hát cao đã làm quân Anh xúc động:
We wish you a merry Christmas,
We wish you a merry Christmas,
We wish you a merry Christmas,
And a Happy New Year!
Good tidings we bring for you and your kin;
We wish you a merry Christmas,
We wish you a merry Christmas,
And a Happy New Year!
Good tidings we bring for you and your kin;
Anh ta vừa hát vừa từ từ tiến đến chiến hào của quân Anh rồi cất cao giọng: “Tôi là một Trung Úy của quân Đức, Gentlemen! mạng sống của tôi hiện nằm trong tay của các bạn. Tôi đã ra khỏi chiến hào và đang đi đến các bạn. Xin gửi một Sĩ quan đến gặp tôi trên nữa đoạn đường giữa chúng ta.”
illustrated_london_news_-_christmas_truce_1914Dần dần hình bóng của viên Trung Úy càng hiện rõ trong sương mù, hàng trăm họng súng chỉa thẳng đến anh. Bổng nhiên bên phía quân Anh lại có một người đàn ông trèo lên chiến hào rồi chui qua hàng rào kẻm gai, tiến về phía anh trung úy Đức. Nay thì không còn mệnh lệnh nào có thể ngăn chận anh người Anh này lại được nữa. Anh ta tiến thẳng đến viên Trung Úy người Đức. Họ bắt tay, ôm nhau, miệng vừa nói tay vừa cởi vất súng xuống đất.
Quân Đức làm tiếp thêm một hành động thật ngoạn mục. Đem quà sang tặng cho quân Anh: Một cành thông Giáng Sinh thắp sáng sẵn với những ngọn nến lung linh nghiên ngã theo gió lạnh được đem đến tận chiến hào quân Anh.
Súng vẫn không nổ, điều kỳ diệu đã xảy ra. Cách đây chỉ một vài tiếng đồng hồ có ai có thể nghĩ ra cảnh những „con thú đang say máu“ lại buông vũ khí để ôm chầm lấy nhau?
Suốt đêm, quân lính ca hát những bài Giáng Sinh theo ngôn ngữ của mình. Dù ngôn ngữ hai bên có khác biệt đi chăng nữa nhưng tình người đã đã vượt lên, họ chia nhau những món quà nhận được. Vào dịp Giáng sinh, binh lính Anh nhận được quà như là Shocolade, bánh, thuốc lá từ công chúa Mary của họ. Lính Đức cũng nhận được quà Giáng sinh như là đồ ấm bằng len, thực phẩm, rượu, thuốc lá và hàng chục ngàn cây thông giáng sinh nhỏ. Chia cho nhau để mừng đêm Chúa ra đời. Chia cho nhau như để tự an ủi, để như thầm nói với nhau, chúng ta chỉ là những quân cờ vô tội của một đám người lãnh đạo vô lương.
christmas_day_football_wwi_1914Qua ngày hôm sau, họ dành thì giờ để chôn cất xác chết các binh lính tử trận lâu nay bị tuyết lấp phủ. Ngồi tâm sự chuyện gia đình, cho nhau xem hình ảnh của vợ con hoặc cùng nhau đá banh giải trí. Đây là một trận banh đi vào lịch sử, trở thành một biểu tượng mãi mãi của thể thao, là hình ảnh luôn luôn đối nghịch với chiến tranh. Đúng ra Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (Fédération Internationale de Football Association – FIFA) nên dùng tinh thần của trận banh này để làm tuyên ngôn (Manifest) cho ngành bóng đá vì hòa bình, không biên giới hận thù. Trận banh giữa các chiến hào tại mặt trận miền Tây vào Giáng sinh 1914 gây ấn tượng sâu đậm cho George Orwell (1903-1950), nhà văn người Anh gốc Ấn: „Thể thao là một cuộc chiến không tiếng súng“. Nói cho đúng ra, ngày Giáng sinh năm đó không chỉ có một trận banh mà đã xảy ra nhiều trận „chơi banh“ thì đúng hơn. Binh lính „chơi banh“ không cần trọng tài, không cần khung thành, không cần cỏ xanh, bất cần luật lệ và ngay cả không có trái banh. Thử hỏi có ai không mủi lòng khi nghĩ đến hình ảnh những người lính nhảy nhót, xô đẩy, lôi kéo nhau, ôm nhau lăn đùng trên nền đất, cười đùa như những đứa trẻ con. Những „đứa trẻ con râu tóc nhồm nhoàng“ chơi banh như để xả stress, nói theo lối nói thời thượng ngày nay. Chơi banh theo kiểu triết lý „Quẳng gánh lo đi mà vui sống“, được vui sống một vài giây phút rồi có chết cũng đành lòng. Một trận banh lịch sử của nhân loại, một trận banh của hơn một trăm ngàn binh lính dọc trận tuyến miền Tây. Một trận banh đã diễn ra ngay nơi có hơn một triệu binh lính đã ngã gục, hy sinh vô nghĩa chỉ vì những tham vọng, mưu đồ quyền lực cá nhân, mãi mãi không bao giờ được tham dự.
Quân lính bổng nhiên nhận ra cái vô lý từ đâu đưa đến mà họ phải oan ức gánh chịu, họ phải hy sinh mạng sống cho những tham vọng không liên quan đến họ nên cùng nhau cất tiếng đòi hỏi: “Schluss mit dem Krieg, no more war, à bas la guerre – Chấm dứt chiến tranh”. Chúng tôi chỉ muốn được sống, muốn được trở về cùng gia đình mà thôi.
Nhưng chỉ sau hai ngày vui đùa thoải mái thì lệnh trên từ hai phía được truyền xuống: „Chấm dứt cuộc ngưng chiến. Ai không thi hành sẽ bị xử lý tại chổ“. Sức mạnh của những con quỷ dữ tại London, tại Berlin bao trùm lên họ. Không thể làm gì khác hơn là phải tuân lệnh. Tuy nhiên để vớt vát phần nào, binh lính lại giao hẹn với nhau là chỉ bắn lướt qua đầu mà thôi. Tuy nhiên cái giao hẹn đậm chất người đó chỉ được thi hành nội trong vòng một ngày duy nhất, sau đó thì đâu lại vào đấy. Họ trở lại tiếp tục chém giết nhau. Cuộc chiến tàn bạo, vô lý nhất của loài người đã làm thiệt mạng hơn một triệu người, mãi đến năm 1918 mới chấm dứt.
“Stille Nacht, Heilige Nacht… – Đêm yên bình, đêm Thánh vô cùng…” chỉ với bài ca ngắn, không nhiều, chỉ cần một đêm ngắn ngũi nhưng biết bao sinh mạng đã được cứu thoát. “Stille Nacht, Heilige Nacht… – Đêm yên bình, đêm Thánh vô cùng…” đúng là một đêm kỳ diệu cho những người lính bé nhỏ vô tội.
*********
Nhưng vì sao Thiên Chúa lại chỉ ban cho một đêm kỳ diệu vào Giáng sinh 1914? Thế giới ngày nay vẫn đang mong đợi, không chỉ một đêm mà hàng vạn đêm yên bình kỳ diệu như vậy. Những đứa trẻ ngây thơ vô tội đang ở trong vòng vây tại Aleppo, Syria đang ngóng đợi những đêm yên bình kỳ diệu để khỏi nghe tiếng bom đạn đang trùm lên đầu chúng. Cần lắm những đêm yên bình kỳ diệu để đám người đi tỵ nạn chiến tranh không còn phải bỏ mạng trên vùng biển Đại Tây Dương lạnh lẻo. Cần lắm những đêm yên bình kỳ diệu để người dân vô tội trên toàn thế giới được hưởng một nền hòa bình nhân ái.
Phương Tôn
Giáng sinh 2016